Chuyện về người phụ nữ kế nghiệp mẹ chồng "bán" cơm 0 đồng
Nhớ lời dặn của mẹ chồng, bà Thu tiếp tục nối nghiệp bếp cơm 0 đồng để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân nghèo....
"Ăn cơm chay hả em? 1 hộp vậy có đủ không? Chị chúc em sức khỏe tốt nha". "Con 3 hộp ha. Con qua lấy thêm 3 ly trà đường, trái cây đi. Chúc con ăn cơm chay bán vé số đắt, sức khỏe tốt nha con"… Những lời hỏi thăm ân cần, ấm áp của bà chủ bếp cơm 0 đồng ở huyện Thới Bình (Cà Mau) được dân mạng xuýt xoa: "Có cần ngọt ngào dữ vậy hông?".
Kế nghiệp bếp cơm 0 đồng từ mẹ chồng
Tính đến nay, bếp cơm 0 đồng của bà Nguyễn Thị Diễm Thu (51 tuổi) đã gần 30 tuổi và không còn xa lạ với người dân ở huyện Thới Bình. Gia đình bà Thu có 9 anh em, cuộc sống nghèo khó vô cùng. May mắn sao, bà Thu được mẹ chồng chọn về làm dâu con trong nhà.
Ngày mới về nhà chồng, bà chứng kiến mẹ chồng cùng các cô lớn trong xóm đi nhặt xơ dừa nấu cháo cho bệnh nhân nghèo. Đến khi nằm viện, mẹ chồng nắm chặt tay bà dặn dò, dù bận cỡ nào cũng ráng duy trì thiện nguyện. Bà Thu chưa kịp nhận lời mẹ chồng thì bà đã mất.
Đó cũng là năm bà Thu "lên bờ xuống ruộng" vì làm ăn thất bại. Một mình bà gồng gánh việc làm ăn, chăm lo chồng con nhưng vẫn luôn nhớ lời mẹ chồng dặn. Bà quyết tâm vực dậy kinh tế gia đình và dành thời gian cho việc thiện nguyện.
Mỗi ngày bà dậy từ 2h sáng, lục đục nấu cháo phát cho bệnh nhân. Đến 7h sáng, bà loại châunr bị đồ nấu cơm chay phục vụ bệnh nhân ăn trưa. Mới đây, bà mở thêm điểm phát cơm ở quán cà phê của gia đình.
"Tôi làm điểm phát cơm này để cảm ơn người đã mua cà phê, mua đồ điện ở quán mình bấy lâu nay. Tôi cầm hộp cơm giống như cảm ơn ông thần, bà tiên đã giúp mình. Không có họ thì làm sao tôi hứa với mẹ làm tròn nhiệm vụ", bà chia sẻ.
Cứ vậy, mỗi ngày bếp ăn 0 đồng đều đặn phục vụ khoảng 500 phần cơm chay, không có ngày nghỉ. Bà chủ bếp ăn chia sẻ, bao nhiêu năm nay chưa từng phải mua gạo nấu cơm 0 đồng mà những người xa lạ lúc 5kg, lúc 10kg mang đến đóng góp. Tết vừa rồi có người gửi đến 1000kg gạo khiến bà bật khóc. Những bệnh nhân nhận cơm, cháo miễn phí; khi xuất viện về cũng hái bông súng, đọt lang qua góp vào bữa ăn.
Bà Thu bật khóc nhớ lại: "Ngày trước nhà tôi nghèo lắm, bà ngoại và mẹ ruột tôi mất vì không có tiền đi bệnh viện, bà con hàng xóm cũng lại đưa ra nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi chưa quên được những ngày tháng đó nên giờ người ta đến thì tôi giúp, tôi ám ảnh sự khổ sở đấy lắm".
"Tôi chỉ nguyện mình mạnh khỏe để phục vụ bà con tới hơi thở cuối cùng"
Bà Nguyễn Bạch Tuyết (bác sĩ nghỉ hưu) đã tham gia bếp cơm 0 đồng cùng bà Thu được 2 năm và tận mắt chứng kiến bà Thu bỏ tiền túi ra giúp bệnh nhân khó khăn, cặm cụi chuẩn bị cơm cháo.
"Thấy công việc ý nghĩa nên tôi cùng góp sức với chị Thu để nấu cả sáng sớm và trưa", bà Tuyết nói.
Chị Trần Tý Nỵ (Trung tâm y tế Thới Bình) cho biết, bếp cơm của gia đình bà Thu nổi tiếng từ thời mẹ chồng bà còn đứng bếp, tới nay lại truyền nghề cho con dâu.
Không chỉ bệnh nhân nghèo mà cả điều dưỡng, hộ lý có hoàn cảnh khó khăn cũng được ăn cơm 0 đồng để tiết kiệm một phần thu nhập.
Chị nhận xét: "Không chỉ trong clip đâu, ngoài đời cô Thu cũng nói chuyện ân cần, ngọt ngào". Nhà có 3 cửa hàng giao cho chồng và hai con trai kinh doanh, mỗi ngày một cửa hàng góp vào 300.000 đồng để bà Thu duy trì bếp cơm, cháo.
Bà cũng dự định sẽ dành riêng một căn nhà để mua áo quan, đồ tẩm liệm hỗ trợ bệnh nhân nghèo không có tiền mai táng. "Sau này tôi cũng cho một con dâu căn nhà gần bệnh viện, một con dâu thì cho chỗ quán cà phê này để nối nghiệp từ thiện như cách mẹ chồng để lại mà tôi đã nối nghiệp thời gian qua. Tôi chỉ nguyện mình mạnh khỏe để phục vụ bà con khắp nơi tới hơi thở cuối cùng", bà Thu bộc bạch.
(Theo Thanh Niên)
Xem thêm: Cô giáo vùng cao và hành trình 7 năm nấu cơm 0 đồng tặng học trò nghèo
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận