Nữ doanh nhân cực khổ thuở cơ hàn, nay thành công rực rỡ lại dốc sức trả ơn đời
Trải qua hàng chục năm khốn khó, giờ bà Trần Thị Hồng (Kiên Giang) đã trở thành doanh nhân thành đạt, lại còn vô cùng say mê làm từ thiện.
Thuở cơ hàn chật vật khốn khổ
Ở huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang, không ai là không biết tới bà Trần Thị Hồng (thường gọi má Bảy, SN 1985). Có người giải thích: "Chúng tôi gọi má Bảy cho thân mật. Ở đây nhắc đến ai cũng thương quý lắm vì những tình cảm má dành cho người dân nghèo gặp khó".
Má Bảy sinh ra ở huyện U Minh Thượng, trong gia đình có 9 anh chị em, bố mẹ từng làm giao liên tham gia cách mạng. Và rồi, một trận pháo kích B52 của địch trong Chiến dịch Mậu Thân 1968 đã cướp đi sinh mạng của bố mẹ và 5 anh chị em của má. Đó là sự mất mát quá lớn không thể nào nguôi ngoai, chỉ có thể tạm quên đi để bước tiếp.
Sau đó, bà cùng mấy chị em còn sống được ông bà nôi đón về Long Xuyên (An Giang). Người chị lớn phải đi làm thuê cuốc mướn, má Bảy thì trông em cho nhà cô. Má cũng được cho cắp sách tới trường, nhưng vì thương chị gái đi làm vất vả nên quyết định nghỉ học khi vừa hết lớp 1.
Những năm sau đó, liên tiếp những cơn bĩ cực cứ ập đến cuộc đời má Bảy. Ông nội qua đời, mấy bà cháu lại phải về vùng U Minh sinh sống. Để có tiền, họ phải đi cấy lúa thuê, gặt mướn, lượm lúa.... có những ngày, đôi bàn tay, chân đau đớn đến tê dại.
Năm 19 tuổi, má Bảy được bà nội gả chồng, nhưng gia đình thông gia cũng nghèo khó không kém. Cuộc sống đã khốn khó, lần lượt 5 đứa nhỏ ra đời lại khiến họ khổ càng thêm khổ. Trong cơn túng quẫn, vợ chồng má Bảy đã có quyết định liều lĩnh, đóng thuyền cây nhỏ rồi đi về phía đảo Phú Quốc, lênh đênh trên biển 2 ngày. Đặt chân tới vùng đất mới, không ai nương tựa, vợ chồng bà dựng túp lều tạm, đi bẻ xiêm, đốt than, bán bánh khọt, bánh chuối,... kiếm đồng ra đồng vào.
Cuộc sống vừa ổn định hơn thì chồng bà mất, một mình má Bảy lại gồng gánh nuôi 5 con nhỏ. Dù đau lòng, nhưng má vẫn cố gắng làm việc, kiếm tiền nuôi các con ăn học. Sau đó, tích cóp được một khoản nhỏ, má Bảy mua một mảnh đất nhỏ dựng nhà, rồi lại vay thêm tiền để chuyển hẳn sang nghề kinh doanh sản xuất nông nghiệp. Làm ăn có duyên, cuộc đời má Bảy bước sang trang khác, có của ăn của để.
Muốn giúp người để trả ơn đời
Sau khi cuộc sống ổn định, bà Trần Thị Hồng không khỏi thương cảm những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Đó cũng là lý do bà quyết định phát tâm làm từ thiện, như một cách tích đức cũng như trả ơn đời.
Bà tâm sự: "Hồi đó mình nghèo đói, khó khăn đủ bề, nhờ may mắn mới ổn định được cuộc sống. Phú Quốc là nơi cho tôi cơ hội thứ hai để xây dựng phát triển nên mình phải tìm cách trả ơn. Từ năm 1993, chứng kiến các gia đình nơi đây nghèo khổ, vất vả nên tôi muốn sẻ chia cùng họ".
Đến nay đã chục năm trôi qua, má Bảy đã giúp đỡ hàng trăm, hàng ngàn người nghèo không kể siết. Người dân địa phương mỗi khi nhắc tơi má Bảy đều không khỏi cảm động, tỏ lòng biết ơn chân thành. Không chỉ giúp từng hoàn cảnh nghèo khó, bà còn mạnh tay chi tiền để hỗ trợ cộng đồng.
Năm 2010, khi có chủ trương của Chính phủ về "Chương trình xây dựng Nông thôn mới", bà Trần Thị Hồng đã bỏ ra hơn 13 tỷ mua đất, làm đường cho người dân đi lại thuận tiện. Bà còn bỏ tiền túi xây nhà từ thiện hơn 3,5 tỷ đồng, xây cầu, mua đất làm đường ở tổ 6, ấp Gạch Hàm, xã Hàm Ninh.
Hằng tháng, má Bảy còn tổ chức phát gạo cho người nghèo và nấu 2.000 phần cơm đem đến bệnh viện, các chợ giúp hoàn cảnh vô gia cư. Có lần, nhiều người thấy má chạy cả chục cây chỉ vì nghe mọi người nói có hoàn cảnh này, hoàn cảnh kia cần giúp đỡ.
Mới đây, nữ doanh nhân hào phóng ấy còn sáng lập công ty "Hiệp sĩ đường phố", nhằm phối hợp với chính quyền huyện Phú Quốc bảo vệ an ninh trật tự cho người dân và du khách đến du lịch, nghỉ ngơi. Bà Hồng giải thích, vì khi Phú Quốc lên thành phố, lượng du khách tăng, trật tự an ninh càng phải chú trọng. Bà hi vọng công ty "Hiệp sĩ đường phố" sẽ giúp cơ quan chức năng bảo vệ an ninh trật tự, đem lại bình yên cho bà con địa phương và du khách.
Để liệt kê chính xác những đóng góp của má Bảy trong công tác từ thiện thật quá khó. Khắp nhà nữ doanh nhân ấy treo đầy nhưng bằng khen, giấy khen của tỉnh, Trung ương trao tặng. Bà tâm sự: "Làm việc thiện chỉ mong những ai từng khó khăn giống mình hồi nhỏ sẽ có sự động viên tích cực, mạnh mẽ đứng lên, tiếp tục vượt khó, xây dựng cuộc sống".
Theo Thái Đào/Tuổi trẻ Thủ đô
Xem thêm: Ông thợ sửa xe "chê tiền": Ngày hay đêm gọi đều được, có hay không có tiền cũng làm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận