Một năm "làm mưa làm gió" trên MXH của bà Phương Hằng: Sử dụng 12 kênh livestream để xúc phạm, xuyên tạc, nhục mạ người khác
Bước đầu xác minh, trong 1 năm qua, bà Phương Hằng đã sử dụng 12 kênh trên mạng xã hội (MXH) để livestream (phát trực tiếp) chia sẻ nhiều vấn đề, tố cáo nhiều cá nhân, tổ chức.
Điểm lại một số sự kiện chính trong suốt 1 năm "làm mưa làm gió" trên MXH
Vụ kiện lùm xùm với ông Võ Hoàng Yên
Vào đầu tháng 3/2021, bà Phương Hằng gửi đơn đến cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh tố giác ông Võ Hoàng Yên cùng đồng bọn có hành vi lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo bà Hằng, khi biết ông Yên đang cần tiền để xây dựng, sửa chữa chùa và làm từ thiện thì đã tự nguyện đưa cho ông Yên 183 tỷ đồng. Trong đó có 60 tỷ đồng tiền mặt, đưa không có giấy tờ và người chứng kiến.
Trong khi cơ quan Công an vẫn đang tiến hành xác minh, điều tra thì bà Phương Hằng livestream trên MXH tố cáo ông Yên.
Vào ngày 17/10, bà Hằng đã có buổi làm việc với ông Yên và các luật sư. Sau đó, nữ CEO Đại Nam đã chia sẻ thông tin rằng "tôi bị Võ Hoàng Yên và các luật sư tấn công tại Công an TP Hồ Chí Minh".
Bên cạnh đó, bà Hằng cũng khẳng định mình bị 1 luật sư đứng lên "tiến tới sỉ vảo mặt". Song phía Công an TP Hồ Chí Minh đã phủ nhận thông tin này. Cơ quan điều tra cho biết đã đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật, không có việc xô xát hành hung giữa ông Yên và các luật sư của bà Hằng.
Đến ngày 10/1/2022, về vụ án ông Võ Hoàng Yên, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã quyết định không khởi tố vụ án hình sự do không có căn cứ xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự. Đồng thời, Viện KSND TP Hồ Chí Minh đã có kết luận quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh là có căn cứ, đúng pháp luật.
Ồn ào của bà Phương Hằng và các nghệ sĩ
Trong 1 năm qua, bà Phương Hằng còn khiến dân mạng dậy sóng với những ồn ào liên quan đến giới nghệ sĩ. Cụ thể, sau thời gian livestream "tố" các cá nhân "ăn chặn" tiền từ thiện, đồng thời bóc tách những vấn đề đời tư, chia sẻ những thông tin chưa chưa kiểm chứng, bà Nguyễn Phương Hằng đã bị nhiều người gửi đơn kiện.
Vào tháng 6/2021, ca sĩ Vy Oanh đã gửi đơn đến Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hồ Chí Minh và Cơ quan CSĐT của Bộ Công An. Theo Vy Oanh, trong các buổi livestream, bà Hằng đã vu khống cô "cặp đại gia", đẻ thuê.
Đến ngày 1/9/2021, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh nhận được đơn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tố cáo bà Phương Hằng hành vi vu khống, làm nhục người khác.
Đồng thời, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh cũng hoàn thiện 3 bộ hồ sơ tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng trong tháng 9/2021. Theo đó, bà Hằng bị tố cáo hành vi vu khống, bịa đặt, đưa thông tin không chính xác nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của ca sĩ Thủy Tiên và gia đình.
Danh hài Hoài Linh cũng làm đơn khởi kiện bà Phương Hằng đã dựng chuyện vu khống anh "ăn chặn" khoản tiền quyên góp từ thiện hơn 13 tỉ đồng trong tài khoản hơn 6 tháng và chi hàng trăm triệu vào việc riêng. Bên cạnh đó, những nhân vật như nhà báo Hàn Ni, nhà báo Đức Hiển... cũng đã gửi đơn đến cơ quan chức năng với lí do tương tự.
Trong vòng 1 năm, có hàng chục người từng bị bà Hằng nhắc tên trên sóng livestream đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng.
Những cuộc "gặp gỡ" xây xôn xao
Không chỉ livestream, bà Phương Hằng còn tổ chức những cuộc "gặp gỡ" gây xôn xao dư luận. Cụ thể, vào tháng 11/2021, sau nhiều lần livestream câu chuyện về "Tịnh thất bồng lai", bà Hằng đã thông báo sẽ đến "thăm" ông Lê Tùng Vân.
Ngày 4/11, bà Hằng dùng ô tô cá nhân đến cơ sở này, thu hút hàng nghìn người dân hiếu kỳ đến xem. Song những người trong Tịnh thất bồng lai không ra đón tiếp. Vào thời điểm đó, lực lượng chức năng phải xuất hiện giải tán đám đông, giữ gìn trật tự cho địa phương.
Đến tối ngày 2/3, bà Phương Hằng đến nhà của nhà báo Hàn Ni. Sự việc này khiến hàng trăm Youtuber và người dân hiếu kỳ đến xem. Nhà báo Hàn Ni đã chia sẻ về sự việc này với tờ Pháp luật TP Hồ Chí Minh: "Bà Hằng đã đến nhà tôi, tụ tập đông người, đến khi Công an phường mời về làm việc thì đám đông mới giải tán. Không chỉ bà Hằng đến nhà mà bà còn lôi kéo những người tự xưng là 'phe chính nghĩa' ủng hộ bà thường xuyên có mặt trước nhà tôi từ rất sớm đến tối muộn".
Vì sao đến giờ bà Phương Hằng mới bị bắt?
Ngày 24/3, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, Tổng Giám đốc Công ty Đại Nam) để điều tra về hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã thụ lý điều tra vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Cơ quan điều tra cho biết, bà Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của MXH trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác. Trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Qua quá trình điều tra, bà Phương Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác.
Một nguồn tin cho biết thời gian qua cơ quan chức năng đã âm thầm điều tra, củng cố chứng cứ đầy đủ, vững chắc. Việc bà Nguyễn Phương Hằng gây náo loạn trên mạng đã bị các đối tượng chống đối ở nước ngoài lợi dụng. Trong quá trình xác minh, CQĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã làm việc liên tục 5 tháng, hệ thống hóa những vi phạm của bà Hằng và đây là thời điểm chín mùi để thực thi pháp luật. Xuyên suốt quá trình bà Nguyễn Phương Hằng livestream, các cơ quan chức năng đã mời bà Hằng lên nhắc nhở, khuyến cáo (ít nhất 4 lần). Song bà Hằng né tránh, tỏ thái độ thách thức, không chấp hành khuyến cáo, phân tích của cơ quan chức năng.
Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nhiều đơn của các cá nhân tố cáo bị bà Hằng xúc phạm danh dự, nhục mạ, lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cũng như đe dọa giết người thông qua việc phát ngôn trực tiếp trên mạng internet, Facebook, YouTube.
Cơ quan điều tra sau khi tiếp nhận đơn tố cáo đã xem xét xử lý các đơn này. Được biết, tháng 4/2021 bà Nguyễn Phương Hằng đã bị Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM đã xử phạt vi phạm hành chính do thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận và chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.
Hiện nay, bước đầu xác minh bà Nguyễn Phương Hằng đã sử dụng 12 kênh trên mạng xã hội để xúc phạm, xuyên tạc, nhục mạ người khác.
Theo Người lao động, hành vi của bà Phương Hằng đã đủ yếu tố cấu thành tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Với các tài liệu, chứng cứ thu thập được Công an TP.HCM đã thực hiện lệnh bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng, thực hiện lệnh khám xét nơi ở của bà Hằng để điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Sẽ xử lý thế nào nếu bà Phương Hằng mang 2 quốc tịch?
Liên quan đến vụ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng bị cơ quan điều tra TP Hồ Chí Minh khởi tố và tạm giam về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự, nhiều độc giả thắc mắc trong trường hợp nếu bà Hằng mang 2 quốc tịch thì sẽ bị xử lý thế nào?
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội) giải đáp, trước tiên theo Điều 3 Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS) quy định: Bộ luật tố tụng hình sự có hiệu lực đối với mọi hoạt động TTHS trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hoạt động TTHS đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tiến hành theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
Trong trường hợp người nước ngoài thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc tập quán quốc tế thì được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế đó.
Trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Như vậy, theo quy định nêu trên, người có 2 quốc tịch mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam đến mức có thể xử lý hình sự thì sẽ căn cứ vào quy định của bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam để xử lý.
Người Việt Nam phạm tội mang 2 quốc tịch, trước hết vẫn được xác định là công dân Việt Nam nên sẽ áp dụng Bộ luật hình sự Việt Nam để xử lý hành vi phạm tội.
Trong trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng mang 2 quốc tịch và cơ quan công an có đủ căn cứ xác định phạm tội và bản thân bà Hằng không thuộc trường hợp được miễn trừ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của BLHS thì cơ quan tố tụng sẽ áp dụng BLHS của Việt Nam để xử lý.
Bà Phương Hằng bị bắt, Đại Nam sẽ xử lý chiếc ghế lãnh đạo ra sao?
Công ty cổ phần Đại Nam được ông Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng "Lò vôi") thành lập vào năm 1996 và đăng ký kinh doanh hơn 100 ngành nghề, hoạt động chính là bất động sản. Năm 2021, bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Dũng "lò vôi") thay chồng đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc điều hành. Bà Hằng cũng kiêm luôn vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam.
Vậy với vai trò Tổng giám đốc điều hành, nhưng hiện nay bà Hằng đã bị khởi tố và tạm giam 3 tháng, theo quy định pháp luật, vai trò điều hành doanh nghiệp sẽ được xử lý thế nào?
Giải đáp vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, với công ty cổ phần, Hội đồng quản trị bổ nhiệm một thành viên trong Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu sự giám sát, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao.
Trường hợp bà Hằng vừa là Tổng Giám đốc vừa là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị sẽ cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.
Về mặt quản lý, khi người đại diện pháp luật bị khởi tố bị can và tạm giam thì việc quản lý điều hành doanh nghiệp có thể sẽ giao cho cấp phó thực hiện hoặc do Hội đồng quản trị quyết định người tạm thay thế.
Sáng nay (25/3), nguồn tin của Tiền Phong cho hay, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đang tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng tại Trại T16, Công an TP.HCM, đóng trên địa bàn huyện Củ Chi.
(Tổng hợp)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận