Ấm lòng lớp học miễn phí ở nhà văn hóa cho học sinh nghèo của hai nữ sinh Hà Nội

3 năm qua, dù là trời mưa hay trời nắng, hai nữ sinh Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam vẫn miệt mài bên lớp học miễn phí cho học sinh nghèo.

Chi Nguyễn
16:50 22/06/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nguyễn Thị Thúy sinh ra trong một gia đình nghèo ở thôn Đoài, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội, mẹ em tần tảo nuôi 10 miệng ăn. Thương mẹ cực khổ, Thúy cố gắng học hành, ước mơ trở thành bác sĩ. Học cấp 3, trong khi nhiều bạn bè được phụ huynh tìm thầy cô giỏi ôn luyện riêng, nữ sinh 9x chỉ có bộ sách giáo khoa cũ và ít tài liệu tham khảo được cho.

Em tâm sự: "Mỗi lần học em lại nghĩ, liệu tự học có thể đỗ đại học không? Đang hoang mang thì biết tin nhà văn hóa thôn Đoài có lớp học thêm miễn phí cho học sinh lớp 12. Lúc đến, thấy các anh chị sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội giảng bài say sưa, em đã xin vào lớp học dẫu lúc đó mới học lớp 11".

nu-sinh-ha-noi-mo-lop-hoc-mien-phi-o-nha-van-hoa-cho-hoc-sinh-ngheo
Lớp học nhà văn hóa thôn Đoài đến nay đã thành lập được hơn 5 năm. Ảnh: GDTĐ

Nhờ ham học hỏi, lại chăm chỉ rèn luyện và nỗ lực, 9x Hà Nội đã nhận quả ngọt, thi đỗ Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam. Sau khi ổn định ở môi trường mới, cô bạn tâm sự với mẹ là sẽ dành toàn bộ thời gian để dạy học miễn phí ở nhà văn hóa. Các em đều là học sinh nghèo ở thôn Đoài, ước mong được đi học để đổi đời. Ngoài dạy học, Thúy còn tổ chức một số hoạt động hướng nghiệp nhằm trao đổi, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Phan Thị Phương là bạn học của Thúy, tình cờ biết đến lớp học miễn ví ở nhà văn hóa thôn Đoài. Phương nhớ lại: "Hồi đầu mới vào ký túc xá thấy Thúy ngày học trên giảng đường, đêm về miệt mài đến 1 giờ sáng, hỏi ra mới biết bạn đang nghiên cứu tài liệu để dạy học".

nu-sinh-ha-noi-mo-lop-hoc-mien-phi-o-nha-van-hoa-cho-hoc-sinh-ngheo
Phương tâm sự em đã phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, lập kế hoạch giảng dạy từng giai đoạn

Sau nhiều lần nghe bạn kể chuyện, lại cảm động vì tấm lòng nhân ái, Phương quyết định giúp bạn một tay. Mới đứng lớp, em chỉ có thể dạy các em học sinh lớp 9. Nữ sinh Y Dược tâm sự: "Vì không có nghiệp vụ sư phạm nên em phải nghiên cứu, lập kế hoạch giảng dạy từng giai đoạn, lâu dần cũng bắt nhịp được".

Không chỉ vậy, việc làm tử tế của Thúy và Phương còn lan tỏa rộng rãi hơn. Bác sĩ Khải cho biết, anh cùng một bác cao tuổi trong thôn và cô giáo dạy Ngữ Văn ở địa phương vận động phụ huynh cho con đi học. Buổi đầu tiên có 6 học sinh đến học, vài tháng sau, khi tiếng lành đồn xa, số học sinh ngày càng nhiều.

Bác sĩ cho biết: "Khi mới thành lập, chúng tôi chỉ dạy cho học sinh lớp 12 ôn thi đại học. Nhưng sau thời gian dạy hiệu quả học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 xin vào học, chúng tôi cũng đồng ý và sắp xếp lịch dạy. Hiện, các sinh viên Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đang duy trì lớp học với quy mô gần 30 học sinh từ lớp 9 đến lớp 12".

Theo Ngô Chuyên/Giáo dục & Thời đại

Xem thêm: Quang Đạt - nghệ sĩ thiện tâm 7 lần độc hành xuyên Việt làm từ thiện, tuổi xế chiều muốn đấu giá Vespa cổ để giúp Mẹ VNAH

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận