Chân dung "ông Bụt" đời thường có tận 292 đứa con

Gần 20 năm qua, "ông Bụt" Nguyễn Trung Chắt một mình dốc tiền và công sức xây dựng, quản lý 3 trung tâm bảo trợ xã hội, nuôi dạy 292 trẻ mồ côi khỏe mạnh, lớn khôn.

Chi Nguyễn
08:23 17/02/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ông Bụt đời thường từng bị gọi là "kẻ điên"

Ông Nguyễn Trung Chắt (ở phố Núi Trúc, quận Ba Đình, Hà Nội) từng công tác trong quân đội, công an, sau khi về hữu đã một mình xây dựng và quản lý 3 trung tâm bảo trợ xã hội suốt gần 20 năm qua. Trung tâm bảo trợ xã hội của ông tên Hy Vọng, nuôi dạy trẻ mồ côi ở tỉnh Hưng Yên và Lạng Sơn, trong số 292 trẻ thì đến nay có 177 người đã trưởng thành, có người đi học cao đẳng, đại học, thậm chí có người đã trở thành thạc sĩ. 

ong-but-nguyen-trung-chat-nuoi-day-292-tre-mo-coi
Ông Chắt ôm một bé gái mồ côi được ông nhận nuôi và chăm sóc từ khi còn là trẻ sơ sinh.

Ông tâm sự, khi xưa quê ông ở thôn Phú Cường (xã Phú Thịnh, huyện Kim Động, Hưng Yên), cạnh nhà ông có mấy đứa trẻ mồ côi, sống với ông bà nhưng lại không được quan tâm, sau này bỏ học đi trộm cắp. Thấy vậy, sau khi nghỉ hưu vào năm 2002, ông về quê và thành lập trung tâm đầu tiên mang tên Trung tâm Hy Vọng Tiên Cầu, mong muốn nhận nuôi trẻ em mồ côi để chúng có tương lai ổn định hơn, cũng là cách để giữ bình yên xóm làng. Ông Chắt nói rằng, ông coi tất cả đều như con của mình.

Tới năm 2007, ông lại xây thêm một trung tâm khác ở huyện Lộc Bình, Lạng Sơn - đây là nơi ông từng đóng quân. Tới năm 2002, ông lại mở thêm một trung tâm khác ở huyện Hữu Lũng cũng tại tỉnh này, mong muốn mở các dịch vụ an sinh xã hội nơi đây để những "người con" của ông có chỗ làm việc. 

Để có thể bươn chải cuộc sống cũng như lo cho trung tâm, sau khi nghỉ hưu ông đã làm rất nhiều nghề khác nhau. Từ xây dựng cho đến buôn bán sắt vụn, chỉ cần kiếm được tiền là ông lại đem đi tích cóp. Lao động vất vả như vậy, nhưng sau khi nuôi lớn 3 người con (2 gái 1 trai) trường thành, ông lại để họ tự lập và dốc tiền tiết kiệm làm từ thiện.

Ông Chắt chia sẻ: "Nhiều người bảo tôi điên. Nhưng quan điểm của tôi là 'sống khỏe, chết nhanh, không có của để dành', vì nếu để lại tiền cho con cái là chết, vì chúng nó sẽ ỷ lại và còn chia chác nhau, mất tình đoàn kết". 

Trong 18 năm hoạt động, chỉ có 50% ngân sách là đến từ vận động từ thiện từ xã hội, còn lại là do ông bỏ tiền túi. Chi phí xây dựng, vận hành 3 trung tâm tốn hàng tỷ đồng, ông đã dốc hết tiền tích cóp của gia đình mới có thể chi trả được. Có nhiều khoản phí không tên phát sinh mà sau này khi thành lập trung tâm ông mới biết. Hiện mỗi tháng tiền nuôi hơn 100 đứa trẻ đã tốn khoảng 250 triệu đồng, là một khoản tiền rất lớn với người đã về hưu.

Hàng tháng, ông dốc toàn bộ tiền lương hưu là khoảng 7 triệu đồng, cộng với tiền cho thuê mặt tiền căn nhà tại Núi Trúc, được khoảng 50 triệu, tất cả đều dồn cho các trung tâm. Ông kể lại: "Nếu mà móc túi ra từng đó tiền thì không có được, nhưng tôi phải xoay xở. Tôi cho các con tăng gia trồng rau, nuôi lợn, cám nuôi thì mình có thể mua, nhưng cũng có thể ra nhà máy cám xin vét những cám rơi vãi. Thức ăn cho các con hằng ngày cũng phải tìm cách mua cho rẻ như: nếu muốn mua cá, tôi rình nhà nào tát ao mua những loại cá nhỏ về xay ra, chế biến thành chả, ăn vẫn ngon"...

Những người con đặc biệt

Tại Trung tâm Hy vọng ở huyện Hữu Lũng, hiện ông Chắt đang nuôi dạy 33 "đứa con", cháu bé nhất mới được 2 tuổi. Những đứa trẻ này đều có hoàn cảnh đặc biệt, có đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ, có đứa mồ côi bố, mẹ thì không nuôi nổi vì nhà đông con,...

Ông Chắt ôm một bé gái 2 tuổi, chăm sóc tỉ mỉ từ rửa mặt, đánh răng tới buộc tóc, đi dép... Được biết, cô bé này không có bố, còn mẹ đang đi học nghề với ước mong "làm lại cuộc đời", nên ông đã nuôi bé từ khi sinh ra. Ông Chắt tâm sự: "Tôi nhận vào trung tâm trẻ 6 - 12 tuổi. Nhưng có những trường hợp đặc biệt, tôi nhận nuôi từ lúc mới lọt lòng".

Một đứa trẻ khác là con của người mẹ tâm thần, khi được ông nhận nuôi mới chỉ khoảng 20 ngày tuổi, sau này ông cho mang họ của mình. Ông kể rằng, mẹ cháu bị bệnh, ông bà ngoại thì già yếu nên muốn cho đi nhưng chẳng ai dám nhận. Ông Chắt kể: "Tôi đến thăm, ông ngoại cháu bé kể có lần mẹ nó về, nhét cả quả chuối vào miệng nó, tí chết. Ban đầu tôi cũng hơi băn khoăn, nhưng rồi quyết định nhận và cố gắng hết mình, huy động tất cả 3 mẹ nuôi tập trung chăm sóc. May trời thương, nó cứ ăn cứ lớn, chỉ duy nhất có một lần sốt cao. Đêm ấy, các mẹ gọi điện, nửa đêm tôi từ Hà Nội phi xuống, cho đi khám thì chỉ do mọc răng"...

ong-but-nguyen-trung-chat-nuoi-day-292-tre-mo-coi
Anh Ngô Quốc Hưng hiện đã học xong thạc sĩ, được ông Chắt tin tưởng giao cho quản lý một trung tâm.

Trong số những người con mà ông Chắt tự hào nhất, có anh Ngô Quốc Hưng (29 tuổi), đã học lên thành thạc sĩ, đã trở lại trung tâm để quản lý. Anh Hưng cho biết ông Chắt đang dẫn dắt, hướng dẫn anh điều hành trung tâm, với hi vọng sau này sẽ thay ông quản lý. Anh Hưng xúc động nói: "Em vào trung tâm đến nay là 17 năm rồi. Là thế hệ đầu tiên ở trung tâm được bác Chắt cho đi học đại học và học tiếp lên thạc sĩ ngành công tác xã hội của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ở đây, chúng em coi nhau như một đại gia đình, còn bác Chắt là bố. Chúng em được rất nhiều tình cảm yêu thương của bác Chắt."

Không chỉ anh Hưng, tất cả những đứa trẻ được người cha "kì lạ" này nhận nuôi đều được cho đi học đàng hoàng, hầu hết học hết lớp 12 hoặc đi học nghề. Có người được học lên đại học, cao đẳng, thậm chí có người có tận 2 bằng đại học như chị Hoàng Thị Hồng, đã tốt nghiệp ĐH Nội Vụ và ĐH Luật Hà Nội, hiện đang là quản lý Trung tâm Hy Vọng Hữu Lũng.

Chị Đào Thị Luyến (Hưng Yên) là một trong những người được ông nhận nuôi và thay đổi số phận. Chị chia sẻ, chị từng là trẻ mồ côi, bị bệnh tim bẩm sinh, được ông Chắt nhận nuôi từ năm 8 tuổi. Chị Luyến kể: "Em vào trung tâm được bác cho đi mổ tim 2 lần. Em được cứu sống và có nghề trong tay. Bác là người cha thứ hai sinh ra em". Sau khi chữa khỏi bệnh, chị đi học nghề may, hiện đã có thu nhập ổn định, lập gia đình, có 2 cậu con trai kháu khỉnh.

Bà Nguyễn Thị Với, một "mẹ nuôi" ở Trung tâm Hy Vọng Tiên Cầu đã cùng ông 18 năm qua chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi cho hay: "Là đàn ông, nhưng bác chăm lo cho các con như người mẹ. Bác ấy lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các con. Những khi trời trở rét, đang đêm bác ấy cũng từ Hà Nội về, vào từng phòng kiểm tra xem các con đã mặc áo ấm chưa, quàng khăn chưa, đi tất chưa... Chúng tôi rất cảm động, luôn lấy bác làm gương...". 

Bà cũng chia sẻ, khi mới thành lập trung tâm, ông quy định trẻ gọi các cô nuôi dưỡng là mẹ, còn ông không nhận là bố, chỉ xưng là bác. Thế nhưng, thấy những bé được nhận nuôi từ sơ sinh, khi tập nói chỉ gọi mẹ mà không có bố, thấy thương nên ông ra "quy định" mới, ưu tiên cho các em gọi ông là bố. Lâu dần, mọi người cũng quen gọi ông là bố, là cha, thế là ông Chắt nay đã có gần... 300 người con.

Dạy làm người mới khó

Khi hỏi về bí quyết nuôi dạy thành công những cô bé, cậu bé không may mắn, ông Chắt tâm sự rằng điều quan trọng nhất là phải dạy các con học làm người. Ở trung tâm, ông treo rất nhiều khẩu hiệu dạy làm người như: "Việc đầu tiên là việc học làm người - người tử tế trước khi muốn trở thành người giỏi giang, có quyền hành hoặc siêu phàm"; "Yêu lao động sẽ nâng cao phẩm giá con người, lười biếng luôn gắn với nghèo đói và tội phạm"... Tuy nhiên, ông Chắt cho rằng dạy một đứa trẻ nên người là một hành trình gian nan, không chỉ là dựa trên những khẩu hiệu như vậy.

Để quản lý được hết các con ở 3 trung tâm, mỗi tháng ông đi lại cả ngàn kilomet, về sinh hoạt, ăn ở cùng các con. Cứ 5h30 sáng, ông gõ kẻng gọi mọi người dậy tập thể dục, sau đó dạy các con cách trồng rau, nuôi gà,... Ông cũng là một "quan tòa" ở đây, giải quyết cả chuyện xích mích, cãi nhau của các con được trung tâm ghi lại. Ông Chắt kể: "Phải theo dõi, chuyện trò chúng nó mới nghe, chứ không phải treo khẩu hiệu là xong”, ông tâm sự".

ong-but-nguyen-trung-chat-nuoi-day-292-tre-mo-coi
Ông Chắt gõ kẻng gọi mọi người dậy tập thể dục từ sáng.

Có lần, ông đang ở Hà Nội thì được mẹ nuôi ở trung tâm tại Hưng Yên gọi điện, báo có 3 cậu mất tích. Lo lắng, ông tức tốc đi xe về, tới nơi là gần 1 giờ sáng, không kịp nghỉ ngơi thì lại đi khắp quán xá ở TP. Hưng Yên để truy tìm. Mất mấy tiếng trời, ông mới tìm được 3 cậu đang chơi điện tử ở một quán net nọ. Ông Chắt cười, kể lại rằng: "Đưa về đến nhà, tôi cho mỗi đứa vào một góc ở sân và bảo: 'Bác cho con ngồi vào đây, bác cũng ngồi đây, muỗi cắn các con sẽ cắn cả bác. Lẽ ra giờ này bác đang ngủ. Vì các con, bác phải đi từ Hà Nội về đây. Bao giờ các con nhận thấy điều mình làm sai thì bác mới nói chuyện." Được biết, anh "cầm đầu" nhóm này hiện đã học xong cao đẳng điện lạnh, lái xe, còn sắp lấy vợ, chị vợ cũng là trẻ từng được ông Chắt nuôi dạy ở trung tâm.

ong-but-nguyen-trung-chat-nuoi-day-292-tre-mo-coi
Ông Chắt vui chơi cùng các trẻ mồ côi được ông coi như con ruột.

Để nuôi dạy thành công, ông Chắt kể rằng, sau khi học xong cấp 3, ông cho mọi người có 1 năm trải nghiệm, rèn luyện rồi mới định hướng nghề nghiệp. Ông cho các con chăm sóc, dạy dỗ em nhỏ hơn, ra ngoài làm thêm, học nghề,... trong suốt 1 năm, để tích lũy kinh nghiệm, hiểu thêm về giá trị đồng tiền. Có lẽ bởi vậy mà đa số người con đều đang có nghề ổn định, tự nuôi sống được bản thân. 

Trong suốt nhiều năm qua, ông Chắt đã nhận được vô số bằng khen, giấy khen nhờ đóng góp của mình. Vào năm 2019, ông nhận được giải thưởng Tình nguyện quốc gia do Trung ương Đoàn trao tặng. 

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận