Người đàn ông duy nhất còn giữ nghề lạ "xé quần" ở Sài Gòn

Hơn 30 năm qua, dù thị hiếu đã thay đổi, làm ăn không khấm khá như xưa, ông Trương Tấn Viễn (57 tuổi) vẫn gắn bó với nghề lạ "xé quần" jean để tạo kiểu ở Sài Gòn.

Chi Nguyễn
17:02 09/03/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Suốt bao năm qua, người dân ở đường Hồ Xuân Hương, quận 3 đều quen thuộc với hình ảnh người đàn ông ăn mặc bụi bặm, mở tiệm "xé quần" bên một đoạn vỉa hè. Đó là ông Trương Tấn Viễn (57 tuổi, quận Bình Tân, TP.HCM), người đã có 30 năm làm nghề lạ "xé quần" jeans ở Sài Gòn.

ong-truong-tan-vien-xe-quan-jeans-o-sai-gon
Ông Trương Tấn Viễn (57 tuổi) đã có 30 năm làm nghề lạ "xé quần" jeans ở Sài Gòn.

Cứ chiều chiều khoảng 3 giờ, ông Viễn lại chạy xe đến đường Hồ Xuân Hương để dựng tiệm. Gọi là mở tiệm nhưng thực ra ông chỉ đậu xe, kê một chiếc ghế ngồi cho đỡ mỏi, treo lên tường vài chiếc quần jeans rách ông xé sẵn rồi bán.

Ông Viễn kể, hồi trẻ ông làm nghề may quần áo trẻ em. Khoảng 30 năm trước, khi ấy việc làm ăn khó ăn, đương ngồi tại quán cà phê thì thấy có người bán quần jeans cũ đi qua, từ ấy ông quyết định chuyển sang bán quần jeans.

ong-truong-tan-vien-xe-quan-jeans-o-sai-gon
Ông Viễn bên cửa tiệm nhỏ trên đường Hồ Xuân Hương.

Ông kể, mình nảy ra ý tưởng "xé quần" jeans từ những bộ đồ jeans rách của ca sĩ nhạc rock phương Tây. Ông Viễn nhớ lại: "Ấn tượng với những bộ quần áo jean rách của ca sĩ nhạc rock ở nước ngoài, tôi bắt chước, xé để mặc. Về sau, khi bán quần jean, tôi thử xé vài chiếc bán kèm, không ngờ khách rất thích, những chiếc quần rách bao giờ cũng bán được trước tiên. Vậy là tôi vừa xé quần để bán, vừa nhận làm cho khách. Cứ thế mà nghề này theo tôi đến tận bây giờ".

ong-truong-tan-vien-xe-quan-jeans-o-sai-gon
Dù chỉ bán quần cũ, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn có khách quen tới "săn" quần.

Đồ nghề của ông rất đơn giản, ông chỉ có 1 chiếc dao rọc mỏng để rạch vải, thêm vài chiếc khẩu trang để đeo cho đỡ bụi. Ông chỉ nhận "xé" quần, áo với chất liệu vải jeans dày. Nếu mà vải jean thun hay mỏng là ông từ chối, vì sợi chỉ đó mảnh mà mềm quá, lại nhanh đứt, mặc vài lần thành lỗ thủng rất xấu. Ông làm nhiều kiểu xé với kích thước khác nhau, tùy theo yêu cầu và sở thích của khách. Theo kinh nghiệm lâu năm của mình, ông nói không phải loại vải jeans nào xé xong cũng có thành phẩm đẹp.

ong-truong-tan-vien-xe-quan-jeans-o-sai-gon
Đồ nghề của ông chỉ có dao rạch nhỏ và thêm khẩu trang đeo cho đỡ bụi.

Người đàn ông đã ngoài 50 tuổi nhớ lại, có lần ông gặp một vị khách đem tới áo khoách jeans tận 20 triệu, yêu cầu ông xé nát. Ông kể: "Cũng quen với việc xé quần áo đắt tiền, tôi không ngại nhưng chưa biết 'xé nát' là xé rách đến mức nào. Tôi phải kết bạn Facebook, xé vài mảng vừa phải rồi chụp hình xem ý họ thế nào. Sau khi họ góp ý cần thêm chỗ này chỗ kia tôi mới dám mạnh tay".

Với mỗi lần xé, ông lấy khoảng 10.000 đồng/mảng nhỏ, còn mảng to thì 30.000 đồng. Chưa kể, nếu mà khách mặc chán thì có thể đem đến, ông sẵn sàng thay, vá miếng vải khác vào. Ông Viễn cười, nói: "Tôi luôn xem tất cả những mảng xé mà mình làm ra là một tác phẩm". 

ong-truong-tan-vien-xe-quan-jeans-o-sai-gon
Ông Viễn cười, nói: "Tôi luôn xem tất cả những mảng xé mà mình làm ra là một tác phẩm". 

Ông ngẫm lại, thời đó Việt Nam chưa có các mẫu jeans rách công nghiệp thịnh hành như hiện nay. Những năm từ 1995-2005 là ông làm ăn khấm khá nhất, thậm chí "sống khỏe", đủ tiền nuôi các con ăn học nên người. Ông khoe: "Khi xưa, tôi thường làm cho những ca sĩ nổi tiếng thôi đó". Hiện giờ thu nhập không còn như trước, nhưng mỗi ngày ông vẫn kiếm được khoảng vài chục tới vài chăm ngàn nhờ xé và bán quần jeans cũ, vậy cũng đủ sống. Ngoài xé, ông còn nhận may túi xách, ba lô từ jeans cũ, giá dao động khoảng 200.000 - 300.000 đồng.

ong-truong-tan-vien-xe-quan-jeans-o-sai-gon
Ông còn nhận may túi xách, ba lô từ jeans cũ.

Thỉnh thoảng, có vài anh khách quen qua, thấy "cửa tiệm: nhỏ của ông lại ghé vào xem hàng, đôi khi mua quần. Thường ông chỉ bán quần cũ, nhưng người ta vẫn "khoái" màu hay mảng xé ông làm, nên lại mua. Thậm chí, có người mua xong còn gọi điện cho anh em, bạn bè giới thiệu, tư vấn mua quần chỗ ông.

Ông Viễn bộc bạch: "Tôi không biết có nên xem đây là một nghề hay không. Gọi là nghề cũng không đúng vì tôi chẳng học từ ai, cũng chẳng ai theo tôi học làm. Nhưng không xem là nghề cũng chẳng phải, tôi kiếm sống từ việc này 30 năm rồi cơ mà".

Chuyện lão sửa xe "khùng" dốc tiền cải tạo xe đạp tặng học sinh nghèo

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận