Chuyện về những luống rau gây quỹ giúp bạn nghèo
Những luống rau xanh được học trò miền núi xứ Nghệ tự trồng, chăm sóc đem bán làm nguồn quỹ giúp bạn nghèo.
Những ngày gần đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các nhóm lớp học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Hội Nga, huyện miền núi Quỳ Châu, Nghệ An nô nức ra vườn rau xanh thu hoạch bắp cải, rau muống, su hào.
Không khí sôi nổi, tiếng cười nói rộn rã của cô trò thu hoạch rau như xua tan đi cái giá rét dưới 10oC ở ngôi trường miền tây xứ Nghệ.
Từng chiếc bắp cải xanh được các em thu hoạch, nâng niu chuyền tay nhau tập kết để đem bán cho người dân xung quanh trường.
Tay thoăn thoắt hỗ trợ học sinh bỏ những lá sâu hỏng, thầy Nguyễn Đức Giang - giáo viên chủ nhiệm lớp 9B - hồ hởi: "Bắp cải được cả lớp trồng, chăm sóc gần ba tháng qua hoàn toàn bằng hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học nên rất sạch. Dịp cuối năm các em sắp nghỉ Tết về quê, không sử dụng hết nên lớp thống nhất đem bán để gây quỹ giúp bạn".
Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Hội Nga có 208 học sinh ở bán trú trong tổng số 521 học sinh.
Ngoài tiền hỗ trợ của Nhà nước, của gia đình, nhà trường hướng đến xây dựng mô hình trồng rau xanh từ mảnh đất rộng hơn 500m2 phía sau trường nhằm cải thiện bữa ăn cho các em.
Những luống rau xanh mướt được các thầy cô phân chia từng luống với đầy đủ thông tin theo lớp, và để học sinh có thể phân biệt được từng loại rau khác nhau.
Thời gian trồng và chăm sóc rau chủ yếu là những ngày nghỉ, sau giờ học. Hằng ngày, học sinh sẽ tự phân công nhiệm vụ, em thì cuốc đất, em lấy nước tưới rau, em thu hoạch rau. Loại rau được trồng theo mùa, chủ yếu là các loại rau muống, cải củ, su hào, bắp cải, cải ngọt…
Háo hức thu hoạch luống bắp cải, em Vi Thị Mộc Châu bày tỏ: "Được tự tay trồng những luống rau, em cảm thấy rất vui sau những giờ học. Đây là điều kiện để chúng em học cách trau dồi kỹ năng sống, làm việc nhóm đoàn kết hơn".
Cô Lê Thị Hưng - hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: "Rau sau khi thu hoạch được nhập cho bếp ăn của trường làm thức ăn cho học sinh. Đến cuối năm học, nhà bếp cộng tổng số lượng rau mỗi lớp đã sản xuất được, rồi tính thành tiền chuyển lại cho các lớp làm quỹ".
Theo cô Hưng, việc "tăng gia sản xuất" trong khu đất nhà trường không chỉ giúp các em có nguồn quỹ để sinh hoạt ngoại khóa, liên hoan, tổ chức sinh nhật mà còn trau dồi kỹ năng sống, giúp các em tạo tính tự lập, yêu thích lao động.
(Theo Tuổi trẻ)
Xem thêm: Người trẻ nhân ái: Chàng trai 3 lần đạp xe xuyên Việt gây quỹ từ thiện
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận