2 trạng nguyên có số phận hẩm hiu nhất sử Việt: Người đi tu, người mất mạng vì đòn ghen của vợ
Sau khi đỗ trạng nguyên, Lý Đạo Tái cắt tóc đi tu vì chán ngán cuộc đời đen bạc. Còn Nghiêm Viên, chưa kịp làm quan thì mất mạng vì đòn ghen của vợ.
Trạng nguyên duy nhất trong sử Việt theo vua đi tu
Lý Đạo Tái (pháp danh Huyền Quang, 1254-1334) là một thiền sư, nhà lãnh đạo Phật giáo Đại thừa ở Đại Việt thời nhà Trần. Ông là vị sư đạo cao đức trọng và hay chữ có tiếng. Huyền Quang thụ giáo sư Pháp Loa ở chùa Vĩnh Nghiêm, lộ Bắc Giang, sau lên tu ở chùa Hoa Yên, núi Yên Tử.
Về thân thế và gốc gác của Lý Đạo Tái, sử sách chép rằng: Ông là người làng Vạn Tải, huyện Gia Bình, trấn Kinh Bắc (Bắc Ninh ngày nay). Theo sách Tổ gia thực lục, từ khi còn nhỏ, Lý Đạo Tái có trí thông minh hơn người, đọc đâu nhớ đấy. Nhà nghèo, không có lễ vật để bái sư nhập môn, ông phải đứng ngoài lớp học nghe lỏm, nhìn lén, lấy cây làm bút, lấy sân làm bảng.
Lý Đạo Tái vốn học giỏi nhưng vì gia cảnh quá nghèo mà dân làng hắt hủi, bà con họ hàng ai cũng làm ngơ. Ông phải bỏ quê nhà tìm chỗ ăn học. Trưởng thành, ông đi hỏi vợ nhiều nơi nhưng đều bị từ chối vì dung mạo quá xấu xí, lại nghèo.
Cuộc đời ông chỉ vỏn vẹn 28 năm. Sau khi đỗ đạt, ông được bổ nhiệm làm việc ở Viện Nội Hàn của triều đình. Từ đây, quan lộ của ông rộng mở, cuộc sống nghèo khó chấm dứt.
Trong những lần tiếp sứ phương Bắc, Lý Đạo Tái nổi tiếng văn thơ khiến sứ thần kính nể. Thấy ông là người có đức, tài, vua Trần rất yêu mến, có ý muốn gả công chúa Liễu Sinh cho nhưng ông từ chối.
Sau khi ông có tiền tài, danh vọng thì nhiều người đến nhận họ hàng, thân thích. Nhà giàu tranh nhau cầu cạnh, kết thân, có ý gả con gái cho. Lúc này, Lý Đạo Tái vô cùng chán nản trước cảnh tình đời tráo trở, đen bạc. Ông lao đầu vào sách vở, giam mình ở Viện Hàn Lâm. Đúng như ông cảm thán: Hàn vi thì chẳng ai nhìn / Đến khi đỗ trạng chín nghìn anh em.
Sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ ba (1288), vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Trần Anh Tông để xuất gia đi tu, sáng lập phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, lấy phật hiệu Điều Ngự Giác Hoàng.
Trong một lần hộ giá vua đến chùa Yên Tử, trạng nguyên Lý Đạo Tái đã gặp vị tổ sư thứ 2 của chùa là Pháp Loa Tôn giả. Sau đó, ông từ bỏ danh vọng để quy y cửa Phật.
Đến năm 1305, trạng nguyên Lý Đạo Tái cùng nối gót vua Trần Nhân Tông chính thức xuất gia đi tu tại chùa Yên Tử với pháp danh Huyền Quang.
Tại đây, Huyền Quang được vua Trần Nhân Tông trực tiếp thỉnh giảng. Ông theo vua biên soạn sách kinh Phật. Sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông viên tịch, sư Huyền Quang về làm trụ trì ở chùa Vân Yên trên núi Yên Tử.
Khi tuổi đã cao, ông giao phó trách nhiệm lại cho Quốc sư An Tâm. Ông đến trụ trì Thanh Mai Sơn sáu năm, sau dời sang Côn Sơn giáo hoá. Ngày 23 tháng 1 năm Giáp Tuất (1334) thời vua Trần Hiến Tông, ông viên tịch, thọ 80 tuổi. Thượng hoàng Trần Minh Tông sắc thuỵ là Trúc Lâm Thiền Sư Đệ Tam Đại, đặc phong Từ Pháp Huyền Quang Tôn Giả.
Vị trạng nguyên mất mạng vì đòn ghen của vợ
Trong số 47 vị trạng nguyên của nước Việt ta thì chỉ có trạng Hổ Nghiêm Viên là người duy nhất chưa kịp làm quan thì đã qua đời. Không phải vì ốm đau, bệnh tật mà bởi chính người vợ đầu ác.
Sử chép, Trạng Hổ tên thật là Nghiêm Viên, tên thường gọi là Nghiêm Hoãn, người làng Bồng Lai, xã Bồng Chi, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay là làng Bồng Lai, huyện Quế Võ, Bắc Ninh); đỗ Trạng nguyên khoa Bính Thìn (1496) đời Lê Thánh Tông.
Vào năm thi đó, triều đình lấy đỗ 43 người. Sau đó vua đích thân xem dung mạo xét định, chọn 30 người đỗ Tiến sĩ, đứng đầu là Nghiêm Viên. Tương truyền, trước ngày diễn ra thi Đình, vua Lê Thánh Tông nằm mộng thấy một con hổ ăn đầu người nên rất lo lắng. Sau khi có kết quả, vua gọi tất cả những người đỗ vào thề trước điện. Khi ấy tân khoa dáng người cao lớn vạm vỡ, tướng mạo dữ tợn, râu tóc mặt mũi giống hổ nên Lê Thánh Tông truyền đến hỏi, người này xưng là Nghiêm Viên đến từ Kinh Bắc.
Vua hỏi năm sinh thì thí sinh đó trả lời cho biết mình sinh vào năm Dần. Nghe đến đó, chợt nhớ tới giấc mơ đêm trước, Lê Thánh Tông nghĩ ngợi thoáng chốc. Thao Hán tự thì Viên (con khỉ) và chữ Hổ có nét gần giống nhau, Nghiêm Viên lại tuổi Dần (hổ) nên vua cho rằng, đó là điềm trời báo. Sau đó, truyền đổi tên Nghiêm Viên thành Nghiêm Hoãn để tránh điềm gở trong giấc mơ và gả công chúa cho. Cũng vì ông sinh năm Dần, cầm tinh con hổ nên khi đỗ Trạng, dân gian gọi là trạng Hổ.
Vừa đỗ học vị trạng nguyên cao quý, nay lại lấy được công chúa trở thành phò mã của hoàng gia, tưởng chừng thiên hạ chẳng được mấy người may mắn như vậy. Song ai ngờ được, đây lại chính là mầm họa của Nghiêm Viên.
Trước khi đỗ Trạng nguyên và được gả công chúa, Nghiêm Viên đã có vợ ở quê. Bà này có tính ghen ghê gớm, nay nghe tin chồng đỗ Trạng thì vui mừng khôn tả nhưng lại "sôi máu" vì chồng được vua kén làm phò mã, lấy công chúa trẻ trung xinh đẹp.
Tức giận vì chồng có thêm vợ mới nhưng không dám động đến con vua, "cả giận mất khôn" đâm nghĩ quẩn, thế là vợ cả bỏ thuốc độc vào thức ăn trong bữa mừng chồng đỗ Trạng. Thế là vị trạng nguyên chưa kịp nhận chức quan đã bất hạnh qua đời dưới tay mụ vợ độc ác.
Bàn về chuyện này, chính sử nhà Nguyễn - sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục - chép rằng: "Nghiêm Viên, người làng Bồng Lai, huyện Quế Dương, sau khi đỗ, lấy công chúa, đến lúc về nhà, bị vợ đánh thuốc độc chết".
Không có ghi chép về việc nàng công chúa kém may mắn kia là ai trong số bốn nàng công chúa có mỹ hiệu là Gia Thụy, Ý Đức, Dược Vân và Phúc Bảo, con gái vua Lê Thánh Tông?
Nhưng câu chuyện buồn đó đã khiến Nghiêm Viên trở thành Trạng nguyên duy nhất trong lịch sử bị đầu độc, quốc gia mất đi một nhân tài kiệt liệt không được thỏa chí bình sinh của mình và nàng công chúa kia có lẽ cũng là nàng công chúa có cuộc hôn nhân ngắn ngủi bất hạnh nhất trong lịch sử.
Đối với người vợ ghen tuông gây ra tội ác tày đình đó, sử sách cũng không ghi chép việc bà bị xử trí thế nào nhưng có thể đoán chắc chắn rằng kẻ thủ ác khó mà tránh khỏi tội chết.
Xem thêm: Chuyện 'Trạng Me đè trạng Ngọt' trong khoa thi kỳ lạ năm 1508: Ai mới là trạng nguyên thực sự?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận