Giúp nhà đầu tư F0 gỡ rối khái niệm: Tiền số, tiền điện tử và tiền ảo khác nhau thế nào?

Với những nhà đầu tư mới, rất khó để họ phân biệt được các khái niệm tiền số, tiền điện tử và tiền ảo. Dưới đây là cách phân biệt những loại tiền này.

Chi Nguyễn
14:01 03/12/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người muốn thử đầu tư vào lĩnh vực tiền số, dù đây là thị trường có nhiều biến động. Một trong những sai lầm cơ bản mà nhà đầu tư F0 dễ mắc phải khi đầu tư là họ không phân biệt được những loại tiền với nhau. Dưới đây là cách phân biệt tiền số, tiền điện tử và tiền ảo qua khái niệm, đặc điểm và bản chất của chúng:

Tiền điện tử

Tiền điện tử (electonic money/e-money) được định nghĩa trong phạm vi khá rộng, do đó dễ gây ra hiểu lầm cho các nhà đầu tư mới. Chẳng hạn, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) định nghĩa loại tiền này là "giá trị tiền tệ được lưu trữ trên một thiết bị điện tử được sử dụng phổ biến để thực hiện giao dịch thanh toán cho các tổ chức khác không phải là tổ chức phát hành". Trong khi đó, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) lại coi tiền điện tử là "giá trị được lưu trữ hoặc sản phẩm trả trước, trong đó thông tin về khoản tiền hoặc giá trị khả dụng của khách hàng được lưu trữ trên một thiết bị điện tử thuộc sở hữu của khách hàng".

tien-so-tien-dien-tu-va-tien-ao-khac-nhau-the-nao
Tiền điện tử

Hiện tại, để xác định tiền điện tử, ta có thể thông qua 4 đặc điểm chính sau:

- Tiền điện tử phải là tiền pháp định (legal tender). Có nghĩa là, loại tiền đó phải có đủ 3 chức năng của tiền là dự trữ, trao đổi và hạch toán. Đồng  thời, tiền điện tử cũng được  thể hiện dưới dạng giá trị của tiền pháp định của một quốc gia (thí dụ VND, USD, SGD...). Đặc biệt, loại tiền này phải được Ngân hàng Trung ương (NHTW) đảm bảo. 

- Tiền điện tử có thể do ngân hàng hoặc tổ chức phi ngân hàng phát hành. Do đó, để đảm bảo an toàn cho người dùng, các quốc gia phải có quy định chặt chẽ với các tổ chức phát hành. 

+ Với các ngân hàng, NHTW sẽ đưa ra hệ thống các quy định chặt chẽ về an toàn hoạt động, quản trị rủi ro, tỷ lệ dữ trữ bắt buộc, bảo hiểm tiền gửi...

+ Với tổ chức phi ngân hàng, NHTW sẽ có quy định về cấp phép, giám sát,... và phải thực hiện ký quỹ tại hệ thống ngân hàng (tương ứng với số tiền phát hành với một tỷ lệ nhất định).

tien-so-tien-dien-tu-va-tien-ao-khac-nhau-the-nao
Ttiền điện tử do ngân hàng phát hành phải được đảm bảo qua tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại NHTW

- Tiền điện tử phải có cơ chế đảm bảo tiền tệ của NHTW. Có nghĩa là, tiền điện tử do ngân hàng phát hành phải được đảm bảo qua tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại NHTW; còn nếu do tổ chức phi ngân hàng phát hành sẽ được đảm bảo bằng cơ chế ký quỹ tại hệ thống ngân hàng (với một tỷ lệ ký quỹ nhất định). Tỷ lệ ký quỹ ở một số quốc gia có thể ở mức 100%, là điểm khác biệt mấu chốt giữa tiền điện tử (e-money) và tiền ngân hàng (bank notes).

- Tiền điện tử chỉ được lưu trữ trong sản phẩm điện tử gồm 2 loại là phần cứng như thẻ chíp, điện thoại thông minh gắn chip và dữ liệu dựa trên phần mềm như Paypal.

Tiền ảo

tien-so-tien-dien-tu-va-tien-ao-khac-nhau-the-nao
Pokecoins trong Pokemon GO là một loại tiền ảo

Về tiền ảo (virutal currency), ECB định nghĩa: "Đồng tiền ảo là một loại tiền kỹ thuật số không chịu sự quản lý, được phát hành bởi những người phát triển phần mềm (developers) thường đồng thời là người kiểm soát hệ thống; được sử dụng và chấp nhận thanh toán giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nhất định".

Có nghĩa là, tiền ảo có thể là Pokecoins trong Pokemon GO, hay tiền Facebook dùng cho quảng cáo hay trò chơi trên app Facebook. Tiền ảo không phải là tiền pháp định, nên không có quyền mặc định được chuyển đổi sang tiền pháp định và được NHTW đảm bảo. Các tổ chức phát hành tiền ảo cũng không bị NHTW quản lý, giám sát chặt chẽ. Chưa kể, phạm vi hoạt động cũng rất hẹp, chỉ trong một cộng đồng và có mục đích nhất định.

Hiện tại, tiền ảo đang có đặc điểm của hàng hóa trao đổi hơn là đồng tiền. Dù vậy, tiền ảo đang từng bước phát triển thành tiền ảo có thể quy đổi (convertible virtual currency) nhưng do tổ chức phát hành chịu trách nhiệm chứ không phải NHTW.

Tiền số

tien-so-tien-dien-tu-va-tien-ao-khac-nhau-the-nao
Tiền kỹ thuật số, tiền số hay tiền mã hóa (crypto currency) được tạo ra bởi thuật toán mã hóa phức tạp

Tiền kỹ thuật số, tiền số hay tiền mã hóa (crypto currency) được tạo ra bởi thuật toán mã hóa phức tạp, được giao dịch và trao đổi trên môi trường Internet. Hiện tại, tiền số chưa chịu sự quản lý của cá nhân hay tổ chức nào. Những đồng tiền số thường thấy là Bitcoin, Ethereum...

Gốc của tiền mã hóa có thể là tiền ảo, nhưng tiền mã hóa đang phát triển mang nhiều đặc điểm của tiền điện tử hơn. Dù vậy, tiền số vẫn còn rất xa mới có thể trở thành tiền điện tử, nguyên do là phải được NHTW các quốc gia công nhận. Tiền số đang phát triển theo hướng khai thác lợi thế, ưu điểm của blockchain (như chi phí giao dịch thấp, độ an toàn bảo mật cao, tiện lợi, nhanh chóng...) hơn là theo hướng sử dụng như 1 đồng tiền thực sự.

Tiền di động

tien-so-tien-dien-tu-va-tien-ao-khac-nhau-the-nao
Tiền di động

Một loại tiền khác dễ bị hiểu nhầm với các loại tiền tệ trên là tiền di động (mobile money). Tuy nhiên, theo định nghĩa của Hiệp hội thông tin di động toàn cầu (GSMA), tiền di động là tiếp cận dịch vụ tài chính qua điện thoại, có thể hiểu là một dạng tiền điện tử. Bản chất của mobile money là tiền pháp định, do tổ chức (thường là nhà mạng) cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động. 

Ta có thể thấy tiền này được lưu trữ trên ví điện tử thuê bao, không nhất thiết phải liên kết với tài khoản ngân hàng. Công ty Tài chính quốc tế cũng cho rằng mobile money là một dạng tiền điện tử, khi giao dịch được thực hiện trên điện thoại di động mà có thể trực tiếp hoặc không trực tiếp gắn với tài khoản ngân hàng. 

Nhà đầu tư cần lưu ý, hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào quy định khái niệm tiền điện tử, tiền số. Tính hợp pháp của loại tiền này vẫn còn là vấn đề cần cân nhắc. Tiền điện tử tại Việt Nam là giá trị tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử và được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức là ví điện tử (do Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng) và thẻ trả trước (do ngân hàng cung ứng) và ví di động. 

Theo Tạp chí Ngân hàng, Tạp chí Thị trường

Xem thêm: Nhà đầu tư F0 băn khoăn: Tiền số là gì và tiền số hoạt động thế nào?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận