Chuyện về số phận "long đong lận đận" của xác ướp vua Lê Dụ Tông
Thi hài vua Lê Dụ Tông là 1 trong những hiện vật quan trọng bậc nhất trong lịch sử khảo cổ Việt Nam. Thế nhưng, xác ướp này lại có số phận "long đong lận đận"...
Đôi nét về cuộc đời vua Lê Dụ Tông
Vua Lê Dụ Tông (1679 – 27 tháng 2 năm 1731) là vị Hoàng đế thứ 11 của Nhà Lê Trung hưng và thứ 22 của triều Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông có tên húy là Lê Duy Đường, con trai trưởng của vua Lê Hy Tông và bà Nguyễn Thị Ngọc Đệ (người xã Trùng (Xung) Quán, huyện Đông Ngàn).
Vào tháng 4 năm Ất Dậu (1705), dưới tác động của chúa Trịnh, ông được vua cha truyền ngôi cho, lấy hiệu là Vĩnh Thịnh. Đến năm 1720, nhà vua đổi niên hiệu là Bảo Thái.
"Lịch triều tạp kỷ" có ghi chép khá tích cực về triều đại của vua Lê Dụ Tông, mà thực chất là lời khen dành cho Trịnh Cương - người lãnh đạo thực tế của Đại Việt khi ấy:
"Bấy giờ thừa hưởng cơ nghiệp thái bình, không xảy binh đao, trong nước vô sự, triều đình có làm được nhiều việc. Pháp độ được rất đầy đủ, kỷ cương thi hành được hết. Xứ xa lạ thì dâng lễ vật tỏ lòng thành, thượng quốc (Trung Quốc) thì trả lại đất. Có thể gọi là đường cực thịnh. Nhà vua rủ tay áo, ngồi ở trên, không phải khó nhọc mà mọi việc đâu ra đấy. Khi nói đến cuộc thịnh trị ở thời bấy giờ người ta tất phải kể đến đời vua nà".
Đến năm 1718, sứ nhà Thanh sang Đại Việt phong vua làm An Nam Quốc vương. Do sự tranh nghị của triều đình, các quan nhà Thanh cho phép vua hành lễ tam khấu ngũ vái thay vì tam quỳ cửu khấu trước chiếu chỉ vua Thanh. Sang năm 1724, Dụ Tông bị bệnh đau chân, chúa Trịnh Cương thay quyền ông làm lễ tiết Nam giao.
Năm 1727, Trịnh Cương bức Lê Du Tông phế bỏ Hoàng trưởng tử Duy Tường, lập con thứ của Chính cung Trịnh thị là Duy Phường làm Hoàng thái tử. Từ đó, Dụ Tông cảm thấy oán hận. Theo bản tấu của Bùi Sĩ Tiêm gửi chúa Trịnh Giang thì: "Tôi thường thấy lúc Tiên đế trị vì, khí sắc bực tức bất bình thổ lộ ra trong câu văn hoặc lời nói".
Ngày 20 tháng 4 nǎm Kỷ Dậu (1729), ông bị An Đô vương Trịnh Cương ép nhường ngôi cho Thái tử Lê Duy Phường (sau bị phế làm Hôn Đức công) rồi ra ở cung Kiền Thọ, xưng là Thuận Thiên thừa vận Hoàng thượng.
Cương mục cho biết rằng, từ khi bị ra ở điện Kiền Thọ, Thượng hoàng u uất, không vui. Đến tháng Giêng nǎm Tân Hợi (1731) thì ông qua đời, hưởng dương 53 tuổi, truy tôn là Hòa Hoàng đế, miếu hiệu Dụ Tông. Người con thứ của ông là Lê Duy Mật sau này khởi nghĩa chống lại họ Trịnh hơn 30 năm.
Số phận "long đong lận đận" của thi hài vua Lê Dụ Tông
Vào một buổi chiều năm 1958, người nông dân ở thôn Bái Trạch (xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) phát hiện mộ phần của vua Dụ Tông. Ở gần ngôi mộ có bia tạc, ghi rõ "Lê triều Dụ Tông hoàng đế lăng, Minh Mạng nhị thập thất niên, tứ nguyệt nhị thập ngũ sắc kiến" (dịch là lăng hoàng đế Dụ Tông nhà Lê. Vua sai dựng ngày 25 tháng 4 năm thứ 21 niên hiệu Minh Mạng).
Việc tìm thấy thi hài vua Lê Dụ Tông là tin chấn động trong ngành khảo cổ và sử học Việt Nam. Thi hài đã khẳng định nghệ thuật ướp xác của Việt Nam đã đạt tới một đỉnh cao không thua kém gì thế giới.
Những người nông dân phát hiện ra mộ phần này đã làm vỡ một mảnh quách, lộ rõ quan tài được sơn son thếp vàng bên trong. Người này từng cho biết, không giống các ngôi mộ khác, bốc lên mùi hôi thối, mộ phần của vua toát lên hương thơm thoang thoảng.
Ngày 2/4/1964, quan tài được mở nắp dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Nhà nước và những nhà khoa học đầu ngành. Xác là một người đàn ông cao 1,49m. Thân hình bị đét lại nhưng hình dạng bên ngoài vẫn còn nguyên.
Khi mới mở áo quan, trông như một người gầy ốm mới chết, bụng dưới hơi phồng, lấy tay ấn thì bụng thấy có hơi và ít nước chảy ra (khác với những xác ướp bụng lép). Không có một vết rạch hay châm chích gì trên cơ thể.
Quan tài của vua được làm bằng gỗ ngọc am (pơ mu), một loại gỗ quý được các vị vua chúa rất chuộng. Sau tấm chăn bông gấm, thi hài được liệm cùng nhiều lớp quần áo, vải liệm, áo mặc, giấy bản, túi thơm...
Những chiếc áo hoàng bào có thêu nhiều hình rồng năm móng, khăn gấm thêu hình rồng cùng tấm bia khắc chữ Lê triều Dụ Tông hoàng đế. Môi của thi hài bị teo để lộ hàm răng đen đã rụng một vài chiếc, cằm có chòm râu đen đã điểm bạc. Chiếc áo hoàng triều vẫn còn giữ được nguyên màu lấp lánh sợi kim tuyến. Đặc biệt, xác ướp vẫn sực nức mùi thơm.
Từ năm 1964 đến trước thời gian con cháu dòng họ Lê đưa xác vua về hoàn táng ở quê hương thì thi hài được lưu giữ và bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Năm 1996, con cháu dòng họ Lê đề nghị được rước thi hài Lê Dụ Tông về hoàn táng tại Thái Miếu nhà Lê ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa. Cơ quan chức năng và tỉnh Thanh Hoá đã đồng ý, kế hoạch khá chi tiết thực hiện cũng được vạch ra.
Tuy nhiên, việc không thành do một nhà khoa học có uy tín không đồng ý. Sau nhiều nỗ lực vận động, đến năm 2010 nguyện vọng của họ Lê mới được đáp ứng. Ảnh: Thi hài vua Lê trước ngày hoàn táng.
Vào ngày 11 tháng Chạp năm Kỷ Sửu (25/1/2010), lễ nhập quan và tổ chức đưa thi hài vua Lê Dụ Tông về hoàn táng tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã được thực hiện một cách trang trọng, kết thúc 46 năm lận đận của xác ướp cổ kể từ khi được khai quật.
Xem thêm: Huyền tích thú vị về chuyện hổ mẹ con nhà hổ cứu mạng vua Lê Đại Hành
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận