Những hành trình để đời của nữ bệnh nhân mê xê dịch: Ung thư tới thì mình "chiến", nhưng còn sức là còn đi

Biến cố "ung thư" đã khiến chị Loan thay đổi suy nghĩ dùng cả thanh xuân để kiếm tiền. Giờ đây chị tâm niệm "còn sức là còn đi", phải tận hưởng cuộc đời ý nghĩa này. Nghị lực của chị đã khiến dan mạng và cộng đồng người bị K thán phục.

Đỗ Thu Nga
11:45 18/05/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ung thư tới thì mình... "chiến"

Những năm 20, 30 tuổi, giống như nhiều người trẻ khác, chị Nguyễn Thị Phương Loan (41 tuổi, TP.HCM) chỉ biết lao vào kiếm tiền. Có thời điểm chị làm cùng lúc 3 công việc mỗi ngày để duy trì nguồn thu nhập. 

Thế nhưng, vào năm 2012, khi có được công việc ổn định trong ngành quảng cáo thì chị phát hiện bản thân bị ung thư vú. Cú sốc ập đến khiến chị suy sụp, tự nhốt mình trong phòng khóc suốt 2 ngày đêm. 

Nhưng khi nhìn thấy những giọt nước mắt của cha mẹ, chị gượng đứng dậy để "tuyên chiến" với bệnh tật. Chị Loan xin nghỉ việc và bắt đầu tiền trị.

Một năm đầu, chị đau đớn như "chết đi sống lại" vì những lần hóa trị. Chị bị rụng tóc, miệng loét, ăn uống không thấy vị, móng tay, móng chân thâm đen. 

Nhưng tất cả chưa là gì cả khi chị phải dùng hơn nửa vùng da lưng để tái tạo vùng ngực bị phẫu thuật. Và nhờ tuân thủ phác đồ điều trị, cơ thể tiếp ứng thuốc tốt nên sức khỏe chị ngày càng tiến triển. 

Chuyen-ve-nghi-luc-cua-nguoi-phu-nu-mac-2-benh-ung-thu-me-xe-dich
Chị Loan lạc quan vì được ông xã đồng hành chiến đấu với 2 căn bệnh ung thư

Vượt qua thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời, chị Loan bắt đầu tìm một công việc phù hợp, làm lại tất cả. Đến năm 2016, chị gặp người đời ông của đời mình là anh Nguyễn Thành Nhân (đồng nghiệp cùng công ty). Một năm sau, hai người có đám cưới hạnh phúc.

“Lúc mắc bệnh, tôi cảm thấy tình yêu đôi lứa dường như không dành cho mình nữa. Nhưng rồi anh xuất hiện và mọi suy nghĩ trước đó của tôi đều thay đổi”, chị kể.

Số phận lại trêu ngươi, khi đang trong thời gian theo dõi tiếp diễn tiến ung thư vú, cuối năm 2019, chị phát hiện bị ung thư tuyến giáp. Nhưng lần này, căn bệnh đã không còn làm chị sợ hãi.

“Ban đầu, mình thấy tức lắm, không hiểu vì sao cuộc sống muốn thử thách mình. Nhưng ung thư tới thì mình cứ chiến đấu thôi!”.

Trong Mạng lưới ung thư vú Việt Nam, chị Nguyễn Thị Loan chính là một "chiến binh", người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những bệnh nhân khác. Chị đã khiến "ung thư" phải đầu hàng, chị sống mạnh mẽ và tận hưởng từng giây phút của cuộc đời tươi đẹp này.

Những hành trình để đời của nữ "chiến binh"

Với rất nhiều người, mắc 2 căn bệnh ung thư chính là "án tử" treo trước cổ. Thế nhưng, với người phụ nữ kiên cường như chị Loan, ung thư cũng chỉ là một căn bệnh rất bình thường mà thôi. Khi bệnh đến, chị xông ra chiến đấu. Phải thắng nó thì chị mới có những ngày tháng thảnh thơi để thực hiện đam mê "dịch chuyển" của mình.

Vào năm 2015, sau hai năm nghỉ dưỡng từ cuộc phẫu thuật ung thư vú, chị Loan có chuyến leo Pha Luôn, Sơn La. chị nói rằng, trước học chuyên Văn, từng biết đến đỉnh Pha Luông qua bài thơ Tây Tiến nên luôn nung nấu một lần được khám phá nơi này. 

Chuyen-ve-nghi-luc-cua-nguoi-phu-nu-mac-2-benh-ung-thu-me-xe-dich-7
Chị Loan leo đỉnh Pha Luông sau khoảng 2 năm phát hiện bệnh và hóa trị. Từ đó, chị có nhiều chuyến chinh phục các đỉnh núi từ Bắc vào Nam.

"Phần khác từ khi phát bệnh, mình cũng không đoán trước được sẽ sống được 5 tháng, 5 năm hay 50 năm nữa nên cần tranh thủ thời gian, còn sức là còn đi khám phá hết cảnh đẹp đất nước", chị nói.

Chị Loan chia sẻ, chuyến đi đó là bộc phát, không hề chuẩn bị kỹ càng. Chị chỉ nghĩ thời gian sống không còn nhiều nên muốn gì thì phải làm cái đó cho nhanh. Đồng hành với chị là anh đồng nghiệp thân thiết và người em ở Sơn La dẫn đường.

Chuyen-ve-nghi-luc-cua-nguoi-phu-nu-mac-2-benh-ung-thu-me-xe-dich-6

Chị leo vào tháng 9, sau những cơn mưa đất còn ẩm ướt, quãng đường chạy xe vào đồn biên phòng Pha Luông cũng khiến chị nhiều lần thót tim vì những khúc cua, vực dựng đứng. Đường đi Pha Luông phải băng rừng, dò dẫm gạt cây cối tìm lối. Nhiều đoạn dốc đứng, trơn trượt, chị cố bám víu vào những tấm gỗ mà người dân lót đường để leo. 

Trong hành trình ấy, đã năm lần bảy lượt trong dầu chị nghĩ đến bỏ cuộc nằm lại trên núi. Nhưng lúc này chị mới thấm thía hơn câu thơ "Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm" tả về Pha Luông. 

"Với người bình thường leo núi đã khó, với bệnh nhân như cô mà lên đến đỉnh thế này thì cô hơn hàng triệu người phụ nữ khác rồi", người anh khi ấy động viên. Điều này càng tiếp sức cho chị Loan chinh phục đỉnh cao gần 2.000 m và chiến thắng chính bản thân.

Chuyen-ve-nghi-luc-cua-nguoi-phu-nu-mac-2-benh-ung-thu-me-xe-dich-5

Khi lên đến đỉnh, nhìn núi đồi hùng vĩ, mọi mệt mỏi, đau đớn đều tan thành mây khói. Tranh thủ khoảnh khắc ấy, chị chụp thật nhiều ảnh, để bây giờ nhìn lại, chị vẫn cảm thấy hạnh phúc.

“Tính đến nay, tôi đã đặt chân tới 54 tỉnh, thành, chinh phục nhiều đỉnh núi ở miền Nam, miền Bắc và hầu hết những chuyến đi này đều được thực hiện sau khi tôi phát hiện bệnh. Tôi phải đi, vì sợ rằng một ngày nào đó tôi không còn được đi nữa”, chị tâm sự.

Nhưng trong những tỉnh, thành đã đi qua, chị Loan ấn tượng nhất với vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc, đặc biệt là Hà Giang hay Mù Cang Chải, Yên Bái. Cũng vì thế mà năm 2016 chị thực hiện chuyến đi đồi mâm xôi La Pán Tẩn ở Mù Cang Chải, Yên Bái. Vốn là người miền nam, quãng đường vượt đèo Khau Phạ với sương mù dày đặc, tầm nhìn chỉ 5-10 m khiến chị không khỏi run tay.

Chuyen-ve-nghi-luc-cua-nguoi-phu-nu-mac-2-benh-ung-thu-me-xe-dich-4

Đường lên đồi mâm xôi trơn tuột vì mưa lớn, người dân phải cuốn 2 - 3 vòng xích sắt qua bánh xe để không trượt. Nhìn lại mình đi đôi dép xỏ ngón, đeo balo, chị không thể ngừng trách mình đã quá thiếu chuẩn bị. Đường xuống đầy sỏi đá không thể bỏ dép mà đi dép thì trơn tuồn tuột, chị Loan vừa dò dẫm vừa khóc.

Sau đó chị được người dân đèo bằng xe máy xuống núi, ngồi sau chị gồng cứng hai tay dù đang đau buốt để giữ mình không trôi xuống. "Xuống tới nơi mới biết mình sống rồi. Chuyến đi nhớ đời nhưng sẽ là kỷ niệm đẹp nhất mình có trong đời", chị Loan nói.

Người đồng hành "chất lượng"

Mục tiêu của chị Loan là đi hết Việt Nam, các cửa khẩu qua Campuchia (hiện dừng ở con số 10 vì 2 năm nay dịch không đi được), chinh phục nốt cực Tây ở A Pa Chải (Điện Biên) và toàn bộ chợ nổi ở miền Tây.

Nếu ngày trước toàn đi một mình thì từ ngày lấy chồng, chị có người đồng hành là bạn đời: "Anh vốn không thích xê dịch nhưng thương vợ nên đồng hành và cố gắng thay đổi thói quen. Nhiều lúc, anh tự lên tiếng hỏi tôi tuần này, tháng tới mình đi đâu. Có ông xã, tôi không phải lo điều gì. Anh sợ đang trên đường mà vợ có chuyện gì nhưng đi nhiều, người gặp rắc rối chính là anh vì sức không bằng vợ”.

Vợ chồng chị Loan quan điểm rằng, họ không cần nhà cửa, xe hơi, tiền bạc mà chỉ cần đủ ăn, có thời gian để vui sống mỗi ngày.

Chuyen-ve-nghi-luc-cua-nguoi-phu-nu-mac-2-benh-ung-thu-me-xe-dich-9
Anh Nhân luôn đồng hành cùng vợ trong mỗi chuyến đi

“Tôi có rất đông bạn bè nhiều tiền bạc nhưng lại nghèo về thời gian và sự dũng cảm. Họ luôn nói rằng tôi là người giàu và được sống ý nghĩa nhất. Mỗi giây phút của họ đều là tiền, bỏ đi thì tiếc. Thật ra, cơm áo gạo tiền ai cũng cần. Mỗi người cũng có hoàn cảnh riêng nên không thể phán xét. Nhưng một lần nào đó hãy thử gạt bỏ mọi thứ sang một bên, sống vì mình một chút sẽ thấy cuộc đời này đáng sống lắm”, chị nói.

Hiện chị Loan đi kiểm tra tổng quát, theo dõi di căn định kỳ 3-6 tháng/lần. Sức khỏe và tinh thần của chị đều ổn.

Từng bước qua 2 cánh cửa tử, chị Loan tâm niệm cuộc sống không nói trước được gì.

“Tôi không ngoảnh lại quá khứ, không hướng xa tương lai mà chỉ biết hiện tại còn được sống là điều quý giá nhất. Tôi hứa dành cả quãng đời còn lại để đi, để ghi lại trong mắt và ký ức mọi điều tốt đẹp nhất của đất nước mình”, chị chia sẻ.

Xem thêm: Chiêm ngưỡng loạt ảnh ‘săn mây’ Tà Xùa: Điểm check in lý tưởng cho các tín đồ thích xê dịch

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận