Cô giáo vùng cao và hành trình 7 năm nấu cơm 0 đồng tặng học trò nghèo
Không chỉ là giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Đắk Nang, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), cô giáo Huỳnh Thị Thùy Dung (SN 1988) còn là người quản lý bếp ăn bán trú dành cho học sinh.

Từng rớt nước mắt vì lá thư của học trò nghèo
Đã nhiều năm trôi qua, thế nhưng nhắc về lý do mở bếp ăn bán trú, cô Dung vẫn chưa thể quên được những dòng thư của Giàng Thị Dó. Bức thư của cô học trò người Mông được gửi tới cô Dung vào một ngày đầu tháng 10, khiến cô Dung không khỏi xót xa.
Giàng Thị Dó sinh năm 1999 tại một bản người Mông tại thôn Phú Lợi, xã Đắk Nang. Bố đột ngột qua đời, để lại mẹ và ba anh chị em Dó. Hai năm sau, mẹ em lấy chồng khác rồi đưa các em về ở cùng. Gia cảnh nghèo khó đã buộc nữ sinh này phải xin thôi học để phụ giúp gia đình.
Nhớ lại từng kỷ niệm với cô học trò năm xưa, cô Dung bồi hồi: “Ngày đó tôi mới đi dạy, trong lớp có Dó học rất giỏi, đặc biệt là môn tiếng Anh. Nhưng do nhà nghèo, đông anh em, bố dượng lại rất hà khắc nên em phải bỏ dở chuyện học hành. Trước khi nghỉ học, em viết một lá thư gửi cho các bạn trong lớp và cô giáo chủ nhiệm”.

“Học sinh nghỉ học vì nhà nghèo ?”- Đó là những gì cô Dung nghĩ trong đầu khi đọc bức thư của học trò. Cũng từ câu hỏi ấy, cô Dung cũng đặt ra câu hỏi cho chính bản thân: “Mình cần làm gì để học sinh được đến trường ?”.
Nhiều năm gắn bó với ngôi trường vùng cao xã Đắk Nang, cô Dung hiểu rằng, những đứa trẻ nghỉ học sớm để phụ giúp bố mẹ. Có em lên rừng hái măng, hái đót, tìm chuối hột, có em ở nhà trông em để bố mẹ đi làm, thậm chí có em theo chân người lớn để mưu sinh hàng ngày… Trẻ em trong vùng, nhiều em chấp nhận thất học để no bụng.
Tháng 12.2016, những suất ăn đầu tiên được cô Dung chuẩn bị để phát cho học sinh trong trường. Thời điểm đó, mỗi tuần cô Dung chỉ đủ kinh phí nấu thức ăn cho hơn 100 học sinh và phát 2 buổi/tuần.
Ám ảnh bữa ăn chỉ có cơm nguội và đường mía
9 năm về công tác tại trường THCS Võ Thị Sáu thì cô Dung có 7 năm đồng hành cùng học trò nghèo, mang đến cho cả ngàn học sinh ở đây những bữa cơm đầy đủ rau, thịt, cá.
Ít ai biết rằng, những ngày đầu khi bếp ăn đi vào hoạt động, cô Dung chỉ đủ tiền mua rau và cá khô để nấu. Sau đó, những thông tin về bếp ăn được nhiều người chia sẻ, bếp ăn cũng gia tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng mỗi bếp ăn.
Cô Dung chia sẻ: “Học sinh của trường phần đông là các em người dân tộc Mông, Sán Chỉ. Do đường từ nhà đến trường xa, các em chọn cách mang cơm từ nhà đi để ăn trưa tại trường, chờ đến chiều học tiếp. Nhiều lần chứng kiến các em ăn cơm đựng trong túi ni lông, ăn kèm muối ớt hoặc cục đường mía mà tôi không khỏi xót xa”.
Thông qua Zalo, Facebook, cô Dung kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người, để hỗ trợ các em học sinh nghèo được đến lớp. Ngoài ra, để việc nấu cơm cho các em ổn định hàng tuần, các phụ huynh, tiểu thương trong xã cũng giúp đỡ bằng cách cho rau, thịt hoặc trực tiếp tham gia nấu nướng.

Sau 7 năm bếp ăn đi vào hoạt động, trung bình mỗi tuần cô Dung nấu khoảng 800 suất ăn. Mỗi bữa ăn có đủ thịt, cá, rau và canh, khác hẳn những gói cơm nguội vài năm trước.
Tuy nhiên, 7 năm “đi xin cơm cho học trò nghèo”, cô Dung chỉ nhận mình là cầu nối, kết nối giữa những nhà hảo tâm, các mạnh thường quân với những đứa trẻ thiếu thốn, thiệt thòi. Hơn một triệu suất cơm được trao đến tận tay học trò nghèo, đó là tình cảm của mọi người dành cho học sinh của cô Dung.
Điều cô Dung tự hào nhất đến thời điểm này, đó chính là sự tin tưởng của các nhà hảo tâm. Sau nhiều năm triển khai, có rất nhiều nhà hảo tâm đã đồng hành cùng cô Dung suốt hành trình đã qua. Có những người chưa từng về thăm trường, chỉ trao đổi qua điện thoại, thậm chí có những nhà hảo tâm gửi tiền giúp đỡ nhưng không tiết lộ thông tin cá nhân…nhưng tất cả đều chung mục đích, chăm lo những bữa cơm cho học sinh nghèo.
Đặc biệt, nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành từ bếp ăn, tiếp tục con đường học tập. Chính điều đó đã thôi thúc cô Dung tiếp tục con đường mình đã chọn, vẫn là cầu nối giúp đỡ các học sinh khó khăn cho đến khi bếp ăn không còn học sinh.
(Theo daibieunhandan.vn)
Đọc thêm
Chứng kiến cậu bé 6 tuổi chỉ nặng 10kg, bụng phình to vì bệnh tật mà cô giáo Nguyễn Huế không thể cầm lòng được. Cô chỉ mong trường hợp của cậu bé được các mạnh thường quân biết đến, dang tay cứu giúp.
Cô giáo người Thái Lò Thị Bích Đào đã quyết tâm cống hiến tuổi xuân, gieo con chữ và sáng kiến hay đối với học trò nghèo vùng cao.
Nhiều năm nay, Ksor Hương là đôi mắt và hy vọng của người mẹ mù lòa. Thế nhưng khi đứng trước ngưỡng cửa đại học em lại ngập ngừng vì gia đình hoàn cảnh quá, đi học rồi lấy ai chăm mẹ?
Bài mới

Trong bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg được công bố mới đây, Bill Gates lần đầu tiên sau nhiều năm rơi khỏi top 10 người giàu nhất thế giới. Giá trị tài sản ròng của ông giảm 30%, tương đương 52 tỷ USD, sau khi Bloomberg điều chỉnh cách tính để phản ánh chính xác hơn các khoản quyên góp từ thiện khổng lồ của vị đồng sáng lập Microsoft.

Chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, con trai thứ hai 18 tuổi lén mẹ đăng ký đi kháng chiến chống Mỹ và không trở về. Hơn 60 năm nay, mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lang (Hội An, Quảng Nam cũ) vẫn ôm ấp niềm hy vọng một ngày nào đó có thể tìm được hài cốt con trai thay vào ngôi mộ gió được lập nhiều năm nay.

Giữa những trang giấy đã úa màu thời gian, 109 bức thư mà bà Vũ Thị Lui nâng niu gìn giữ chính là những mảnh hồn xưa còn sót lại của một thời đạn lửa. Mỗi con chữ đều thấm đẫm tình yêu thương, nỗi mong nhớ và cả tinh thần bất khuất của một thế hệ đã sống, đã yêu và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Những bức thư ấy đã theo chân người lính qua rừng sâu, suối cạn, qua những năm tháng hành quân gian khổ và hôm nay, chúng vẫn còn đó như những nhân chứng thầm lặng kể lại bản anh hùng ca của một thời không thể nào quên.

Từ nữ sinh đầu tiên của Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế đến chuyên gia y tế cộng đồng, thạc sĩ Phan Vũ Diễm Hằng dành trọn hành trình sự nghiệp cho những việc tử tế. Ở tuổi nghỉ hưu, bà vẫn bền bỉ với những dự án giáo dục vùng cao, xây ký túc xá, bảo trợ học sinh nghèo và lan tỏa tinh thần “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”.

Xung phong đi xã, được chỉ định làm Bí thư xã ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), Phó giáo sư Đoàn Văn Trường (SN 1989) nguyên Phó bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa sẵn sàng nhận nhiệm vụ với tinh thần nhiệt huyết: “Tôi mong muốn được phát triển, thay đổi những vùng đất khó, giúp người dân miền núi có cuộc sống tốt hơn”.