10 nữ dân quân Hạ Lam - những đóa hoa thép hóa thân thành huyền thoại
10 nữ dân quân Hạ Lam (TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) là minh chứng cho sức mạnh của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc cứu nước vĩ đại. Giờ đây, tên tuổi của các chị đã trở thành huyền thoại, niềm tự hào về 1 quá khứ hào hùng của dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuyến đường 1A cầu Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) cũng là 1 trong những mục tiêu đánh phá của quân địch. Khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, nơi đây đã trở thành trọng điểm giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam.
Từ tháng 10/1966 đến hết năm 1967, tại đây đã diễn ra những trận đánh trả quyết liệt máy bay mỹ để bảo vệ trọng điểm giao thông thị xã Nam Hà cầu Phủ Lý và các vùng phụ cận. Trong những trận chiến đấu ác liệt đó, 10 nữ dân quân tự vệ đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.
Với người dân ở vùng "tam giác lửa" này, sự hy sinh trong tư thế hiên ngang, chiến thắng, khiến kẻ thù khiếp sợ của 10 nữ dân quân là câu chuyện huyền thoại đầy kỳ tích. Họ đã trở thành 10 "đóa hoa thép" bên dòng Châu Giang.
Miếu thờ của 10 liệt sĩ dân quân Hạ Lam được xây dựng trên chính trận địa của Khẩu đội 1 năm xưa - nơi gần như cả khẩu đội pháo 37mm, gồm bộ đội chủ lực và dân quân cùng chiến đấu, đã anh dũng hy sinh trong trận đánh ngày 1/10/1967. Hàng năm, cứ vào ngày các nữ dân quân hy sinh, tỉnh Hà Nam lại có hoạt động trang trọng, ý nghĩa để tưởng nhớ sự hy sinh huyền thoại và chiến công kỳ diệu của 10 "đóa hoa thép" trên quê hương Hạ Lam.
Theo nhiều tư liệu lịch sử, trước tình hình đế quốc Mỹ sử dụng không quân leo thang đánh phá miền Bắc, Đại đội dân quân pháo phòng không Lam Hạ (thuộc xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên, nay là phường Lam Hạ, TP Phủ Lý) đã được thành lập tháng 8/1965. Trong biên chế của đại đội có 1 trung đội nữ, gồm 24 đồng chí, thuộc 3 thôn: Đình Tràng, Hòa Lạc, Đường Ấm.
Nhiệm vụ của Đại đội dân quân phòng không Hạ Lam là tổ chức huấn luyện các vị trí pháo thủ từ số 1 đến số 6, sẵn sàng thay thế kịp thời khi bộ đội pháo cao xạ hiệp đồng tác chiến trên địa bàn bị thương vong; ngoài ra còn làm nhiệm vụ tiếp đạn, cứu thương, phục vụ chiến đấu.
Trong những trận đối đầu quyết liệt với không quân Mỹ, 6 nữ dân quân đã hy sinh ngày 1/10/1966, 3 nữ dân quân hy sinh ngày 9/10/1966 và 1 nữ dân quân hy sinh ngày 7/7/1967.
Mười cô gái dân quân phòng không Lam Hạ đã anh dũng hi sinh là:
1.Liệt sĩ Nguyễn Thị Thi – Anh hùng LLVT
2. Liệt sĩ Nguyễn Thị Thu
3. Liệt sĩ Đinh Thị Tâm
4.Liệt sĩ Phan Thị Tuyết
5. Liệt sĩ Phạm Thị Lam
6.Liệt sĩ Vũ Thị Thanh Phương
7.Liệt sĩ Trần Thị Thẹp
8. Liệt sĩ Nguyễn Thị Oánh
9. Liệt sĩ Nguyễn Thị Thuận
10.Liệt sĩ Đặng Thị Chung.
Trận đánh máy bay Mỹ ngày 1/10/1966 là trận hiệp đồng chiến đấu oanh liệt, tiêu biểu nhất của dân quân xã Lam Hạ, trong đó có Đại đội 1, Tiểu đoàn 6 pháo phòng không 37mm thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nam Hà.
Trong trận đánh đó, dân quân tự vệ thôn Đình Tràng đã hiệp đồng chặt chẽ với đại đội cao xạ do đồng chí Nguyễn Cầm, đại đội trưởng chỉ huy cản phá nhiều tốp máy bay của địch, khiến cho hầu hết bom đạn của chúng ném trượt khỏi mục tiêu. Không phá được các mục tiêu, địch điên cuồng quay sang tập kích hủy diệt trận địa pháo cao xạ đặt cách cầu Phủ Lý khoảng 300m.
Ngay loạt bom bi và rốc-két đầu tiên, sáu nữ pháo thủ dân quân là Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương đã anh dũng hy sinh ngay trên trận pháo. Chị Nguyễn Thị Thi hy sinh mới qua tuổi trăng rằm, cái tuổi 16, chưa kịp để lại dù chỉ một tấm hình. Trước khi hy sinh, cô còn nói với người anh trai cùng đồng đội là đừng rời trận pháo, hãy thay em chiến đấu để bảo vệ quê hương. Hình ảnh chị Đinh Thị Tâm bị bom cứa nát chân nhưng chị vẫn kiên trung đứng ôm chặt cây súng hướng về phía quân thù. Còn cô giáo - y tá Vũ Thị Phương, mặc dù bị thương nặng vẫn nén đau, giấu mọi người để tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi kiệt sức và chị đã ra đi vĩnh viễn, để lại trong lòng những học trò thân yêu hình ảnh không thể phai mờ.
Ngày 9/10/1966, tức là 8 ngày sau trận chiến đấu trước, trên các trận địa phòng không bảo vệ hướng bắc cầu Phủ Lý bố trí trên địa bàn xã Hạ Lam lại diễn ra trận chiến đấu quyết liệt với không quân Mỹ.
Tại trận địa phòng không đặt tại thôn Đường Ấm, đại đội pháo 57mm của Trung đoàn 233; các đơn vị súng máy cao xạ 12,7mm của dân quân đã tập trung hỏa lực, chiến đấu dũng cảm, cản phá nhiều tốp máy bay địch khiến hầu hết bom đạn của chúng rơi xuống lòng sông. Bắn phá mục tiêu không thành, địch điên cuồng quay lại bắn phá các trận địa pháo, trọng tâm là trận địa pháo của Trung đoàn 233 đặt tại thôn Đường Ấm.
Kiên cường chống trả, một số pháo thủ của đơn vị và và năm dân quân thôn Đường Ấm, trong đó có ba nữ pháo thủ là Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh đã anh dũng hi sinh. Gần một năm sau, ngày 7/7/1967, tại trận địa pháo đặt tại thôn Hòa Mạc, trong trận đánh trả máy bay Mỹ đến phá cầu Phủ Lý, nữ dân quân Đặng Thị Chung đã chiến đấu dũng cảm đến hơi thở cuối cùng.
Nơi ghi dấu chiến công và sự hy sinh của mười cô gái Lam Hạ mãi là địa chỉ đỏ, là di tích lịch sử ghi nhận sự hy sinh dũng cảm của các cô. Ngày nay, nhắc đến các cô như một niềm tự hào riêng của người dân Lam Hạ cũng như toàn thể nhân dân Hà Nam.
Xem thêm: Cuộc vượt ngục ly kỳ bằng thùng rác của cựu đặc công Nguyễn Văn Ất
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận