Cố GS.BS Tôn Thất Tùng và hành trình "cắt gan khô" khiến cả thế giới sốc

Sinh thời, cố GS.BS Tôn Thất Tùng từng khiến giới y học thế giới "sốc nặng" khi công bố phương pháp "cắt gan khô". 

Đỗ Thu Nga
08:02 17/04/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cố GS.BS Tôn Thất Tùng (1912 - 1982) sinh ra trong gia đình ở Thanh Hóa quyền quý, có truyền thống làm quan. Khi mới được 3 tháng tuổi, mẹ đưa ông vào Huế sinh sống. 

Thay vì theo đuổi con đường quan tước của gia đình, năm 1931, ông lên đường ra Hà Nội học trường Trung học Bảo Hộ (trường chuyên Chu Văn An sau này). Từ năm 9 tuổi cho đến khi trở thành cậu thanh niên ngành y, Tôn Thất Tùng được nuôi dưỡng và truyền cảm hứng bởi bác sĩ Hồ Đắc Di - nhà phẫu thuật duy nhất tại Đông Dương thời điểm đó. Sau này, ông là Hiệu trưởng trường Đại học y Tuyên Quang. 

Năm 1935, Tôn Thất Tùng tốt nghiệp trường y Hà Nội - lúc bấy giờ là thành viên của trường  Đại học Đông Dương, đồng thời cũng là trường đào tạo y khoa duy nhất tại Đông Dương. Ông được phân công thực tập tại bệnh viện Phủ Doãn (bệnh viện Việt – Đức).

co-gsbs-ton-that-tung-nguoi-thay-lam-rang-danh-y-hoc-viet-nam-0
Gia đình cố GS.BS Tôn Thất Tùng

Nhưng do không chịu nổi sự bất công và mong muốn học tập nhiều hơn, ông tham gia đấu tranh buộc chính quyền phải tổ chức cuộc thi dành cho các bác sĩ bản xứ có cơ hội thực tập nội trú. Và trong kỳ thi đầu tiên, ông đã xuất sắc giành suất thực tập duy nhất. Từ đó, ông trở thành người tiên phong và truyền cảm hứng cho các thế hệ sinh viên y khoa sau này, mở ra tiền lệ chưa từng có trước đó. 

Trong một lần, ông phát hiện gan của người bệnh có giun chui ở các đường mật, ông đã nảy ra ý tưởng dùng những lá gan bị nhiễm giun để phẫu tích cơ cấu của lá gan. Liên tiếp những năm sau đó 1935-1939, chỉ bằng con dao nạo thô sơ, ông đã phẫu tích trên 200 lá gan của tử thi để nghiên cứu các mạch máu và vẽ lại thành sơ đồ đối chiếu. Từ cơ sở đó, ông đã viết và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa với nhan đề "Cách phân chia mạch máu của gan".

Bản luận án của Tôn Thất Tùng được đánh giá cao và trở thành tiền đề cho những công trình khoa học nổi tiếng của ông. Với bản luận án này, Tôn Thất Tùng đã được Đại học Tổng hợp Paris tặng huy chương bạc.

Sau nhiều lần cắt gan người chết, ông đề xuất với thầy hướng dẫn về phương pháp của mình. Phương pháp này sau đó được gửi Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris và bị giáo sư đầu ngành công kích dữ dội, vì ý tưởng của Tôn Thất Tùng quá mới.

co-gsbs-ton-that-tung-nguoi-thay-lam-rang-danh-y-hoc-viet-nam-6
Cố GS.BS Tôn Thất Tùng (đeo kính) giới thiệu về Bệnh viện Việt Đức với Bác Hồ trong một lần Người đến thăm bệnh viện

Nhưng đến năm 1952,  tại hội nghị Phẫu thuật quốc tế ở Copenhaghen (Đan Mạch) phương pháp cắt gan có quy phạm của ông mới được thừa nhận. Ông được giới y học quốc tế chú ý và ca ngợi là "cha đẻ phương pháp cắt gan có quy phạm".

Sau này, ông có nhiều cống hiến cho ngành y học Việt Nam trên cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại khoa (Đại học Y Hà Nội), Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Trong tình trạng học và hành khó khăn, bác sĩ Tùng phải tự đặt cho mình nguyên tắc, trước hết, coi công việc hàng ngày là quan trọng nhất. Đó là hai bàn chân bám vào mặt đất là nguồn động lực đi vào khoa học của mình và ông xem việc quan sát là cơ bản của khoa học. Muốn vươn lên trước hết phải biết các ngoại ngữ. Ông cũng đề con việc dùng trí tuệ của con người để chẩn đoán bệnh và chỉ dùng máy móc để kiểm tra, tổng hợp.

Ông nhấn mạnh: “Quan trọng thay cách làm việc của tuổi trẻ, lúc vỏ não chưa bị sách vở hay các ông thầy già nhồi sọ bằng những lý luận không sát mà người ta cứ tưởng như là chân lý vĩnh viễn”. Ông khẳng định: “Nếu không bám sát vào thực tế thì lúc trưởng thành làm sao không rơi vào con đường bảo thủ và giáo điều, cho mình biết hết mọi việc và tưởng rằng mọi vấn đề đã được giải quyết cả rồi”. Khi trở thành nhà phẫu thuật lừng danh, Giáo sư Tôn Thất Tùng khẳng định: “Một người nghiên cứu như tôi hiện nay không chỉ là một nhà mổ xẻ mà còn phải biết sinh vật học, hóa học và vật lý nữa. Tính chất bao quát của mọi vấn đề ngày càng bao trùm lên các vấn đề nghiên cứu khoa học, và một thanh niên chuẩn bị đi vào khoa học phải nắm vững những kiến thức ấy”.

co-gsbs-ton-that-tung-nguoi-thay-lam-rang-danh-y-hoc-viet-nam-5
Cố GS.BS Tôn Thất Tùng (đeo kính) giới thiệu về Bệnh viện Việt Đức với Bác Hồ trong một lần Người đến thăm bệnh viện

Năm 1946, bác sĩ Tôn Thất Tùng rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Khi trở về Hà Nội, ông nhận tin: Vào năm 1952, GS. Lortat-Jacob ở Pháp đã thành công trong việc cắt gan “có quy phạm” bằng cách: Trước khi cắt gan, tìm và buộc tất cả các mạch máu ở ngoài gan.

Đến ngày 7/1/1961, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, GS. Tôn Thất Tùng cắt thuỳ gan phải của một người bị bệnh ung thư. Ca mổ kéo dài 6 phút. Phương pháp này khác với phương pháp của GS. Lortat-Jacob thực hiện trước đó. Cố GS.BS Tôn Thất Tùng tìm ở ngay trong gan (qua tổ chức gan bị bóp vỡ) các mạch máu và ống mật, còn Lortat-Jacob tìm ở ngoài gan (tại đoạn mà người ta gọi là cuống gan).

Sau đó 1 năm, ông cắt gan cho 50 trường hợp. Từ thành công này, năm 1963, công bố phương pháp cắt gan mới đăng trên tờ The Lancet, một tạp chí rất nổi tiếng trong ngành phẫu thuật thế giới đã gây chấn động dư luận.

Đã có không ít nhà phẫu thuật trên thế giới gửi thư đến Hà Nội xin bác sĩ Tùng thêm tài liệu về phương pháp cắt gan khô hay còn gọi là “phương pháp Tôn Thất Tùng”. “Ton That Tung’s method” cũng được giới thiệu trong Bách khoa thư nội thương-phẫu thuật của Pháp; được đưa vào Tuyển chọn các tài liệu sản khoa và phẫu thuật của Mỹ. Cuốn Phẫu thuật cắt gan của GS. Tôn Thất Tùng được NXB Masson in ở Pháp, sau đó được dịch in ở Nga và ở Ý (năm 1985).

co-gsbs-ton-that-tung-nguoi-thay-lam-rang-danh-y-hoc-viet-nam-4

Đến năm 1985, Manfredi và đồng nghiệp (J Surgical Oncology) báo cáo 103 ca giải phẫu dùng phương pháp của bác sĩ Tùng mà không có biến chứng gì đáng kể. Đến năm 2004, một nhóm bác sĩ Ý kết luận kỹ thuật cắt gan của nhà khoa học này là tiêu chuẩn vàng.

Trong thư gửi từ Paris của GS DANIEL JAECK, Phó chủ tịch Hiệp hội Phẫu thuật viên quốc tế, Đại học Strasbourg, Pháp có đoạn viết nhờ các công trình của giáo sư, hàng nghìn bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt bỏ một hoặc nhiều khối u ở gan.

Phương pháp này cho phép phẫu thuật gan đạt đến mức an toàn, thích hợp với mọi hình thái, đại phẫu gan cũng như phẫu thuật gan hạ phân thùy. Nhờ các công trình của giáo sư, các biến chứng phẫu thuật gan giảm thiểu rõ rệt và tỷ lệ tử vong giảm nhiều.

Đến ngày 7/5/1982, bác sĩ Tôn Thất Tùng qua đời tại Hà Nội. Trong bài tưởng niệm được in trên tờ Témoignage (Bằng chứng), tờ báo của giới Y học Pháp, BS J.-M. Krivine viết: "Không ai có thể thay thế được GS. Tôn Thất Tùng! Không một nhà phẫu thuật nào có tầm cỡ như ông trong thế hệ hiện nay (...). Nhưng chúng ta tin rằng ngành phẫu thuật Việt Nam sẽ tiếp tục nuôi dưỡng và phát huy nhiệt tình, tính nghiêm túc và trí tuệ cởi mở của bậc thầy khai sáng ấy". 

Không chỉ là vị bác sĩ giỏi, nhân hậu, cố GS.BS Tôn Thất Tùng còn là 1 người thầy đáng kính. Ông  truyền cảm hứng, giảng dạy cho nhiều lớp sinh viên sau trở thành những bác sĩ giỏi. 

Thầy Tôn Thất Tùng dạy học trò cần đào sâu nghiên cứu kiến thức y khoa, việc căn bản của khoa học là quan sát, đề cao việc dùng trí tuệ hơn máy móc. Khoa học kỹ thuật chỉ nên đóng vai trò kiểm định, tổng hợp chứ không thể ra quyết định thay cho bác sĩ. 

Thầy cũng khuyến khích sinh viên mở rộng tầm hiểu biết sang các lĩnh vực hóa học, vật lý, tham khảo tiến bộ của phương Tây về ứng dụng cho thực tế tại Việt Nam, tránh tư tưởng bảo thủ, giáo điều, cứng nhắc.

Danh hiệu và giải thưởng trong sự nghiệp của cố GS.BS Tôn Thất Tùng: 
Với những đóng góp không ngừng nghỉ cho sự phát triển của nền y học Việt Nam và sự nghiệp đào tạo, giáo sư Tôn Thất Tùng đã vinh dự được nhà nước trao tặng nhiều giải thưởng cao quý:
Anh hùng Lao động
Huân chương Lao động hạng Nhất
Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất
Huân chương Kháng chiến hạng Ba
Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I ( Truy tặng 1996)
Huân chương Hồ Chí Minh ( Truy tặng 1992)
Ra đời giải thưởng Y học Tôn Thất Tùng (2000).
Đến nay, cố GS.BS Tôn Thất Tùng vẫn sống mãi trong lòng học trò. Ông là tấm gương sáng cho những người  trong ngành y. 

Larry Williams: Bước chuyển mình từ nhà báo thành nhà giao dịch chứng khoán thành công bậc nhất

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận