Quỷ Môn Quan "10 người đi, chỉ 1 người về" nổi tiếng trong sử Việt thuộc tỉnh nào?
Quỷ Môn Quan "10 người đi, chỉ 1 người về" thuộc tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam). Ải Chi Lăng - Quỷ Môn Quan là nơi Đại Việt ngăn vó ngựa xâm lược của phương Bắc.
Quỷ Môn Quan "10 người đi, chỉ 1 người về" thuộc tỉnh nào?
Chi Lăng, tên đầy đủ là Ải Chi Lăng, là một địa danh nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Đây vốn là một thung lũng có sông Thương chảy qua, trải dài gần 20km từ sông Hóa đến xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Phía đông thung lũng là dãy núi Thái Họa - Bảo Đài, còn phía Tây là dãy núi đá Cai Kinh.
Xung quanh Ải Chi Lăng có những ngọn núi thấp như núi Hàm Quỷ, núi Phượng Hoàng, núi Kỳ Lân, núi Mã Yên. Hai đầu thung lũng được đóng lại bởi 2 vòng cung núi đất phía Đông và núi đá phía Tây. Ngoài ra còn có lũy Hàn Quỷ phía Bắc và núi Ngõ Thề phía Nam, khoanh kín trong lòng ải Chi Lăng.
Tại Ải Chi Lăng còn có Thành Chi Lăng ở vào cây số 109 tính từ Hà Nội và tới cây số thứ 154 thì tới tỉnh lỵ Lạng Sơn, theo Đi thăm đất nước của Hoàng Đạo Thúy. Theo Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ, Thành cổ tại Ải Chi Lăng do quân Minh đắp trong thời gian xâm lược Việt nam có chu vi 154 trượng và cao 5 thước, nay chỉ còn nền cũ. Ở gần cửa Nam của thành còn phiến đá khắc 5 chữ Hoàng tráng nhị thập đội (nơi trú đóng của đội quân Hoàng tráng thứ 20).
Ở phía Nam của Ải Chi Lăng có hai khối đá lớn, một khối có hình dáng như thanh kiếm khổng lồ được gọi là Lê Tổ Kiếm (thanh kiếm của vua Lê Thái Tổ) và một tượng đá có hình dáng như một người quỳ gối và bị cụt đầu gọi là Liễu Thăng Thạch (tức đá Liễu Thăng, ám chỉ tướng Liễu Thăng bị Lê Sát chém cụt đầu tại ải). (Theo văn học có thể ám chỉ được nhưng theo sử học và quân sự học tương quan lực lượng lấy ít địch nhiều, bất ngờ mai phục nên Liễu Thăng bị trúng tên ,giáo, mác trọng thương chạy ngược lại hơn 10 km ngã xuống chết thì đã gặp đại quân rồi địch đông lắm không ai có thể xông vào chặt lấy được đầu Liễu Thăng đâu).
Theo các nguồn sử liệu nước ta, năm 1020, vua Lý Thái Tổ cho mở “đại lộ thông quốc” làm con đường đi sứ được thuận tiện, con đường này qua ải Chi Lăng, nơi có núi Hàm Quỷ được gọi là Quỷ Môn Quan. Sách Đại Nam nhất thống chí có chép rằng: "Cửa quan Quỷ Môn - ở phía nam châu Ôn (Lạng Sơn), thuộc địa phận xã Chi Lăng. Đường ải nhỏ hẹp, đá núi hiểm cao, phía tây gần khe sâu, nước độc không thể uống, hình thế hiểm ác, có đá như đầu ma đầu quỷ, nên đặt tên như vậy".
Sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn dẫn sách Hoàn Vũ Ký của Trung Quốc cho biết Quỷ Môn Quan nằm ở phía Nam huyện Bắc Lưu (Bắc Lưu thuộc châu Uất Lâm tỉnh Quảng Tây Trung Quốc), cách huyện lỵ Bắc Lưu khoảng 30 dặm. Tại cửa quan này có hai khối núi đối nhau và ở giữa có độ rộng 30 bước, tục gọi Quỷ Môn Quan. Mã Viện đánh Việt Nam qua đấy dựng bia và tạc rùa đá. Đời nhà Tấn (265-420) binh lính Trung Hoa qua đó bị giết nhiều nên có câu:
Quỷ Môn Quan, Quỷ Môn Quan!
Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn
Dịch nghĩa là "Ải cửa Quỷ, Ải cửa Quỷ! Mười người đi, một người về". Theo Phương Đình dư địa chí, xã Chi Lăng có quan lộ hẹp, núi đá hiểm trở, sông sâu nước độc được gọi là Quỷ Môn Quan.
Thời Lê Trung Hưng sứ Trung Hoa sang Việt Nam sắc phong, ghét tên Quỷ Môn Quan nên đổi gọi bằng tên Úy Thiên Quan. Theo Việt Hoa thông sứ sử lược của Bế Lãng Ngoạn và Lê Văn Hòe, sứ bộ Việt Nam trên bước đường thiên lý sang Trung Hoa đều dừng tại Quỷ Môn Quan trước khi tiến đến Ải Nam Quan. Như vậy, Quỷ Môn Quan chính là một phần không thể tách rời của Ải Chi Lăng. ( vì thế Ải Chi Lăng được mệnh danh là Ải Quỷ Môn Quan là một trong những cửa ải tử thần giữa trần gian và địa ngục giống như Quỷ Môn Quan nằm ở phía Nam huyện Bắc Lưu tỉnh Quảng Tây Trung Quốc).
Với địa thế hiểm yếu của mình, Ải Chi Lăng nhiều lần được chọn làm nơi quyết chiến để tiêu diệt quân xâm lược phương Bắc. Nhiều danh nhân đã cảm thán địa danh này mà gửi gắm vào các vần thơ của mình:
Nguyễn Du trong bài “Quỷ Môn Quan” đã viết rằng:
Mây xanh áp núi đỉnh chơi vơi
Nam, Bắc ải chia tự cổ thời
Tử địa dội vang nghe khắp chốn
Thương tâm qua lại biết bao đời…!!
Rình mò cọp rắn chen rừng rậm
Tụ họp quỉ thần nương khói khơi
Gió lạnh oan hồn xương cốt trắng
Công gì Hán tướng nói nghe chơi?!!
(Bản dịch của Nguyễn Minh Thanh)
Tể tướng Phạm Sư Mạnh là học trò xuất sắc của Chu Văn An, làm quan thời nhà Trần, trong một lần tuần thú Lạng Sơn, dừng chân trước ải Chi Lăng đã cảm thán mà làm bài thơ “Chi Lăng động”:
Chi Lăng động
Nghìn dặm tuần tra, trống ầm vang,
Coi bé bằng sâu, trại Phiên, Man.
Bắc Nam giòng suối, cờ lay động,
Đội quân trước sau, trâu rống vang.
Lâu Lại hang sâu hơn đáy giếng,
Chi Lăng Ải hiểm tựa lên ngàn.
Trước gió ghì cương, đầu ngoảnh lại,
Cửa khuyết vót cao tây mây tầng
(Bản dịch của Lương Trọng Nhàn).
Hiểm địa với ngoại xâm
Trong suốt lịch sử xâm lăng của kẻ thù phương Bắc, từ nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh đến nhà Thanh, Lạng Sơn luôn được coi là vị trí chiến lược chủ yếu và là hướng tấn công chính, lý do là vì ở đó là đồng bằng và chiếm được Lạng Sơn là chiếm được cửa ngõ châu thổ sông Hồng và chỉ còn 150 km dọc đường cái quan (nay là quốc lộ 1A) là có thể tiến chiếm kinh đô Đại Việt. Tuy nhiên, với giặc ngoại xâm, Ải Chi Lăng trên con đường bách lý xuôi từ biên giới với Ải Nam Quan, qua Lạng Sơn về Thăng Long - Hà Nội, lại là một tử địa vì quy mô hoành tráng, đồ sộ, địa thế hiểm yếu thập nhân khứ, nhất nhân hoàn (10 kẻ đi chỉ 1 kẻ quay về được) của nó. Suốt quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam, với chiến lũy hình thang tại Ải Chi Lăng cùng hệ thống đầm lầy, sông suối, núi non hiểm trở của nó, luôn là bức tường thành từ xa của kinh đô Thăng Long ngăn bước viễn chinh quân xâm lược phương Bắc.
Năm 1077, phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt thân hành về Chi Lăng gặp phò mã Thân Cảnh Phúc bàn bạc việc binh. Với chiến tuyến Quyết Lý và Giáp Khẩu (dựng tại Chi Lăng), Thân Cảnh Phúc và quân dân xứ Lạng đã góp sức đánh tan quân xâm lược Tống lần thứ hai.
Năm 1285, quân Nguyên qua Ải Chi Lăng đã bị quân nhà Trần chặn đánh kịch liệt và tướng Nguyên là Nghê Nhuận bị giết chết tại chỗ. Chính Hưng Ðạo Ðại vương Trần Quốc Tuấn đã thể hiện thiên tài quân sự của ông ở đây: bằng hố bẫy ngựa, phục binh của ta từ dưới hố dùng mã tấu phạt đứt chân ngựa, tách bọn Nguyên Mông thiện chiến ra khỏi ngựa mà tiêu diệt.
Cuối năm 1427, Ải Chi Lăng trở thành nơi ghi công một trong những trận đánh nổi tiếng nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam. Đạo quân chủ lực của nhà Minh do An Viễn hầu Liễu Thăng chỉ huy gồm gần 10 vạn người kéo sang để dẹp khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Lê Lợi đã phái Lê Sát dẫn các tướng lên đón đường, đặt quân mai phục. Tướng Trần Lựu giả cách thua vài trận để dụ Liễu Thăng lọt vào ổ phục kích tại núi Mã Yên. Quân Lam Sơn đổ ra chém chết Liễu Thăng khiến đạo quân cứu viện hùng hậu bị hoang mang, suy sụp, mất sức chiến đấu và tới đầu tháng 11 năm 1427 thì bị vây đánh, tiêu diệt bắt sống toàn bộ ở Xương Giang.
Tượng đá kỳ lạ ở "Quỷ Môn Quan"
Quỷ môn Quan là địa danh gắn liền với nhiều chiến công oanh liệt chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Nơi đây có một núi đá hình thù kỳ lạ, rất giống mặt một con quỷ khổng lồ. Điều lạ lùng, dù hình thù ngọn núi giống mặt quỷ nhưng người dân lại coi đây là một vị thần che chở, bảo vệ dân làng khỏi địch hoạn, thiên tai; giúp dân làng ổn định làm ăn, cuộc sống no đủ. Xung quanh núi đá hình mặt quỷ còn nhiều câu chuyện thú vị khác.
Núi đá hình mặt quỷ nằm trên quốc lộ 1A, đoạn qua thôn Quán Thanh chưa đầy 100m. Nếu để ý thì có thể thấy hình thù kỳ lạ này từ đường quốc lộ. Ai mới nhìn lần đầu cũng thấy núi đá ấn tượng bởi hình thù rất giống mặt một con vật khổng lồ. Chính vì vậy, nơi đây còn có tên gọi là Quỷ Môn Quan, tức cửa mặt quỷ.
Quan sát từ xa, hình thù này có đầy đủ đầu, trán, mắt, mũi. Ông Hoàng Minh Tiến (SN 1957), Phó thôn Quán Thanh cho biết, hình thù này đã có từ hàng nghìn năm nay. Một điều lạ là xung quanh “mặt quỷ”, cỏ cây vẫn mọc lên, chỉ trừ khuôn mặt là không cây cỏ nào bám vào, che đi khuôn mặt.
"Cả ngàn đời nay núi đá này đã vậy. Không ai giải thích được tại sao cây cỏ không bám vào đó sinh sôi nẩy nở”, ông Tiến nói. Ông Tiến cho biết thêm, hình “mặt” quỷ được tạo bởi đá vôi. Ở vùng đất Chi Lăng, núi đá vôi san sát, nhưng không có núi đá nào có màu sắc, hình thù kỳ lạ như vậy.
“Tạo hóa đã ban tặng cho chúng tôi một ngọn núi rất lạ. Với dân làng chúng tôi, đây là một tuyệt tác mà tự nhiên ban tặng”, ông phó thôn tự hào. Theo trí nhớ của ông Tiến, cách đây hơn hai chục năm, một cây gỗ nghiến to, cao vút mọc lên ở đúng đỉnh trán “mặt quỷ”.
“Nhìn từ xa, cây nghiến trông giống như cái mào của con quỷ. Ai mới thấy cũng lạ mắt, trầm trồ khen ngợi”, ông Tiến nói. Ông cho biết thêm, sau đó cây gỗ bị một người dân chặt về làm nhà cửa. Từ đó “mào” của con “quái vật” bị mất đi như ngày nay.
“Không biết do sự trùng hợp ngẫu nhiên hay bị của trách, người chặt cây gỗ kia gặp nhiều xui xẻo, con cái ốm đau. Đi xem bói, “thầy” bảo do phạm vào mặt quỷ nên gia đình bị trừng phạt. Chủ nhà sợ hãi, đem cây gỗ đi chỗ khác, đồng thời thịt một con lợn, mời “thầy” về làm lễ ngay dưới chân núi mặt quỷ tạ lỗi thì gia đình mới yên bình trở lại”, ông Tiến kể.
Người người dân cho biết, hiện nay không ai dám trèo lên mặt quỷ vì sợ bị “của trách”. Theo đó, trước đây từng có vài trường hợp vì tò mò, thích khám phá mà trèo lên mặt quỷ quan sát, khám phá. Thế nhưng, người thì bị ngã gẫy chân, người sau đó bệnh tật, ốm yếu.
“Giờ có cho tấn tiền cũng chả ai dại gì dám trèo lên đó”, một người dân quả quyết. Dù người dân địa phương gọi hình thù này của núi đá là mặt quỷ nhưng theo quan niệm của dân làng, chính mặt quỷ đã bảo vệ, che chở cho mọi người được yên ấm.
Xem thêm: Thanh Hóa: Vùng đất ‘tam vương, nhị chúa’, phương Bắc muốn trấn yểm nhưng đều thất bại
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận