Ấm lòng lớp học tình thương "mẹ truyền con nối" xóa mù chữ suốt 40 năm qua
Hàng chục năm qua, lớp học tình thương "mẹ truyền con nối" nằm trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP.HCM) vẫn đều đặn mở cửa.
Lớp học đặc biệt "mẹ truyền con nối"
Lớp học tình thương nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Huỳnh Tấn Phát được UBND phường Phú Mỹ thành lập từ năm 1982. Khi đó, cô Ngô Thị Mạnh Hòa là người đứng lớp, dù khi ấy lớp học còn trăm bề khó khăn.
Cô Hòa nhớ lại: "Tuy nhiên, khi các em theo học tại lớp một thời gian, ba mẹ đã thấy được lợi ích và ý nghĩa của lớp học, con em họ chăm ngoan hơn, siêng năng và nghe lời hơn. Vì vậy, nhiều gia đình đã ủng hộ và đồng ý cho các em theo học. Từ vài em theo học ban đầu, sĩ số tăng dần theo các năm. Nhiều em lúc đầu đến theo học rất bướng, nhưng sau một thời gian đã chăm ngoan, tiến bộ rõ rệt".
Con trai cô, em Phan Trung Hải (24 tuổi), từ nhỏ đã được mẹ đưa tới lớp học tình thương. Khi ấy, cậu bạn có đôi lần ham chơi, không chịu học hành, cô nghĩ ra ý định đưa bạn đến lớp để nhìn thấy những hoàn cảnh khó khăn mà vẫn ham học tập. Nhờ được tiếp xúc với lớp học tình thương và thấy được việc làm ý nghĩa của mẹ mình suốt mấy chục năm qua, cậu bạn dần thay đổi.
Thế rồi, cách đây 6 năm, khi vừa vào học rường Cao đẳng Giao thông Vận tải Đường thủy II, Hải ngỏ lời muốn hỗ trợ mẹ ở lớp học tình thương. Khi được mẹ đồng ý, Hải đã bắt đầu đến làm quen và phụ mẹ, dạy tại lớp tình thương.
Nhắc đến khoảng thời gian khi còn là học sinh cấp 3, Hải tâm sự: "Thời còn học sinh, mình ham chơi khiến gia đình buồn phiền rất nhiều. Nhiều hôm thấy mẹ buồn vì mình, rồi nghĩ đến cảnh mẹ tuổi đã cao mà vẫn hằng ngày đứng lớp dạy miễn phí cho trẻ em nghèo, mình thấy day dứt và quyết tâm tu chí để tập trung vào việc học và hỗ trợ mẹ dạy lớp học tình thương".
Ban đầu chỉ là phụ giúp, nhưng nhờ sự nỗ lực cố gắng, chỉ sau 1 tháng, Hải đã chứng tỏ bản thần mình. Cô Hòa tâm sự: "Hải dần lấy được niềm tin không chỉ từ mẹ, mà còn từ chính các học trò của mình. Năm 2016 tôi đã giao lại lớp cho cháu phụ trách để tập trung vào công việc tại phường Phú Mỹ".
Hướng tới nghề sư phạm
Cũng nhờ quá trình dạy học, Phan Trung Hải nhận ra đam mê thực sự của mình là sư phạm. Vì thế, dù đã tốt nghiệp, đi làm với mức lương khá, cậu vẫn quyết tâm nghỉ việc và tập trung dạy học.
Hải tâm sự: "Vì tính chất công việc của mình là thủy thủ, làm việc trên các tàu cao tốc, tàu du lịch nên không phải đi một ngày rồi về mà cả tuần mới trở về, như thế thì ai lo cho lớp học, rồi tụi nhỏ sẽ thế nào. Vì thế mà mình đã xin nghỉ việc. Với mình công việc dạy học tuy không làm ra tiền nhưng bản thân thấy vui và hạnh phúc khi được đồng hành cùng trẻ nghèo".
Tự nhận thấy mình còn thiếu kinh nghiệm, cậu bạn quyết tâm thi vào Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Biết tin, ai cũng tỏ ra bất ngờ, chỉ có ba mẹ là hết mình ủng hộ, nên Hải vô cùng cố gắng. Cuối cùng, cậu đã thi đỗ ngành học Giáo dục chính trị của trường.
Trong những năm qua, ngoài việc học tập, Hải phụ trách toàn bộ hoạt động của lớp học từ chương trình giảng dạy đến các hoạt động ngoài giờ. Lớp học tình thương phường Phú Mỹ mà Hải đang giảng dạy có khoảng 40 em từ 6 - 17 tuổi. Đều đặn hàng tuần từ thứ 2 - thứ 7, cứ đúng 16h30, lớp học lại mở cửa đón trò nghèo.
Đến nay, lớp dạy 8 môn học gồm: Toán, Tiếng Việt, Lịch sử, Đạo đức, Tiếng Anh, Mỹ thuật, Tin học và Nhạc cụ. Đặc biệt, ngoài sự hỗ trợ của các đoàn thể trong địa phương, lớp học của Hải phụ trách còn có sự đồng hành giúp đỡ về vật chất và động viên về tinh thần từ Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Mỹ và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 thuộc địa bàn Quận 7.
Hải tâm sự: “Suốt những năm qua, điều mà tôi luôn trăn trở là sĩ số học sinh của lớp biến động liên tục. Bởi một số gia đình vì tính chất công việc phải thay đổi nên không sống cố định một chỗ. Các em vì thế mà cũng phải theo ba mẹ đi đến nơi mới và buộc phải nghỉ học giữa chừng”.
Bận rộn làm thêm để hỗ trợ trẻ nghèo
Bên cạnh việc học và dạy chữ, Hải còn đi làm thêm để có thể trang trải lớp học. Cậu sắp xếp thời gian đi làm gia sư, dành dụm tiền để lo cho học sinh của mình, từ quần áo đến bánh kẹo, đồ dùng học tập.
Hải cho biết mỗi tháng thu nhập từ gia sư khoảng hơn 2 triệu đồng. Số tiền này, ngoài mua các món quà hỗ trợ học sinh trong lớp, Hải dùng để hỗ trợ việc đi lại và chi phí học tập cho học sinh trong lớp đủ 17 - 18 tuổi học nghề.
Năm 2019, nhận thấy nhiều em có đam mê thể thao, Hải liền mời thầy dạy võ về dạy cho các em. Với những bé này, cậu hi vọng các em được theo đuổi đam mê thể thao, sau này có thể phát triển thành nghề nghiệp. Hải cho biết: “Sân chơi võ thuật được duy trì gần 4 năm trước. Đến hiện tại có 4 em nằm trong đội tuyển boxing TPHCM. Mỗi tháng các em được nhận trợ cấp, tương lai cũng có nhiều cơ hội hơn”.
Nguyễn Thị Kim Tuyến (sinh năm 2006) không được đến trường như các bạn cùng trang lứa. Năm 2015 Tuyến đến học tại lớp học tình thương phường Phú Mỹ. Sau quá trình học văn hóa, năm 2019 thấy được năng khiếu võ thuật của Tuyến, Hải đã hướng cô học trò nghèo này sang lớp võ thuật.
Tuyến tâm sự: "Thầy Hải là một người ấm áp và có tình yêu trẻ đặc biệt. Bản thân em may mắn hơn khi được học võ thuật. Trong quá trình học tập, thầy Hải là người đã hỗ trợ tiền xe đi lại, luôn động viên em và các bạn đến khi trở thành vận động viên của TPHCM.
Nhờ có thầy Hải mà cuộc sống em ổn định hơn, không còn khó khăn như trước đây nữa. Từ năm 2020 đến nay trong quá trình thi đấu em đã giành 2 Huy chương Vàng giải Boxing trẻ TPHCM, 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Vàng giải Boxing trẻ toàn quốc”.
Tổng hợp theo Hồ Phúc/Giáo dục & Thời đại, VOV Giao thông
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận