Chuyện 'Trạng Me đè trạng Ngọt' trong khoa thi kỳ lạ năm 1508: Ai mới là trạng nguyên thực sự?
Nhiều thế kỷ qua, lịch sử Việt Nam lưu truyền câu chuyện 'trạng Me đè trạng Ngọt' nhưng không phải ai cũng biết tại sao lại có 2 ông trạng này trong khoa thi năm 1508.
Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, mỗi khoa thi chỉ có tối đa một Trạng nguyên. Tại kỳ thi Đình, sĩ tử phải vừa đỗ đầu, vừa đạt điểm tuyệt đối mới được xem là Trạng nguyên, thế nên có những năm triều đình không có Trạng nguyên nào.
Thế nhưng điều kỳ lạ là, khoa thi năm 1508 lại có tới 2 Trạng nguyên là Trạng Me và Trạng Ngọt. Theo Giai thoại lịch sử Việt Nam, tại trấn Kinh Bắc có 2 người học giỏi nổi tiếng là Nguyễn Giản Thanh (làng Me) và Hứa Tam Tỉnh (làng Ngọt).
Trong đó, Nguyễn Giản Thanh là người làng Ông Mặc (làng Me) huyện Đông Ngàn (nay là Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Ông sinh ra trong gia đình danh giá, cha là tiến sĩ Nguyễn Giản Liêm. Từ nhỏ, Nguyễn Giản Thanh đã sở hữu ngoại hình ưa nhìn, có điều kiện học tập đầy đủ, được theo học thầy Đàm Thận Huy - người hay chữ và nổi tiếng bậc nhất thời đó.
Còn Hứa Tam Tỉnh sinh năm 1481 tại xã Như Nguyệt, huyện Yên Phong. Trái ngược với Nguyễn Giản Thanh, Hứa Tam Tỉnh sinh ra trong một gia đình nghèo khó, ngoại hình đen nhẻm, xấu xí.
Từ nhỏ, Hứa Tam Tỉnh đã nổi tiếng thông minh, nhanh nhẹn. Không có tiền để đi học, ngày ngày Hứa Tam Tỉnh tranh thủ lúc chăn trâu cắt cỏ, đến trường làng nghe lỏm thầy dạy chữ rồi mượn sách của bạn về đọc. Tối đến, ông đốt lá khô lấy ánh sáng đọc sách, tiếp thu nhanh nên ngày càng hay chữ và ứng đối giỏi.
'Trạng Me đè trạng Ngọt': Ai mới là trạng nguyên?
Sau khi vượt qua kỳ thi Hương và Hội, cả Hứa Tam Tỉnh và Nguyễn Giản Thanh tham gia thi Đình năm 1508 đời vua Lê Uy Mục. Nhận thấy bài thi của Hứa Tam Tỉnh tốt hơn nên các quan dự kiến cho ông đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Giản Thanh đỗ bảng nhãn, Nguyễn Hữu Nghiêm là thám hoa.
Khi tam khôi vào yết kiến Vua, thái hậu cũng có mặt. Nhìn Nguyễn Giản Thanh khuôn mặt tuấn tú, sáng sủa liền hỏi các quan trường thi “Người này chắc là Trạng nguyên?” Không muốn làm mất lòng thái hậu, các quan chủ khảo lúng túng chỉ vào Giản Thanh và Tam Tỉnh nói rằng: “Hai người này tài học ngang nhau nên chúng thần chưa biết lấy ai đỗ Trạng. Xin thái hậu và hoàng thượng phán xét”.
Biết bài của Hứa Tam Tỉnh đỗ cao nhất có thể phong Trạng nhưng lại thấy mẹ nhìn Nguyễn Giản Thanh với ánh mắt quý mến, Vua liền chiều lòng lấy ra bài phú: “Phường thành xuân sắc” (cảnh mùa xuân ở kinh đô) để 2 người đọ tài.
Nguyễn Giản Thanh nhanh trí chọn chữ Nôm cũng là sở trưởng của mình, đọc đến đâu thái hậu hiểu đến đấy nên tấm tắc khen ngợi. Còn Hứa Tam Tỉnh làm bằng chữ Hán nên thái hậu không hiểu gì. Do đó, bà đánh giá bài của Nguyễn Giản Thanh cao hơn.
Vua biết điều này không hợp lý lắm nên hỏi thêm Giản Thanh: “Trẫm nghe nói khanh người làng Ông Mạc, vậy có gần làng Phù Chấn quê trẫm không?” Dù hai làng không gần nhau nhưng Giản Thanh vẫn đáp: “Tâu hoàng thượng, hai làng liền một cánh đồng”. Khi biết Giản Thanh người Từ Sơn (quê ngoại của mình) lại được thái hậu yêu thích nên Vua đổi cho Giản Thanh đỗ Trạng nguyên, còn Hứa Tam Tỉnh đỗ Bảng Nhãn.
Biết chuyện, giới nho sĩ Kinh Bắc đặt cho Nguyễn Giản Thanh là “Mạo Trạng nguyên”, trong đó “mạo” vừa có nghĩa là diện mạo, vừa có nghĩa là giả mạo. Còn Hứa Tam Tỉnh vẫn được dân gian coi là Trạng nguyên và gọi bằng cái tên Trạng Ngọt.
Quyết đỗ trạng nguyên để cưới vợ đẹp
Theo sách Đăng Khoa lục sưu giảng, Hứa Tam Tỉnh một lần tình cờ gặp đám rước quan Trấn thủ xứ Kinh Bắc, sau kiệu quan là võng tiểu thư xinh đẹp liền phải lòng. Hứa Tam Tỉnh xin phu cáng cho mình khiêng thay để ngắm mỹ nhân. Về nhà, ông nằng nặc đòi mẹ đến hỏi tiểu thư làm vợ.
Vì quá thương con, bà mẹ đánh liều đến dinh quan. Nghe xong, quan Trấn thủ cười lớn nói với bà mẹ: “Nếu con trai bà muốn vậy thì gọi nó đến đây, ta xem học hành ra sao. Nếu quả là người tài, ta sẽ gả tiểu thư cho”.
Khi Hứa Tam Tỉnh đến hầu quan, thấy ông da đen, người lùn, mặt mũi xấu xí liền thất vọng. Tuy nhiên, thấy đôi mắt Hứa Tam Tỉnh tinh anh nên quan Trấn thủ vẫn hỏi sách vở thì được đối đáp trôi chảy. Quan bảo chàng thanh niên ở lại dinh ăn học, nếu đỗ cao sẽ gả con gái cho.
Nhờ chăm chỉ học hành, hơn một năm sau Hứa Tam Tỉnh đỗ đầu thi Hương, qua thi hội. Đúng như lời hứa hẹn, quan tổ gả con gái cho Hứa Tam Tỉnh. Tuy nhiên, theo Đăng Khoa lục sưu giảng ghi chép rằng: “Tới khi làm lễ hợp cẩn, tiểu thư vì đã biết Hứa Tam Tỉnh là anh chàng khiêng cáng ngày trước, lại thêm người đen lùn, xấu xí nên chưa ưng lắm, sai người hầu cầm tờ thiếp ra bảo rằng có một vế câu đối, nếu quan tân khoa đối được thì hãy xin làm lễ”.
Vế đối như sau: “Ốc lậu nguyệt xuyên hình như kê noãn, tam tam tứ tứ” (Nghĩa là: Nhà thủng bóng trăng rọi xuống, hình như trứng gà, lốm đa lốm đốm”. Nghĩ mãi không ra, Hứa Tam Tỉnh vừa bực vừa thẹn liền bỏ ra bờ sông. Khi thấy bóng trăng soi lên mặt nước thành hàng nghìn lớp sóng bạc dập dềnh, ông liền quay về ghi vế đối: “Giang trường phong lộng, thế tự long lân, điệp điệp trùng trùng” (Nghĩa là: Sông dài gió lộng, thế như vảy rồng điệp điệp trùng trùng).
Tiểu thư nghe xong liền đồng ý lấy ông. Hôm sau mang câu đố trình cha, quan bảo nhiều khả năng Hứa Tam Tỉnh có thể đỗ Trạng nguyên. Sau này, Hứa Tam Tỉnh ra làm quan cho nhà Lê và nhà Mạc. Sau hai lần đi sứ nhà Minh, ông được thăng Thượng thư bộ Lại, hàm Thiếu bảo, tước Đôn Giáo bá.
Xem thêm: Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi cùng giai thoại đấu trí cả triều đình phương Bắc
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận