Sự thật gây sốc về "cha đẻ" cuốn sách "Nghĩ giàu và làm giàu": Kẻ lừa đảo tiền từ thiện siêu đẳng

Các bạn biết đấy, kết cục của những kẻ lừa đảo từ thiện không bao giờ tốt đẹp. Và tác giả của sách "dạy làm giàu" là một minh chứng.

Đỗ Thu Nga
10:00 14/09/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tác giả Napoleon Hill của cuốn sách "Nghĩ giàu và làm giàu" (Think and Grow Rich) có lẽ chẳng còn xa lạ gì với nhiều người đọc của dòng sách "Self Help" (tự phát triển bản thân) đầy lôi cuốn và giúp nhiều người vươn lên từ những lời tâm huyết của mình.

Thế nhưng ít ai ngờ tới rằng điều tra của phóng viên Matt Novak theo tờ Gizmodo lại cho thấy tác giả này là một kẻ lừa đảo nổi tiếng nhất thời đại, thậm chí lừa cả tiền từ thiện để rồi kết thúc bi thảm, qua đời trong cô độc và nghèo khó.

Vào năm 1922, Napoleon Hill lúc này còn chưa nổi tiếng với dòng sách tự phát triển bản thân, đã mở trường Intra Wall Correspondence School với mục tiêu kêu gọi quyên góp để giáo dục các tù nhân trong trại giam Ohio, qua đó giúp họ tái hòa nhập cộng đồng dễ hơn.

Thế nhưng ngôi trường này chỉ là một bình phong để Hill lừa đảo tiền từ thiện, chào bán tạp chí của mình cũng như các khóa học làm giàu khác.

tac-gia-sach-nghi-giau-lam-giau-la-ke-lua-dao-tien-tu-thien-0
Tác giả Napoleon Hill

Tờ Mansfield News tại Ohio vào ngày 21/12/1923 đã ghi lại rằng Hill dễ dàng kiếm được 1.000 USD, tương đương 14.000 USD theo tỷ giá hiện nay, chỉ bằng một chuyến đi kêu gọi từ thiện. Ông thường nhắm đến các nhà thờ và người theo đạo, đồng thời không ở quá lâu tại mỗi thị trấn để kêu gọi quyên góp.

Dĩ nhiên, chẳng có đồng nào được chuyển cho nhà tù bang Ohio cả. Trả lời tờ Mansfield năm 1923, quản lý nhà tù P.E.Thomas cho biết họ chưa bao giờ nhận được một xu nào từ Hill.

Tuy nhiên sau nhiều lần vào tù ra tội, lần này Hill đã học khôn khi để một kẻ nhiều tiền án là Butler R Storke làm hiệu trưởng trường Intra. Bởi vậy khi vụ việc vỡ lở, chính Storke phải quay lại nhà tù chứ chẳng ảnh hưởng gì đến Hill.

Tất nhiên kết cục của tác giả này chẳng tốt đẹp gì khi sống cô độc và nghèo khó cuối đời, sẵn sàng làm bất cứ thứ gì để có vài đồng sống qua ngày.

Khởi nguyên

Oliver Napoleon Hill sinh năm 1883 tại Virginia, là con trai của một bác sĩ nha khoa không có chứng chỉ hành nghề-James Hill và một kẻ buôn rượu lậu, bà Sara. Năm 9 tuổi, mẹ của Hill mất vì bạo bệnh và bố ông đi bước nữa với người mẹ kế Martha.

Theo những cuốn sách viết về cuộc đời của Hill, ông kết hôn năm 15 tuổi sau khi khiến cho một cô bé mang thai dưới áp lực của người bố đằng gái đang vô cùng giận dữ. Thế nhưng không lâu sau lễ cưới, cô dâu mới thừa nhận Hill không phải bố của đứa trẻ.

Mặc dù cuộc kết hôn này bị hủy bỏ sau đó nhưng nó đã để lại vết thương đầu đời cho Hill.

Bước sang tuổi 17, dù nhà nghèo nhưng dưới sự quản thúc của Martha, Hill đã tốt nghiệp được cấp 3 và lên Virginia học đại học. Trong khoảng thời gian này ông có đi làm thêm và được bổ nhiệm làm quản lý một khu mỏ 350 người của doanh nhân Rufus Ayres. Sự trung thực và tính toán chi li đến từng con số được cho là nguyên nhân khiến Hill được cất nhắc. Lúc này, Hill mới 19 tuổi.

Tuy nhiên theo những gì tờ New York Times ghi lại vào năm 1995, Hill liên quan đến một vụ che đậy giết người và nhờ công lao này, Ayres đã thưởng cho chàng trai 19 tuổi lên làm quản lý mỏ.

Đến giai đoạn 1903-1908, các cuốn sách viết về cuộc đời Hill trong thời gian này đều lược bỏ khá nhiều. Phần lớn đều cho biết ông tốt nghiệp đại học ngành luật, đi làm phóng viên bán thời gian và là quản lý cho một hãng gỗ.

Thế nhưng từ những tờ báo mà Novak thu thập được trong khoảng thời gian này, sự thật về Hill mới dần sáng tỏ. Năm 1903, Hill cưới bà Edith Whitman và sinh một người con gái vào năm 1905. Cuộc sống gia đình của Hill đầy bạo lực và bất ổn.

Đến tháng 6/1907, Hill đến Alabama và tham gia buôn gỗ với doanh nghiệp mang tên "The Acree Hill Lumber Company" theo hồ sơ lưu lại. Năm 1908, ông bị bắt vì dùng gian lận thanh toán bằng séc nhưng được thả sau đó khi đã bồi thường thiệt hại.

Mặc dù vậy, cú lừa lớn nhất của Hill lại bắt đầu với ngành buôn gỗ. Cùng năm 1908, Hill mua gỗ chịu (chưa trả tiền) từ các nguồn khá xa xôi như Georgia, Florida, Indiana... để mang về bán phá giá tại Alabama. Tất nhiên, ông chỉ nhận tiền mặt chứ không lấy séc.

Đến nửa cuối năm 1908, thông tin Hill lừa đảo lan rộng trong ngành buôn gỗ và các chủ nợ nháo nhào tìm ông, nhưng Hill đã bỏ trốn khỏi văn phòng vào tháng 9/1908. Điều này được khẳng định trên tờ Pensacola Journal đăng ngày 17/10/1908: "Sự vắng mặt của O.N.Hill dưới vai trò giám đốc hãng gỗ Acree Hill Lumber đang khiến các chủ nợ lo lắng. Ông Hill đã không có mặt tại văn phòng kể từ ngày 8/9".

Trong khi đó, bài điều tra của tờ Lumberman đăng ngày 1/11/1908 thì cho biết Hill đã nói với thư ký của mình rằng ông đi thăm vài xưởng gỗ, để rồi biến mất luôn.

Lệnh truy nã Hill đã được Tòa án bang Alabama phát ra, đồng thời công ty gỗ của ông cũng bị siết nợ. Tuy nhiên Novak chưa tìm hiểu được nhà lừa đảo này thoát tội bằng cách nào.

Tất cả những gì chúng ta biết hiện nay là vào tháng 12/1908, Hill đã bỏ chạy đến thủ đô Washington, thay đổi tên họ với một câu chuyện bịa đặt về lý lịch của mình, như chuyên gia ngành ô tô, nhà giáo dục học, chuyên gia bán hàng...

Đây là thời điểm Hill chính thức dùng tên mới Napoleon Hill thay vì có họ Oliver như trước.

Andrew Carnegie

Theo những gì mà Hill ghi lại trong cuốn tự truyện của mình thì năm 1908 là năm bản lề khi ông được gặp tỷ phú huyền thoại Andrew Carnegie. Nhờ được truyền thụ những bí kíp làm giàu và nguyên tắc thành công từ Carnegie mà Hill phát triển được tư duy về làm giàu.

Cũng theo Hill, chính Carnegie đã giới thiệu ông với những doanh nhân thành công khác tại Mỹ để phỏng vấn cách họ làm giàu, từ Thomas Edison, henry Ford cho đến Alexander Graham Bell. Công trình này kéo dài 20 năm và Carnegie chẳng trả công cho ông, thay vào đó Hill có thể học hỏi từ những doanh nhân này.

Tất cả những lời lẽ trên của Hill theo Novak là hoàn toàn dối trá. Cuộc điều tra của nhà báo này cho thấy phần lớn năm 1908 của Hill ngập trong sự trốn tránh của cơ quan chức năng do liên quan đến những vụ kiện ly hôn, lừa đảo và tranh chấp tài sản.

Nhà báo Novak cho biết những người viết tiểu sử đáng kính nhất của tỷ phú Carnegie khẳng định 2 người đàn ông trên chưa bao giờ gặp nhau và những chi tiết trò chuyện giữa 2 người hay lời khuyên của Carnegie trong cuốn sách của Hill hoàn toàn là bịa đặt.

Lừa đảo đa cấp

Trên thực tế, Hill đã phải trốn chạy các chủ nợ trong năm 1908. Bước sang năm 1909, ông thành lập nên trường nghề "Automobile College of Washington" với lời quảng cáo tràn ngập trên báo rằng chỉ với 6 tuần đào tạo là có thể biến một người thường thành công nhân lành nghề lắp ráp ô tô, vốn đang cực kỳ thiếu nhân lực.

Các học viên được cam kết sẽ nhận khoảng 75-200 USD/tuần (tương đương 5.000 USD theo tỷ giá hiện nay) sau khi kết thúc khóa học và đi làm việc. Điều này được chứng thực trên tờ Washington Post đăng ngày 10/10/1909.

Tuy nhiên theo điều tra của Novak, ngôi trường này đơn thuần chỉ là chỗ tuyển dụng lao động miễn phí cho các công xưởng ô tô. Các học viên sẽ phải trả tiền "học phí" cho Hill để lắp ráp tại nhà máy Carter Motor Corporation chi nhánh Washington. Chính hãng Carter đã có thỏa thuận với Hill để trả tiền cho những nhân công giá rẻ này. Vậy là trùm lừa đảo Hill lấy tiền từ cả 2 phía trong suốt những năm 1910-1911.

tac-gia-sach-nghi-giau-lam-giau-la-ke-lua-dao-tien-tu-thien
Automobile College of Washington

Cũng trong thời gian này, Hill kết hôn lần thứ 3 với một tiểu thư nhà giàu. Thế nhưng vụ lừa đảo của Hill vỡ lở vào năm 1912 khi hãng xe Carter phá sản do chất lượng quá kém, nhất là khi những công nhân toàn tay mơ chẳng hiểu mình đang làm gì, trong khi nhiều sinh viên tố cáo Hill lừa tiền họ.

Tuy nhiên Hill đã nhanh chóng xoa dịu dư luận bằng cách chuyển hướng, thay vì đào tạo họ lắp ráp xe thì chuyển sang hướng dẫn họ bán...ô tô.

Tờ Motor World năm 1912 đã đăng bài nói về khóa học bất thường của Hill khi cam kết mỗi học sinh sẽ kiếm được 4.800 USD/năm hoặc 400 USD tiền hoa hồng cho mỗi chiếc xe trị giá 2.250 USD.

Điều đáng ngờ là mỗi học viên sẽ kiếm được thêm 3 USD cho mỗi người mới họ giới thiệu vào đường dây bán hàng này. Mô hình này chẳng khác gì bán hàng đa cấp ngày nay.

Bất chấp cố gắng cũng như khoản vay 4.000 USD từ gia đình nhà vợ giàu có, trường dạy nghề của Hill vẫn phá sản trong năm 1912. Ông phải chuyển về ở rể nhà vợ tại Lumberport .

Không lâu sau, nhờ mối quan hệ gia đình vợ mà ông xin được vào làm giảng viên ngành Luật trường LaSalle Extension University tại Chicago, dù bản thân Hill chưa từng tốt nghiệp cũng như làm nghề gì liên quan đến mảng này.

Cố vấn Tổng thống?

Sau khoảng thời gian làm giáo viên luật, Hill bỏ việc và lại một lần nữa mở trường George Washington Institute vào năm 1915, chuyên dạy học cách làm giàu và sự tự tin vào bản thân. Rút kinh nghiệm từ lần trước, Hill đã lừa đảo theo kiểu khác chặt chẽ hơn.

Tạp chí Postage mô tả trường học của Hill như một công ty cổ phần khi nhà sáng lập định giá chúng 100.000 USD, chia thành 10.000 cổ phiếu. Ông Hill giữ 51% cổ phần và bán số còn lại cho sinh viên với giá 10 USD/cổ. Tuy nhiên thực tế công ty được Hill định giá 100.000 USD này hoàn toàn chẳng có giá trị gì.

Tháng 3/1918, các cơ quan chức năng bắt đầu vào cuộc điều tra ngôi trường của Hill với tội danh lừa đảo tài chính. Tờ Chicago Daily Tribune đăng tải báo cáo điều tra cho thấy ngôi trường của Hill chỉ có vài cái bàn, ghế, máy in cùng một số thứ đồ linh tinh khác trị giá khoảng 1.200 USD.

Tuy nhiên đây mới chỉ là một cách kiếm tiền của Hill khi ông còn lừa học phí của sinh viên. Cụ thể, Hill đã thành lập nên quỹ First National Trust Association và mời gọi sinh viên vay tiền từ họ để đóng học phí với lãi suất 5%.

Như vậy là các sinh viên sẽ vay tiền từ chính tiền học phí họ đóng cho Hill để đóng lại cho ông, sau đó hoàn trả lại số nợ này cộng thêm 5% lãi suất.

tac-gia-sach-nghi-giau-lam-giau-la-ke-lua-dao-tien-tu-thien-9
Tài liệu nói về vụ lừa đảo của Napoleon Hill tại George Washington Institute

Tháng 6/1918, lệnh bắt Hill được Tòa án ký và ông bị truy tố. Hiện chưa rõ Hill đã giải quyết vụ việc thế nào và có hoàn tiền cho sinh viên không nhưng từ những cuộc lừa đảo tiếp theo trong các năm sau, chứng tỏ Hill đã bằng cách nào đó thoát tội.

Bất chấp thực tế trên, cuốn hồi ký của Hill nhớ về những năm tháng cuối Thế chiến I rất khác. Vị tác giả này cho biết mình đã được mời làm cố vấn cho Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson để giúp chấm dứt chiến tranh. Ông Hill cho biết mình nhận lời đề nghị này mà không lấy một đồng nào, làm việc chỉ vì lòng yêu nước.

Hài hước thay là trong tình trạng gần như phá sản, Hill lại đi làm không công vì lòng yêu nước, trong khi ngài Tổng thống còn chẳng biết chuyên ngành của Hill là gì.

Theo điều tra của Novak, câu chuyện cố vấn này cũng là trí tưởng tượng bởi không có một dữ liệu nào ghi lại việc Tổng thống Wilson bổ nhiệm Hill làm cố vấn.

Sau khi trường George Washington Institute đổ bể, Hill sáng lập nên tờ tạp chí Hill’s Golden Rule chuyên giúp các công ty lừa nhà đầu tư. Tháng 10/1919, Ủy ban thương mại liên bang Mỹ đã phạt tờ báo của Hill về tội lừa đảo quảng cáo.

Thomas Edison

Một trong những bức hình hiếm hoi mà Hill có được với người nổi tiếng là Thomas Edison. Tờ Specialty Salesman Magazine vào năm 1923 đã mô tả cuộc gặp này khá bình thường khi Hill tự nhận là chủ biên tạp chí muốn trao huy chương cho Edison vì những đóng góp của ông. Tất nhiên nhà phát minh đồng ý, ngay cả với việc chụp ảnh chung.

Thế nhưng những gì Hill chú thích về tấm ảnh lại khác xa thực tế: "Hai người Mỹ nổi tiếng - Thomas A.Edison (trái) và Napoleon Hill (phải). Ông Edison là nhà phát minh của máy ghi âm, đèn điện, ảnh động và nhiều nhiều thứ khác nữa phục vụ cho nhân loại. Ông Hill là chủ bút của tạp chí Napoleon Hill và tờ The New Philistine. Ông tin tưởng vào Quy Luật Vàng (Golden Rule), quy luật của mọi hành vi ứng xử của con người. Edison sinh ra trong một gia đình nghèo và bắt đầu sự nghiệp như một cậu bé rao báo trên tàu. Hill bắt đầu sự nghiệp làm việc trong một mỏ than. Cả hai đều đã đạt được đỉnh cao danh vọng nhờ những nỗ lực tự thân."

Sau khi nhận được huy chương, Edison quyết định trả lại nó cho Hill mà không có lời bình luận nào thêm.

Trên thực tế, hầu hết những nhân vật mà Hill nói rằng mình đã gặp, ngoài Thomas Edison ra thì chẳng có bằng chứng nào cả. Phía Hill cho biết ông có nhiều giấy tờ, ảnh chụp để chứng minh nhưng chúng đã cháy rụi trong một vụ hỏa hoạn giữa thập niên 1920.

Ông tổ dòng sách ‘Self Help’

Vào đầu năm 1928, Hill đánh hơi được cơ hội kiếm tiền từ mảng xuất bản sách tự phát triển bản thân (Self Help) cũng như bí quyết làm giàu. Đây là giai đoạn kinh tế Mỹ bắt đầu lâm vào cuộc Đại suy thoái thập niên 1930 và tất nhiên ai cũng muốn quên đi nỗi đau thực tại để học về cách làm giàu.

Nhờ nhà vợ giàu có mà Hill vay tiền viết cuốn "Law of Success". Vì đã phá sản nên Hill phải đi mượn tiền của anh rể để may một bộ vest tử tế, thuê phòng khách sạn hạng sang ở Philadelphia nhằm tạo ấn tượng cho nhà xuất bản Andrew Pelton trong việc đồng ý xuất bản cuốn sách. Mỗi lần gặp mặt Pelton là Hill lại vung tiền boa khắp khách sạn, từ cậu bé sách hành lý cho đến nhân viên lễ tân để chứng tỏ sự "thành công" của bản thân.

Cuối cùng Pelton cũng đồng ý và cuốn sách bán chạy vì hợp thị hiếu người đọc, dù chính Pelton cũng phải thừa nhận chúng không thực sự là một cuốn sách hay.

tac-gia-sach-nghi-giau-lam-giau-la-ke-lua-dao-tien-tu-thien-7
Tấm ảnh chụp chung cùng Thomas Edison bị Napoleon Hill dùng để đi lừa bịp mọi người

Đầu năm 1929, nhờ tiền bán sách mà mỗi tháng Hill kiếm được khoảng 2.500 USD, tương đương 35.000 USD hiện nay. Tuy nhiên số tiền này chẳng là gì so với lối sống xa hoa, mong chứng tỏ độ thành công của mình trong giới thượng lưu của Hill.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, Hill đưa người vợ Florence cùng các con về một căn hộ hạng sang ở New York sinh sống. Tuy nhiên cuộc Đại suy thoái 1930 đã tác động đến Hill khi ông chẳng làm ăn gì ngoài tiền bán sách.

Giữa thập niên 1930, bà vợ Florence cùng các con lại một lần nữa phải dọn về nhà mẹ đẻ khi Hill bán căn hộ sang trọng đi trả nợ. Cuốn "The Magic Ladder to Success" mà Hill trông chờ để vực lại sự nghiệp chẳng thể xuất bản và ông chính thức phá sản, quay lại đời ăn bám nhà vợ.

Nghĩ giàu và làm giàu

Sau thất bại này, Hill tiếp tục mở một tờ tạp chí mới mang tên Inspiration Magazine để đi lừa đảo. Năm 1933, Hill tự hào tuyên bố chính quyền Tổng thống Mỹ Franklin D Roosevelt đã tiếp cận mình để mời làm cố vấn khôi phục lại nền kinh tế Mỹ. Tất nhiên, câu chuyện này lại là bịa đặt khi Hill phá sản, ăn bám nhà vợ trong khi Novak chẳng tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho sự kiện trên.

Năm 1935, gia đình nhà vợ Florence chịu hết nổi với người con rể ăn bám nên đã yêu cầu ly hôn.

Năm 1936, Hill đi bước nữa với một người phụ nữ mang tên Rosa Lee Beeland. Vì không có tiền nên cặp đôi đã chuyển đến căn hộ nhỏ của người con của Hill, ông Blair, đứa duy nhất còn nói chuyện với người cha lừa đảo này trong số những người con.

Chính Beeland là người phụ nữ đã trau chuốt lại từ ngữ và ý tưởng cho Hill để viết lên cuốn sách, sau đó một lần nữa lại giới thiệu đến nhà xuất bản Pelton. Ban đầu Pelton ngần ngại vì đang suy thoái kinh tế, tiền ăn còn chẳng đủ nữa là mua sách.

tac-gia-sach-nghi-giau-lam-giau-la-ke-lua-dao-tien-tu-thien-3

Thế nhưng khi được xuất bản vào năm 1937, "Think and Grow Rich" lại gây sốt bởi người dân đang tuyệt vọng vào cuộc sống và họ rất thích những ấn phẩm cổ vũ rằng mọi sự rồi sẽ tốt lên. Vậy là cuốn sách như một thứ gây nghiện, khiến mọi người quên đi cái đói vì tin rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn, giúp họ suy nghĩ tích cực, tiếp tục làm việc chăm chỉ.

Dù thu được lợi nhuận lớn từ cuốn sách nhưng Hill lại chuyển hết tiền bản quyền đứng tên cho bà Beeland nhằm tránh phải thanh toán bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào với chủ nợ hay người vợ cũ cùng các con.

Sau khi có được khoản tiền lớn, Hill và vợ mới bắt đầu sống hoang phí cho xe sang, trang sức, quần áo...và nhanh chóng trở lại giai đoạn gần như phá sản vào năm 1939.

Mệt mỏi vì người chồng vô dụng, bà Beeland quyết định ly dị Hill. Trong lúc ông chồng đi vắng, bà đã bán sạch tài sản, kể cả chiếc xe mà Hill yêu quý, và không để lại cho ông bất cứ thứ gì. Bà thuê một thám tử tư theo dõi chồng để lấy bằng chứng cáo buộc ông ngoại tình, đồng thời sau này cưới chính người luật sư đã bào chữa vụ ly dị này.

Cô độc và nghèo khó

Sau khi bị vợ bỏ, Hill quay lại nhà vợ cũ Florence và xin được làm bất cứ thứ gì để có được vài đồng sống qua ngày nhưng bị từ chối.

Năm 1941, Hill xuất bản cuốn "Mental Dynamite" nhưng không ai thèm đoái hoài.

Năm 1943, Hill cưới người vợ thứ 5 mang tên Annie Lou Norman khi người phụ nữ này có một khối bất động sản dù nhỏ nhưng nguồn thu nhập khá ổn định. Trước năm 1952, Hill tiếp tục công cuộc đi diễn thuyết và rao giảng kiếm tiền, bán những tư tưởng tích cực, vốn là thứ ông vẫn làm nhiều năm nay.

Tháng 1/1952, Hill thực hiện phi vụ lừa đảo cuối cùng ở Missouri khi tiếp cận doanh nhân W.C.Robinson để thuyết phục ông bán khóa học kéo dài 2 tháng cho cả một thị trấn nhỏ. Năm 1955, Hill ở tuổi 71 đã quá mệt mỏi khi phải đi khắp nơi rao giảng kiếm tiền. Ông bắt đầu quay lại con đường kêu gọi từ thiện mà mình đã từng dùng làm công cụ lừa đảo. Tuy nhiên lần này là để duy trì danh vọng ở cuối đời.

Năm 1963, Quỹ Napoleon Hill được thành lập khi mà người dân Mỹ hầu như chẳng còn nhớ ông là ai, nhưng chính quỹ này đã giúp duy trì tên tuổi cũng như bán sách của Hill khi ông qua đời.

Ngày 8/11/1970, Napoleon Hill qua đời tại South Carolina và người vợ Annie Lou của ông bắt đầu hành chính đấu tranh pháp lý với Quỹ của chính chồng mình nhằm giành bản quyền bán sách. Mọi chuyện chỉ ngã ngũ vào đầu thập niên 1980.

(Nguồn: Gizmodo)

Xem thêm: "Quả báo ăn chặn tiền từ thiện" - Câu chuyện Phật giáo đáng suy ngẫm

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận