9 vấn đề hậu COVID-19 có thể gặp ở trẻ em, cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm
Phần lớn trẻ mắc COVID-19 đều có triệu chứng nhẹ và mau chóng bình phục nhưng hậu COVID-19 mới là điều khiến nhiều bậc cha mẹ đau đầu. Dưới đây là 9 vấn đề hậu COVID ở trẻ cần quan tâm.
Tỷ lệ trẻ mắc COVID-19 ngày càng gia tăng khi học sinh học trực tuyến, chủng virus mới cũng liên tục "trẻ hóa" mở rộng phạm vi tấn công. Bộ Y tế cho biết, trẻ mắc bệnh thường có triệu chứng nhẹ và phục hồi nhanh hơn người lớn. Song, các phụ huynh lo lắng hơn về tình trạng hậu COVID-19 khi con khỏi bệnh.
Theo CDC, hậu COVID-19 là vấn đề sức khỏe mới xuất hiện trong hoặc sau khi nhiễm bệnh, kéo dài khoảng 4 tuần hoặc hơn. Ở từng cá nhân, triệu chứng sẽ khác nhau và được gọi với nhiều thuật ngữ như COVID-19 kéo dài, COVID-19 mãn tính, ảnh hưởng lâu dài của COVID-19...
Theo nghiên cứu đăng tải trên trang healthychildren, tình trạng hậu COVID-19 ở trẻ em và thanh thiếu niên được ghi nhận bao gồm các vấn đề:
1. Vấn đề hô hấp
Vì COVID-19 thường ảnh hưởng đến phổi nên các triệu chứng hô hấp thường kéo dài không phải là hiếm. Chúng có thể bao gồm hiện tượng đau ngực, ho, khó thở hơn khi tập thể dục. Một số triệu chứng này có thể kéo dài đến 3 tháng hoặc lâu hơn.
Trẻ em từ 6 tuổi trở lên với các triệu chứng kéo dài có thể cần xét nghiệm chức năng phổi. Trẻ bị khó thở do gắng sức mà không hết có thể cần xét nghiệm tim để loại trừ các biến chứng như cục máu đông.
2. Các vấn đề về tim mạch
Nhiễm COVID-19 có thể dẫn đến viêm cơ tim. Trẻ bị viêm cơ tim có thể bị đau tức ngực, khó thở, nhịp tim không đều, hồi hộp, mệt mỏi... kéo dài ngay cả với các hoạt động bình thường.
Trẻ em và thanh thiếu niên có các triệu chứng trung bình hoặc nghiêm trọng trong vòng 6 tháng cần được kiểm tra kỹ lưỡng, bao gồm kiểm tra tim, trước khi trở lại trường học hoặc các hoạt động thể thao.
3. Thay đổi vị giác, khưu giác
Cứ 4 trẻ em và thanh thiếu niên từ 10 đến 19 tuổi thì có 1 người bị COVID-19 thay đổi khứu giác và vị giác. Điều này có thể ảnh hưởng đến thói quen ăn uống và tâm trạng của họ. Thậm chí khiến họ không nhận ra mùi nguy hiểm, ví dụ mùi khét...
Tuy nhiên, các triệu chứng này thường biến mất sau vài tuần. Trong trường hợp triệu chứng kéo dài quá lâu, bác sĩ sẽ kiểm tra hoặc hướng dẫn để phục hồi lại các giác quan này.
4. Ảnh hưởng đến hệ thần kinh
Dù khá hiếm gặp, COVID-19 vẫn có thể tấn công hệ thần kinh, dẫn đến đột quỵ hoặc viêm não (sưng não). Trong vài trường hợp, trẻ từng mắc bệnh sẽ trải qua những thay đổi nhỏ về sự chú ý dẫn đến mất tập trung kéo dài, rối loạn ngôn ngữ, vận động và cảm xúc...
5. Rối loạn trí nhớ
Trẻ cũng có nguy cơ gặp các triệu chứng "sương mù não" - hay quên, giảm khả năng tập trung tương tự như người trưởng thành. Việc học của trẻ cũng trở nên khó khăn hơn, học ngắt quãng, chậm hơn nhiều. Đồng thời cần nhiều thời gian thư giãn hơn trước để tiếp tục theo đuổi bài mới.
Hãy giúp con bạn ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng, điều có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng này. Nếu tình trạng mệt mỏi về tinh thần hậu COVID-19 không cải thiện hoặc cản trở các hoạt động hàng ngày, khi đó nên đưa trẻ đi khám.
6. Mệt mỏi về thể chất
Sau khi nhiễm bệnh, trẻ em và thiếu niên có thể dễ mệt mỏi hơn, sức chịu đựng kém hơn, ngay cả khi trẻ không có các triệu chứng về tim hoặc phổi do virus gây ra. Điều này thường được cải thiện theo tời gian. Cha mẹ nên cho con tăng dần hoạt động thể chất từ từ. Nếu điều này không cải thiện các triệu chứng, hãy đến gặp bác sĩ.
7. Nhức đầu
Nhức đầu là 1 triệu chứng phổ biến trong và sau khi nhiễm bệnh. Ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, ăn các bữa đều đặn và kiểm soát căng thẳng có thể hữu ích. Nếu cơn đau đầu nhiều và kéo dài hãy cho con đến gặp bác sĩ.
8. Sức khỏe tâm thần và hành vi
COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Đối với trẻ em mắc bệnh tâm thần / hành vi hiện có, các sự kiện xung quanh COVID-19 (nhập viện, cách ly, nghỉ học) cũng có thể làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn. Bác sĩ nhi khoa có thể kiểm tra con bạn để tìm các dấu hiệu trầm cảm, lo lắng và các mối quan tâm về sức khỏe tâm thần khác, đồng thời tư vấn khi nào con bạn có thể cần được hỗ trợ thêm .
9. Hội chứng viêm đa hệ ở trẻ (MIS-C)
Đây là một biến chứng thường gặp, thường xảy ra từ 2 - 6 tuần sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Việc chủng ngừa với hai liều Pfizer-BioNTech được báo cáo là có thể ngăn ngừa MIS-C ở trẻ em từ 12 đến 18 tuổi. Được biết, trong một nghiên cứu gần đây cho thấy các bệnh nhân MIS-C bị bệnh nặng đều không được tiêm chủng vaccine COVID-19.
Nếu trẻ có triệu chứng như sốt mà không rõ nguyên nhân sau COVID-19, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa. MIS-C có thể trở nên tồi tệ hơn một cách nhanh chóng, và trẻ em phát triển tình trạng này nên được bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa nhi khám càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh đái tháo đường, bao gồm đi tiểu thường xuyên, tăng khát, tăng đói, giảm cân, mệt mỏi, đau dạ dày và buồn nôn hoặc nôn, đã được báo cáo ở một số trẻ em và thanh thiếu niên bị COVID-19.
Theo Bộ Y tế, rất khó để dự đoán tình trạng hậu COVID-19 kéo dài bao lâu. Do đó, các nhà khoa học cần có thời gian nghiên cứu và đưa ra kết luận chính xác. Nếu trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần theo dõi cẩn thận các biểu hiện trong và sau khi trị khỏi để kịp thời can thiệp, tránh hậu quả.
Hiện nay, chưa có giải pháp ngăn chặn hậu COVID-19 xảy ra. Cách phòng ngừa tốt nhất là chủ động bảo vệ sức khỏe nhằm hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh. Phụ huynh nên hướng dẫn trẻ thực hiện đúng 5k ở trường, nơi công cộng, thường xuyên rửa tay diệt khuẩn, đeo khẩu trang, chú trọng vệ sinh vòm họng, tăng cường đề kháng...
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận