Quang Đạt - nghệ sĩ thiện tâm 7 lần độc hành xuyên Việt làm từ thiện, tuổi xế chiều muốn đấu giá Vespa cổ để giúp Mẹ VNAH

Mỗi lần nhắc đến chủ đề Bác Hồ và từ thiện, ánh mắt của nghệ sĩ Quang Đạt lại ánh lên sự say sưa. Từ thiện đã trở thành 1 phần cuộc sống, anh đã từng 7 lần độc hành xuyên Việt làm từ thiện và giờ lại muốn bán xe Vespa cổ giúp đỡ Mẹ VN anh hùng. 

Đỗ Thu Nga
08:00 22/06/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ai cũng nghĩ rằng, nghệ sĩ là những người rất hào nhoáng với quần là áo lượt, dùng đồ hiệu... Thế nhưng nếu gặp nghệ sĩ Quang Đạt thì chắc hẳn bạn sẽ có một cách nhìn khác về người nghệ sĩ. Bởi anh luôn mang phong thái bụi bặm, dạn dĩ của một người từng trải. 

Sẽ thật thiếu sót nếu như nói về anh mà không kể về hơn 100 thước phim lớn, nhỏ khác nhau như: Đồng tiền xương máu, Cảnh sát hình sự, Người đàn bà hóa đá, Cô gái đất đỏ... Nhưng anh luôn nói rằng, thấy ngại nếu người viết kể về những tác phẩm nghệ thuật của mình quá nhiều. 

Chuyen-ve-hanh-trinh-tu-thien-khong-met-moi-cua-nghe-si-Quang-Dat-2
Nghệ sĩ Quang Đạt - "Bác Hồ luôn trong tôi"

Chiều lòng người nghệ sĩ 61 tuổi, ở bài viết này chúng ta không nhắc nhiều đến nghệ thuật. Nhưng chúng ta chắc chắn phải kể cho nhau nghe câu chuyện về hành trình nhân ái của người nghệ sĩ thiện tâm, đó là...

Bảy lần độc hành xuyên Việt làm từ thiện

Nghệ sĩ Quang Đạt (tên thật là Nguyễn Đức Đạt, SN 1962, quê gốc ở Đà Nẵng), gia đình cư trú tại ngã ba 46, Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Hiện anh đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh.

Như đã chia sẻ, anh có hơn 100 bộ phim lớn, nhỏ khác nhau, đa phần là phim nhựa... Và có lẽ, nhờ những thước phim trường khốc liệt ấy mà anh càng hiểu thấu nỗi đau, sự mất mát mà chiến tranh mang lại. Bởi vậy, năm 2006, gác lại công việc thường ngày, anh lên đường thực hiện hành trình xuyên Việt: "Vì nạn nhân chất độc da cam".

Chuyen-ve-hanh-trinh-tu-thien-khong-met-moi-cua-nghe-si-Quang-Dat-4
Hình xăm Bác Hồ trên vầng trán cao, rộng của nghệ sĩ Quang Đạt

Trên chiếc xe Lambretta hoài cổ, nghệ sĩ Quang Đạt du hành khắp các tỉnh, thành phố kêu gọi quyên góp được hàng trăm triệu đồng ủng hội cho Hội Nạn nhân chất độc da cam, chuyển tới tay những người có hoàn cảnh khó khăn.

Vào năm 2008, giữa lúc hoàn cảnh gia đình vẫn còn bao khó khăn, lo toan, bộn bề cuộc sống, nhưng được sự ủng hộ của người vợ tảo tần, thủy chung, anh Quang Đạt đã lên đường xuyên Việt lần thứ hai: "Vì tuổi thơ Việt Nam”. Thông điệp lần này là quan tâm, bảo vệ các em - những mầm non tương lai của đất nước. Hơn 1 tháng rong ruổi khắp dải đất hình chữ S, anh đã quyên góp được hơn 300 triệu đồng, mua áo ấm tặng trẻ em nghèo. 

Và khi cả nước thực hiện đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, nghệ sĩ Quang Đạt đã thực hiện chuyến xuyên Việt thứ 3 để tuyên truyền người dân tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Trong hành trình từ Hà Nội đến mũi Cà Mau, anh đã mang theo 9 chiếc mũ bảo hiểm, xin chữ ký của hơn 2.000 cảnh sát giao thông các tỉnh.

Chuyen-ve-hanh-trinh-tu-thien-khong-met-moi-cua-nghe-si-Quang-Dat
Các chiến sỹ cảnh sát GT đang ký tên lên mũ và xe của nghệ sỹ Quang Đạt

Anh Quang Đạt để lại ấn tượng sâu sắc với mọi người bởi hình xăm Bác Hồ trên vầng trán cao, rộng. Khi nói về hình xăm đặc biệt này, anh nói: "Bác Hồ là hình ảnh đẹp nhất, là tấm gương sáng nhất cho mọi người noi theo. Vì vậy tôi xăm hình Bác lên trán để mỗi khi soi gương thấy Bác là nhắc nhở mình bất cứ việc gì cũng phải suy nghĩ chín chắn, đúng đắn rồi hãy làm”.

Cũng bởi trong tim luôn có hình ảnh Bác Hồ là thần tượng, là tấm gương sáng mà năm 2011 anh đã thực hiện hành trình "Rước Bác vào Nam" dịp 121 năm Ngày sinh vị lãnh tụ vĩ đại. Anh phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An bắt đầu cuộc hành trình rước bức tượng bán thân Bác cao 60cm, nặng hơn 70kg được nghệ nhân Hoàng Mẫn ở Đà Nẵng tạc bằng đá non nước nguyên khối từ ngày 19/5/2010. 

Khi đó, anh Đạt độc hành trên chiếc Vespa màu trắng có vẽ hình làng Sen quê Bác, Trường Quốc học Huế, Trường Dục Thanh, Bến Nhà Rồng và nhà lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc. Đó cũng chính là lộ trình mà Quang Đạt sẽ dừng chân ở các nơi đã từng gắn bó với cuộc đời hoạt động của Bác Hồ. Kết thúc hành trình theo chân Bác, bức tượng Bác được tặng lại cho Nhà lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Chuyen-ve-hanh-trinh-tu-thien-khong-met-moi-cua-nghe-si-Quang-Dat-9
Chuyen-ve-hanh-trinh-tu-thien-khong-met-moi-cua-nghe-si-Quang-Dat-8
Những bằng khen cho mỗi cuộc hành trình là tài sản mà nghệ sĩ Quang Đạt luôn luôn trân quý, cất giữ như kho báu của đời mình

Để là hành trình hoàn tự phát theo ý nguyện của cá nhân nghệ sĩ Quang Đạt. Để có kinh phí cho chuyến đi này, anh đã vay 10 triệu đồng. Trên hành trình này, anh nhận được sự giúp đỡ của các "mạnh thường quân" và đều ghi chép cẩn thận vào sổ vàng. Khi tới Đồng Tháp, toàn bộ số tiền đã được đưa vào quỹ khuyến học của tỉnh. 

Sau lần đó, anh lại dốc hết lương nghệ sĩ lên đường thực hiện hành trình xuyên Việt: “Về với Mẹ Việt Nam anh hùng”. Hành trình lần này anh là sứ giả của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam. Trong ba năm 2012, 2013, 2014, nghệ sĩ Quang Đạt đã rong ruổi khắp từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng, trung du tới miền núi trên chiếc Vespa có hơn 800 chữ ký của các phóng viên, nhà báo nổi tiếng cả nước để thực hiện hành trình. Chiếc áo nghĩa tình do chính tay anh vẽ hình ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng 3 miền Bắc, Trung, Nam có 21 chữ ký của các nghệ sĩ nổi tiếng như: NSƯT Nguyễn Vinh Sơn, NSND Đào Bá Sơn, NSƯT Thùy Liên, NSND Hồng Vân, NS Lê Tuấn Anh… để đấu giá quyên góp tiền tặng quà cho các mẹ. Kết thúc cuộc hành trình trong ba năm, anh đấu giá, kêu gọi quyên góp được tổng cộng 604 triệu đồng, trao tận tay 247 Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên cả nước.

Từ thiện là sứ mệnh

Từ thiện dường như đã trở thành sứ mệnh mà cuộc đời giao phó cho nghệ sĩ Quang Đạt. Anh chẳng phô chương, anh nói, mỗi chuyến đi mang lại cho anh rất nhiều câu chuyện, khiến tâm hồn anh rung rinh.

Mắt anh rớm lệ mà nói rằng: "Tôi yêu những con người mà tôi đã gặp, tôi biết ơn Mẹ Việt Nam anh hùng và tôi thương những đứa trẻ...".

Chuyen-ve-hanh-trinh-tu-thien-khong-met-moi-cua-nghe-si-Quang-Dat-5

Có lần anh đến Đắk Lắk, biết được một người chủ tiệm vàng nổi tiếng với những lần làm từ thiện số tiền lớn. Anh tìm đến xin 2 nải gạo. Số gạo này anh cũng chẳng xin cho riêng mình mà để anh đưa đến giúp người nghèo khó. Nhưng người chủ tiệm vàng này nói "phải về hỏi vợ". Khi ấy anh cười hiền... rồi đi.

Nhưng cũng có lần anh đi vào miền Trung - nơi chứng kiến sự khốc liệt nhất của chiến tranh, gặp nhiều Mẹ Việt Nam anh hùng. Đa phần các Mẹ không có điều kiện, nhà cửa đơn sơ, đồ đạc cũ kỹ nhưng lại rất hào phóng. Mẹ sẵn sàng lấy những bát gạo cuối cùng trong nhà đưa cho anh, Mẹ thì cầm tay anh, dúi cho vài tấm bánh... 

Lần tới thăm gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Bình, khi nghệ sĩ Quang Đạt hỏi thăm: "Mẹ ơi, con mẹ tên gì, mất năm bao nhiêu tuổi?". Mẹ bảo: "Con mẹ tên Đạt, Nguyễn Văn Đạt”. Biết tên của anh trùng với tên con trai mình, bỗng dưng Mẹ ôm, siết chặt lấy anh rồi cấu xé tưởng như người con của mình trở về. Hai Mẹ - con cùng khóc! Khóc vì xúc động khi người Mẹ ấy gọi mình một tiếng “Con!” và khóc trước nỗi nhớ nhung khôn xiết, tình cảm thiêng liêng của những bà Mẹ Việt Nam anh hùng...

Chuyen-ve-hanh-trinh-tu-thien-khong-met-moi-cua-nghe-si-Quang-Dat-7
Tình cảm của mỗi nơi nghệ sĩ Quang Đạt đi qua đều rất đáng trân trọng, đó là động lực để anh tiếp tục thêm "sứ mệnh" thiện nguyện của bản thân mình

Chắc hẳn ai cũng biết, từ thiện là vấn đề nhạy cảm. Và nghệ sĩ Quang Đạt cũng hiểu rất rõ điều đó. Chính vì thế, có như thế nào anh cũng công khai, minh bạch và thông qua chính quyền địa phương. Trong các chuyến đi của mình, anh hạn chế sự giúp đỡ quá nhiệt tình từ các nhà hảo tâm.

"Mình đi làm từ thiện mà nên mình sao dám ăn một bữa cơm ngon, ngủ ở nơi sang trọng. Bản thân mình không có điều kiện, rồi khi người khác có ngỏ ý giúp đỡ chỗ ăn, chỗ ngủ mình cũng không dám vì như thế phản cảm lắm", anh nói.

Nghệ sĩ Quang Đạt cứ đi, đến tối lại ở nhờ trong chùa dọc đường. Đôi khi anh còn ngủ lề đường. Đến bữa, anh chọn quán bình dân với đồ ăn đơn sơ nhất có thể. Một lần, anh vào ăn cơm gọi ra đĩa cơm với thức ăn lèo tèo, một tài xế đi đường nhận ra anh, gọi cho anh một bát canh chua cá. Dù đã từ chối, nhưng người tài xế này vẫn cố mời anh bằng được.

Vừa ăn anh vừa khóc. Anh khóc vì lòng tốt của người lạ, dù mới gặp 1 lần nhưng vẫn mời anh ăn. Anh khóc vì những hoàn cảnh khó khăn ngoài kia, đôi khi họ chẳng có cơm mà ăn chứ đừng nói đến chuyện được mặc đẹp.

Mong ước tuổi xế chiều

Mang danh là nghệ sĩ nhưng anh Quang Đạt chỉ xài điện thoại điên trắng, lắm khi đang gọi tự động tắt làm nhiều người hiểu lầm là "chảnh". Có lần anh đi xe đạp đến đoàn làm phim, có người nói với anh: "Tôi cấm anh đạp xe đến đây, như thế là bôi nhọ đoàn làm phim".

Khi được hỏi tại sao lại một mình, không nhận đồng tài trợ từ thiện nào. Anh khẳng khái nói: "Anh chưa tìm được một người cùng chí hướng, bỏ ra hàng tháng trời để đi làm công việc mà không mang lại lợi nhuận gì cho họ. Và anh cũng không muốn có sự PR, quảng cáo, kiếm lời nào trong công việc từ thiện của mình”.

Và giờ, anh Quang Đạt đã 61 tuổi nhưng phần lớn cuộc đời anh lang thang phiêu bạt, xa gia đình, xa người vợ thân yêu. Giờ anh muốn quãng đời còn lại được ở bên nửa kia của mình, bù đắp lại phần nào đó mà anh còn “nợ” chị. Mặc dù vậy, sứ mệnh từ thiện vẫn là phần việc mà anh phải làm.

Trước khi tuổi già ập đến, anh muốn đấu giá chiếc xe Vespa cổ đạt kỷ lục Việt Nam với 869 chữ ký. Trong đó có rất nhiều chữ ký của các Tổng Biên tập các tờ báo lớn và cả chữ ký của cố giáo sư Trần Văn Khê. Chiếc xe Vespa này anh có được cũng do một người tặng. Khi đó, anh đi qua Ninh Bình, với tài nghệ vẽ tranh của mình, anh giúp một doanh nhân vẽ quảng cáo trên đường dài cả km. Họ muốn gửi anh chút kinh phí, anh không nhận. Thấy xe anh đi đã quá cũ, họ tặng anh chiếc xe Vespa này để anh thuận tiện hơn trong việc di chuyển.

Chuyen-ve-hanh-trinh-tu-thien-khong-met-moi-cua-nghe-si-Quang-Dat-6
Ông Đặng Xuân Dũng khi ký tên kỷ niệm trên chiếc xe Vespa cổ của nghệ sĩ Quang Đạt đang là Tổng Biên tập báo Công an TP.HCM

“Tính theo giá thị trường, chiếc xe ấy chả có giá trị gì. Là xe cổ nên không được như xe mới, thường xuyên hỏng hóc và khó sửa chữa. Nhưng với mình đó là kỷ niệm, mỗi chữ ký trên chiếc xe ấy là chứng nhân của con người đã thấu hiểu việc làm của anh. Nhìn vào nó, mình có thêm động lực, nghĩ về những điều tốt đẹp trong cuộc sống này và nó cũng là người bạn đường tin cẩn!”, nghệ sĩ Quang Đạt chia sẻ.

Anh nhớ lần ra Hà Nội, tới tòa soạn báo Công an Nhân dân, anh được 2 lãnh đạo báo tiếp đón nồng hậu. Chẳng phải vì anh đã giúp đỡ được họ điều gì mà họ chỉ cảm phục việc làm của anh. Muốn được đón anh như một vị “sứ giả” thiện tâm rồi ký lên chiếc xe Vespa cổ đó để chứng tích cho cả 2 bên về nghĩa cử cao đẹp.

“Mình luôn trân trọng sự đóng góp của mọi người. Bạn biết không, ví như trên chiếc xe này có rất nhiều chữ ký và nhiều người đã không còn trên cõi đời này. Khi hay tin họ qua đời, mình đánh một dấu chấm trên chữ ký của họ”, nghệ sĩ Quang Đạt chia sẻ.

Anh dự tính sẽ đưa chiếc xe này ra đấu giá dịp 27/7 – Ngày Thương binh Liệt sĩ. Toàn bộ số tiền thu được từ đấu giá sẽ được anh trích ra 50% giúp đỡ Mẹ Việt Nam anh hùng, phần còn lại anh dự tính sẽ hỗ trợ nghệ sĩ thông qua các Hội, nhóm và một phần nhỏ anh giữ lại để thực hiện ước mơ hoàn thành bảo tàng điện ảnh trong chính ngôi nhà của mình ở Bình Thuận.

Xem thêm: Chuyện về gia đình "ông bụt" mê làm từ thiện: Chỉ mong người nghèo có thêm tự tin, nghị lực sống

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận