Chuyện lão sửa xe "khùng" dốc tiền cải tạo xe đạp tặng học sinh nghèo

Dù bị nhiều người coi là "khùng", anh Thái vẫn miệt mài dốc tiền mua đồ cũ, cải tạo xe đạp tặng học sinh nghèo suốt bao năm qua.

Chi Nguyễn
15:57 08/03/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Từ Quảng Ngãi tay trắng tới Sài Gòn lập nghiệp

Năm 1990, anh Lê Văn Thái (quê huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) rời quê hương lên Sài Gòn học nghề, lập nghiệp rồi gắn bó với nghề sửa xe từ lúc nào không hay. Ban đầu, anh chỉ học sửa xe đạp, thu nhập cũng khá cao. Sau này người ta đi xe đạp càng ít dần, thu nhập giảm nên anh theo học thêm nghề sửa xe máy. Cứ thế, gần 30 năm qua, anh miệt mài sửa chữa xe cộ, kiếm tiền nuôi gia đình rồi trích ra một khoản để làm từ thiện.

anh-le-van-thai-cai-tao-xe-dap-tang-hoc-sinh-ngheo
Cứ thế, gần 30 năm qua, anh miệt mài sửa chữa xe cộ, kiếm tiền nuôi gia đình rồi trích ra một khoản để làm từ thiện cho trẻ em nghèo.

Anh Thái kể: "Hồi xưa, tôi nhờ ông anh có quen ai sửa xe máy giới thiệu cho tôi để tôi xin học nghề nhưng mà người ta đòi 3 chỉ vàng thì người ta mới dạy. Lúc đó tôi tay trắng tiền đâu mà học. Một người bạn của ông anh cũng làm sửa xe máy thương tôi nên cho tôi vừa học vừa làm, không lấy lương. Học xong tôi ở lại làm để trả công ơn người thầy đó một năm rồi mới ra ngoài vay tiền mở tiệm sửa xe đến giờ".

Năm 1997, anh mở tiệm sửa xe riêng, cuộc sống gia đình nhỏ cũng dần ổn định hơn. Anh Thái kể, làm sửa xe nên chẳng có lương lậu ổn định, hôm nào đắt khách thì được khoảng 200-300.000 đồng, có hôm lại chẳng được đồng nào, ngày này đỡ ngày kia rồi dè xẻn cũng đủ sống.

Thu nhập không cao, lại theo nghề sửa xe luôn lấm lem quần áo, người ngợm, thỉnh thoảng anh Thái cũng chạnh lòng khi thấy người khác ăn mặc bóng bẩy, sang trọng. Dù vậy, anh tự nhủ mỗi người lại có một nghề riêng, nên chẳng so sánh nữa, mà luôn tìm cách giúp người khác từ công việc của mình. 

Anh hồi tưởng lại hồi mới từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn sinh sống, phải vất vả kiếm sống bằng đủ nghề. Anh kể: "Khi ấy mình đã khổ rồi, mà thấy những người ở chung phòng trọ còn khổ hơn mình nữa, nên hứa với lòng mình khi nào làm ăn đỡ đỡ một chút sẽ tìm cách giúp những hoàn cảnh khó khăn".

Tặng hơn 300 xe đạp cho trẻ em nghèo

Nghĩ là làm, hơn 15 năm qua, anh Thái đều trích một phần tiền sinh hoạt phí để thực hiện nguyện vọng ấy. Anh tìm mua những chiếc xe đạp đã cũ, giá mềm ở các vựa ve chai sau đó đem về nhà tự sửa chữa lúc rảnh tay. Sau khi chữa xong, lại tự tay sơn lại cho mới, thực hiện chương trình "Tặng xe đạp cho học sinh nghèo" để các em có phương tiện để tới trường. 

anh-le-van-thai-cai-tao-xe-dap-tang-hoc-sinh-ngheo
Anh tìm mua những chiếc xe đạp đã cũ, giá mềm ở các vựa ve chai sau đó tự sửa chữa lúc rảnh tay.

Chị Tơ (vợ anh Thái) kể, cả ngày anh bận rộn công việc sửa xe nhưng nếu thấy có chỗ nào đang bán xe cũ giá rẻ là anh lại tranh thủ tới mua. Chị kể: " Khi có tiền, anh đi mua thêm cái yên xe, cái thắng... rồi lắp ráp. Ráp thành chiếc xe chạy tốt rồi, anh còn tỉ mẩn ngồi sơn phết kỹ càng, mua thêm tem, giấy đề can dán lên thành một chiếc xe mới tinh rồi mới chuyển đi tặng cho các em học sinh". Không chỉ vậy, nếu các em học sinh, sinh viên không may bị hư xe, nếu đem tới anh đều sửa miễn phí.

Ban đầu, anh Thái tự tìm tới xóm trọ, khu lao động nghèo rồi tìm hiểu xem có em học sinh nào khó khăn, không có xe đi lại thì anh đem tới tặng. Biết việc tử tế của anh, Chi hội Bình Phú Đông (thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM) đã tới trò chuyện, đứng ra làm cầu nối. Từ đó, anh Thái cứ túc tắc sửa xong xe thì lại đem tới trụ sở, nhờ chi hội làm cầu nối trao tặng cho học sinh có nhu cầu.

anh-le-van-thai-cai-tao-xe-dap-tang-hoc-sinh-ngheo
Vài năm trở lại đây, mỗi năm anh Thái lại trao tặng khoảng 50 chiếc xe cho trẻ em nghèo.

Anh Thái tự hào kể, vài năm trở lại đây, mỗi năm anh Thái lại trao tặng khoảng 50 chiếc xe cho trẻ em nghèo. Ước tính anh đã trao tặng hơn 300 chiếc xe đạp tới những người cần dùng. Những năm trước kia anh không nhớ rõ, nhưng mỗi năm cũng phải trên dưới 30 chiếc được gửi tặng. Dù vậy, 1-2 năm gần đây, vì dịch COVID-19 mà thu nhập giảm, anh mới tặng được hơn 10 chiếc.

Dù bị nói "khùng" vẫn quyết tâm làm

Làm việc tốt cho đời, thế nhưng không ít người vẫn cho rằng anh Thái đang lo chuyện bao đồng. Anh chia sẻ: "Nhiều người nói mình là gia đình thì thiếu thốn này kia không lo cho gia đình mà lo chuyện bao đồng nhưng mà ai nói gì thì kệ người ta. Mình cảm thấy mình làm gì cho các em học sinh được thì mình làm thôi".

anh-le-van-thai-cai-tao-xe-dap-tang-hoc-sinh-ngheo
Nhiều người nói mình là gia đình thì thiếu thốn này kia không lo cho gia đình mà lo chuyện bao đồng nhưng mà ai nói gì thì kệ người ta.

Cũng có khi, anh bị người ta nói là "khùng", là "rảnh hơi", nhưng anh chẳng để tâm, bởi việc tặng xe vẫn là đam mê của anh. Anh nghĩ, đây chính là lúc để anh thực hiện tâm nguyện mà anh đã hứa trước khi bắt đầu vào Sài Gòn lập nghiệp. Với anh, khoảnh khắc nhìn thấy các em nhỏ rạng rỡ, háo hức ngồi lên chiếc xe do anh trao tặng thực sự "sung sướng vô cùng". 

Nhờ những việc làm đầy ý nghĩa và thiết thực, anh Lê Văn Thái đã vinh dự được Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tặng danh hiệu "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả". Dù vậy, người đàn ông ấy vẫn khiêm tốn nói: "Chỉ mong rằng với sự tiếp sức nhỏ bé của mình, các em học sinh nghèo sẽ đỡ vất vả hơn khi đến trường, giúp các em thêm chút thuận lợi để học đến nơi đến chốn, điều mà tôi đã không thể thực hiện được trước đây".

Hành trình hơn 10 năm miệt mài tân trang phế liệu thành xe đạp tặng người nghèo của cựu binh 70 tuổi

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận