Chân dung 3 nhân tài nước Việt nổi danh trong lịch sử Trung Quốc

Ít ai biết rằng, anh hùng chống quân Hung Nô, tổng công trình sư của Tử Cấm Thành, ông tổ nghề pháo binh trong lịch sử Trung Quốc... đều là nhân tài sinh ra từ đất Việt ta.

Đỗ Thu Nga
10:00 21/06/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Anh hùng chống giặc Hung Nô - Lý Ông Trọng

Lý Ông Trọng tên thật là Lý Thân, ông là nhân vật truyền thuyết sống vào cuối thời Hùng Duệ Vương, đầu thời AN Dương Vương. Ông người làng Chèm, Từ Liêm, Hà Nội.

Vào thời Hùng Vương thứ 8, Lý Ông Trọng giữ chức vụ nhỏ ở huyện ấp, sau truyền rằng, ông cao hai trượng ba thước. Với bản tính cương trực, trung hậu, thương dân nên có lần thấy tên lính huyện ác ôn đánh đập dân phu, ông đã nổi giận đánh chết tên lính đó và bị triều đình khép tội chết. 

Nhưng vua thấy ông là người có tài đức, khỏe mạnh nên không nỡ giết. Sau đó ông bỏ chức, đi cầu học phương xa.

Đến thời Thục An Dương Vương, ông là một tướng giỏi giúp vua và được cử đi sứ nước Tần. Bấy giờ nhà Tần óc nạn giặc Hung Nô đánh phá phương Bắc. Tuy Tần Thủy Hoàng đã đắp Vạn Lý Trường Thành nhưng vẫn không cản được bước của giặc. 

Chan-dung-3-nhan-tai-nuoc-Viet-noi-danh-trong-lich-su-Trung-Quoc-5

Nhân có tướng tài nước Âu Lạc sang sứ nên vua Tần ngỏ ý mời ông giúp trừ giặc Hung Nô, phong ông làm Vạn Tín Hầu. Ông Trọng cầm quân ra giữ đất Lâm Thao (vùng Cam Túc, Trung Quốc hiện nay), hễ quân Hung Nô kéo đến bao nhiêu là bị đập tan bấy nhiêu. 

Giặc Hung Nô kinh hãi và từ đó không dám xâm phạm biên ải nhà Tần nữa. Vua Tần ra sức khâm phục, phong tước cao, thưởng hậu và gả cả công chúa cho Lý Ông Trọng, muốn lưu ông ở lại Tần lâu dài. Sau đó một thời gian, Lý Ông Trọng nhớ quê hương xin vua Tần cho về nước nghỉ ngơi.

Khi nghe tin Ông Trọng về nước, giặc Hung Nô lại kéo sáng đánh Tần. Vua Tần sai sứ sang Âu Lạc mời Ông Trọng. Khi đó ông không muốn đi nên vua Thục đã nói ông mất.

Vua Tần bất đắc dĩ phải đúc pho tượng đồng khổng lồ hình Lý Ông Trọng (bên trong rỗng, chứa được mấy chục người, có máy giật để cử động chân tay như thật) đặt ở cửa Kim Mã, kinh thành Hàm Dương. Giặc Hung Nô ngỡ là ông lại sang Tần nên không dám xâm phạm nước này. Từ đó người phương Bắc thường gọi những pho tượng lớn là “Ông Trọng”.

Tử Cấm Thành - tác phẩm của người nước Việt

Tử Cấm Thành là biểu tượng của Bắc Kinh, là niềm tự hào về kiến trúc của người Trung Quốc. Nhưng ít ai biết được, công trình này được làm bởi bàn tay của người Việt.

Đó là ông Nguyễn An, sinh vào cuối thời Trần. Theo Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn thì Nguyễn An quê ở vùng Hà Đông ngày nay. Từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng, giỏi tính toán và có biệt tài về kiến trúc. Bởi vậy, mới chỉ 16 tuổi, Nguyễn An đã có mặt trong các hiệp thợ xây dựng các công trình cung điện của nhà Trần.

Năm 1406, nhà Minh mang quân sang đánh nhà Hồ bắt được cha con Hồ Quý Ly đem về Trung Quốc. Năm 1407, vua Minh xuống chiếu cho các tướng Minh ở nước ta bắt người có học vấn cao, thợ khéo, các thanh niên khỏe sang Trung Quốc phục vụ. Trong số đó có Nguyễn An.

Chan-dung-3-nhan-tai-nuoc-Viet-noi-danh-trong-lich-su-Trung-Quoc-0

Sang Trung Quốc, Nguyễn An được bổ sung vào đội ngũ hoạn quan. Lúc này, nhà Minh đang xây dựng thành Bắc Kinh. Nghe Nguyễn An nói có tài kiến trúc, vua Minh liền cho phụ trách việc xây Tử Cấm Thành. Các quan lại ở Bộ Công có ý không phục nhưng khi thấy Nguyễn An tính toán rành mạch, đầu nghĩ tay chỉ thành hình, họ cũng vui vẻ phục tùng.

Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn An, Tử Cấm Thành được hoàn thành và trở thành công trình đồ sộ gồm 800 cung và 8.886 phòng trên một diện tích 720.000 m2. Theo phát biểu của GS Trần Ngọc Thêm trên báo Sài Gòn Giải Phóng, công trình này mang những ảnh hưởng kiến trúc Việt Nam rõ rệt. Đó là nguyên tắc “tiền triều hậu thị” nghĩa là cung điện phía trước chợ búa phía sau. Trong khi các hoàng thành trước đó của Trung Quốc hình vuông thì Tử Cấm Thành hình chữ nhật. Nét nổi bật nhất là Tử Cấm Thành có 3 lớp trong khi các kinh thành trước chỉ có 1 hoặc 2 lớp. Theo giáo sư Thêm, đây là biểu hiện tư duy coi trọng số lẻ của người Việt và cũng là sự tương đồng với thành Cổ Loa của ta.

Công lao của Nguyễn An trong việc tổ chức xây dựng Tử Cấm Thành đến nay vẫn được ghi rõ trong các bộ sử cổ của Trung Quốc như Hoàng Minh thông kỷ, Anh Tông chính thống thực lục. 

Hồ Nguyên Trừng - ông tổ pháo binh ở Trung Quốc

Người Trung Quốc được mệnh danh là cha đẻ của thuốc súng. Nhưng ít ai biết được, người đúng súng pháo cho Trung Quốc lại là Hồ Nguyên Trừng.

Sử chép, ông là con trưởng của Hồ Quý Ly, có biệt tài đúc súng, pháo. Sau khi nhà Hồ bị quân Minh tiêu diệt, cha con ông cùng các quan lại bộ thuộc bị bắt về Trung Quốc.

Nhà Minh biết Trừng có tài chế tạo súng thần cơ nên trưng dụng ông. Từ đó nước này mới có bước tiến lớn trên con đường sử dụng thuốc nổ vào chiến tranh. 

Chan-dung-3-nhan-tai-nuoc-Viet-noi-danh-trong-lich-su-Trung-Quoc-8

 Theo Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn thì trong sử đời Minh có ghi nhận: “Trừng khéo chế súng, chế ra thần cơ cho triều đình, đến nay tế binh khí đều phải tế Trừng”. Trong sách Thông ký cũng nói: ”Lúc đầu Quốc Triều (chỉ nhà Minh) chỉ có năm quân doanh, ấy là Trung, Tiền, Tả, Hữu, Hậu. Năm Vĩnh Lạc xưa (1403-1424) lấy 3000 quân kỵ rợ Hồ đặt dưới lá cờ rồng, lập ra tam thiên doanh. Sau khi nam phạt, học được phép chế thần công thì lập ra thần cơ doanh”.

Giáo sư Trần Quốc Vượng khi nghiên cứu lịch sử Trung Quốc cũng xác nhận trong Minh sử có ghi: “Đến đời vua Thành Tổ nhà Minh (1403-1424) đánh nước Giao chỉ học được phép đúc thần cơ sang pháo, lúc bấy giờ mới đặt ra đội súng thần cơ”. Như vậy, các tài liệu sử học của cả ta và Trung Quốc đều xác nhận rõ ràng, chỉ từ khi có Hồ Nguyên Trừng mới xuất hiện Thần cơ doanh là binh chủng pháo binh đầu tiên của quân đội Trung Quốc và cũng là binh chủng pháo binh đầu tiên của nhân loại. Rõ ràng cha ông chúng ta xưa đã đi trước người Trung Quốc trong kỹ nghệ chế tạo pháo.

Xem thêm: Chuyện hi hữu trong sử Việt: Vị tiến sĩ bị ăn đòn vì chấm rớt bài thi của cha

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận