“Văn chương không cần đến người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho..."
“Văn chương không cần đến người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho, Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có”.
ĐỀ BÀI:
“Văn chương không cần đến người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho, Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có” - Nam Cao, Em hiểu thế nào về quan niệm trên? Hãy phân tích những sáng tạo độc đáo của Nam Cao qua việc xây dựng hình tượng Chí Phèo.
GỢI Ý BÀI VIẾT:
Nam Cao luôn trân trọng, nâng niu và đi tìm sự sáng tạo trong văn chương, ông không đơn thuần phác họa hiện thực đau đớn và nghiệt ngã của bao số phận bất hạnh mà đi sâu phân tích tâm lí nhân vật, những sáng tạo mới mẻ không giống bất cứ tác phẩm nào cùng thời. Bởi luôn đau đáu nỗi suy tư về một nghề văn chân chính, nên Nam Cao đã viết: “Văn chương không cần đến người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có”. Quả thật, với hình tượng nhân vật Chí Phèo, chỉ có một Chí Phèo thôi cũng để người đọc phải suy ngẫm, phải đau nỗi đau của nhân vật, phải khâm phục tài năng và tấm lòng nhiệt huyết mà Nam Cao gửi gắm qua nhân vật này.
Nam Cao cũng từng cho rằng “trong nghề văn kị nhất là thấy ai ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Văn chương là cánh cửa của tâm hồn, nó được hé mở và rạng ngời khi tâm hồn, cảm xúc và tất cả những tinh hoa nghệ thuật trong ngòi bút của mỗi tác giả như căng tràn. Văn chương mang đến một sức mạnh phi thường mà chỉ ai hiểu và yêu và say đắm mới thấm thía, nó ru vô tâm hồn, thức tỉnh bao trái tim người đọc, đem đến cho họ một hơi thở mới, một sức sống mới. Để làm nên những điều ấy, đòi hỏi nhà văn phải có một quá trình suy ngẫm, tìm tòi và sáng tạo. Văn chương không cần bàn tay khéo léo của người thợ, không cần đến khuôn mẫu bởi đó chỉ là sự sao chép, không có dấu ấn của tác giả sẽ bị lu mờ trước bao tác phẩm khác. Một tác phẩm đọc lên mà người đọc thấy phảng phất bóng dáng rất, rất nhiều tác phẩm khác thì đó đơn thuần chỉ là một bản sao, diễn đạt lại ý tưởng nào đó theo một cách khác mà thôi.
Nếu như người thiết kế thời trang luôn phải phát huy tất cả trí óc và năng lực, dồn tâm huyết để tạo nên thương hiệu cho riêng mình thì văn chương cũng cần điều ấy, cần có sự sáng tạo của người viết để tạo nên “thương hiệu”. Và bất kì một tác phẩm có giá trị nào đều bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, đó là mảnh đất tươi tốt để những trang văn ươm mầm và nảy lộc. Cùng viết về đề tài đấy nhưng một nhà văn sáng tạo, một nhà văn chân chính lại luôn tìm ra những điều mới lạ, “những điều chưa ai khơi”, “những gì chưa có”. Bước vào nền văn học hiện thực phê phán Việt Nam 30-45 khá muộn màng, khi mà trước đó Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, Tắt đèn của Ngô Tất Tố... đã xuất hiện, để lại dấu ấn đậm nét trên văn đàn bấy giờ, thì với Chí Phèo - cũng viết về đề tài người nông dân, phải chăng Nam Cao cũng đang “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”?
Trước khi Chí Phèo xuất hiện, người ta thấy nông dân Việt Nam thời bấy giờ lâm vào tình cảnh chốn cùng như chị Dậu, anh Pha thì Chí Phèo ngật ngưỡng bước vào trang văn như một hiện tượng lạ, một hình tượng người nông dân mà chưa ai từng nghĩ đến: không có chó, không có con mà bán, Chí Phèo đành bán nốt nhân hình, nhân tính của mình. Chị Dậu, anh Pha... họ còn được là con người; là người vợ, người mẹ tuy nghèo khổ và bị khinh rẻ nhưng họ còn được xã hội chấp nhận. Còn Chí Phèo thì sao? Chí Phèo đâu được như thế! Đó là người nông dân khốn khổ, suốt cuộc đời gánh nặng số O: không cha, không mẹ, không người thân thích, không nhà, không cửa... Nhưng đó lại là một con người "hiền như cục đất" để rồi đau đớn thay, trong cái xã hội lúc bấy giờ, anh lại bị đẩy vào nhà tù thực dân, bị nhào nặn để khi trở ra biến thành con quỷ dữ. Nam Cao đã khai thác bi kịch hiện thực đầy đau xót của Chí Phèo, nỗi khổ bị ruồng bỏ, bị cự tuyệt, nỗi khổ ấy đâu ai hiểu và bi kịch ấy thật sự là khám phá đầy mới mẻ và độc đáo của Nam Cao về số phận con người.
Trước đây khi viết về đề tài người nông dân, các nhà văn thường đi sâu khai thác nỗi cơ cực, bị bóc lột sức lao động, bóc lột của cải vật chất. Đồng thời người ta còn dễ dàng nhận ra hình tượng những con người ấy dù cơ cực đấy, khốn khổ đấy mà vẫn vẹn nguyên là những con người hiền lành chất phác mà đôn hậu. Xã hội bây giờ hóa ra vẫn chưa có khả năng lay chuyển những đức tính muôn đời nay của người dân quê đất Việt. Thì giờ đây, trước hình ảnh Chí Phèo, người đọc bàng hoàng nhận ra, trong cái ao đời bằng phẳng kia, trong cái xã hội quần ngư tranh thực ấy con người ta đã tha hóa bản chất đi như thế nào. Người nông dân năm xưa nay trở về là tay sai cho cái xã hội ấy, là “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. Chí Phèo hiện lên trong con mắt người đọc, đó là một nỗi ám ảnh, cái bóng liêu xiêu, những vệt máu tứa ra trên khuôn mặt không tuổi, cái đầu cạo trọc lóc, cái răng trắng hếu, tất cả chỉ khiến người ta ghê rợn, người ta khiếp sợ và xa lánh. Nhưng chính cuộc sống, chính xã hội đầy bất công ngang trái ấy đã bóp nghẹt những ước mơ lương thiện xưa kia của Chí: có căn nhà nhỏ, vợ dệt vải. chồng cày thuê... để giờ đây chỉ còn lại một “con quái vật” hung tợn và lúc nào cũng rạch mặt ăn vạ. Chí Phèo ngày xưa giờ trở thành cỗ máy đâm thuê, chém mướn chạy bằng năng lượng rượu. Nam Cao đã rất thành công trong việc sáng tạo nên kiểu nhân vật điển hình mà cũng đầy độc đáo này. Đây là nhân vật đầu tiên đại diện cho một tầng lớp người mà không được làm người.
Đó là bi kịch về nỗi khổ bị cự tuyệt, bị ruồng rẫy bị xã hội thờ ơ và lạnh nhạt, sống mà như không tồn tại, khác nào một hạt cát bé nhỏ bị lãng quên, bị gió cuốn đi bất cứ nơi đâu cũng không ai biết, đâu ai hay! Tình thương đồng loại, giữa con người với con người thật đáng trân trọng và gìn giữ, thế nhưng đối với cuộc đời Chí, tình thương ấy dường như không tồn tại. Chí khổ mà không biết mình khổ.
Chỉ đến khi gặp Thị Nở - người đàn bà “đẹp nhất” trong cuộc đời Chí, mở lòng với Chí. Bát cháo hành tình nghĩa đã cứu sống Chí, lần đầu tiên thức tỉnh, kéo Chí Phèo ra khỏi cơn say, đón nhận cuộc đời, lần đầu tiên Chí nghe thấy tiếng chim hót, thấy tiếng nhộn nhịp của cuộc sống khao khát hạnh phúc giản dị như một người bình thường... và lần đầu tiên thấy lòng mình rộn ràng.
Thế nhưng khát vọng ấy, tấm lòng ấy đâu được đón nhận, muốn làm người tốt, muốn được hoàn lương khó đến nhường ấy sao? Ngay cả Thị Nở còn không chấp nhận Chí thì ai trong xã hội ấy xem trọng Chí đây? Con đường đến cánh cửa lương thiện mới chợt lóe lên, thắp lên hi vọng mong manh trong lòng Chí rồi lại chợt vụt tắt, tan biến trong hư vô. Phải làm sao để trở thành người tốt, phải làm sao để được xã hội công nhận, được có một cơ hội làm người?
Khi bị ném vào cơn bão cuồng nộ của cuộc đời, khi mọi thứ xung quanh chợt vụt tắt, khi tất cả những gì ta yêu thương đều quay lưng lại, khi cuộc sống đang dần tắt lịm thì hi vọng là điều duy nhất níu giữ ta lại với cuộc đời. Chí đã hi vọng, đã khao khát cháy bỏng làm người lương thiện, nhưng để có được điều ấy. Chí phải đánh đổi cả mạng sống của mình. Chí đã bán linh hồn cho quỷ dữ nhưng khi linh hồn ấy trở lại, Chí lại chết trước ngưỡng cửa của lương tri và sự hoàn lương.
Nam Cao đã khắc họa nhân vật Chí Phèo, một nhân vật điển hình nhưng có nét cá thể hóa. Dù trong lốt một con quỷ dữ, mất hết tất cả, mất nhân hình nhân tính, nhưng sâu thẳm trong con người ấy luôn âm ỉ cháy mãi một ngọn đèn lương thiện bất diệt, ngọn đèn luôn ấp ủ và bất cứ khi nào cũng có thể bùng cháy, rực rỡ và mãnh liệt. Cái chết của Chí Phèo thực sự là đỉnh điểm của nỗi đau. của bi kịch cự tuyệt. Nó không chỉ mở ra một lối thoát cho cuộc đời Chí mà dường như nó ngợi ca nhân cách, danh dự mà Chí muốn níu giữ lại.
Nam Cao không nhìn cuộc sống một cách mơ hồ và thơ mộng như Hoàng Đạo với Con đường sáng mà khắc họa chân thực và sáng tạo nhân vật gắn liền với hiện thực lầm than, với những số phận bất hạnh. Ông đồng cảm trước số phận những con người cùng khổ, bị vùi dập, bị cự tuyệt. Ông đã đứng trong lao khổ để đón những vang động ở đời. Và Chí Phèo không chỉ là tiếng thét đầy đau đớn Nam Cao gửi gắm, tố cáo xã hội phong kiến bất công tàn bạo nhân chìm người nông dân lương thiện mà nhân vật ấy còn là khám phá mới mẻ và đầy sáng tạo của Nam Cao về số phận con người. Chí Phèo không khổ vì vật chất áo cơm gạo tiền mà khổ vì bị cự tuyệt, bị tước đoạt quyền làm người, bị xã hội ruồng rẫy, không được đón nhận. Còn gì khổ hơn thế!
Việc xã hội nhân vật Chí Phèo đã thể hiện cá tính sáng tạo, tài năng và tâm hồn, tinh thần nhân đạo của Nam Cao, nó khẳng định hơn quan niệm về tính sáng tạo trong văn chương của ông, để lại những rung cảm sâu sắc trong lòng hàng triệu trái tim người đọc. Đồng thời, để Chí Phèo thức tỉnh, dù rất muộn màng, Nam Cao đã thể hiện rõ niềm tin và hi vọng của mình vào người nông dân. Ông quả là một người nghệ sĩ miệt mài, cần mẫn sáng tạo.
Xem thêm: 3 mở bài cực hay cho đề về chức năng văn chương: 2k5 biết chưa?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận