Chân dung 4 bà Thái hậu tạo sóng gió, góp phần khiến nhà Lý sụp đổ, giang sơn rơi vào tay họ Trần
Chính những bà hậu vì tư tình riêng hoặc tham quyền lực mà sử dụng những kẻ bất tài nên khiến nhà Lý từ buổi thịnh trị đến ngày suy yếu. Cuối cùng, giang sơn rơi vào tay nhà Trần.
Nhà Lý từng có một thời kỳ thịnh vượng như thế nào?
Nhà Lý (nhà Hậu Lý - dùng để phân biệt với triều đại Tiền Lý do Lý Bí thành lập) là triều đại trong nền quân chủ Việt Nam. Triều đại này bắt đầu khi Lý Công Uẩn lên ngôi vào tháng 10 âm lịch năm 1009 sau khi giành được chính quyền từ nhà Tiền Lê. Nhà Lý trải 9 đời vua và chấm dứt khi Lý Chiêu Hoàng (7 tuổi) bị ép thoái vị nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh vào năm 1225. Nhà Lý tổng cộng cai trị đất nước trong 216 năm.
Trong thời đại này, lần đầu tiên nhà Lý đã giữ vững được chính quyền một cách lâu dài đến hơn 200 năm, khác với các vương triều cũ trước đó chỉ tồn tại hơn vài chục năm. Vào năm 1054, Lý Thánh Tông đã đổi quốc hiệu từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt, mở ra kỷ nguyên Đại Việt rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam.
Sử chép, nhà Lý có giai đoạn dài thịnh trị, giúp Đại Việt có nền văn minh phát triển rực rỡ. Vua Lý Thái Tổ ngay khi nên ngôi đã chú trọng phát triển Phật giáo, đặt nền tảng tín ngưỡng vững chắc ngay từ đầu cho nền văn hóa rực rỡ sau này.
Thời kỳ cực thịnh nhà Lý đã xây dựng Văn Miếu, Quốc Tử Giám, mà tinh hoa đấy vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay. Nhà Lý cũng khai sinh ra các lỳ khoa bảng để tìm kiếm ra hàng loạt nhân tài cho đất nước. Điều này được duy trì qua các triều đại khác nhau.
Chưa hết, nhà Lý cũng tăng cường củng cố quân đội để giữ vững giang sơn, xã tắc. Nổi tiếng nhất là những cuộc bình Chiêm phạt tống, khiến lân bang nể sợ.
Bên cạnh quân sự, nhà Lý cũng nổi tiếng về nghệ thuật với kinh đô Thăng Long - quần thể kiến trúc vĩ đại và hoa lệ. Những hiện vật về mái ngói, linh thú trang trí trên nóc nhà, các loại gạch lót cho thấy trình độ mỵ thuật đỉnh cao của các nghệ nhân thời Lý.
Con Rồng thời Lý được xem là hình tượng đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình đương thời, bên cạnh các tượng Phật lớn còn lại cho thấy tư duy đồ sộ của người thời Lý là rất lớn. 3 trong 4 bảo vật của An Nam tứ đại khí là Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điền và Tượng phật Chùa Quỳnh Lâm được tạo ra trong thời đại nhà Lý. Cùng với sự sùng đạo Phật, những tinh hoa nhất của nghệ thuật thời Lý đa phần đều thể hiện qua các bức tượng Phật, chùa chiền.
Thế nhưng, vật cực tất phản, sau giai đoạn cực thịnh, nhà Lý cũng đến hồi suy yếu. Mà một trong những nguyên nhân suy yếu được lịch sử đánh giá là do nhiều đời thái hậu chuyên quyền.
Có thể thấy, nhiều đời nhà Lý, Thái hậu giữ vai trò then chốt. Các bà hậu này có ảnh hưởng tích cực tới triều đại có thể kể tới như: Thái hậu Thượng Dương nhiếp chính, thái hậu Linh Nhân (Ỷ Lan) hai lần nhiếp chính.
Tuy nhiên, ngay từ Ỷ Lan thì sự chuyên quyền bắt đầu được bộc lộ rõ nét. Người phụ nữ này đã phế truất và sát hại Thượng Dương Thái hậu (có nghiên cứu cho rằng sự kiện này không có thực, tuy vậy chưa được công nhận).
Phát súng này đã kéo dài đến nhiều đời Thái hậu sau. Các bà hậu chỉ lo tạo dựng quyền lực, vây cánh cho bản thân và gia tộc của mình khiến cho vua Lý gần như không còn quyền lực tối cao, phải nhờ đến sự phụ giúp của họ Trần. Và chuyện gì đến cũng phải đến, nhà Lý suy vong, giang sơn rơi vào tay nhà Trần một cách nhanh chóng, gọn gàng.
Những bà hậu chuyên quyền góp phần vào sự suy vong của nhà Lý
Linh Chiếu Hoàng thái hậu và chuyện tư thông với Đỗ Anh Vũ
Linh Chiếu hoàng thái hậu (trước năm 1108 - tháng 7, 1161), còn được biết đến là Lê Thái hậu hay Cảm Thánh phu nhân. Bà là một phi tần của vua Lý Thần Tông, mẹ đẻ của vua Lý Anh Tông.
Sử chép, khi vua Lý Thần Tông băng hà, Lý Anh Tông đăng cơ, Linh Chiếu Hoàng thái hậu tư thông với Đỗ Anh Vũ. Bà để người tình của mình làm Phụ quốc Thái úy, trở thành quyền thần bậc nhất trong triều đình. Cũng vì quyền lực mà kẻ này ra sức hãm hại trung lương.
Trước tình thế đó, các quan nhà Lý đã tổ chức binh biến bắt Đỗ Anh Vũ giam vào ngục chờ xử. Tuy nhiên, Linh Chiếu Hoàng thái hậu lại ra tay cứu Đỗ Anh Vũ. Thậm chí còn phục chức Thái úy cho hắn.
Và khi quyền lực trở về tay, Thái úy Đỗ Anh Vũ ra sức trấn áp, giết hại phe cánh trung lương trong triều. Cũng từ đó, hắn thao túng cả triều đình.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục có chép: "Khi nhà vua mới lên ngôi, không cứ việc lớn hay nhỏ, đều do Anh Vũ quyết định cả. Hắn ra vào nơi cung cấm, tư thông với Lê Hậu (tức Linh Chiếu). Nhân thế, Anh Vũ lại càng kiêu rông: Ở triều đình hắn vén tay, quát tháo, chỉ huy người bằng cách hất hàm, sai bảo người bằng khí sắc. Mọi người đều hé mắt sợ sệt, không ai dám nói gì”.
Chiêu Linh Hoàng thái hậu tạo binh biến giành quyền lực
Chiêu Linh Hoàng thái hậu (? - tháng 7, 1200) là vợ vua Lý Anh Tông, mẹ của Phế Thái tử Bảo Quốc vương Lý Long Xưởng. Bà là mẹ đích của Lý Cao Tông.
Vào thời vua Lý Anh Tông trị vì, vì Thái tử Long Xưởng hư hỏng nên bị truất ngôi, con thứ là Long Trát được phong làm Thái tử. Khi vua Anh Tông băng hà, Long Trát mới 3 tuổi lên ngôi, lấy hiệu là Cao Tông.
Linh Chiếu Hoàng thái hậu là mẹ của Long Xưởng cho mở tiệc mời các quan đại thần đến dự và nói rằng, vua Cao Tông còn nhỏ tuổi nên để Long Xưởng lên ngôi. Các quan không ai đồng ý mà chỉ nghe theo lời Thái úy Tô Hiến Thành đang hết lòng phò tá vua Cao Tông.
Để đạt được mục đích của mình, Chiêu Linh Hoàng thái hậu đã dùng vàng bạc để dụ dỗ vợ chồng Tô Hiến Thành. Thế nhưng vị trung thần này đã từ chối, quyết không làm theo.
Vì không lôi kéo được Tô Hiến Thành nên Chiêu Linh quyết định tạo binh biến, gây ly tán trong triều nhằm tạo phe cánh ủng hộ cho mình. Vào một đêm nọ, bà hậu này triệu gấp con trai Long Xưởng đến tính kế, Thái úy Tô Hiến Thành nhận được mật báo liền ngăn Long Xưởng vào thành. Sau đó, Chiêu Linh Thái hậu bị giam lỏng trong hậu cung, âm mưu thất bại. Tuy nhiên, sự việc này đã tạo ra sự ly gián trong triều đình.
Chiêu Thiên Chí Lý Hoàng thái hậu cũng tham quyền lực
Đỗ Thụy Châu (? - tháng 1, 1190), là một Hoàng thái hậu nhà Lý. Bà là vợ vua Lý Anh Tông, mẹ vua Lý Cao Tông. Theo văn bia Cự Việt quốc thái uý Lý công thạch bi minh tự (bia mộ Đỗ Anh Vũ, niên đại phỏng đoán là 1159) tại làng Yên Lạc, (Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), Đỗ Thụy Châu là con gái của ông quan Thị trung họ Đỗ, là anh họ của Đỗ Anh Vũ. Bà là cháu gái Đỗ Anh Vũ và Chiêu Hiến hoàng hậu, mẹ vua Lý Thần Tông.
Chiêu Thiên Chí Lý Hoàng thái hậu cùng thời với Chiêu Linh Thái hậu. Bà cũng tham nhũng quyền lực khiến nhà Lý ngày càng đổ nát.
Sử chép, khi Tô Hiến Thành sắp qua đời, Đỗ Thái hậu đã đến thăm và hỏi ai có thể thay ông. Tô Hiến Thành cho rằng, Trần Trung Tá là vị quan trung lương có thể thay mình phò tá vua.
Thế nhưng, Tô Hiến Thành chẳng ngờ được, sau khi ông qua đời, bà Hậu này không nghe theo mà tự ý cho em trai là Đỗ Di An lên nắm quyền phụ chính. Mục đích là để quyền lực được nằm trong tay họ ngoại thích.
Đỗ Di An vốn là kẻ bất tài lại kém đức, khiến vua Cao Tông nghe theo Di An thì càng lớn cũng càng tỏ ra bất tài, lại chỉ lo hưởng lạc. Vua chuyên dùng người đã bất tài lại kém đức, khiến lòng người oán thán, đất nước loạn lạc khắp nơi.
Đàm Thái hậu thích can dự chính sự
Đàm Thái hậu (An Toàn Hoàng hậu, hay Lý Cao Tông Đàm hậu) là vợ vua Lý Cao Tông, mẹ đẻ của Lý Huệ Tông. Năm 1210, Cao Tông Hoàng đế băng hà. Thái tử Lý Hạo Sảm lên ngôi, tức Lý Huệ Tông. Đàm Hoàng hậu được tôn làm Hoàng thái hậu, sử sách thường gọi bà là Đàm Thái hậu.
Sử sách chép rằng, bà là người cứng rắn, thích can dự việc chính sự. Bà đích thân cùng vua nghe chuyện chính sự trong triều. Rồi bà lại phong em trai là Đàm Dĩ Mông làm Thái sư, cùng mình tham dự triều chính. Trong khi đó, vua Huệ Tông không có chút quyền nào khi ngồi trên ngai vàng.
Đàm Dĩ Mông là người có học nhưng không quyết đoán, nên mọi việc đều do Đàm Thái hậu quyết định. Thái hậu chỉ lo cho quyền lợi của dòng họ mà quên mất chuyện của trăm họ. Chính vì thế mà xã tắc rơi vào cảnh loạn lạc, các thế lực cát cứ nổi dậy. Triều đình nhà Lý càng ngày càng phải dự vào họ Trần nhiều hơn.
Nhà Lý suy yếu, quyền lực dần dần về tay họ Trần. Khi Huệ Tông nhường ngôi cho con là Lý Chiêu Hoàng, chỉ 1 năm sau Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, nhà Lý mất từ đây.
Mấy triều liên tiếp bị các bà hậu âm mưu dùng kẻ bất tài thì nhà Lý làm sao mà không suy yếu được. Chính các bà hậu vì tư tình hay tham quyền không chính đáng đã đẩy nhà Lý đến bờ suy vong.
Ở đây không có ý chê trách các bà thái hậu là phụ nữ mà can chính vì thái hậu Ý Lan trước đó lại làm rất xuất sắc khi phải nhiếp chính (trên thực tế, thời phong kiến thì ít phụ nữ được theo học việc kinh bang tế thế). Cái nguy hiểm ở đây là việc các bà thái hậu lợi dụng địa vị, chức vụ để tham nhũng quyền lực, dùng người không đúng thì rất nguy hiểm, có thể kéo đổ một triều đại hưng thịnh.
Xem thêm: 10 điều thú vị về cuộc đời Lý Công Uẩn - vị hoàng đế khởi dựng nhà Lý
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận