Thanh Hóa: Vùng đất ‘tam vương, nhị chúa’, phương Bắc muốn trấn yểm nhưng đều thất bại
Có thể bạn chưa biết, Thanh Hóa là vùng đất phát tích 4 triều đại với 44 vị vua khác nhau. Đáng nói, Trung Quốc đã từng muốn trấn yểm vùng đất này nhưng lần nào cũng thất bại.
Hình thế đắc địa như một vương quốc riêng
Thanh Hóa là một tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam. Phía bắc giáp với tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình. Phía Nam giáp với tỉnh Nghệ An. Phía Tây giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào). Phía Đông mở ra phần giữa của vịnh Bắc Bộ thuộc Biển Đông với bờ biển dài hơn 102 km.
Cách đây khoảng 6.000 năm đã có người sinh sống ở Thanh Hóa. Các di chỉ khảo cổ cho thấy, nền văn hóa xuất hiện đầu tiên tại đây là văn hóa Đa Bút. Sang đầu thời đại kim khí, thuộc thời đại đồ đồng, qua các bước phát triển với các giai đoạn trước văn hóa Đông Sơn, Thanh Hóa đã trải qua một tiến trình phát triển với các giai đoạn văn hoá: Cồn Chân Tiên, Đông Khối - Quỳ Chữ tương đương với các văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun ở lưu vực sông Hồng. Và sau đó là nền văn minh Văn Lang cách đây hơn 2.000 năm, văn hoá Đông Sơn ở Thanh Hóa đã phát triển rực rỡ.
Thanh Hóa đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau. Thời Bắc thuộc, Thanh Hóa được gọi là bộ Cửu Chân, đời Tần thuộc Tượng Chân, đời Triệu là quận Cửu Chân... Tên gọi Ái Châu quen thuộc được biết đến vào thời Lương Vũ Đế nhà Lương. Đến thời nhà Lý đổi thành phủ Thanh Hóa, tên gọi này được sử dụng cho đến bây giờ.
Nói về hình thể, trong sách Đại Nam nhất thống chí, quyển VI, phần Thanh Hóa được chép như sau: "Mặt đông trông ra biển lớn, mặt tây khống chế rừng dài. Bảo Sơn Châu (hoặc Sơn Thù) chăm hiểm ở phía Nam, núi Tam Điệp giăng ngang phía Bắc. Ở trong thì sông Mã, sông Lương, sông Ngọc Giáp hợp nhau; ở ngoài thì núi Chiếc Đũa, núi Biện Sơn che chở. Thực là một trọng trấn có hình thế tốt".
Còn trong sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép: "Ông tổ ba đời của vua Lê Lợi tên húy là Hối, một hôm đi dạo chơi đến vùng núi Lam Sơn nhìn quang cảnh ở đó và chợt thấy có đàn chim đông đúc đang ríu rít bay lượn quanh chân núi như thể núi Lam Sơn có một lực hút vô hình, có sức thu phục nhân tâm nhiều như chim về tổ bèn nói: "Đây hẳn là chỗ đất tốt" và quyết dời nhà đến ở đấy".
Nhờ có địa thế tự nhiên với biển, núi, sông che chở nên vùng đất này có được cái thế hiểm yếu hiếm có trong quân sự. Chẳng thế mà sau này quân Tây Sơn lại chọn lui về Tam Điệp (còn gọi là đèo Ba Dội giao nhau giữa Ninh Bình, Thanh Hóa) và Biện Sơn để ngăn chặn quân Thanh tiến vào.
Hình thế đắc địa như một vương quốc riêng như vậy, cũng từ đó mà hình thành nên tính cách, phong tục của người dân nơi đây được An Nam chí lược của Lê Tắc trong phần Phong tục khen là: “Người sinh ra ở Giao Châu và Ái Châu thì rộng rãi, có mưu trí”.
Trong Đại Nam nhất thống chí thì bình rằng: "Sĩ tử thích văn học, giữ khí tiết, nông dân chăm cày cấy, thợ thì có người đẽo đá là sở trường hơn cả, ít người buôn bán”. Chính từ địa lợi, nhân hòa ấy, góp phần cho vùng đất Ái châu trở thành nơi thiên thời cho việc xưng vương, dựng nước.
Cũng vì nơi đây có địa thế tuyệt vời, là đất đế vương mà Tổ nhà Lê dời về đất Lam Sơn chỉ 3 năm đã tạo ra nghiệp lớn. Họ Lê làm trưởng một phương, trong nhà lúc nào cũng có tới hơn 1.000 tôi tớ, trải các đời sau sinh ra Lê Lợi.
Cuốn sách đầu tiên đề cập đến ngôi đất phát dưới chân núi Lam Sơn chính là "Lam Sơn thực lục". Sách ban đầu do Lê Thái Tổ (Lê Lợi) sai soạn và tự viết lời tựa. Trong đó có câu: "Trẫm gặp đời nhiều hoạn nạn, mở nước, dựng nền, càng thấy khó khăn! May mà Trời cho, dân theo, gây dựng nên được công nghiệp, ấy thực là nhờ ở các bậc Tổ tông tích lũy mãi nhân đức, mà đi tới cả! Trầm nghĩ về chuyện đó mãi bèn chép vào sách, gọi là Lam Sơn thực lục (sách ghi chuyện thực núi Lam) cốt là để trọng nghĩa đầu gốc. Và cũng để kể rõ sự nghiệp gian nan của Trẫm, truyền bảo lại cho con cháu vậy".
Từ đó mới thấy, Lam Sơn quá là vùng đất cát tường, đất tụ nghĩa, đất xưng vương mà người đứng lên đảm đương việc mở đầu cơ nghiệp của nhà Lê chính là Lê Lợi. Tuy không liên tục, lúc bị ngắt quãng nhưng trước sau, xét về danh nghĩa, nhà Hậu lê là triều đại có nhiều đời vua nhất, truyền ngôi lâu dài nhất so với các triều đại trước và sau đó.
Liên tiếp sau đó có các triều đại vua chúa phát tích từ đất Ái Chân mà ra. Vì thế mà trong dân gian xưa có câu: "Vua xứ Thanh, thần xứ Nghệ". Ý nói, Thanh Hóa là nơi phát tích các triều đại đế vương, còn Nghệ An là nơi có các tôi thần giỏi giang phù vua, giúp nước.
Núi Hàm Rồng - vùng đất "Rồng không chân"
Ở Thanh Hóa có một vị trí đắc địa nhất chính là núi Hàm Rồng. Dãy núi Đông Sơn - Hàm Rồng bắt nguồn từ làng Dương Xá men theo sông Mã uốn lượn thành 99 ngọn núi đất, núi đá nhấp nhô như một bức tường thành hình con rồng đồ sộ. Phần cuối nhô lên ngọn tựa như đầu rồng nên được gọi là Hàm Rồng (có tên chữ là Long Hạm).
Dưới bàn tay sắp đặt của tạo hóa Long Hạm có hình dáng kỳ dị, độc đáo và đa dạng, có người ví như một "Hạ Long trên bộ". Từ đuôi Rồng đi lên, ngọn Ngữ Hoa Phong hình năm bông sen chụm chung một gốc cắm xuống đầm lầy. Ngọn Phù Thi Sơn trông giống như một người phụ nữ đang nằm ngủ đầu gối vào thân rồng, núi mẹ, núi con tròn như quả trứng. Ngọn Tả Ao trông giống người đàn ông đang nằm vắt chân chữ ngũ, đầu quay về hướng Đông.
Hàm Rồng được phát hiện như một cõi thần tiên từ lâu qua thư tịch cổ. Dưới các triều đại phong kiến, Hàm Rồng bao giờ cũng là vị trí trọng yếu của xứ Thanh trong các cuộc chiến tranh giành độc lập.
Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Hàm Rồng luôn được coi là vùng đất trung tâm của xứ Thanh. L.Breton - một học giả người Pháp đã nhận xét: “Nếu Thanh Hóa là nơi căn bản của nước Nam, thì Hàm Rồng là vùng đất nằm ở vị trí trọng yếu của tỉnh Thanh Hóa”. Thông qua một loạt mộ Hán được phát hiện có thể khẳng định vùng Hàm Rồng là một địa bàn quan trọng của vùng đất Cửu Chân thời Bắc thuộc. Vùng đất Dương Xá đã hai lần là thành đô: Thành Tư Phố trước và sau Công nguyên và Trấn thành thời Lê - Trịnh - Tây Sơn. Đây cũng là vùng đất Dương Đình Nghệ tập hợp hơn 3.000 “con nuôi” tại lò võ ở làng Giàng (Ràng), Tư Phố, rồi từ đó khởi binh đánh đuổi quân Nam Hán, giành quyền tự chủ cho đất nước. Hạc Thành là lỵ sở tỉnh Thanh Hoa thời Nguyễn và ngày nay TP Thanh Hóa nằm trọn trong không gian Hàm Rồng.
Sự linh thiêng của núi Hàm Rồng còn được bồi đắp bằng những sự kiện bi hùng trong lịch sử. Cụ thể, vào tháng 11 năm 43, Mã Viện cùng 2.000 chiếc thuyền theo đường thủy tiến đánh nghĩa quân của Hai Bà Trưng ở Cửu Chân.
Sách Thủy Kinh Chú của Trung Quốc, quân Mã Viện chỉ đoạt được thành Tư Phố khi “tướng giặc không hàng, tất cả đều bị chém, có đến mấy trăm người”. Thế kỷ XVI, cuộc xung đột Trịnh - Mạc diễn ra gay gắt, Thanh Hóa trở thành chiến trường ác liệt nhất. 26 lần giao tranh, không lần nào vùng Hàm Rồng - sông Mã thoát khỏi vòng binh đao.
Đại Việt sử ký toàn thư có chép rằng, trận đánh Quan Yên mùa thu năm 1555, quân Mạc bị mai phục “giặc chết lấp kín sông, nước sông đều sắc đỏ. Lấy được khí giới không kể xiết. Quân giặc hơn vài vạn chết gần hết”. Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và lần thứ hai của đế quốc Mỹ, Hàm Rồng trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.
Cuộc chiến phong thủy "độc nhất vô nhị"
Theo chính sử, Cao Bền là một viên tướng tài của nhà Đường (Trung Quốc), làm quan cai trị Việt Nam vào thế kỷ IX, có công đánh thắng quân Nam Chiếu và xây thành Đại La. Song trong văn học viết và văn học dân gian, Cao Bền nổi danh là một phù thủy giỏi thuật số, thông địa lý, thường cưỡi diều giấy bay trên không trung để yểm các nơi thắng cảnh... Dùng thần quyền và tâm linh nhằm diệt ý chí giành độc lập của dân ta. Song mưu đồ trấn yểm của Cao Bền đều bị thánh thần và người Việt đánh bại.
Cao Bền từng trấn yểm Thanh Hóa vào thế kỷ IX nhưng thất bại. Truyền thuyết kể rằng, Cao Bền cưỡi diều giấy bay qua vùng núi Hàm Rồng, nhìn thấy huyệt Hàm Rồng và nói rằng, địa thế này là hung địa "Xương Long vô túc", không phải rồng chân không mà là con rồng què chân, không phải đất cực quý rồi bỏ đi. Nhưng thực tế không phải vậy.
Sau đó, Cao Bền đã âm thầm quay lại, mang theo hài cốt cha y để táng vào huyệt Hàm Rồng (mả táng hàm rồng) mong sau này có thể phất đế vương. Song dù nhiều lần Cao Bền cho mả cha vào, bộ xương cốt cứ bị huyệt núi đùn ra, quyết không nhận.
Biết đó là long mạch cực mạnh, cực quý nên Cao Bền rắp tâm làm đến cùng. Y bèn tán nhỏ xương rồi tung lên thì có muôn con chim nhỏ cùng bay đến, vỗ cánh rào rào làm cho xương cốt bám vào trên vách đá và bay tứ tán hết.
Hơn 500 năm sau, khi giặc Minh xâm lược nước ta, một phong thủy sư nổi danh của Trung Quốc là Hoàng Phúc cũng sai người đục núi, lấp sông để hòng trấn yểm các huyệt mạch, song cũng chẳng thành công.
Nói về chuyện này, sử thần Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt sử ký toàn thư như sau: "Khi có trời đất này, thì đã có núi sông này, mà khí trời chuyển vận, thánh nhân ra đời, đều có số cả. Khí trời từ Bắc chuyển xuống Nam, hết Nam rồi quay về Bắc. Thánh nhân trăm năm mới sinh, đủ số lại trở lại từ đầu. Thời vận có lúc chậm lúc chóng, có khi thưa khi mau mà không đều, đại lược là thế, có can gì đến núi sông? Nếu bảo núi sông có thể lấy pháp thuật mà trấn áp, thì trời chuyển vận, thánh nhân ra đời có pháp thuật gì trấn áp được không?".
Vậy nên, việc hủy long mạch tốt, huyệt đất hay của các thầy phong thủy phương Bắc chỉ như muối bỏ biển, bởi xứ Thanh vẫn là vùng đất địa linh nhân kiệt, sinh vua sinh chúa.
Xem thêm: Mộ Dạ linh tích - đất long mạch tụ khí thiêng trời đất, là chốn 'hạc thần' trú ẩn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận