Chuyện về 3 ngôi mộ cổ của thương nhân Nhật Bản và tấm lòng nghĩa tình của người Hội An

Ba thương nhân Nhật Bản nằm lại với đất Hội An, họ không có bà con thân thích nhưng các nấm mồ lúc nào cũng nghi ngút hương khói. Đó là bởi những tấm lòng tình nghĩa của người Hội An.

Đỗ Thu Nga
07:00 06/07/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Theo Báo Đà Nẵng, hai Bản lý lịch di tích số 12 và 14 được Ban Quản lý di tích Hội An, nay là Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, lập các năm 1991, 1992, vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, Hội An trở thành thương cảng lớn của xứ Đàng Trong. Nơi đây trở thành điểm trung chuyển mậu dịch nên các thương nhân nước ngoài thường ghé đến để buôn bán. Nhưng đông nhất vẫn là người Hoa và người Nhật.

Những thương nhân ngoại quốc được chúa Nguyễn cho phép lập 2 khu vực cư trú, coi chế độ quản lý đặc biệt. Ở Hội An, khu định cư của người Nhật Bản được gọi là "Nhật Bổn dinh" hoặc "Nhật Bổn phố". 

Khu phố của các thương nhân Nhật Bản vô cùng đông đúc. Nhiều thương nhân đã định cư tại Hội An, lấy vợ Việt rồi sinh con đẻ cái. Họ sống hòa hợp với người dân bản xứ.

Viện Nghiên cứu quốc tế Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) cho biết, bắt đầu từ năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng của xứ Đàng Trong đã đặt mối quan hệ, đối tác với Nhật Bản. Kể từ đó đến đầu năm 1635 đã có 71 chuyến thuyền đóng ấn son của Mạc phủ (Mạc phủ là người đứng đầu chính quyền Nhật Bản thời phong kiến, như Nhật hoàng) chở nhiều thương nhân Nhật cập cảng Hội An để làm ăn, buôn bán.

Hiện nay, ngôi mộ của ông Banjiro (thương nhân Nhật Bản) đặt ở khu vườn của bà Dương Thị Sáu tại tổ 1, khối Trường Lệ, phường Cẩm Châu, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Hàng ngày, bà Sáu vẫn quét dọn, nhang khói cho ngôi mộ này. 

chuyen-ve-3-ngoi-mo-co-cua-thuong-nhan-nhat-ban-o-hoi-an-7
Ông Nguyễn Văn Nước với ngôi mộ thương gia Banjiro ngay trong vườn nhà

Bà Sau cho biết, gia đình chồng bà đã có 3 đời trông coi, chăm sóc ngôi mộ người Nhật này. Trong thời kỳ chiến tranh, chồng bà là ông Nguyễn Văn Nước sửa sang, dọn dẹp, bảo quản nguyên vẹn ngôi mộ cho đến bây giờ.

Vào cuối năm 1635, Mạc phủ Tokugawa ra lệnh tất cả người Nhật ở Hội An phải rút về nước. Và từ đó các thương nhân Nhật Bản lần lượt rời Hội An về lại cố hương. Chuyến tàu cùng đưa những người Nhật Bản sống ở Hội An về nước muộn nhất vào năm 1637. Song vẫn có một số người quyết định ở lại Hội An rồi yên nghỉ mãi mãn ở mảnh đất thân thương này. Trong số đó có ông Banjiro, mất năm Ất Tỵ 1665, theo bia ký tại mộ.

Theo báo Đà Nẵng, nằm cách mộ ông Banjiro chừng 1km là ngôi mộ thương gia Tani Yajirobei (bia mộ lập năm 1647) nằm giữa cánh đồng Trường Lệ hiu hắt. Ông Tani Yajirobei quê ở Hirado, gần Nagasaki, thuộc một dòng họ lớn nhất ở Nhật Bản, con cháu của dòng tộc rất đông.

Mộ ông Tani Yajirobei có tới 4 tấm bia khắc bằng 4 thứ tiếng: Việt, Nhật, Anh, Pháp với nội dung: “Do Nhật hoàng chủ trương bế môn tỏa cảng buôn bán với hải ngoại nên ông phải từ Hội An trở về quê hương nhưng sau đó đã tìm mọi cách quay trở lại để chung sống với người yêu của mình là một cô gái người Hội An cho đến khi từ biệt cõi đời…”.

Tuy ngôi mộ này nằm lẻ loi giữa cánh đồng nhưng người dân phường Cẩm Châu, nhất là gia đình ông Trần Văn Hà (cùng khu phố với bà Sáu) thường xuyên coi sóc, hương khói.

chuyen-ve-3-ngoi-mo-co-cua-thuong-nhan-nhat-ban-o-hoi-an-5
Ông Trần Văn Hà thắp hương ở phần mộ thương gia Tani Yajirobei

Sinh thời, cha ông Hà thường xuyên sửa soạn, hương khói cho mộ ông Tani Yajirbei. Đến khi cha ông về với tổ tiên thì công việc này do ông Hà đảm nhận. Tính đến nay, ông đã hương khói cho ngôi mộ hơn 20 năm.

Ở khu phố An Phong (Tân An) cũng có một ngôi mộ cổ của người Nhật khác là thương nhân Gusokukun được lập vào năm 1689. Theo ghi chép trên văn bia, sinh thời, ông Gusokukun là thương gia giàu có và nhiều thế lực bởi ông là một thị trưởng có quyền điều hành toàn bộ hoạt động cư dân của “Nhật Bổn dinh” tại Hội An lúc bấy giờ.

Hiện nay, mộ của thương nhân này được gia đình ông Đinh Văn Chất chăm sóc chu đáo. Vào tháng 8/2001, ông GusokuTakeshi, cháu đời thứ 21 của ông Banjiro, qua Việt Nam tham dự buổi giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản đến viếng mộ cụ tổ. 

Khi biết gia đình bà Sáu nhiều đời coi sóc mộ tổ của mình, ông vô cùng xúc động. Ông đã gửi những lời cảm ơn chân thành nhất đến người Hội An, đặc biệt là gia đình bà Sáu. 

Được biết, hàng năm cứ sau mùa gặt, một số bà con Trường Lệ sinh sống gần đó đều cúng cơm mới ngay tại mộ các thương nhân. Bởi họ nghĩ rằng, những người này an nghỉ xa quê hương nên cũng cần được coi sóc thăm hỏi, hương khói, thờ phụng. Chính vì vậy, mà bao năm qua vẫn vậy, người dân Hội An cứ truyền từ đời này sang đời khác hương khói, thờ phụng những người thương nhân ngoại quốc mất nơi xứ người.

Xem thêm: Giai thoại tâm linh ly kỳ về cặp tượng "Thần Hầu", "Linh Cẩu" trấn yểm thủy quái ở chùa Cầu, Hội An

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận