Giải mã những bí ẩn về Lê Lai - vị trung thần quên mình cứu chúa

Người anh hùng Lê Lai cùng đội quân cảm tử đã đem tính mạng của mình để tiếp tục thắp lên một tia hy vọng cho dân tộc. Sự hy sinh đó đáng được muôn đời sau trân trọng. 

Đỗ Thu Nga
09:00 16/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Gốc tích của Lê Lai

Lê Lai là một vị tướng lĩnh tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Ông được coi là một anh hùng, một tấm gương trung nghĩa với sự kiện nổi tiếng trong lịch sử dân tộc là cải trang thành Lê Lợi và bị quân Minh sát hại. Câu chuyện ông hy sinh thân mình cứu Lê Thái Tổ thoát khỏi vòng vây của quân Minh được đời sau truyền tụng, gọi là Lê Lai cứu chúa.

Lê Lai còn được người đời so sánh như Kỷ Tín, đã giúp Hán Cao Tổ đánh tráo mà thoát thân. Hình ảnh vị anh hùng này luôn được người đời ca tụng, ghi nhớ. Ông là tượng đài đáng ca ngợi và là tấm gương về lòng trung quân báo quốc. 

giai-ma-nhung-bi-an-ve-anh-hung-le-lai-3

Nói về gốc tích của Lê Lai, nhiều sử sách chép: Ông sinh ra ở thôn Dựng Tú, xã Đức Giang, huyện Lương Giang (nay là Thôn Thành Sơn (Làng Tép), xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa). Cha ông là Lê Kiều, nối đời làm chức phụ đạo trong vùng, con lớn là Lê Lạn, con thứ 2 là Lê Lai.

Lê Lai được sử gia Lê Quý Đôn miêu tả trong sách Đại Việt thông sử là có tính cương trực, dung mạo khác thường, chí khí cao cả lẫm liệt, lo việc hậu cần cho Lê Lợi rất chu đáo.

Lê Lai cứu Chúa

Sử sách chép rằng, năm 1416, Lê Lai cùng Lê Lợi và 18 tướng lĩnh khác tham gia Hội thề Lũng Nhai, thề sống chết có nhau, nguyện chung sức đánh đuổi giặc Minh đang cướp phá đất nước. Ông được ban tước Quan nội hầu, tổng quản của phủ Đô tổng quản. Anh trai của Lê Lai, Lê Lạn cũng tham gia Khởi nghĩa Lam Sơn, lập được nhiều công lao.

Trong giai đoạn đầu của khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định vương Lê Lợi lãnh đạo, lực lượng nghĩa quân còn ít, trong khi đó, thế giặc lại rất mạnh. Nghĩa quân nhiều lần rơi vào tình thế bị giặc vây hãn tưởng chừng tan vỡ. Ba lần rút quân lên núi Chí Linh là 3 lần tuyệt nguồn lương thực, tưởng không thể chống đỡ nổi.

Trong Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi từng tái hiện giai đoạn lịch sử đầy khó khăn này bằng những câu thơ nổi tiếng: "Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần/Khi Khôi huyện quân không một đội".

giai-ma-nhung-bi-an-ve-anh-hung-le-lai
Tranh vẽ hội thề Lũng Nhai

Năm 1419, quân khởi nghĩa rút lên núi  Chí Linh (thuộc miền Tây Thanh Hóa) lần thứ 2, quân giặc bao vây rất chặt, nghĩa quân hết lương thực phải ăn cả những con ngựa chiến cuối cùng. Để đánh lạc hướng quân giặc, duy trì cuộc khởi nghĩa, Lê Lai đã làm chuyện chưa từng có trong lịch sử: Giả bộ làm chủ tướng lê Lợi cùng 500 quân cảm tử xuống núi quyết chiến với quân Minh, mở đường máu cho nghĩa quân tìm đường thoát chạy, củng cố lực lượng. Giặc bắt được lê Lai tưởng là Lê Lợi nên đã rút quân khỏi núi Chí Linh, nhờ vậy nghĩa quân được cứu. 

Câu chuyện Lê Lai cứu chúa được sách Lam Sơn thực lục chép như sau: Bấy giờ nghĩa quân Lam Sơn lực lượng còn yếu, thiếu lương, thường bị quân Minh đánh bại. Nhà vua bèn vời các tướng mà bảo rằng:

- Ai có thể thay mặc áo vàng của Trẫm, lĩnh năm trăm quân, hai thớt voi, đánh vào thành Tây đô. Thấy giặc ra đối địch, thì tự xưng tên: "Ta là chúa Lam Sơn đây!". Để cho giặc bắt? Cho ta được náu mình, nghỉ binh, thu họp cả quân sĩ, để mưu tính việc về sau!

Các tướng đều không dám nhận lời.

Chỉ có Lê Lai thưa rằng:

- Tôi bằng lòng xin thay mặc áo Nhà vua. Ngày sau Bệ Hạ gây nên Đế nghiệp, có được thiên hạ, thương đến công tôi, cho con cháu muôn đời được chịu ơn nước. Đó là điều tôi mong mỏi!

Nhà vua lạy Trời mà khấn rằng:

- Lê Lai có công thay đổi áo. Sau này trẫm cùng con cháu, và các tướng tá, hay con cháu các công thần, nếu không thương đến công ấy, thì xin đền đài hóa ra rừng núi; ấn vàng hóa ra đồng sắt; gươm thần hóa ra đao binh!

Nhà vua khấn xong, Lê Lai liền đem quân đến cửa trại giặc khiêu chiến. Giặc cậy quân mạnh xông đánh. Lê Lai cưỡi ngựa, phi vào giữa trận giặc, nói rằng:

- Ta đây là chúa Lam Sơn!

Giặc bèn xúm lại vây, bắt lấy đem về trong thành, xử bằng hình phạt cực tàn khốc.

giai-ma-nhung-bi-an-ve-anh-hung-le-lai-5
Tranh vẽ Lê Lai bị quân Minh bắt

Đến năm 1428, ngay sau khi đăng cơ, Lê Lợi truy tặng cho Lê Lai là Đệ nhất Khai quốc công thần, soạn bài văn thề mãi mãi ghi nhớ công lao của Lê Lai. Trước khi mất, Lê Lai dặn vua nối ngôi rằng: “Ta có được ngày hôm nay là nhờ có Lê Lai. Do ngày mất của Lê Lai không rõ nên sau khi ta chết phải làm giỗ cho Lê Lai trước khi làm giỗ cho ta một ngày”. 

Vua Lê Thái Tổ băng hà ngày 22/8 (âm lịch) năm Quý Sửu (1433) và thi hài được đưa về an táng tại đất Lam Sơn. Trước giỗ vua Lê một ngày, người dân đã làm giỗ tưởng nhớ vị tướng trung quân Lê Lai nên có câu “hai mốt Lê Lai, hai hai Lê Lợi”.

Cái chết còn nhiều bí ẩn?

Trong sách Lam Sơn thực lục (biên soạn sau khi cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, lúc Lê Lợi đã lên ngôi Hoàng Đế) là tài liệu đầu tiên ghi nhận việc Lê Lai liều mình cứu chúa và anh dũng hi sinh (năm 1418). Các sách sử khác như Đại Việt thông sử, Lam Sơn thực lục tục biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục… cũng đều chép chuyện Lê Lai hi sinh, trong đó Đại Việt thông sử chép chi tiết nhất. Đó là cơ sở về mặt thư tịch để các nhà sử học khẳng định việc Lê Lai hi sinh năm 1418. 

Thế nhưng trong bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư, việc Lê Lai hy sinh lại không được nhắc đến. Chẳng những thế, ở phần biên niên về tháng Giêng năm 1427, sách này còn viết: "Giết Tư Mã Lê Lai, tịch thu gia sản vì Lai cậy có chiến công, ăn nói ngạo mạn". Dựa vào chi tiết này, có người cho rằng Lê Lai không chết trong lần cải trang cứu chúa năm 1418 mà đến năm 1427 mới mất.

Có đến 2 Lê Lai?

Thực ra chỉ dựa vào chuyện trong Đại Việt sử ký toàn thư để phủ nhận ghi chép của những quyển sử khác là điều rất phiến diện. Ghi chép sách này dẫn người đọc đến suy đoán nước đôi: Lê Lai chết năm 1427 hoặc năm 1418. Sách này không chép truyện Lê Lai cải trang phá vây nên càng khó để xác định Lê Lai của năm 1427 là Lê Lai của năm 1418. 

Vậy nên, nếu muốn khẳng định Lê Lai còn sống sau lần phá vây và đến năm 1427 mới chết theo quan điểm của một số người thì phải chứng minh được Lê Lai trong Đại Việt sử ký toàn thư và Lê Lai trong các sách sử như Lam Sơn thực lục chỉ là một người.

Về sự kiện năm 1418, Đại Việt thông sử chép: "Lê lai… tự nguyện thay đổi mặc áo bào nhà vua, xưng là vua Lê ở Lam Sơn, dẫn quân ra đánh nhau với quân Minh… Lê Lai chống cự đến kiệt sức thì bị bắt, quân Minh dẫn Lê Lai về thành Đông Quan giết chết" (Đế kỉ, Thái Tổ thượng). Ở phần liệt truyện về Lê Lai, sách này còn chép Lê Lợi sai người ngầm tìm thi hài Lê Lai, đem về Lam Sơn hậu táng.

giai-ma-nhung-bi-an-ve-anh-hung-le-lai-7
Đền thờ Lê Lai ở làng Tép, Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa)

Về sự kiện tháng Giêng năm 1427, sách này chép: "Viên Tư Mã là Lê Lai cậy có chiến công, thường thốt ra những lời khinh nhờn. Vua (chỉ Lê Lợi - người dẫn) sai xử tử và tịch thu gia sản". 

Vậy là sách này đã chép rõ việc Lê Lai chết năm 1418 và Lê Lai chết năm 1427. Hai sự kiện trên cũng được sách Lam Sơn thực lục tục biên chép tương tự. Ngoài ra, gia phả dòng họ Lê Lai ở Dựng Tú (Thanh Hóa) cũng chép truyện Lê Lai chết vì nước năm 1418. Truyền thuyết dân gian cũng nói đến việc Lê Lai liều mình cứu chúa rồi bị kẻ thù giết chết.

Như vậy, có đủ cơ sở để khẳng định Lê Lai đã hi sinh năm 1418 và trong hàng ngũ nghĩa quân cùng có hai người mang tên họ là Lê Lai (có thể trùng tên trùng họ hay trùng tên khác họ nhưng được ban quốc tính (họ Lê)). Viên Tư Mã Lê Lai của năm 1427 hoàn toàn không phải là Lê Lai cứu chúa bị quân Minh giết hại năm 1418. Như vậy, chính xác Lê Lai đã xả thân cứu Lê Lợi năm 1418 còn nhân vật Lê Lai thứ 2 bị giết năm 1427 thực ra là một người khác trùng tên.

Lê Lai và Lê Lợi không có quan hệ ruột thịt

Nếu đọc kỹ các sách sử thì dễ dàng nhận thấy, Lê Lai (sống ở thế kỷ 15), là con Lê Kiều, người thôn Dựng Tú. Trong Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn viết: "Lê Lai tính cương trực, dung mạo khác thường, chí khí cao cả lẫm liệt, lo việc hậu cận cho Lê Lợi rất chu đáo, công lao rõ rệt".

Còn Lê Lợi sinh năm 1385 là con thứ 3 của Lê Khoáng và bà Trịnh Thị Ngọc Thương. Ông sinh ở làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương (nay là xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Trưởng thành trong thời kỳ nhà Minh đô hộ nước Việt, Lê Lợi đã tổ chức cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống lại quân Minh.

Sử sách khẳng định, Lê Lai và Lê Lợi không có quan hệ ruột thịt như nhiều người vẫn lầm tưởng. Suốt những năm ở ngôi, Lê Lợi luôn nhớ đến công lao của vị tướng hi sinh thân mình cứu Chúa thoát nạn, lập lại giang sơn. Vậy nên trước khi mất, ông dặn con cháu, ông có được ngày hôm nay là nhờ Lê Lai, do đó phải làm giỗ Lê Lai trước, để vị tướng này được hưởng lễ trước vua.

giai-ma-nhung-bi-an-ve-anh-hung-le-lai-8
Lê Lai và Lê Lợi không có quan hệ ruột thịt

Ngày 22/8/1433, Lê Lợi mất, các vua nối ngôi theo lời dặn của ông đã cúng Lê Lai vào ngày 21/8. Từ đó dân gian có câu: Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi. Năm 1484, Lê Thánh Tông (vị vua thứ năm của triều Hậu Lê) đã truy tặng Lê Lai là "Thái úy Phúc quốc công", sau lại gia phong là Trung Túc Vương.

Lê Lai có ba người con trai là Lê Lư, Lê Lộ và Lê Lâm, đều theo cha gia nhập nghĩa quân của Lê Lợi đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh.

Để tưởng nhớ người có công với dân tộc, với giang sơn xã tắc và sự trân trọng ngưỡng mộ, triều Lê và nhân dân đã xây dựng đền thờ Lê Lai trên đất Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) vào năm Thái Hòa thứ 7 triều vua Lê Nhân Tông (1450). Năm 2013, ngôi đền gỗ 2 tầng bị cháy, sau đó được phục dựng lại trên nền cũ và khánh thành đền mới vào năm 2017. 

Hiện đền Lê Lai nằm trên sườn đồi phía trước là hồ sen thơm ngát, xa xa là cánh đồng dài bất tận tạo nên với vị trí đẹp mà theo thuyết phong thủy là đất tụ linh, tụ phúc, hổ chầu, long tụ. Đền thờ Trung Túc vương Lê Lai là nơi tưởng nhớ vị tướng tài đã có công lao to lớn với nhân dân và triều đình được sử sách ghi nhận, nhân dân tôn kính.

Xem thêm: Lê Lợi và Trần Nguyên Hãn, rốt cuộc ai có thành kiến với ai?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận