Bong bóng Uất kim hương: Sự bùng nổ và tan vỡ của bong bóng kinh tế hoa tulip chưa thể lãng quên

Bong bóng Uất kim hương hay còn gọi là Hội chứng hoa tulip là khủng hoảng bong bóng đầu cơ tài sản đầu tiên được ghi nhận, với sự sụp đổ thảm hại chưa thể lãng quên.

Chi Nguyễn
08:15 25/03/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Hội chứng hoa tulip hay là Bong bóng Uất kim hương (tulpenmanie - tulipmania) xảy ra trong thời hoàng kim của Hà Lan, là khủng hoảng bong bóng đầu cơ tài sản đầu tiên được ghi nhận. Khi ấy, giá thỏa thuận của một búp tulip tăng vọt tới mức bất thường, bán với giá gấp 10 lần thu nhập hàng năm của thợ thủ công lành nghề, và đột ngột sụp đổ, tan biến như bong bóng xà phòng.

hoi-chung-hoa-tulip-bong-bong-kinh-te-khong-the-lang-quen
Hội chứng hoa tulip hay là Bong bóng Uất kim hương (tulpenmanie - tulipmania) xảy ra trong thời hoàng kim của Hà Lan, là khủng hoảng bong bóng đầu cơ tài sản đầu tiên được ghi nhận.

Câu chuyện về cơn sốt hoa tulip đã phổ biến đến mức nó trở thành một thuật ngữ dùng để chỉ bất kì một bong bóng kinh tế lớn nào, nôm na hiểu là khi giá tài sản tách rời giá trị nội tại. Theo cuốn sách "Hội chứng cuồng hoa Tulip" (Tulipmania, 2007) của sử gia Anne Goldgar, lịch sử bùng nổ và sụp đổ của bong bóng Uất kim hương Hà Lan đã được ghi lại một cách đầy sinh động. 

Theo thông tin được ghi lại, hoa tulip có nguồn gốc từ Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Một vị đại sứ nhận thấy hoa tulip vô cùng phổ biến tại Constatinople (Istanbul), thủ phủ đế chế Ottoman nên vào cuối những năm 1500, ông đã gửi hạt giống hoa cho một người bạn, đó là nhà thực vật học Carolus Clusius (Charles de L'Écluse) ở Hà Lan. 

hoi-chung-hoa-tulip-bong-bong-kinh-te-khong-the-lang-quen
Nhà thực vật học Carolus Clusius (Charles de L'Écluse).

Trong lịch sử làm vườn, người ta nhớ đến Clusius không chỉ vì học thức uyên bác, mà còn về công trình nghiên cứu về hoa tulip. Ở Đại học Leiden, việc ông trồng bộ sưu tập hoa tulip tại các khu vườn thực vật hortus academicus đã đặt nền móng cho ngành sản xuất búp hoa tulip ở Hà Lan. 

Không chỉ vậy, những quan sát và nghiên cứu của ông về sự "đứt đoạn" của hoa tulip - một hiện tượng mà đến cuối thế kỷ 19 người ta mới biết là do virus "ăn hoa tulip" - đã tạo ra nhiều giống hoa với các sọc khác nhau, gián tiếp dẫn đến hội chứng hoa Tulip những năm 1630. Ông được coi là người đặt nền móng cho việc nhân giống hoa tulip của Hà Lan ngày nay.

hoi-chung-hoa-tulip-bong-bong-kinh-te-khong-the-lang-quen
Những loại hoa tulip thịnh hành thời bấy giờ.

Sau đó, hoa tulip nhanh chóng được ưa chuộng, trở thành một xa xỉ phẩm, là biểu tượng cho địa vị. Chúng được phân thành nhiều nhóm như Couleren - các tulip đơn sắc như đỏ, vàng, trắng; Rosen - tulip đỏ hoặc hồng trên nền trắng; Violetten - tulip màu tím hoặc hoa cà trên nền trắng và loại được ưa thích nhất là Bizarden - đỏ, nâu hoặc tím trên nền vàng. 

hoi-chung-hoa-tulip-bong-bong-kinh-te-khong-the-lang-quen
Những loại hoa được ưa thích nhất: Semper Augustus, Viceroy, và Red-and-Yellow của Leiden

Năm 1636, khi ấy thứ thu hút các nhà đầu tư ở Hà Lan không phải là chỉ số chứng khoán mà chính là giá của những bông hoa tulip. Loài hoa đặc biệt với màu sắc sặc sỡ ấy đã "đốn tim" những nhà làm vườn, khiến lượng cầu vượt hơn hẳn lượng cung. Giá của một bông tulip tăng đến chóng mặt, tạo ra một cơn sốt đầu tư "điên cuồng", khi một số củ tulip hiếm nhất được rao bán với giá tương đương 100.000 USD ngày nay. 

Một nhà thơ khi đó từng viết rằng: "Nếu nhìn vào lợi nhuận từ hoa tulip thì người ta sẽ tin ngay là trên đời chẳng có thuật giả kim nào là hấp dẫn hơn mặt hàng này". Hoa tulip nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi và được rất nhiều người chú ý. Hàng xóm, đồng nghiệp,... chủ tiệm sách, thợ làm bánh,... rỉ tai nhau về bông hoa tulip kì diệu, khiến nhiều người tin rằng cả đất nước Hà Lan đang đổ xô vào hoa tulip.

hoi-chung-hoa-tulip-bong-bong-kinh-te-khong-the-lang-quen
Tác phẩm châm biếm liên quan đến hoa tulip của Jan Brueghel the Younger.

Năm 1636, tulip trở thành mặt hàng xuất khẩu thứ tư của người Hà Lan, đứng sau rượu gin, cá trích và pho mát. Một nhà văn đã chỉ ra rằng, số tiền để mua búp tulip ngày đó có thể mua được những thứ sau: "8 con lợn, 4 con bò, 12 con cừu, 24 tấn lúa mì, 1 con tàu, 1 chiếc giường ngủ, 48 tấn lúa mạch đen, 2 thùng rượu lớn (loại 240 lít), 4 thùng bia, 2 tấn bơ, 453 kg phomat, 1 tách bạc". 

Năm 1637, giá hoa tulip lên đến đỉnh điểm. Khi đó, giá của Switser - một bông hoa tulip màu khá phổ biến - tăng gấp 10 lần, từ  125 florin/pound ngày 31/12/1636 lên đến lên 1.500 florin ngày 03/02/1637. Cơn sốt tulip chạm nóc khi cuộc đấu giá huyền thoại được tổ chức ở thị trấn Alkmaar ngày 05/02/1637 để quyên góp tiền cho trẻ mồ côi. Tại đây, một búp tulip Viceroy được rao bán với giá 4.203 florin và một búp Admirael Van Enchuysen được bán với giá lên tới 5.200 florin, tương đương với hơn 2.000 USD.

hoi-chung-hoa-tulip-bong-bong-kinh-te-khong-the-lang-quen
Giá của hoa tulip trong những năm 1636-1637.

Dù vậy, Bong bóng hoa Tulip cũng nhanh chóng tan biến như khi nó bắt đầu. Sau một thời gian tăng giá đến chóng mặt, giá của tulip bỗng nhiên rơi xuống đến mức không ngờ. Các nhà buôn không khỏi hoảng hốt khi giá búp tulip giảm xuống chỉ còn 1%, thậm chí còn giảm mạnh hơn.  Nhiều người lâm vào cảnh phá sản, tìm cách bán tháo nhưng không thể bù lại vốn ban đầu. Như nhà sử học Anne Goldgar đã viết: "Cơn sốc về bong bóng hoa tulip có thể hiểu được, khi cả một mạng lưới giá trị đối mặt với nhiều nghi vấn".

Ngày 27/4, chính phủ liên bang Hà Lan đành phải can thiệp, tuy nhiên không thể cứu vãn tình hình. Họ đã đưa ra thông báo rằng các quan tòa địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm đưa ra các phán quyết tranh chấp. Dù vậy, phải đến tháng 1/1638 thì tình trạng bế tắc mới được hóa giải, khi các thành phố lập ra những ủy ban độc lập để giải quyết tranh chấp.

hoi-chung-hoa-tulip-bong-bong-kinh-te-khong-the-lang-quen
Các nhà buôn không khỏi hoảng hốt khi giá búp tulip giảm xuống chỉ còn 1%, thậm chí còn giảm mạnh hơn.

Haarlem lập ra Ủy ban các vấn đề về hoa (Commissarissen van de Bloemen Saecken), họp hàng tuần vào thứ 4 và thứ 7, từ 9h-11h sáng và 2h-4h chiều và giải quyết các vụ tranh chấp trong giao dịch hoa. Người vắng mặt sẽ bị phạt 30 stuiver cho lần đầu và 12 florin cho lần vi phạm thứ 3. Giải pháp do Ủy ban được ra là hủy tất cả các hợp đồng và đánh phí 3,5% vào bên mắc nợ. 

Theo Goldgar, hiện chúng ta vẫn chưa biết đâu là nguyên nhân chủ yếu của việc tan vỡ bong bóng hoa tulip. Có tài liệu cho rằng, việc bán tháo bắt đầu từ thương vụ không thành công tại Haarlem. Người khác thì cho rằng, có người đã nhận thấy mức giá hoa tulip cao một cách quá vô lý. Goldgar thì cho rằng, khi ấy lượng cung đã vượt quá nhu cầu, những thương nhân nhỏ lẻ cũng đã có thể tự lai trồng hoa tulip. Dù vậy, một số học giả hiện đại tin rằng cơn sốt này không bất thường như những gì được miêu tả, có người thậm chí còn cho rằng biến động về giá thậm chí còn chưa tới mức của một bong bóng kinh tế.

hoi-chung-hoa-tulip-bong-bong-kinh-te-khong-the-lang-quen
Theo Goldgar, hiện chúng ta vẫn chưa biết đâu là nguyên nhân chủ yếu của việc tan vỡ bong bóng hoa tulip.

Bên cạnh đó, Goldgar cũng chỉ ra một số lầm tưởng về bong bóng hoa tulip. Thứ nhất, không phải toàn bộ tầng lớp thương nhân ở Hà Lan đều lao đao. Trên thực tế, phần lớn giao dịch tập trung tại bộ phận thuộc tầng lớp giàu có, quý tộc. Thứ hai, cuộc khủng hoảng hoa tulip này không phá hủy toàn bộ nền kinh tế Hà Lan, khi nó trùng khớp thời điểm xảy ra một đợt dịch bệnh nguy hiểm xảy ra tại nước này. Sau cùng, người ta vẫn nhớ đến Hội chứng hoa tulip như một bài học đắt giá, bởi nó không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực với xã hội Hà Lan khi đó, mà còn là kinh nghiệm quý báu cho thế hệ sau này trước những bong bóng tài sản khác.

Những lời trăng trối sau cùng của Từ Hi Thái Hậu đầy suy ngẫm về phụ nữ

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận