Chuyện về "bài thơ sấm" báo nhà Trần sẽ mất của cháu nội Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn

"Trường An hoài cổ" của Văn Huệ Vương Trần Quang Triều (con trai Trần Quốc Tảng, cháu nội Trần Quốc Tuấn) được coi như một dạng "sấm truyền" báo trước nhà Trần sẽ mất.

Đỗ Thu Nga
09:00 24/11/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tài văn chương hơn người của cháu nội Trần Quốc Tuấn

Văn Huệ Vương Trần Quang Triều (1287 - 1325) còn có tên là Nguyên Đào, biệt hiệu Cúc Đường chủ nhân và Vô Sơn Ông. Ông là một nhà chính trị, tôn thất hoàng gia thời nhà Trần. Ông từng làm đến chức Tư đồ (tể tướng) thời Trần Minh Tông. Ông còn là một cư sĩ Phật giáo mộ đạo và là nhà thơ.

Trần Quang Triều quê gốc ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay thôn Tức Mặc, xã Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định), ông là con trai cả của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng và là cháu nội Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.

chuyen-it-biet-ve-bai-tho-sam-cua-chau-noi-tran-quoc-tuan-7
Trần Quang Triều là cháu nội của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

Xuất thân trong gia đình danh gia vọng tộc, được rèn rũa từ nhỏ công với có thiên bẩm thông minh nên Trần Quang Triều là người giỏi văn thơ, thông hiểu binh pháp. Ông từng cầm quân dẹp loạn ở biên cương, lập công lớn, được triều đình tín nhiệm phong tước Văn Huệ Vương và thăng tới chức Nhập nội kiểm hiệu Tư đồ. 

Trong sách Nam Định tỉnh địa dư chí viết về ông như sau: "Trần Quang Triều còn có tên là Quang Thọ. Ông là cháu Trần Quốc Tuấn, tước Văn Huệ vương. Thường làm nhà ở trong động sâu thuộc huyện Quỳnh Lâm, cùng các văn sĩ ngâm vịnh. Có tập thơ Cúc Đường di thảo. Vua Trần Minh Tông phong ông làm Tư đồ phụ chính”.

Một số tư liệu khác là sách Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược thì chép rằng: "Trần Quang Triều, ông là cháu Hưng Đạo vương Quốc Tuấn, tước Văn Huệ vương, từng ngụ tại Quỳnh Lâm Bích Động, có nhiều vịnh ngâm sơn thủy như tập Cúc Đường di thảo. Vua Minh Tông cho chức Tư đồ phụ chính, thời kỳ này ông từng ban nhiều tiền khuyến khích dân chúng khẩn hoang”.

Khi viết về cháu nội Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, các tư liệu đều nhắc đến điểm nổi bật nhất của ông là thích ngâm thơ, làm thơ... 

chuyen-it-biet-ve-bai-tho-sam-cua-chau-noi-tran-quoc-tuan
Trần Quang Triều nổi tiếng với tài văn chương

Sử chép, dù quyền cao chức trọng nhưng ông không ham danh lợi, chức vị mà thích sống nhàn nhã, bình yên. Sau một thời gian ngắn làm quan, ông từ chức về vùng Đông Triều sống ẩn dật. Ông đã chọn sống gần chùa Quỳnh Lâm. Đây là 1 trong những trung tâm Phật giáo Việt Nam thời nhà Trần.

Bản thân Trần Quang Triều và vợ là công chúa Thượng Trân rất mến mộ đạo Phật, họ đã nhiều lần cung tiến nhiều tài sản gồm tiền, ruộng cho chùa Quỳnh Lâm mà bia đá tại chùa này cũng như một số sách đã ghi chép rất rõ... 

"Bài thơ sấm" của Trần Quang Triều

Sử chép, Trần Quang Triều là chủ soái của Bích Động thị xã. Đây là một trong những hội thơ sớm nhất của nền thi ca phong kiến Việt Nam, có từ thế kỷ 14 trước cả Tao đàn Nhị thập bát Tú do vua Lê Thánh Tông sáng lập. 

Hội thơ của ông tập hợp những danh sĩ nổi tiếng thời Trần có thể nhắc đến như: Nguyễn Sưởng, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Ức, Tự Lạc tiên sinh. Quang Triều đứng đầu thi xã không chỉ vì thân phận cao quý, chức vụ lớn trong triều đình mà ông thực sự có tài làm thơ.

Vào tháng 8 năm Khang Thái thứ 2 (1325), Văn Huệ Vương Trần Quang Triều mất khi mới 38 tuổi. Sau khi Trần Quang Triều mất, bạn bè ông đã thu thập và biên tập thơ của ông thành tập Cúc Đường di cảo. Đáng tiếc, trong thời gian kháng Minh, tập thơ này đã bị thất lạc. Đến đầu thời Lê, Phan Phu Tiên sưu tầm được 11 bài nên đã chép trong Việt âm thi tập. 

chuyen-it-biet-ve-bai-tho-sam-cua-chau-noi-tran-quoc-tuan-9
Trần Quang Triều có nhiều đóng góp với chùa Quỳnh Lâm

Đó là các bài: Chu trung độc chước; Đề Gia Lâm tự; Đề Liêu Nguyên Long tống hoạ cảnh phiến; Đề Phúc Thành từ đường; Điếu tẩu; Giang thôn tức sự; Hoàng Châu đạo lộ tác; Mai thôn phế tự; Quá An Long; Quy chu tức sự; Trường An hoài cổ vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. Đáng chú ý nhất trong số đó là bài Trường An hoài cổ được coi như dạng Sấm truyền báo trước nhà Trần sẽ mất.

Trường An hoài cổ

Hà nhạc chung tồn cố quốc phi,

Sổ hàng lăng bách bối tà huy.

Cựu thời vương khí mai thu thảo,

Mộ vũ tiêu tiêu dã điệp phi.

Dịch nghĩa

Sông núi rốt cuộc vẫn còn mà nước cũ đã đổi khác,

Mấy hàng bách trồng trên gò đứng phơi lưng dưới nắng chiều.

Khí đế vương triều xưa chôn vùi dưới cỏ mùa thu,

Mưa chiều hiu hắt bướm nội bay.

Thực sự trong hầu hết các bài thơ của Quang Triều còn lưu lại đều phảng phất nỗi buồn về thời cuộc bể dâu. Tuy nhiên, đó không hẳn là buồn vì vận nước mà giống nỗi buồn của một con người trước cảnh vật vô thường mà thôi. Cần nhớ rằng Quang Triều là một người nghiên cứu rất sâu về đạo, đặc biệt là Phật giáo nên các bài thơ của ông đều có hơi thở của Thiền. Chẳng hạn như bài:

Mai thôn phế tự

Hoang thảo tiền triều tự,

Thu phong cựu chiến trường.

Tàn bi trầm mộ vũ,

Cổ Phật ngọa tà dương.

Thạch thất tàng vân nạp,

Hoa đài cúng dã hương.

Ứng thân vô xứ sở,

Dữ thế cộng hưng vong.

Dịch nghĩa

Ngôi chùa của triều đại trước lẫn giữa đám cỏ hoang,

Bãi chiến trường xưa đang phơi mình trước gió thu.

Tấm bia tàu chìm trong mưa chiều,

Pho tượng cổ nằm phơi bóng xế.

Tấm áo mây đã cất trong ngôi nhà đá,

Mùi hương đồng nội dâng lên đài hoa.

Ứng thân không có chỗ nhất định,

Với đời cùng hưng vong.

hay bài

Đề Gia Lâm tự

Tâm hôi oa giác mộng,

Bộ lý đáo thiền đường.

Xuân vãn hoa dung bạc,

Lâm u thiền vận trường.

Vũ thu thiên nhất bích,

Trì tịnh nguyệt phân lương.

Khách khứ tăng vô ngữ,

Tùng hoa mãn địa hương.

Dịch nghĩa

Lòng nguội lạnh với giấc mơ sừng con sên

Dạo bước đến cửa thiền

Xuân muộn, dáng hoa mỏng mảnh

Rừng sâu, tiếng ve ngân dài

Mưa tạnh, trời xanh biếc một màu

Ao trong, trăng mát dịu toả xuống

Khách ra về, sư chẳng nói

Mặt đất thơm ngáy mùi hoa thông.

Những áng thơ văn của Trần Quang Triều đều phảng phất hơi buồn theo phong cách khá giống nhau. Chỉ có điều bài Trường an hoài cổ lại có những chữ nhạy cảm nên hậu thế sau khi xem, chiêm nghiệm thì ngỡ như đó là "bài thơ sấm" dự báo nhà Trần sẽ mất.

Thực tế thì thời vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông cai trị, vận nước rất mạnh, chỉ thiếu những chiến công rạng rõ như thời Trần Thái Tông, Thánh Tông hay Nhân Tông mà thôi.

Xem thêm: Cái đức của Hưng Đạo Vương: Giao binh cho kẻ đắc tội với mình, tạo nên chiến công ngoạn mục

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận