Những người tư vấn, hỗ trợ, tham gia trong livestream của bà Phương Hằng có phải chịu trách nhiệm liên đới không?

Ngay sau khi bà Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra thì có không ít người thắc mắc: Những người tham gia livestream cùng có liên đới không?

Đỗ Thu Nga
08:43 25/03/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam

Như đã đưa tin, chiều 24/3, Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam) về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. VKSND cùng cấp đã phê chuẩn quyết định này.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định tạm hoãn xuất cảnh với bà Nguyễn Phương Hằng từ ngày 16/2 đến 29/4. 

Theo báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, từ tháng 3/2021 đến nay, bà Phương Hằng thường xuyên livestream, nhục mạ nhiều nghệ sĩ, luật sư, nhà báo. Bà Phương Hằng khẳng định, các nghệ sĩ như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Trấn Thành, MC Đại Nghĩa... ăn chặn tiền quyên góp cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 2020. 

Nhung-nguoi-tham-gia-livestream-cua-ba-Phuong-Hang-co-lien-doi-khong-0
Bà Phương nhận quyết định khởi

Sau đó, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã vào cuộc xác minh, kết luận những người này không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền và không khởi tố vụ án hình sự. Bà Phương Hằng tiếp tục livestream phản đối, nhục mạ họ.

Về phía những người bị bà Hằng nhắc tên như Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Vy Oanh, Võ Hoàng Yên, Hoài Linh, Hàn Ni, Đức Hiển, Đinh Thị Lan... đã làm đơn tố cáo về hành vi vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Đáng chú ý, bà Phương Hằng còn xúc phạm, nhục mạ một số Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo. 

Bà Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên Internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra, bà Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại địa bàn TP.HCM và các địa phương khác.

Hiện tại, cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ vụ việc theo quy định của pháp luật. 

Những người tham gia livestream có liên đới không?

Được biết, trong suốt thời gian dài, bà Phương Hằng đã livestream "bóc phốt", nhục mà nhiều nghệ sĩ, luật sư, nhà báo... Đáng chú ý, một số buổi phát trực tiếp có mặt ông  Huỳnh Uy Dũng (Dũng lò vôi – chồng bà Hằng) và đội ngũ tư vấn, hỗ trợ, youtuber… Dư luận đặt câu hỏi, những người này liệu có phải chịu trách nhiệm liên đới?

Theo báo Tri thức và Cuộc sống, đến thời điểm hiện tại, ngoài bà Phương Hằng, cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh chưa làm việc thêm với bất kỳ cá nhân liên quan nào khác và trong vụ việc này, chỉ có bà Hằng bị các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Vy Oanh, nghệ sĩ Hoài Linh, nhà báo Hàn Ni, nhà báo Đức Hiển... tố cáo về hành vi vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Nhung-nguoi-tham-gia-livestream-cua-ba-Phuong-Hang-co-lien-doi-khong-9
Nhiều người xuất hiện trong livestream của bà Phương Hằng

Chia sẻ với báo Tri thức và Cuộc sống, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân không chỉ do bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện mà đằng sau đó còn cả một đội ngũ tư vấn, hỗ trợ và tham gia cùng trên mạng xã hội.

Bởi vậy, ngoài việc xử lý với bà Nguyễn Phương Hằng, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của các đồng phạm khác.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ từng buổi phát trực tiếp trên mạng xã hội, hoạt động thu thập thông tin trái phép, đưa tiền trái phép, những ngôn ngữ, hành động mà nhóm người này đã thực hiện trên mạng xã hội suốt thời gian qua, đánh giá những hệ lụy đã gây ra đối với xã hội, với nhà nước, với các tổ chức cá nhân để làm căn cứ giải quyết triệt để vụ án này. Rất có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố đối với nhiều bị can và về nhiều tội danh khác nhau trong đó tội lợi dụng quyền tự do dân chủ chỉ là khởi đầu của vụ việc.

Theo luật sư Cường, trong quá trình thực hiện hoạt động phát trực tiếp trên mạng xã hội trong suốt hai năm qua của bà Phương Hằng cùng nhiều người tham gia có rất nhiều thông tin về tài khoản ngân hàng, thông tin về đời tư cá nhân của nhiều cá nhân tổ chức đã được bị nhóm người này thu thập, sử dụng trái phép, đưa tin lên mạng xã hội.

Do đó, sau khi làm rõ các nội dung có liên quan, cơ quan điều tra có thể sẽ khởi tố thêm các tội danh như tội vu khống, làm nhục người khác, đưa thông tin trái phép trên mạng internet...

Nhung-nguoi-tham-gia-livestream-cua-ba-Phuong-Hang-co-lien-doi-khong-7
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

“Về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý, hành vi vi phạm đến đâu phải xử lý đến đó, người nào vi phạm và xúi giục kích động người khác cùng thực hiện hành vi vi phạm thì sẽ được xác định là người chủ mưu cầm đầu. Những người có cùng ý chí thực hiện hành vi tội phạm sẽ được xác định là đồng phạm. Vụ án này cần phải điều tra, xử lý toàn diện, đầy đủ, nghiêm túc, đúng pháp luật thì mới đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội”, luật sư Cường nêu ý kiến.

Theo Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, tất cả những người tham gia phát trực tiếp trên mạng xã hội cùng bà Hằng và những người tư vấn đều sẽ được cơ quan điều tra triệu tập làm rõ hành vi, vai trò, ý chí để xác định có vi phạm hay không. Nếu thực hiện các hành vi đưa thông tin trái phép, lợi dụng quyền tự do để xúc phạm người khác thì sẽ đều bị xử lý với vai trò đồng phạm.

Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

(Theo Pháp luật TP.HCM, Tri thức và Cuộc sống)

Xem thêm: Hình ảnh mới nhất của bà Nguyễn Phương Hằng ở cơ quan công an sau khi bị khởi tố

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận