Giai thoại về vị đại quan "văn võ toàn tài" Đoàn Đình Duyệt và vụ án 100 năm trước

Đoàn Đình Duyệt nổi danh là vị quan đại thần đức độ, yêu nước, thương dân, có nhiều công lao đóng góp cho quê hương đất nước. Ông là 1 trong "tứ trụ" của triều đình nhà Nguyễn.

Đỗ Thu Nga
07:00 01/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thân thế của đại thần Đoàn Đình Duyệt

Đoàn Đình Duyệt (1862 - 1929) còn có tên là Đoàn Đình Nhàn, hiệu Đức Khê, tên thụy là Văn Ý, Nam tước, Đại thần Cơ mật Viện, Thượng thư Bộ Binh. Ông là 1 trong "tứ trụ" triều đình nhà Nguyễn thời vua Khải Định ((1916-1925).

Sử sách có chép, ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Đào Lãng, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương, nay là thôn Đào Lang, xã Văn Hội, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Từ nhỏ, Đoàn Đình Duyệt đã nổi bật là đứa trẻ thông minh, nhanh nhẹn, chăm chỉ. 

Cha ông mất sớm nên từ nhỏ đã ở cùng bác ruột. Hàng ngày chăn trâu, cắt cỏ, tham gia việc đồng áng. Một lần nọ, ông để trâu ăn lúa nên bị đánh đòn. Giận quá, ông bỏ nhà đi vào Bến Trại (thuộc xã Tiền Phong, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) rồi lên thuyền theo trôi theo dòng sông Luộc. Sau đó, ông gặp được người tốt đón về nuôi cho ăn học đàng hoàng.

dai-than-doan-dinh-duyet-va-vu-an-cach-day-100-nam
Chân dung đại thần Đoàn Đình Duyệt

Nói về con đường quan lộ của Đoàn Đình Duyệt, sử sách chép: Vào năm thứ Nhất Triều đại Đồng Khánh (1885), ông bắt đầu sự nghiệp hành chính, vào ngạch Nhà nước tại chính quyền Nghệ An. Ba năm sau lên chức Kinh lịch, hết thời gian tập sự thì được giao cho chức Tri huyện, Tri phủ.

Tháng 10 năm Quý Mão (1903), ông được bổ nhiệm giữ chức Thượng biện tỉnh Nghệ An sung Đốc biện đường bộ; Tháng 12 năm Đinh Mùi - 1908 làm Bố Chánh tỉnh Nghệ An. Đến tháng 10 năm Canh Tuất (1910) từ Thự Tổng đốc Lãnh Tuần phủ Quảng Ngãi, được thăng quyền Lãnh Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay). Đến tháng 6 năm Ất Mão (1915) được thăng chức Tổng đốc Bình Phú (Bình Định và Phú Yên ngày nay).

Sau 31 năm làm việc ở địa phương, năm Duy Tân thứ 10 (tức tháng 2 năm Bính Thìn - 1916), Đoàn Đình Duyệt được vời về kinh thành Huế thăng chức Thự Hiệp tá Đại học sĩ, lãnh Thượng thư Bộ Hộ (Bộ Tài chính), sung Phụ chánh Đại thần.

Vào tháng 4 năm Bính Thìn (1916), vua Duy Tân bị phế, vua Khải Định đăng cơ nhưng vì đã lớn tuổi nên không cần Phủ Phụ Chánh. Lúc này, Đoàn Đình Duyệt được chuyển sang giữ chức Thượng thư Bộ Hộ. Đến tháng 8 cùng năm thì sung Cơ mật Viện Đại thần, tấn phong tước Ninh Lãng Nam.

Vào tháng 2 nhuận năm Đinh Tỵ (1917), ông được thăng chức Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Công, kiêm bộ Binh, kiêm Quản Đô sát viện, vẫn sung Cơ mật viện Đại thần. Tháng 7 năm Tân Dậu ( tức tháng 8 năm 1921 ông bị giáng 2 cấp bậc ( xuống Tuần phủ), thu hồi tước Nam và cho về hưu vì phạm tội.

Đến năm Khải Định thứ 9 (tháng 9 năm Giáp Tý), nhân dịp Tứ tuần Đại khánh của vua Khải Định ( tháng 9/1924) ông Đoàn Đình Duyệt đã được khai phục chức tước cũ ( Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Công, Ninh Lãng Nam) đồng nghĩa với việc được tăng mức hưu bổng.

Vị đại thần yêu nước, thương dân với nhiều đóng góp lớn

Trong thời gian tại vị cũng như khi về hưu, Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt đã thể hiện rõ tinh thần yêu nước, thương dân, có nhiều đóng góp cho đất nước và quê hương Hải Dương. Với đất nước thời bấy giờ, ông đã: "Điều trần về việc thân định giáo điều, chỉnh sửa phong tục. Mua gạo đề phòng chẩn tế cứu đói cho dân. Tâu trình về việc chẩn cấp cứu đói cho dân Thanh Hóa. Xin mở một đường sông để tránh được nỗi khổ cho dân không bị hạn bởi thiếu nước ở Nghệ An. Tâu xin về việc giá gạo Bắc Kỳ rất rẻ vì thiếu tiền. Kiến nghị về việc đúc thêm tiền đồng để gia tăng việc mậu dịch. Tâu xin đặt trường giảng dạy nghiên cứu thuốc nam...".

dai-than-doan-dinh-duyet-va-vu-an-cach-day-100-nam-3
Mộ phần của cụ Đoàn Đình Duyệt

Đối với vùng đất Hải Dương, ông cho tiền, thuê thợ làm "đường chân tre" để chống úng lụt, cho đặt guồng nước có ngựa kéo để chống hạn trên cánh đồng Ba Tổng; Xây dựng cống Cổ ngựa tại Văn Giang, xã Văn hội; Xây dựng đình, chùa tại thôn Đào Lạng, xã Văn Hội.

Đặc biệt, ông bỏ công sức, tiền của xây dựng và trùng tu lại các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như: Đền Tranh ( xã Đồng Tâm), Chùa Trông (xã Hưng Long) thuộc huyện Ninh Giang và Đàn Thiện xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện. Cả ba di tích này đã được Nhà nước ta xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia từ lâu, đã và đang phát huy giá trị rất tích cực trong đời sống văn hóa của nhân dân địa phương.

Chuyện chưa kể về vụ án cách đây 100 năm

Vào năm Khải Định thứ 6 (tháng 7 năm Tân Dậu, tức tháng 8/1921) có người dâng một cuốn sách của Hiệp sĩ Trung Hoa Lương Khải Siêu, dòng chữ nhan đề bìa ngoài trông giống nét chữ của Ty thuộc (một chức quan) Bộ Công là Phan Như Đào thủ hạ của ông Đoàn Đình Duyệt (đang làm Thượng thư Bộ Công). Vua thấy được nên đã sai lục soát nhà Đào.

Lúc này, Đào Đình Duyệt ngầm sai thuộc viên mở tủ của Đào đặt trong bộ để hủy hết giấy tờ của Y, sự việc bị phát giác. Trong khi điều tra lại bắt được Ưng Thiệu mang yêu thư (sách của Lương Khải Siêu) trong người, y khai do Đoàn Đình Duyệt thuê với thù lao 1.000 đồng.

dai-than-doan-dinh-duyet-va-vu-an-cach-day-100-nam-6
Vua Khải Định

Khi đối chất, Đào Đình Duyệt kiên quyết không nhận nhưng chiếu theo nhân chứng ông bị đề nghị phạt 100 trượng và lao động khổ sai 3 năm. Bản án được trình lên vua Khải Định duyệt. 

Lúc này vua nghĩ, muốn giữ thể hiện cho ông vì là vị đại thần quê ở Bắc Kỳ nên chỉ xử ông bị hạ 2 cấp, thu hồi tước phong (Ninh Lãng Nam) cho về hưu với hàm Tuần phủ và được giữ các Bội tinh, Kim khánh, Kim tiền đã được tặng thưởng trước đó.

Đến năm Khải Định thứ 9 tháng 6 năm Giáp Tý, nhân dịp Tứ Tuần Đại Khánh của vua Khải Định ( tháng 9/1924); ông Đoàn Đình Duyệt đã được khai phục chức tước cũ (Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Công, Ninh Lãng Nam), đồng nghĩa với việc ông được tăng mức hưu bổng căn cứ theo lời phê của vua Khải Định ba năm trước đó khi ông bị cho về hưu vì phạm lỗi.

Xem thêm: Nỗi oan thấu trời của danh sĩ đại thần Phan Thanh Giản

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận