Nghị lực phi thường của chàng trai cao 70 cm: Từ "Sọ dừa" đến giám đốc công ty riêng
Chàng trai khuyết tật Nguyễn Thuận Tùng vượt mặc cảm, định kiến, vươn lên như "vầng trăng khuyết", lấp lánh trên bầu trời...
Bước ra từ “Sọ dừa”
Như đã hẹn, chúng tôi đến thăm Nguyễn Thuận Tùng vào một buổi chiều cuối thu. Nhà Tùng ở thôn 7, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), nơi bạt ngàn hồ tiêu, cà phê, thi thoảng có những thửa ruộng xanh ngút đan xen, tạo nên không gian thanh bình vốn có của vùng quê. “Đây là nơi tôi chào đời và gắn bó đã 29 năm. Mọi thứ xung quanh đều thay đổi, riêng cơ thể của tôi thì không”, Tùng bắt đầu kể về đời mình khi bản thân chỉ cao 70cm, nặng 18kg.
Ngược dòng thời gian trở về thời thơ ấu, Tùng tâm sự, năm lên 4 tuổi đã biết bản thân mang hình hài khác biệt. Hai tay và đôi chân của Tùng bị teo tóp, co quắp lại, không thể đứng dậy. Mỗi khi muốn trở mình, Tùng chỉ có thể lấy hết sức để lăn hoặc nhờ người thân giúp đỡ. Nhìn những đứa trẻ tự do chạy nhảy vui đùa, Tùng chỉ biết ước. Anh cứ thế âm thầm tồn tại theo thời gian. Thế nhưng cuộc đời đâu dễ dàng cho anh được yên thân.
“Nhiều người độc miệng nói rằng vì bố mẹ sống ác nên tôi mới bị như vậy. Mấy đứa trẻ trong làng cũng hùa theo trêu chọc khiến lòng tôi tổn thương sâu sắc. Tôi không dám ló mặt ra ngoài, tự khép mình với 4 bức tường. Đã vậy, tôi thường bị ốm vặt, tay và chân hay bị gãy”, Tùng kể. Không ít lần, Tùng muốn giải thoát cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, nhìn cách mẹ, chị dâu và gia đình tận tình chăm sóc, động viên, thậm chí sẵn sàng “xù lông”, tuyên chiến với mọi lời nói cay nghiệt của người đời để bảo vệ, Tùng đã gạt bỏ ý nghĩ tiêu cực, lạc quan sống tiếp.
Để “dong thuyền ra biển lớn”, năm 2023, Nguyễn Thuận Tùng quyết định thành lập Cty Thuận Tùng do mình làm chủ. Anh muốn xây dựng công ty ngày càng lớn mạnh bằng cách cung cấp thêm nhiều dịch vụ mới theo xu hướng số. Mục tiêu của anh là kiếm tiền để xây dựng trụ sở riêng.
Tùng cũng muốn cắp sách đến trường nhưng không thể ngồi dậy, đành từ bỏ. Nhìn những con chữ nhảy múa trên ti vi, Tùng vô cùng thích thú, liền nhờ mẹ mua cho bảng chữ cái tiếng Việt, bút, vở, rồi tự mày mò đọc, viết. Cứ thế, anh đọc thông, viết thạo, chỉ chào thua ở phần tính toán số học. Đặc biệt, Tùng rất thích hát. Anh tự nhẩm theo giai điệu trên tivi và thuộc khá nhiều bài hát. Tiếng hát đã lấn át nỗi đau, sưởi ấm sự cô đơn trong tâm hồn Tùng.
Nói về con, bà Lê Thị Thỉ (mẹ Tùng) luôn dành những lời ấm áp nhất. Bà Thỉ cho biết, đã chết lặng khi Tùng lọt lòng phải mang hình hài dị biệt. Tay chân co quắp, mình mẩy Tùng cứ tròn lông lốc như chàng “Sọ dừa” trong sự tích. Bà buồn, nhưng càng thương con hơn khi phải chịu những lời dị nghị từ bên ngoài. Khiếm khuyết của Tùng mãi là ẩn số cho đến năm 2000.
Khi vợ chồng bà Thỉ được mời lên bệnh viện tỉnh để khám. Kết quả, bà Thỉ bị nhiễm chất độc hóa học với tỉ lệ 61%, còn người chồng bị nặng hơn, tới 65%. Từ đó, Tùng được xác định bị dị tật do di chứng của chất độc da cam. Căn nguyên hình hài của Tùng mới được hóa giải.
Từ nhân viên thành ông chủ
Thuận Tùng chính thức mở lòng, giao lưu với thế giới bên ngoài từ năm 2008. Khi đó, Tùng được anh trai tặng chiếc điện thoại khá “xịn”, nhiều chức năng, có kết nối với internet. Tùng tập tành sử dụng, tìm kiếm thông tin. Hai năm sau, gia đình và nhiều người góp tiền cho Tùng mua laptop. Anh hào hứng nhờ anh trai và mẹ chở lên thành phố Buôn Ma Thuột, vào một cửa hàng khá lớn để chọn máy tính. Người bán hàng nhìn anh với đôi mắt không thiện cảm, tỏ ra hoài nghi khi anh hỏi mua. Đến khi anh phải rút tiền ra thì họ mới tin. Tùng chọn được chiếc laptop hơn 10 triệu đồng.
Một tháng ròng, anh nhốt mình trong phòng, tự mày mò cách sử dụng máy tính. Nhiều lần anh phát hoảng vì máy tính bị hỏng, phải nhờ anh trai mang đi cài lại Win. Không lâu sau, Tùng sử dụng thành thạo máy tính. Thông qua mạng internet, anh biết đến công việc kinh doanh online. Đây vừa là xu hướng và cũng phù hợp với hiện trạng sức khỏe của bản thân.
Năm 2010, thông qua anh hàng xóm, Tùng biết và xin làm cộng tác viên bán sim, thẻ cào điện thoại cho Viettel huyện Cư Kuin. Hành trình khởi sự kinh doanh của Tùng gặp nhiều khó khăn, do chỉ có thể bán hàng tại nhà nên ít khách, chủ yếu là người quen thân ủng hộ. Tập tành kinh doanh chưa lâu thì anh trai Tùng ngã bệnh nặng qua đời. Mất mát quá lớn khiến Tùng bị suy sụp tinh thần, phải tạm dừng kinh doanh trong nhiều năm.
Đến năm 2017, Tùng mới quay trở lại công việc và có mục tiêu, kế hoạch bài bản. Không chỉ bán thẻ cào, sim điện thoại, Tùng còn thu hộ tiền điện, dịch vụ chuyển tiền, rút tiền qua tài khoản ATM do Viettel cung cấp. Sau đó, anh được nhận vào làm nhân viên tại Viettel huyện Cư Kuin. Tận dụng xu thế mua hàng trên mạng, Tùng vay mượn thêm vốn để đăng ký tài khoản trên các kênh bán hàng như facebook, shopee để bán các mặt hàng như điện thoại cảm ứng, camera... Để đảm bảo hàng đạt chất lượng, Tùng mua hàng từ các nhà phân phối, sản xuất uy tín, có thương hiệu như Viettel.
Mọi công việc kinh doanh của Tùng đều được thực hiện trên máy tính, điện thoại. Hàng anh bán được giao đi khắp cả nước, đó là lợi thế của bán hàng online.
Nhờ tạo được uy tín, khách hàng tìm đến Tùng ngày càng nhiều. Thành quả anh đạt được là mức thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng. Tùng chia sẻ, với nhiều người, số tiền trên không lớn nhưng với anh đó là cả niềm tự hào. Bởi anh đã chứng minh mình “tàn nhưng không phế”. Được cuốn theo guồng quay của công việc, Tùng quên đi mệt mỏi, ít đau ốm và ngày càng yêu đời hơn.
Đặc biệt từ nhiều năm qua (2019-2022), Tùng 3 lần liên tiếp được Viettel Đắk Lắk tôn vinh là một trong những điểm bán hàng, cung cấp dịch vụ viễn thông xuất sắc. Tùng chia sẻ, mỗi lần đi nhận giải thưởng đều đưa mẹ đi cùng. Anh muốn mẹ chứng kiến và tự hào về đứa con trai bé nhỏ của mình.
Để bản thân được như hôm nay, Tùng luôn nhắc về 2 người phụ nữ. Đó là mẹ và chị dâu. Hai người đã lặng lẽ chăm lo cho Tùng mọi thứ và chưa một lần “mặt nặng mày nhẹ”. Thổ lộ tình cảm của mình dành cho 2 người phụ nữ đặc biệt, Tùng đã cất tiếng hát bài "Gánh mẹ": “Mẹ ơi sông biển dạt dào/Con sao gánh hết công lao một đời/Bông hồng cài áo đúng nơi/Đâu bằng bông hiếu giữa trời bao la/Cho con gánh lại mẹ già/Để sau người gánh chính là con con...”. Chất giọng thanh, cao được Tùng cất lên giữa chiều thu khiến người mẹ ngồi bên cạnh rưng rưng…
(Theo Tiền Phong)
Xem thêm: Khâm phục nghị lực phi thường của cô gái không tay miệt mài đèn sách suốt 10 năm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận