9X Bình Dương mở lớp tình thương, hỗ trợ cả trẻ em châu Phi
Gần 5 năm qua, Trí bỏ tiền túi mở lớp tình thương, đem con chữ đến gần với trẻ em nghèo. Không những thế, anh còn hỗ trợ một số trẻ khó khăn ở châu Phi.

Vừa dạy vừa vận động trẻ em nghèo đi học
Cứ chiều tối khi đèn cao áp ở con đường số 18 sáng bừng (phường Linh Trung, TP Thủ Đức), Ninh Việt Trí (26 tuổi, Bình Dương) lại chuẩn bị đến lớp học tình thương do mình tổ chức. Anh gắn bó với lớp học này đã gần 5 năm.
Học trò của anh Trí đều là các em nhỏ theo cha mẹ từ các tỉnh về Sài Gòn mưu sinh. Vì hoàn cảnh khó khăn mà hầu hết các em đều không đến trường. Thậm chí có em còn rất nhỏ đã phảu phụ cha mẹ công việc bán vé số, nhặt ve chai...
Vốn yêu thích công việc thiện nguyện lại không đành lòng trước hoàn cảnh của các em, anh Trí ấp ủ ước mơ mở lớp học tình thương cho trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường. Sau đó, anh Trí quyết định hiện thực hóa ước mơ này khi vẫn chỉ là một sinh viên.
Chàng trai chia sẻ: “4 năm trước, khi còn là sinh viên, tôi thường tham gia các hoạt động thiện nguyện. Những lần ấy, tôi đều đi xa khỏi thành phố. Sau đó, tôi thấy để các hoạt động hỗ trợ cộng động của mình không bị gián đoạn thì nên thực hiện ở gần, khu vực lân cận nơi mình sống.

Như thế, mình sẽ hỗ trợ được nhiều hơn, đều hơn, hiệu quả hơn. Tôi có quan niệm thay vì xách một thùng nước đi tưới cho một cái cây ở xa, mình cũng có thể dùng chén nhỏ để tưới mỗi ngày cho cái cây ở gần”.
Với tâm niệm này, anh Trí quyết thực hiện dự án mở lớp miễn phí, hỗ trợ các lớp học tình thương xunh quanh nơi mình sống. Trí bắt đầu bằng việc bỏ tiền túi mở lớp học tình thương tại phòng sinh hoạt văn hoá đường số 18, phường Linh Trung, TP.Thủ Đức.
Mỗi tuần, Trí đều cố gắng đến đây để dạy học miễn phí cho các em nhỏ. Anh cũng vận động sinh viên, người có tâm tham gia giảng dạy vào các buổi tuối.
Ngoài ra, Trí cũng đến từng gia đình để vận động các em nhỏ đến tuổi đi học nhưng không đủ điều kiện đến trường tham gia các lớp học tình thương. Khi lớp học đi vào ổn định, Trí nghĩ đến việc hỗ trợ thêm cho các lớp học tình thương khác trên địa bàn.
“Tôi đến các lớp học này để hỏi họ xem cần giúp gì. Nếu trong khả năng, tôi sẽ cố gắng hỗ trợ. Ví dụ như lớp thiếu người giảng dạy, tôi sẽ vận động các bạn sinh viên, người có tâm đến dạy, lớp thiếu mặt bằng, tôi sẽ cố liên hệ, tìm mặt bằng để lớp có thể hoạt động…”, Trí nói.
Những niềm vui nhỏ
Hiện nay, Trí và các tình nguyện viên của mình đang hỗ trợ 4 lớp học tình thương. Mỗi tuần, Trí đều cố gắng vận động thêm nhiều người tham gia các hoạt động dạy học tại những lớp học này.
Trí chia sẻ: “Việc dạy học cho các em ở lớp học tình thương cũng gặp nhiều khó khăn. Các em thường xuất phát từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không được đến trường. Thậm chí, có nhiều em chưa được cha mẹ quan tâm đúng mức nên bướng bỉnh, quậy phá”.
“Các em có độ tuổi, trình độ khác nhau nên chúng tôi không thể đứng bảng, dạy chung cho toàn bộ lớp học. Thông thường, tôi và các bạn tình nguyện viên phải chia nhau mỗi người kèm cặp, hướng dẫn một vài em trong lớp. Mọi người dạy dỗ các em theo cách người anh, người chị kèm cặp, hướng dẫn cho em, cháu của mình”.
Vấp phải nhiều khó khăn nhưng trên hành trình gieo chữ của mình, Trí cũng có được “những niềm vui nho nhỏ, giản đơn”. Đó là lần Trí gặp lại những đứa bé trước đó đã quyết định rời bỏ lớp học tình thương mà anh đang hỗ trợ để về quê vì cha mẹ không thể trụ lại TP.HCM.

“Tôi cũng cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được cha mẹ các em quý mến. Có lần, tôi được họ thân tình mời ăn cơm cùng gia đình như một lời cám ơn giản dị khi biết tôi đến nhà để vận động con em họ đến lớp học miễn phí”, chàng trai chia sẻ.
Ngoài hoạt động dạy học tại các lớp tình thương, Trí cũng cố gắng trích một phần thu nhập cá nhân để hỗ trợ những học trò đặc biệt của mình. Thời điểm dịch bệnh bùng phát, lớp học không thể tiếp tục, Trí giúp các em một số nhu yếu phẩm cần thiết.
Trí cũng cố gắng vận động, thậm chí bỏ tiền túi để mua trang thiết bị cho các em học online. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các em được đến lớp, Trí và các tình nguyện viên ngoài việc dạy chữ còn cố gắng tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để học trò của mình “vừa học vừa thư giãn”.
Cũng trong nỗ lực tìm kiếm cách thức thực hiện những hoạt động xã hội hiệu quả nhất, Ninh Việt Trí có cơ duyên kết nối và hỗ trợ thêm một số trẻ em ở châu Phi. Hai năm trước, trong một lần lang thang trên mạng để học hỏi kinh nghiệm tổ chức hoạt động xã hội, Trí vô tình bắt gặp, kết nối với một người đàn ông châu Phi.
Thời điểm đó, người này đang quản lý một mái ấm dành cho trẻ em cơ nhỡ tại Kenya. Trí kết nối và học tập được từ người này nhiều điều thú vị, bổ ích. Đổi lại, Trí cũng quan sát rồi ngỏ ý sẵn sàng hỗ trợ trẻ em của mái ấm này trong điều kiện có thể của mình.
Ngay khi biết mái ấm khó khăn, Trí đã gửi tặng nơi này một số tiền nho nhỏ. Anh cũng quan sát xem mái ấm cần gì, thiếu gì và mình có khả năng hỗ trợ hay không để tìm cách giúp đỡ kịp thời.
Đầu năm 2022, Trí nhận thấy mái ấm trên thiếu nhiều máy tính cho việc giảng dạy, học tập. Anh đã lên kế hoạch gửi một số máy tính cũ sang hỗ trợ.
Tuy nhiên, chi phí cho việc vận chuyển quá cao. Cuối cùng, Trí quyết định chuyển tiền đến mái ấm và luôn theo dõi, đồng hành cùng cơ sở này thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội.
Nam thanh niên chia sẻ: “Từ nhỏ, thấy những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, tôi thấy mình thật may mắn. Cũng từ đó, tôi luôn có ý định sẽ giúp đỡ trẻ em nghèo khi có điều kiện”.
“Có rất nhiều cách để giúp các em, để làm thiện nguyện nhưng tôi chọn cách dạy cách em con chữ. Bởi chỉ có biết đọc, biết viết các em mới có thể tiếp cận tri thức, vươn lên trong cuộc sống”, Trí nói thêm.
(Theo VietNamNet)
Xem thêm: Ấm lòng lớp học tình thương "mẹ truyền con nối" xóa mù chữ suốt 40 năm qua
Đọc thêm
Hơn 15 năm qua, lớp học tình thương của 9x Sài Gòn Huỳnh Quang Khải vẫn bền bỉ hoạt động.
Suốt 4 năm qua, chàng trai Ninh Việt Trí đi khắp nơi vận động, kết nối chỉ với một mục đích cao đẹp: Mang con chữ về cho các em có hoàn cảnh khó khăn thông qua các lớp học tình thương.
Gần 30 năm qua, vợ chồng ông bà giáo Tư cần mẫn bên lớp học tình thương cho trò nghèo, học phí chỉ 15.000 đồng/tháng.
Bài mới

Với nam sinh Trần Xuân Đam, thành công không phải là đích đến mà là hành trình. Hoàn cảnh khó khăn đã tạo động lực, giúp em xuất sắc trở thành thủ khoa toàn quốc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Chỉ trong vòng 3 năm (1963-1970) ở mặt trận Trị Thiên, “vua mìn” Trịnh Tố Tâm đã chỉ huy đơn vị đánh 58 trận, diệt 1.500 tên địch, phá hủy 61 xe quân sự, đánh bật 19 đoàn tàu hỏa... Riêng ông đã tiêu diệt được 272 tên địch, bắn rơi và phá hủy 3 máy bay và cực kỳ nổi tiếng với câu nói: "Tất cả chúng mày đã bị một mình tao bao vây!"

Trong bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg được công bố mới đây, Bill Gates lần đầu tiên sau nhiều năm rơi khỏi top 10 người giàu nhất thế giới. Giá trị tài sản ròng của ông giảm 30%, tương đương 52 tỷ USD, sau khi Bloomberg điều chỉnh cách tính để phản ánh chính xác hơn các khoản quyên góp từ thiện khổng lồ của vị đồng sáng lập Microsoft.

Chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, con trai thứ hai 18 tuổi lén mẹ đăng ký đi kháng chiến chống Mỹ và không trở về. Hơn 60 năm nay, mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lang (Hội An, Quảng Nam cũ) vẫn ôm ấp niềm hy vọng một ngày nào đó có thể tìm được hài cốt con trai thay vào ngôi mộ gió được lập nhiều năm nay.

Giữa những trang giấy đã úa màu thời gian, 109 bức thư mà bà Vũ Thị Lui nâng niu gìn giữ chính là những mảnh hồn xưa còn sót lại của một thời đạn lửa. Mỗi con chữ đều thấm đẫm tình yêu thương, nỗi mong nhớ và cả tinh thần bất khuất của một thế hệ đã sống, đã yêu và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Những bức thư ấy đã theo chân người lính qua rừng sâu, suối cạn, qua những năm tháng hành quân gian khổ và hôm nay, chúng vẫn còn đó như những nhân chứng thầm lặng kể lại bản anh hùng ca của một thời không thể nào quên.