Tình cảnh bi đát của cặp vợ chồng ăn mít luộc thay cơm, không có tiền chữa bệnh cho con
Căn bệnh quái ác khiến bé Nay Vực nằm thoi thóp một chỗ. Xót xa hơn, bố mẹ của bé nghèo khó, ăn mít luộc thay cơm, chẳng biết kiếm đâu ra tiền đưa con đi viện.
Căn bệnh quái ác của đứa trẻ đáng thương
Bé Nay Vực (SN 2001) là con thứ 5 của vợ chồng anh Ksor Oai và chị Nay H’Đuôr (trú thôn Mnai Trang, xã Ia Pear, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai). Khi mới sinh, Nay Vực nặng 2,5kg, rất đáng yêu.
Nhưng gần 3 tháng tuổi, Nay Vực bỗng quấy khóc liên tục cả ngày lẫn đêm. Cũng từ đó, đầu của bé to dần lên. Hiện giờ đầu phình rất to, trong khi cơ thể gầy gò, chân tay bé tí.
Gần 30 tháng tuổi mà Nay Vực chỉ nằm một chỗ, chẳng có nhận thức gì. Hôm nào khó chịu, bé quấy khóc suốt, bố mẹ phải thay nhau bồng bế suốt đêm.
Anh Ksor Oai chia sẻ, vợ chồng đã nhiều lần đưa con đi viện nhưng bác sĩ nói không chữa được, bảo đưa đi bệnh viện tỉnh, bệnh viện ở TP.HCM. Nhưng gia đình không có tiền. Nên cứ khi nào con sốt lại đưa ra bệnh viện huyện để tiêm, con đỡ thì lại cho về. Chẳng còn cách nào khác.
“Vì sức khoẻ của cháu rất yếu nên ăn uống cũng khó khăn, mỗi bữa chỉ lưng chén và không có chế độ riêng. Lâu lâu có tiền mới mua cho con ký thịt, quả trứng, còn bố mẹ và các anh chị thì có gì dùng nấy”, giọng anh Ksor Oai chùng xuống.
Về phương án chữa trị, người cha khốn khổ nói trong tuyệt vọng: “Giờ cứ để vậy, chẳng biết làm sao cả, mình đâu có điều kiện mà chữa. Khi nào đi thì thôi, còn ở lại thì phải chấp nhận. Cho vậy thì mình chịu, biết làm sao được”.
Bố mẹ nghèo đến nỗi ăn mít luộc thay cơm
Theo VietNamNet, gia đình anh Ksor Oai có 7 thành viên, kinh tế phụ thuộc vào 3 sào lúa, quanh năm không đủ ăn. Ngoài ra, họ còn 2 sào mì sắn, sau khi thu hoạch thì phải trả nợ tiền phân bón, thuốc sâu nên nhiều vụ bị âm chi phí.
Con trai lớn của anh chị đã 19 tuổi nhưng không có việc làm ổn định. Ngoài giúp bố mẹ công việc nương rẫy thì đi làm thuê cho chủ máy gặt. Tuy nhiên mỗi lần chỉ được mấy ngày, hết lúa lại về nên thu nhập không đáng là bao.
“Khi thiếu nhân lực hoặc làm không kịp thì người ta mới gọi cho mình. Cả con trai và con rể đều có sức khoẻ, những lúc rỗi muốn đi làm kiếm thêm để trang trải cuộc sống nhưng không có việc để làm”, anh Ksor Oai nói.
Cứ chục ngày, có khi nửa tháng, cả nhà họ mới có chút thịt để ăn. Mùa mưa còn kiếm được con cá, con cua, đến mùa khô hạn thì ăn cà rừng, rau muống, lá mì... qua ngày. Khó khăn thêm chồng chất khi năm ngoái, cô con gái thứ lấy chồng, sinh con rồi ở chung nhà. Vợ chồng anh cùng con trai tật nguyền phải xuống bếp ngủ cho đỡ ngột ngạt.
Mong tháo gỡ khó khăn, họ vay mượn nuôi thêm cặp bò, đàn dê nhưng không thấm tháp vào đâu. Số nợ gần 70 triệu đồng nhiều năm còn chưa trả được. “Khi mất mùa mình trả không đủ, người ta cho vay tiếp để đầu tư. Khi đau ốm không có tiền cũng phải vay mượn của họ nên càng ngày số nợ càng cao”, chị Nay H’Đuôr buồn rầu.
Ông Hoàng Hữu Hùng, Bí thư Đảng uỷ xã Ia Pear cho biết, gia đình chị Nay H’Đuôr đông con, thuộc diện cận nghèo. Về chế độ bảo trợ cho cháu Nay Vực, địa phương có đề nghị với huyện nhưng chưa được giải quyết.
“Hoàn cảnh rất khó khăn, trước mắt địa phương sẽ xuất quỹ vì người nghèo số tiền 1 triệu đồng để động viên. Xã sẽ vận động thêm cán bộ, công chức, giao cho Hội Chữ thập đỏ viết bài đăng trên website để vận động thêm các nhà hảo tâm”, Bí thư Đảng uỷ xã Ia Pear cho biết.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
Chị Nay H’Đuôr, thôn Mnai Trang, xã Ia Pear, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai
SĐT: 0352106540
(Ảnh, bài theo VietNamNet)
Xem thêm: Cô bé dân tộc Dao mắc ung thư xương khẩn cầu cơ hội được tái sinh
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận