Nữ tướng Hà Thị Quế - "người đàn bà nhà giời" 2 tay xách súng khiến phát xít Nhật khiếp vía, ráo riết truy lùng

Hà Thị Quế - "nữ tướng Việt Minh" là một trong những cái tên tiêu biểu mà quân địch phải run sợ khi nghe đến trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Bắc Giang năm 1945.

Đỗ Thu Nga
10:00 23/04/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đóng góp của người phụ nữ xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực, nhiều tên tuổi gắn liền với phong trào phụ nữ và phong trào cách mạng như Hoàng Ngân, Nguyễn Thị Minh Khai... Và trong số đó, không thể không nhắc đến "người đàn bà nhà giời" hay "nữ tướng Việt Minh" - Hà Thị Huế.

"Nữ tướng Việt Minh" - hậu duệ của nhà toán học Lương Thế Vinh

Theo Wiki, bà Hà Thị Quế (tên thật là Lương Thị Hồng, 1921 - 2012) là một chính trị gia, lão thành cách mạng Việt Nam. Trước cách mạng bà được mệnh danh không chính thức là Bà tướng Việt Minh. Bà từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như đại biểu Quốc hội các khóa II,III,IV,V,VI, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa III và IV, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội.

"Nữ tướng Việt Minh" Hà Thị Quế là người xã Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình). Bà sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng và hiếu học. Theo gia phả, bà Quế là hậu duệ của trạng nguyên và nhà toán học Lương Thế Vinh.

Trong họ tộc của bà, nhà nào cũng nghèo nhưng đều cố gắng cho con cái đi học đầy đủ. Vì thế, bà Quế được đi học ở trường hàng tổng. Bà nổi tiếng thông minh, nhanh nhẹn từ bé nên được ông chú họ đỗ tú tài dạy dỗ về kiến thức cũng như lòng yêu nước, chí khí cách mạng.

Mot-doi-dau-tranh-mot-doi-cong-hien-cua-nu-tuong-Ha-Thi-Que-3
Bà Hà Thị Quế đọc tham luận tại Hội nghị Hội đồng phụ nữ dân chủ quốc tế họp tại Giơ – ne – vơ (Thụy sĩ) năm 1955 (Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Ông và bố của bà Quế đều là những Đảng viên đầu tiên của tỉnh Ninh Bình, rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái và đều là những người đứng đầu trong phong trào chống bất công ở làng, bà sớm trở thành một con người sắc sảo, gan dạ.

14 tuổi, bà Quế làm giáo viên cho Hội cứu tế do người cha và chú ruột thành lập nhằm hưởng ứng "Bức thư Ngỏ" của Đảng Cộng sản Đông Dương gửi các tổ chức đảng phái, các lực lượng dân chủ, các tầng lớp nhân dân với mục tiêu đoàn kết chung trong một tổ chức Đông Dương Đại hội.

Năm 17 tuổi, bà tham gia Phường Cấy - một tổ chức tập hợp các chị em phụ nữ yêu nước của xã và sau đó được bầu làm Bí thư phụ nữ phản đế và đoàn thanh niên phản đế rồi Bí thư Hội phụ nữ cứu quốc xã.

Năm 19 tuổi, bà Quế được cử đi học lớp quân sự do Xứ ủy Bắc Kỳ mở tại Hiệp Hòa Bắc Giang. Năm 20 tuổi, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và bước vào con đường của một nhà hoạt động cách mạng.

Một đời đấu tranh, một đời cống hiến

Ngày 1/9/1939 chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ. Vấn đề sống còn của các dân tộc Đông Dương được đặt ra. Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 11/1939 chỉ rõ: Tình thế lúc này là “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả các ách ngoại xâm vô luận là da trắng hay da vàng, tiến lên giải phóng dân tộc”.

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, bà Quế được Xứ ủy điều về Thái Bình tham gia Ban cán sự Tỉnh ủy Thái Bình, trực tiếp phụ trách hai huyện Kiến Xương và Tiền Hải là những địa phương có phong trào phát triển mạnh. Bà cũng có thời kỳ được Xứ ủy điều động sang Nam Định để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm sớm phục hồi phong trào sau khi bị địch khủng bố nặng.

Đến tháng 4/1944, bà được điều lên ATK II phụ trách ba huyện Hiệp Hòa, Phú Bình, Phổ Yên. Với vị trí đặc biệt của Bắc Giang, nơi có nhiều cơ sở Đảng hoạt động, có phong trào bền vững, có địa hình đồi núi hiểm trở, Thường vụ Trung ương Đảng đã tập trung xây dựng Bắc Giang thành một địa bàn cách mạng trọng yếu, một trung tâm liên lạc giữa Xứ ủy với Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh và Hà Nội.

Mot-doi-dau-tranh-mot-doi-cong-hien-cua-nu-tuong-Ha-Thi-Que-5

Nhằm bổ sung cán bộ có năng lực và kinh nghiệm cho Bắc Giang, bà Quế lại được Trung ương điều về "đóng đô" ở Yên Thế. Và tháng 6/1945, Ban hành tỉnh Đảng bộ Bắc Giang được thành lập gồm 5 đồng chí do đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh làm Bí thư và sau này là người bạn đời của bà.

Còn bà Quế được phân công phụ trách quân sự và đặc trách các huyện Yên thế, Việt Yên và một bộ phận huyện Lạng Giang. Bà Quế đã chỉ huy lực lượng vũ trang trừ phỉ, diệt gian, phá đồn binh Nhật, xây dựng lực lượng vũ trang, đánh tan mọi âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp hòng triệt phá cứ điểm này. Lúc đó, bà nổi danh trong vùng với biệt danh "nữ tướng Việt Nam" (hay bà tướng Việt Minh) làm kẻ thù khiếp vía (kẻ địch cũng phải kính nể gọi là Tướng Việt Minh đàn bà).

Không chỉ có tài chỉ huy đánh trận, bà Quế còn có tài ngoại giao khéo léo, thu phục lòng người. Tri phủ Yên Thế lúc đó là Tường Văn Trang, hắn là kẻ rất tàn ác, ra tay không thương tiếc với những người theo Việt Minh. Tháng 7/1945, bà Hà Thị Quế đã chỉ huy trận đánh phủ Yên Thế. Lực lượng lúc này của bà khá ít, chỉ gồm 7 trung đội tự vệ chiến đấu, là lực lượng ở các xã điều lên cùng với lực lượng ở huyện do bà chỉ huy. Bà liên hệ và thuyết phục được đội Cương (chỉ huy lính phủ đi tuần) về phe mình và nạp thêm được đa số lính đi tuần và xa phủ vào lực lượng tự vệ của bà. Kết quả trận đánh phủ Yên Thế đã thành công và tên tri phủ bị xử tử. Cũng trong tháng 7/1945, bà chỉ huy đánh úp thành công đồn Bố Hạ.

Với thành tích như vậy, bà Hà Thị Quế là đại biểu nữ duy nhất của Bắc Giang được cử đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào diễn ra tại Đình Tân Trào (Tuyên Quang) vào chiều 16/8/1945. Ngay sau khi dự xong hội nghị và trở lại Bắc Giang vào ngày 17/8, bà cùng ban lãnh đạo Cách mạng tỉnh Bắc Giang tiến hành khởi nghĩa và giành chính quyền ở phủ Lạng Thương. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Bắc Giang đã hoàn toàn thắng lợi.

Cùng với nhân dân cả nước trong Cách mạng Tháng Tám lịch sử này, bà Hà Thị Quế và Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân Bắc Giang đập tan xiềng xích nô lệ, góp phần đưa đất nước sang kỷ nguyên độc lập. Trong cả hai lần hạ phủ Yên Thế và khởi nghĩa giành chính quyền, bà đã sử dụng khẩu súng lục ST – ÉTIENNE hiện đang được trưng bày tại chủ đề Phụ nữ trong lịch sử thuộc hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Danh xưng “Bà tướng Việt Minh” có từ sau những sự kiện trên.

Mot-doi-dau-tranh-mot-doi-cong-hien-cua-nu-tuong-Ha-Thi-Que-9
Khẩu súng lục ST - ÉTIENNE của bà Hà Thị Quế

Nguyên chiếc súng này là thu được của Pháp, đồng chí Hoàng Quốc Việt (lúc này là Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ) trao cho bà vào tháng 5/1944. Bà Hà Thị Quế vẫn tiếp tục sử dụng khẩu súng trong các hoạt động của mình đến năm 1947. Ngay sau khi Cách mạng thành công, bà Hà Thị Quế được cử vào Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Bắc Giang và đảm nhận nhiều trọng trách: Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách lực lượng quân sự toàn tỉnh, đồng thời vẫn phụ trách 2 huyện Yên Thế và Việt Yên.

Tháng 10/1946, Trung ương điều bà về Bắc Ninh làm Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách 2 huyện Gia Lâm, Thuận Thành và cuối năm 1947, bà được bầu làm Bí thư Phụ nữ liên khu 10. Từ đây trở về sau, bà liên tục được bầu vào những vị trí có trọng trách cao hơn. Cuối năm 1949, bà được đều về Phụ nữ Trung ương phụ trách các mặt công tác của Hội như: kiểm tra, công tác phong trào Cách mạng, nghiên cứu,…

Dành trọn tâm huyết để nâng cao vị thế, vai trò của người phụ nữ

Năm 1953, bà được cử làm trưởng đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Quốc tế “Thế giới bảo vệ thiếu nhi” ở Áo. Năm 1960, bà được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Kiểm tra của Đảng và được bầu làm Phó chủ tịch Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam một năm sau đó. Theo bà Hà Thị Quế, phụ nữ là những người phải chịu mất mát và hy sinh nhiều nhất nên bà rất quan tâm đến đời sống chị em phụ nữ, muốn họ có cuộc sống tốt hơn.

Mot-doi-dau-tranh-mot-doi-cong-hien-cua-nu-tuong-Ha-Thi-Que-0
Khu vực trưng bày về bà Hà Thị Quế tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Bà Quế mạnh dạn đề bạt các cán bộ nữ kể cả nông dân hay tri thức. Bà cũng luôn yêu cầu cải thiện cuộc sống cho phụ nữ trong các bản tham luận ở Quốc hội hay trong các hội nghị. Bên cạnh đó, bà còn đấu tranh để phát huy vai trò của người phụ nữ nhằm đưa tỉ lệ phụ nữ tham gia các cấp ủy Đảng, chính quyền ngày càng cao. 

Năm 1974, bà được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ IV (nhiệm kỳ 1974-1982) diễn ra từ ngày 4- 7/3/1974 tại Hà Nội, bà Hà Thị Quế cùng hội nghị đã đề ra 6 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ làm tròn nghĩa vụ với cách mạng miền Nam và phát động phong trào thi đua “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, cùng phụ nữ cả nước chăm lo cho gia đình, đảm bảo sản xuất kinh tế phục vụ tiền tuyến, góp phần to lớn vào thắng lợi mùa xuân năm 1975 của dân tộc.

Mot-doi-dau-tranh-mot-doi-cong-hien-cua-nu-tuong-Ha-Thi-Que-8
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Quế tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tại Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 39 Hàng Chuối, Hà Nội, tháng 9/1969 (Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Sau khi đất nước thống nhất, để thực hiện chủ trương thống nhất các đoàn thể nhân dân và Mặt trận 2 miền, từ ngày 10 – 12/6/1976,  Hội nghị Hợp nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam vào Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, lấy tên chung là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và chủ tịch là bà Hà Thị Quế. Bà nghỉ hưu năm 1984 và mất năm 2012.

"Nữ tướng Hà Thị Quế" cũng là một người phụ nữ bình thường như bao người phụ nữ Việt Nam yêu nước khác. Với lòng thương nhân dân trong khốn đốn lầm than, với khát khao độc lập cho dân tộc, với ý chí mang hòa bình cho quê hương, với niềm tin đất nước sẽ vươn tầm quốc tế và với mong ước khẳng định và nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ; bà đã dùng tài trí, sức lực cả đời mình phục vụ cho những mục đích cao cả đó.

Xem thêm: 10 nữ dân quân Hạ Lam - những đóa hoa thép hóa thân thành huyền thoại

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận