Người lái đò chân yếu tay mềm và "chiến tích" hơn 40 năm "cướp cơm" hà bá trên sông Thu

Cô Hồ Thị Phụng (trú thôn Cù Bàn, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) được mệnh danh là "khắc tinh" của hà bá ở sông Thu. Tuy "chân yếu tay mềm" nhưng cô đã cứu không ít người khỏi lưỡi hái tử thần.

Đỗ Thu Nga
08:00 29/06/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Theo báo Pháp luật Việt Nam, do gia đình theo nghề sông nước nên cô Phụng sớm thích nghi được với hoàn cảnh. Không có nhà trên đất liền nên mọi sinh hoạt của gia đình đều diễn ra dưới ghe, trên sóng nước. 

Kể về cuộc đời mình, cô Phụng nói: "Thời trước còn chiến tranh loạn lạc, con nít bọn tui không được đi học như bây giờ. Tầm 7 tuổi đã biết phụ ba má nấu cơm, làm mấy việc linh tinh trên ghe. Khi ba đi kéo lưới về thì cùng với má mang cá lên bờ bán. Lớn hơn chút thì ba má đã tập cho tui chèo nghe".

Theo lời cô Phụng, hồi mới tập chèo, nghe cứ quay vòng vòng, một phần vì chưa biết lái, một phần vì sức yếu không chỉnh được mái chèo.  Đến năm 13 tuổi, cô Phụng được cha cấp cho 1 cái ghe để đưa đò. Lớn thêm chút nữa, cô đi lấy chồng. Người bạn đời của cô chính là 1 trong những khách thường xuyên qua sông.

chuyen-nu-lai-do-cuop-com-ha-ba-tren-song-thu-0
Sông Thu gắn liền với nửa cuộc đời cô Phụng

Biết cô Phụng lớn lên ở sông nước nên sau khi cưới, người chồng không ngần ngại xuống ghe cùng vợ. Hai vợ chồng tiếp tục nối nghiệp đưa đò của cha ở bến Giao Thủy. Kết quả của cuộc hôn nhân hạnh phúc này là 3 đứa con ra đời trên chiếc ghe bé nhỏ. 

Hơn 40 năm, cuộc đời cô Phụng gắn liền với những câu chuyện ở sông nước. Trong ký ức của cô là các câu chuyện về những lần "chống đối" hà bá, quyết cứu người gặp nạn. 

Cô Phụng nhớ lại, vào một ngày chiều năm 1985, trong lúc đang chèo ghe ở giữa dòng sông để cào sạn cùng người em gái thì thấy bờ bên kia sông có người đàn ông đang tắm cho bò. Khoảng 15 phút sau, con bò chìm mình xuống nước, người đàn ông lúc đó, nước đã ngập đến ngực. Linh tính có chuyện chẳng lành, bởi không giống trâu bò nào mà chịu ngâm nước quá sâu. Chị em cô Phụng tức tốc chèo ghe sang bên xem tình hình.

"Đúng là ổng bị chuột rút, chỉ còn cánh tay đưa lên mặt nước vùng vẫy. Tui liền nhảy xuống kéo ổng lên bờ, hô hấp cho nước trong bụng trào ra. Lát ổng tỉnh dậy, cảm ơn rối rít, còn tui thì cảm lạnh nằm liệt mấy bữa”, cô Phụng kể.

chuyen-nu-lai-do-cuop-com-ha-ba-tren-song-thu-5
Hơn 40 năm đưa đò, cô Phụng cũng không nhớ mình đã bao nhiêu lần "cướp cơm" của hà bá

Một lần khác là vào mùa hè năm 2004, cô Phụng để ghe cho một mình chồng nắm mái chèo vì trưa nắng vắng khác. Lúc mặt trời đứng bóng, cô bỗng nghe thấy tiếng kêu cứu thất thanh. Nhìn xuống thì thấy 3 học sinh nữ đuối nước. Không nghĩ ngợi, cô vội cùng con mình lao xuống cứu 3 bé gái.

Dù đã cứu bao nhiêu người ở dòng sông này thoát khỏi lưỡi hái hà bá nhưng cô Phụng chẳng nhớ tên ai cũng chẳng nhở hết thời gian. Tuy nhiên, có 1 câu chuyện mà cô nhớ mãi không quên, nó xảy ra vào cuối năm 1990. Cô Phụng nhớ là bởi khi đó đang mang thai đứa con gái út.

Khi đó, hai vợ chồng đang nằm trên ghe thì bị đánh thức bởi tiếng kêu thất thanh. Đêm tối như mực lại mưa, nước dưới sông dân lên nhanh, dòng chảy xiết không tả nổi. Thấy cô Phụng lao ra ngoài, người chồng cản lại vì nghĩ đang mang thai. Nhưng cô Phụng quyết ra xem có chuyện gì. Chiều ý vợ, chồng cô cũng đi ra xem. Thấy có người phụ nữ đang chuyển dạ nên đã đưa cô ấy lên thuyền.

"Vì lúc ấy mưa lớn, đi xe máy chưa chắc xuống được bệnh viện huyện nên tui cứ men theo đường sông mà lái, chẳng quan tâm mình đang mang thai. Cũng may, dòng nước chảy nhanh nên ghe chèo một lát là đến Cầu Chìm rồi có xe máy chở lên bệnh viện huyện. Thức trắng đêm chờ tới sáng, tui nghe được tin cô ấy “mẹ tròn con vuông”. Chẳng kịp biết tên họ là gì, nhưng hai vợ chồng vẫn thấy mãn nguyện và nhẹ nhõm”, cô Phụng kể lại.

Chẳng ai ngờ được, người phụ nữ "chân yếu tay mềm" ấy lại làm được bao việc tốt cho đời. Và tiếng cô Phụng "khắc tinh"của hà bá vang xa. Vậy nên cứ có người chết đuối, dân làng lại sang nhờ cậy cô. 

Giờ đây, khi không còn ở dưới nước, không còn đưa đò hàng ngày nữa nhưng cô Phụng vẫn rất nhớ nơi mình đã được sinh ra và lớn lên. Chiều nào cũng khoảng 17h, khi công việc thường nhật tạm yên, cô lại thẫn thờ đạp xe ra bến Giao Thủy, nhìn về dòng sông như để tưởng nhớ lại những ngày xưa cũ.

Ở đời có nhiều người làm việc tốt nhưng người có cách làm không ngại an nguy của bản thân để cứu người như cô Phụng thì hiếm. Thật cám ơn cuộc đời đã sinh ra những người đưa đò thầm lặng nhưng có tấm lòng bồ tát như cô Phụng ở bến Giao Thủy.

Xem thêm: Về xứ Quảng nghe chuyện ly kỳ ở ngôi làng "đàn ông ngủ ngày"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận