NLXH 200 chữ: "Cuộc đời có chuyện xấu xa, nhưng cuộc đời này không hề và chẳng bao giờ toàn là chuyện xấu xa"
Viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu nói: "Cuộc đời này có nhiều chuyện xấu xa, nhưng cuộc dời này không hề và chẳng bao giờ toàn là chuyện xấu xa".
Thử lướt qua những “tít” báo hàng ngày trên mạng xã hội, bạn sẽ đọc thấy: “hiệp sĩ” bị xã hội đen chém, cô gái trẻ chết oan do bác sĩ vô cảm, xe “điên” tông chết người, cán đinh tử nạn, giảng viên gạ tình sinh viên, con chém bố… Cuộc sống xô bồ và phức tạp là vậy, nhưng bạn hãy luôn nhớ rằng “Cuộc đời này có chuyện xấu xa, nhưng cuộc đời này không hề và chẳng bao giờ toàn là chuyện xấu xa”. "Cuộc đời" là quá trình sinh sống phát triển của con người, "chuyện xấu xa" là những chuyện tàn ác, tham lam, thói ti tiện, ích kỷ, hay những hành động gây tổn thương cho con người. Thế nhưng, những điều tốt đẹp vẫn luôn hiện hữu và có ý nghĩa quan trọng không thể thay thế. Niềm vui, hạnh phúc, thành công là đích đến của cuộc đời và những điều tốt đẹp chính là cỗ xe đưa ta đến vạch đích.
Đối với bản thân mỗi người, điều tốt đẹp bình dị sẽ ươm mầm cho những cảm xúc tích cực giúp ta thêm lạc quan, yêu đời. Những ngày đất nước căng mình chống dịch, mỗi chúng ta không khỏi mệt mỏi và nặng nề trước bao mối lo cuộc sống nhưng đã có biết bao hành động đẹp, câu chuyện tử tế được kể nhau nghe trên mạng xã hội khiến cuộc sống chúng ta nhẹ nhõm đôi phần. Tấm lòng của người dân sẻ chia nhau từng bữa cơm 0 đồng, từng cuốc xe chở bác sĩ đi tiền tuyến, từng hình vẽ ngộ nghĩnh trên tấm áo bảo hộ để động viên nhau, từng tin nhắn ủng hộ gửi về nơi tuyến đầu chống dịch... Tôi chợt nhớ đến những câu thơ thật tuyệt của Lưu Quang Vũ: “Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại ra hoa…” Như bông hoa táo đến mùa thì vẫn bung nở, những điều tốt đẹp trong cuộc sống này vẫn luôn hiện hữu như một lẽ tất yếu, điều quan trọng là bạn có đủ yêu thương để thấy, để tin, để trân quý và lan tỏa hay không.
Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ
1: Nêu vấn đề (câu mở đoạn)
- Dẫn dắt - giới thiệu vấn đề: Dẫn dắt từ câu nói hoặc trực tiếp nêu ngay vào đề tài yêu cầu. (thông thường là vấn đề đã cho trong nội dung phần Đọc hiểu).
- Đánh giá khái quát vấn đề (tích cực, tiêu cực, ....)
2: Triển khai vấn đề (đưa ra suy nghĩ - cách hiểu của em về đề tài nghị luận)
- Giải thích các khái niệm liên quan.
- Bàn luận về vấn đề: biểu hiện; tác dụng, ý nghĩa; phản đề hoặc mở rộng vấn đề dựa trên quan điểm cá nhân.
+ Đặt ra các câu hỏi vì sao, tại sao. Sau đó bình luận, chứng minh từng ý lớn, ý nhỏ, sắp xếp luận cứ một cách rõ ràng.
+ Lựa chọn dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, ngắn gọn, chính xác.
- Rút ra bài học cho bản thân hoặc liên hệ tới các hiện tượng tác động trực tiếp hoặc tương tự với đề tài.
3: Kết thúc vấn đề (tổng kết lại vấn đề)
+ Khẳng định ý nghĩa và tính thời sự của hiện tượng.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận