Youtuber "thánh một chân" Lương Phi: Chiến thắng nghịch cảnh và sống hết mình với hoạt động thiện nguyện
Dù chỉ còn 1 chân, nhưng chàng trai xứ Quảng Lương Phi (31 tuổi) vẫn nỗ lực vững bước, chiến thắng nghịch cảnh và hết mình vì hoạt động thiện nguyện.
Ký ức kinh hoàng thời thơ ấu
Lương Phi (31 tuổi, trú phố Xuyên Đông, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) sinh ra vốn là một đứa trẻ lành lặn, hiếu động, nhưng tai họa đã ập đến vào năm anh 3 tuổi. Mỗi khi nhắc lại ký ức kinh hoàng ấy, bà Hồ Thị Tuyết (56 tuổi, mẹ anh Phi) vẫn còn ám ảnh không quên.
Buổi trưa hôm đấy, cả 3 mẹ con anh đang ngồi hóng mát bên chõng tre thì bất ngờ bị một người đàn ông tâm thần trong xóm xông tới tấn công. Ông ta vung liên hồi cây rựa bén ngọt, chém trúng đỉnh đầu bà Tuyết, rồi lại chém đứt lìa chân trái Phi, rồi lại tấn công chị của anh.
Sau khi phát hiện sự việc, mọi người đã đưa 3 mẹ con đi cấp cứu, may mắn đã giữ được tính mạng. Tuy nhiên, các bác sĩ chỉ kịp nối lại cái chân suýt bị chém đứt lìa của chị gái Phi, còn chân của Phi thì vĩnh viễn mất đi. Từ ấy, mọi gánh nặng gia đình đè lên vai ông Lương A (bố anh Phi).
Với chiếc đòn bằng gỗ, cậu bé Phi dần tập thích nghi với cuộc sống mới, hằng ngày vẫn theo bạn ra bãi đá bóng, thả diều. Lớn lên, anh chống nạng tập tễnh đi học, nhất quyết không vắng một buổi nào. Bạn bè mới đầu trêu chọc, rồi dần thành nể phục cậu bé một chân.
Năm 18 tuổi, dù học rất giỏi nhưng thương ba vất vả nuôi cả gia đình, Phi không đi học đại học mà theo ngành công nghệ thông tin ở một trường trung cấp tại Đà Nẵng. Anh trải lòng: "Lúc đó, mình chọn học ngành này vì nghĩ nó phù hợp do không cần nhiều sức lực từ đôi chân và thời gian học ngắn sẽ đỡ vất vả cho ba mẹ hơn". Trong suốt thời gian học, anh vẫn nỗ lực và đạt thành tích học tập loại giỏi. Sau khi ra trường, anh nhận vào làm kỹ thuật viên cho một phòng thu âm.
3 năm sau đó, không muốn an phận làm thuê, Phi lên kế hoạch khởi nghiệp. Rồi nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, Lương Phi đã mở được một phòng thu âm của riêng mình ở Đà Nẵng. Cũng trong thời gian này, anh quen cô bạn sinh viên cùng quê, cùng tuổi Nguyễn Thế Nguyên Thu. Ban đầu còn mặc cảm, anh mang chân giả, đi giày để che khuyết tật của bản thân. Thế nhưng, sau cùng anh cũng đã quyết định kể chuyện với bạn gái.
Chị Thu tâm sự: "Không chỉ em mà cả gia đình em đều quý mến, cảm phục nghị lực của ảnh. Dù bị thiệt thòi hơn bạn bè nhưng anh đã nỗ lực để làm được mọi việc như một người bình thường. Làm vợ anh, nhiều người nghĩ em sẽ khổ nhưng em thấy mình chọn đúng người. Suốt những năm bên nhau, có với nhau 2 mặt con em luôn cảm thấy hạnh phúc khi bên cạnh một người đàn ông đầy nghị lực, chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình". Sau cùng, cả hai lấy nhau, rồi lần lượt chào đón 2 thiên thần nhỏ ra đời.
Khát vọng giúp đỡ người nghèo
Công việc nhẹ nhàng ở phòng thu âm giúp anh có thu nhập ổn định, trang trải cuộc sống gia đình. Thế nhưng, đến năm 2018, anh quyết định bỏ ngang, khăn gói về quê để làm Youtube. Anh định hướng kênh Youtube là nơi để thỏa mãn đam mê và truyền cảm hứng cho những người có hoàn cảnh như mình, lập ra kênh Youtube "Thánh một chân".
Anh Phi bồi hồi nhớ lại: "Mình lớn lên cùng nỗi tự ti, mặc cảm. Nhưng từ khi quyết định làm YouTube thì mình xác định là sẽ ‘chiến đấu’ với cái ‘một chân’ của bản thân luôn. Chính những trải nghiệm từ công việc YouTuber đã rèn luyện, giúp mình tự tin hơn, lạc quan và thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn rất nhiều".
Thời gian đầu làm Youtube, anh đã gặp muôn vàn khó khăn. Suốt một năm đầu tiên, dù lăn lộn với hàng chục clip, anh vẫn chẳng thể kiếm được xu nào. Anh kể: "Thời gian đó mình cũng hơi bị khủng hoảng. Tuy nhiên vợ con và người thân bên cạnh động viên nên cũng lấy lại được tinh thần, tiếp tục chiến đấu, không thể trở thành kẻ thất bại được".
Đến đầu năm 2019, vận may cuối cùng cũng mỉm cười, khi kênh youtube "Thánh một chân" của Lương Phi chính thức được bật tính năng kiếm tiền. Anh chia sẻ nhiều clip về nghị lực sống, biểu diễn kỹ năng đặc biệt và chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, khốn khó. Đi lên từ con số 0, giờ kênh Youtube của anh đã có hơn 200.000 người theo dõi.
Sau cùng, anh quyết định đổi tên kênh Youtube thành "Phi một chân", chuyển hướng sang làm các video về hoạt động từ thiện. Từ đó, anh lên đường ghé thăm nhiều nơi, gặp gỡ những hoàn cảnh khó khăn, cơ cực và kết nối những nhà hảo tâm để giúp đỡ. Chỉ có một chân, nhưng suốt 3 năm nay, dấu chân của Phi đã in dấu trên khắp các vùng quê nghèo của miền Trung.
Khi biết có hoàn cảnh khó khăn ở đâu, anh sẵn sàng vượt hàng trăm cây số tới gặp mặt, xác minh. Sau đó, anh tự mình quay những thước phim thật chân thực về họ, đăng lên Youtube và kêu gọi mọi người cùng giúp đỡ. Có khi anh tự mình tập tễnh đi vào khu chợ để... xin tiền làm từ thiện, hay tới các huyện vùng cao để tổ chức hoạt động thiện nguyện.
Được biết, đến cuối năm 2020, anh đã giúp kết nối 300 hoàn cảnh khó khăn tới các mạnh thường quân. Bên cạnh đó, những vlog chia sẻ hành trình từ thiện của anh luôn được người xem ủng hộ. Đã có nhiều trường hợp, anh là cầu nối để các nhà hảo tâm trong và ngoài nước hỗ trợ "nhân vật" hàng trăm triệu đồng.
Với lượng sub và view ổn định, thu nhập của Lương Phi cũng dần khá hơn. Anh tình nguyện trích một phần lợi nhuận kiếm được từ Youtube, để nuôi dưỡng các cụ già neo đơn, bệnh tật ở tỉnh Quảng Nam. Anh tâm sự: "Đến bây giờ em nghĩ mình đã chọn đúng đường. Trở thành một Youtuber giúp em có cơ hội rèn luyện bản thân, cởi bỏ mặc cảm và có thể chung tay góp sức giúp những hoàn cảnh thương tâm, điều đó khiến em hạnh phúc".
Với Lương Phi, anh vô cùng thấm thía những tháng ngày khó khăn, cơ cực, nên luôn đau đáu muốn làm gì đó để giúp đỡ những mảnh đời khốn khổ. Với anh, việc kêu gọi và kết nối các mạnh thường quân tới người nghèo, tặng cho họ bữa cơm, tấm áo mới hay tiền viện trợ là niềm vui và hạnh phúc.
Khi được hỏi về tương lai, Lương Phi bộc lộ: "Phi luôn thầm biết ơn và mong rằng sẽ tiếp tục được làm cầu nối giữa các mạnh thường quân và các hoàn cảnh khó khăn, để có thêm nhiều người nghèo được giúp đỡ. Và hy vọng những clip vlog của mình cũng sẽ truyền cảm hứng cho những người không lành lặn, không may mắn như mình, cũng là tự truyền cảm hứng cho chính bản thân vượt qua mặc cảm tự ti và ngày càng tự tin hơn".
Dự án "bếp Hoàng Cầm" đem bữa trưa đủ dinh dưỡng đến trẻ em vùng cao
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận