Về xứ Quảng nghe chuyện ly kỳ ở ngôi làng "đàn ông ngủ ngày"

Các cụ thường nói, ngủ ngày là thói quen xấu của kẻ lười nhác. Ấy vậy mà đàn ông làng Liễu Thạnh (xứ Quảng) lại thi nhau ngủ ngày. Đàn ông ngủ ngày được xem là gia đình siêng năng, khấm khá, vợ con sung túc.

Đỗ Thu Nga
09:40 28/06/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đến làng Liễu Thạnh (xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) vào ban ngày sẽ không thấy bóng dáng thanh niên trai tráng, đàn ông khỏe mạnh đâu cả. Nhất là vào thời điểm 7 - 8h sáng, rất khó để tìm thấy bóng dáng một người đàn ông nào để trò chuyện hay trên đường đi làm đồng. Bởi đại đa số đàn ông trong làng còn đang bận... ngủ. 

Đàn ông trong làng Liễu Thạnh phải ngủ đến 1,2h chiều thì mới đủ giấc. Thời gian hoạt động, làm việc của họ là vào ban đêm nên ban ngày cần phải ngủ đủ giấc để dưỡng sức. Những người đàn ông trong lòng Liễu Thạnh làm nghề chính soi ếch ban đêm.

Theo báo Pháp luật Việt Nam, hơn 20 năm trước phong trào soi ếch nhái, rắn bán cho thương lái nở rộ ở xứ Quảng. Kinh tế gia đình khó khăn nên thanh niên trai tráng, đàn ông trong làng bắt đầu tập tành soi ếch ở ngoài đồng. Người này đi trước lại chỉ cho người kia, thế là thành "làng soi ếch". Tối nào họ cũng hò nhau đi soi ếch nhái ở ngoài đồng.

Đồ nghề phục vụ cho công việc này đơn giản lắm, chỉ gồm 1 cây sào trúc dài khoảng 5 - 6 mét có gắn vợt lưới, một bình ác quy gắn với đèn pin đội đầu, một giỏ tre đựng ếch và tất nhiên không thể thiếu một đôi chân dẻo dai và cặp mắt tinh tường của cánh thợ soi. 

ve-xu-quang-nghe-chuyen-ly-ky-o-ngoi-lang-dan-ong-ngu-ngay-8
Thợ soi ở làng Liễu Thạnh "ngủ ngày, cày đêm"

Một thợ soi ếch kể: "Ngày trước đi soi bằng xe đạp, chiều chúng tôi đã lên đường, đạp xe khoảng 50 - 70km đến địa điểm định sẵn trong đầu, gửi xe nhà dân, giở cơm nắm ăn rồi mải miết soi đến 2,3h sáng, ra lấy xe quày quả đạp về tới nhà là vừa sáng, bán ếch nộp tiền vợ xong ăn ba miếng rồi đi ngủ. Giấc ngủ sau một đêm thức trắng quan trọng lắm, ngủ đủ giấc, sâu thường mới đủ sức đạp xe, lội ruộng cho đêm soi tiếp".

Ban đầu những giấc ngủ "ngược đời" như thế khá khó nhưng lâu dần cũng thành quen. Đêm họ đi làm, ngày về ngủ bù. Những giấc ngủ ban ngày rất quan trọng đối với "nồi cơm" của mỗi gia đình. Bởi không làm đủ thì đêm đi làm rất mệt. Khi cơ thể mệt thì khó có thể bắt được nhiều ếch nhái. 

Ngày trước còn khó khăn chỉ đi xe đạp soi ếch nhái, giờ điều kiện khấm khá hơn, người dân trong làng chạy xe máy ra tận Đà Nẵng hay sang Quảng Ngãi, có khi đi gần 200km là chuyện bình thường.

Do ếch đồng ngày càng hiếm nên thợ soi phải đi một mạch từ chiều hôm trước đến 5h sáng hôm sau mới quay về làng bán ếch là chuyện thường tình. Giấc ngủ vì thế cũng kéo dài từ tấm 8 - 9h sáng đến 14 - 15h chiều.

Với thợ soi ếch ở làng Liễu Thạnh, đêm khuya, muỗi đỉa, vắt, rết, bóng đèn hư khi đang soi chẳng đáng sợ. Trái lại, điều họ e ngại nhất chính là chuyện tâm linh, ma quỷ.

Có một luật bất thành văn mà dân soi ếch nhái ở làng Liễu Thạnh thuộc nằm lòng đó là không nên bén mảng vào những khu vực chùa, lăng miếu cho dù có nghe thấy ếch kêu điếc tai nhức óc. Bởi nếu cố vào đó "mò" ếch nhái thì sẽ dễ mang họa.

ve-xu-quang-nghe-chuyen-ly-ky-o-ngoi-lang-dan-ong-ngu-ngay
Thành quả sau 1 đêm vất vả của thợ soi

Từ bấy đến giờ dân soi ếch nhái vẫn nhớ như in câu chuyện của ông Khôi - một người có tiếng gan dạ. Câu chuyện của ông Khôi khiến ai cũng khiếp sợ bởi liên quan đến tính mạng, kế sinh nhai của biết bao người trong gia đình.

Chuyện của ông Khôi như sau: Trong một lần soi ếch đêm ở huyện Duy Xuyên, người đàn ông này phát hiện con rắn mãi gầm đang quấn mình trên nóc một cái lăng nhỏ giữa đồng. Vốn là người gan dạ, thấy con rắn to đinh là "mánh lớn (rắn đắt gấp 3 lần ếch) nên ông soi đèn dùng vợt tóm gọn nó. Và chỉ 1,2 ngày sau, tai họa ập đến. Ông Khôi phát bệnh, trèo lên mái nhà bò lổm ngổm như con rắn.

Khi đó cả gia đình, cả làng đều thất kinh. Đến khi ông Khôi tỉnh lại, người nhà mới kể: Đợt đó, họ phải sắm lễ, mời thầy ra tận lăng thiêng nơi ông Khôi bắt rắn cúng bái, van xin. Đồng thời thả con rắn mai gầm, ông ý mới khỏi bệnh.

Câu chuyện kỳ lạ đó chẳng ai lý giải được nhưng thợ soi lúc nào cũng quan niệm "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" thì mới giữ được nghề này. Dù là thợ soi ếch nhưng trong mâm cơm của những gia đình này không bao giờ có đĩa thịt ếch.

Bởi người dân quan niệm, bắt ếch cũng là cái tội, giờ thêm sát sinh và ăn thịt chúng nữa thì không nên. Chính vì vậy, dù ếch có nhiều và giá có rẻ thì thợ soi cũng không bao giờ ăn thịt ếch. 

Ngoài ra, vào những ngày rằm, mùng 1, thợ soi trong làng gác sào không đi làm cho dù đêm đó mưa to, ếch nhái ra nhiều. Đây là 1 trong những điều kiêng kỵ mà các thợ soi luôn tuận thủ. 

"Sinh nghề tử nghiệp" với thợ soi ếch là có thật. Theo người dân, đã có không ít người bỏ mạng vì tai nạn trên đường sinh nhai. Do vậy những câu chuyện tâm linh luôn được cánh thợi soi trong làng Liễu Thạnh vô cùng coi trọng. Họ thường nhắc nhau về những câu chuyện này để tránh tai ương trên đường mưu sinh. 

Xem thêm: Gặp lại "dị nhân" xứ Quảng 17 năm ôm tượng thạch cao chứa thi hài vợ để ngủ

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận