Cuộc vượt ngục ly kỳ bằng thùng rác của cựu đặc công Nguyễn Văn Ất

Trong hồi ức của cựu đặc công Nguyễn Văn Ất, chuyện ly kỳ nhất chính là cuộc vượt ngục khỏi nhà tù Phú Quốc bằng thùng rác cách đây nửa thế kỷ.

Đỗ Thu Nga
17:00 05/09/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vào năm 1965, ông Nguyễn Văn Ất nhập ngũ vào Đoàn 36 Đặc công và huấn luyện tại Sao Đỏ (Chí Linh, Hải Dương). Sau chặng đường dài hành quân vượt Trường Sơn, đầu năm 1966, ông Ất cùng đồng đội được bổ sung vào lực lượng tỉnh Bình Định.

Thời điểm này, địch thường tổ chức các cuộc hành quân tìm diệt trực thăng và thiết giáp yểm trợ càn quét, gom dân, lập ấp chiến lược, tiến tới chia cắt nhân dân và lực lượng vũ trang, mở rộng vùng kiểm soát. Chính vì thế, những người lính đặc công như ông Ất ngoài nhiệm vụ chống càn quét thì còn phải đánh vào các cơ quan đầu não, căn cứ, sân bay... nơi khởi phát cuộc càn quét của địch.

Đến bây giờ cựu đặc công Nguyễn Văn Ất vẫn còn nhớ như in lần bị địch bắt vào ngày 14/10/1966. Trước đó, 0h ngày 13/10, lực lượng đặc công gồm 17 người, trong đó có ông Ất chia thành 3 tổ đã đột nhập vào sân bay Phù Cát (Bình Định) để làm nhiệm vụ.

Theo kế hoạch, đúng 0h30 sẽ nổ súng. Song trước giờ nổ súng vài phút, địch đột nhiên cho trực thăng di chuyển khỏi sân bay, lượn thành vòng bảo vệ, bắn pháo sáng quanh căn cứ. Trong sân bay, xe tăng và thiết giáp chạy ầm ầm.

hoi-uc-vuot-nguc-ly-ky-bang-thung-rac-cua-cuu-dac-cong-nguyen-van-at-0
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Ất giới thiệu địa hình trên bản đồ và kể về các trận đánh ở đảo Phú Quốc mà ông từng tham gia

Các mũi tiến công của ta đồng loạt đánh vào các mục tiêu và lô cốt nhưng đã rút hết. Phát hiện quân ta, trực thăng của địch bu lại thả pháo sáng, lựu đạn cay. Một số chiến sĩ rút ra nhưng bị địch chặn hậu và hy sinh.

Ông Ất ẩn mình trong một lô cổ địch chờ cơ hội và bị ngất vì hơi cay. Khi tỉnh lại ông thấy mình nằm trong bệnh xá của địch. Ở đây còn có đồng chí Phi Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, người ra tiếp nhận quân bổ sung từ miền Bắc vào đầu năm 1966.

Ông Ất biết được trận đánh thất bại do bị chiêu hồi chỉ điểm. Để đối phó với địch, hai ông thống nhất nội dung khai báo. Trong đó, ông Ất đổi tên thành Nguyễn Văn Trường.

Vào tháng 7/1967, ông Ất cùng gần 300 tù binh khác bị địch đưa ra Phú Quốc giam cầm ở nhà lao Cây Dừa, trong trại giam B5. Vào cuối năm 1970, ông cùng đồng đội tổ chức một cuộc vượt ngục thành công, gây bất ngờ cho địch. 

Ông Ất kể: Thời điểm đó đã có một số cuộc vượt ngục thành công bằng cách chui rào, đào hầm nhưng không ít lần thất bại, phải trả bằng xương máu. Bọn cai ngục ra sức xây dựng lực lượng mật báo và bọn trật tự là những tên chiêu hồi ở lẫn với tù binh nhằm phát hiện tổ chức đảng, đoàn trong nhà tù.

Trong một lần các tù binh diệt hai tên trật tự, ông Ất và ông Hoàng Sơn đứng ra nhận trách nhiệm, bị địch đánh đập, nhốt ngoài chuồng cọp. Hai ông quan sát và nảy ra ý tưởng vượt ngục bằng thùng rác. 

hoi-uc-vuot-nguc-ly-ky-bang-thung-rac-cua-cuu-dac-cong-nguyen-van-at-8
Trại giam Phú Quốc

Bởi đã thành quy luật, cứ cuối giờ chiều hàng ngày, địch sẽ cho 20 tù binh khiêng 10 thùng rác đựng trong các thùng phuy cao hơn 80cm ra ngoài hố rộng, sâu khoảng 4-5m để đổ. Bên ngoài hố rác có các hàng rào kết mìn, pháo sáng để chống tù binh trốn trại.

Hết thời gian nằm chuồng cọp, hai ông báo cáo kế hoạch với tổ chức và được chấp thuận với điều kiện sống chết cũng không được khai tổ chức mật trong tù. Theo hiệp đồng, khi các ông lọt ra ngoài thì lực lượng trong tù sẽ bố trí người "điểm danh" để đồng đội có thời gian tìm về với du kích, không bị địch chặn đầu truy lùng, bắt giữ.

Đúng theo kế hoạch, ngày 19/12/1970, ông Ất cùng đồng chí Hoàng Sơn đàng hoàng ngồi vào trong thùng phuy để đồng đội khiêng ra ngoài đổ xuống hố rác. Do bãi rác bốc mùi xú uế nên quân địch chủ quan, không áp tải những người đổ rác ra tận nơi mà chỉ theo đến cửa rồi đứng yên đó chờ tù binh quay lại, sau đó dẫn về trại.

Ông Ất và ông Hoàng Sơn vùi mình trong đống rác chờ đến đêm mới hành động. Ông Ất gỡ dây pháo sáng, vạch rào và bò ra vị trí đã định. Chờ lâu không thấy ông Sơn đến liền quay lại bãi rác tìm. Khi tìm được ông Sơn, bò lên miệng hố rác và nhìn về phía trại không thấy ồn ào thì 2 ông tin tưởng kế hoạch đã được triển khai chặt chẽ. Hai ông cùng nhau bò ra ngoài tìm về với du kích.

Suốt 17 ngày lạc trong rừng, các ông đã tìm được du kích xã Dương Tơ do được một người Hoa kiều chỉ đường. Chiều 5/1/1971, hai ông nằm phục gần bờ suối và thấy 5 người mang theo súng AR15 cùng những chiếc gùi nặng trên lưng đi đến. Ông Ất hô “địch” thì họ vứt gùi, tản ra và sẵn sàng chiến đấu. Ông Ất tiếp tục hô “địch” lần thứ hai và thứ ba thì một người ở phía bên kia hỏi: “Có phải anh em trốn tù ra không?”.

Hai ông thông báo tình hình và được đưa về với du kích Dương Tơ. Đồng chí Phi Hùng - người cũng bị giam ở tù Phú Quốc thoát ra trước đó đã xuống tận nơi gặp ông Ất. Các ông cùng với du kích địa phương ngoài chống còn cảm đảm nhận nhiệm vụ xây dựng lực lượng đặc công để đánh tại đảo Phú Quốc.

Ba tháng sau, ông Ất và ông Hoàng Sơn đã tổ chức một tổ 9 người tiêu diệt gọn lực lượng địch trên Đồi Thông với cách đánh điển hình của đặc công... 

Xem thêm: Hành trình thoát gông cùm, trở lại cầm súng chiến đấu của nữ biệt động Sài Gòn mang bí danh "con thoi sắt"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận