Người giữ gìn cột mốc biên giới: Khi cột mốc còn đứng yên trên đỉnh núi Cổng Trời... chúng ta còn bình yên

Ông Vàng Chỉn Tờ - người giữ gìn cột mốc nơi cổng trời biên giới chỉ mang máng nhớ rằng, từ nhỏ đã theo cha đi nương ngô, rồi được cha chỉ cho cột mốc biên giới. Từ đó bản thân tự ý thức, đó chính là chủ quyền đất nước phải giữ gìn và bảo vệ...

Đỗ Thu Nga
09:30 24/06/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chúng tôi theo chân cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thàng Tín, BĐBP Hà Giang xuống thôn Giáp Trung để tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 cũng như phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Dọc đường đi, chúng tôi gặp ông Vàng Chỉn Tờ đi ngược từ dưới thung lũng lên, nơi có những cây sa mộc thẳng tăm tắp trước mặt.

Trung tá Đỗ Minh Hải, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thàng Tín tiến đến chào ông: “Bố đi nương về à, tình hình ở mốc thế nào bố?”. Ông Vàng Chỉn Tờ cười thật tươi rồi đáp: “Vẫn bình thường, con ạ, bố vừa đi một vòng từ mốc 224 (2) sang mốc 225, giờ về nhà bố nói chuyện kỹ hơn”. Trung tá Đỗ Minh Hải cho biết: “Ông Vàng Chỉn Tờ quản lý hai cột mốc là 224 (2) và 225. Ông thường ăn, ở dưới đó trông lán, nên nếu phát hiện vấn đề gì phát sinh trên biên giới, ông sẽ báo tin cho đơn vị để xử lý”.

Chúng tôi theo chân ông Vàng Chỉn Tờ lên thăm căn nhà cheo leo trên đỉnh núi của vợ chồng ông. Ngôi nhà trình tường mang đậm phong cách người dân tộc Mông. Bà Sùng Thị Xoa - vợ ông Vàng Chỉn Tờ đã chuẩn bị sẵn ấm trà xanh mời chúng tôi, bà bảo: “Ông Tờ đi hơn một tuần rồi, hôm nay, Đồn trưởng Hải không tới chơi, chắc ông cũng chẳng về nhà. Cứ mỗi lần ông nhà tôi lục tục mài dao, sửa quẩy tấu, chuẩn bị dầu, đèn là tôi biết ông chuẩn bị xuống mốc, tôi cũng dậy thật sớm để nắm cơm cho ông đi ăn đường”.

Khi được hỏi, ông làm công việc này bao lâu rồi, thì bà Xoa cười bảo, bà cũng không nhớ nổi mình đã bao lần nắm cơm cho ông để đi từ tờ mờ sáng như thế. Bà chỉ biết, ngày nắng cũng như ngày mưa, ông đều đi lên mốc, đi từ hồi còn nhỏ, đến khi là thanh niên cho đến tận bây giờ. Có nhiều khi bị đau chân không lên cột mốc được, ông lại lo lắng, rồi cứ ngóng chờ bộ đội lên để hỏi thăm về cột mốc, về tình hình địa bàn, thì mới chịu ngồi yên. Nhiều lúc họp bản xong, ông đi thẳng từ nhà văn hóa thôn xuống mốc luôn mà không tạt qua nhà. Cứ mỗi lần như thế, bà Xoa lại thấp thỏm lo âu cho sức khỏe của ông.

cong-viec-day-y-nghia-cua-nguoi-giu-gin-cot-moc-noi-cong-troi-bien-gioi-9
Hà Giang - mảnh đất địa đầu Tổ quốc

Câu chuyện đang dở dang giữa bà với chúng tôi thì ông Tờ cười sảng khoái: “Bà lo cho tôi làm gì. Xuống mốc không mang theo lương thực thì thịt gà ăn, gà đi hết không bắt được thì ăn cơm nắm với bộ đội, có sao đâu”. Nói rồi, ông hóm hỉnh: “Anh em ở đồn đi tuần chẳng lần nào không mang quà xuống cho tôi cả, nên bà không phải lo tôi đói”.

Đường lên mốc 224 (2) và 225 uốn lượn như sợi chỉ nhỏ quanh co theo vách núi đá dựng đứng, từ trên núi nơi có ngôi nhà văn hóa thôn Giáp Trung nhìn xuống thung sâu chỉ thấy một màu đen hun hút, xa thăm thẳm. Ngồi trò chuyện, chúng tôi hỏi ông, điều gì khiến ông có trách nhiệm với cột mốc biên cương đến thế? Ông Vàng Chỉn Tờ cười hiền khô rồi kể, có một lần đi rừng về, ông thấy nhiều cây đổ làm chắn ngang, che lấp đi cột mốc, ông chợt nghĩ: “Cột mốc quan trọng như cái cột nhà của mình, cái cột nhà mình bị hỏng, bị tổn thương thì mình buồn lắm”.

Năm nay đã hơn 70 tuổi, những khi không xuống mốc được, ông Vàng Chỉn Tờ đều dặn con cháu phải phát quang xung quanh cột mốc. Cứ mỗi lần lên với mốc 224 (2) và 225, công việc của ông chỉ lặp đi lặp lại là lau chùi bốn mặt cột mốc cho sạch, cho nổi rõ những dòng chữ Việt Nam và con số in trên hai mặt chính của cột mốc cũng như kiểm tra hiện trạng của cột mốc. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng cũng lắm công phu, ông cứ một mình lầm lũi, tự giác làm hết ngày này qua ngày khác mà không màng tới lợi ích, hay sự đáp đền.

Ông Vàng Chỉn Tờ tâm tình: “Trong sâu thẳm lòng tôi hiểu được, khi cột mốc còn đứng yên trên đỉnh núi Cổng Trời thì bản làng của tôi, gia đình của tôi cũng như bao nhiêu gia đình khác đang sống ở đây sẽ mãi yên ổn, bình yên. Vì thế, mình phải chung tay gìn giữ, bảo vệ để cột mốc này mãi vững bền theo thời gian”.

Trung tá Đỗ Minh Hải khẳng định: “Gần 20 năm làm Bí thư chi bộ thôn Giáp Trung và cũng bằng ấy năm tự nguyện gắn bó với 2 cột mốc 224 (2) và 225, ông Vàng Chỉn Tờ luôn là tấm gương sáng để bà con dân bản nơi đây noi theo. Ông xem cột mốc như là nhà của mình, nhờ có ông Vàng Chỉn Tờ mà dù cột mốc ở cách xa đơn vị, đường sá đi lại khó khăn, nhưng vẫn được ông chăm sóc, bảo vệ hằng ngày. Khi nào cán bộ, chiến sĩ tuần tra lên tới mốc, thấy cột mốc sạch sẽ, phong quang, thoáng đãng, được lau chùi cẩn thận là biết ông đã lên rồi”.

Anh Lù Văn Kim, Chủ tịch UBND xã Thàng Tín cho chúng tôi biết: “Bản thân ông Vàng Chỉn Tờ vừa là người có uy tín trong thôn, vừa là già làng, trưởng bản, ông cùng nhiều hộ dân khác đã tự nguyện nhận và quản lý đoạn biên giới giữa mốc 224 (2) và mốc 225. Bên cạnh đó, ông còn nhiệt tình tham gia tuyên truyền cho người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 cũng như không tiếp tay cho hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới”.

Thôn Giáp Trung, xã Thàng Tín là thôn giáp biên, người dân nơi đây luôn có ý thức tự giác bảo vệ đường biên, cột mốc. Những người có uy tín như ông Vàng Chỉn Tờ trong thôn luôn phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thàng Tín tuyên truyền cho bà con về chủ quyền, an ninh biên giới, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, luôn kề vai, sát cánh cùng BĐBP bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Nếu có ai hỏi để biết chính xác ông Vàng Chỉn Tờ (thôn Giáp Trung, xã Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) đã giữ gìn cột mốc biên giới 224 (2) và 225 (tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc) từ bao giờ, thì nhiều cư dân dưới chân núi Cổng Trời cũng không nhớ chính xác, kể cả bản thân ông Vàng Chỉn Tờ cũng vậy.

(Theo Biên Phòng)

Xem thêm: Cô giáo trẻ tình nguyện rời phố lên vùng biên giới Lai Châu dạy học

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận