Chân dung ông Đỗ Anh Dũng: Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, là đại gia bất động sản nức tiếng
Ông Đỗ Anh Dũng đang là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, được coi là "ông trùm" bất động sản.
Đỗ Anh Dũng là ai?
Chiều tối ngày 5/4, theo báo Người Lao Động, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam, lệnh khám xét với ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ông Dũng cùng 6 bị can khác bị bắt để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Đỗ Anh Dũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, sinh ngày 30/7/1961 tại Hà Nội. Ông từng có bằng kỹ sư Đại học Bách Khoa, từng gây "bão" khi trúng đấu giá 2,4 tỷ đồng/m2 đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM. Ông có 3 người con, lần lượt là Đỗ Hoàng Minh, Đỗ Hoàng Việt và Nguyễn anh Sa.
Đỗ Hoàng Minh từng theo học ở Đại học Sorbon tại Pháp, có bwafng MBA về quản trị tài chính. Anh đang là Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh Tập đoàn Tân Hoàng Minh kiêm Giám đốc điều hành văn phòng đại diện ở Singapore của tập đoàn này.
Đỗ Hoàng Việt là con trai thứ, có phần kín tiếng hơn anh trai. Anh có thành tích học tập xuất sắc, đạt điểm GPD 4.0, là 1 trong 2 du học sinh có tên trong “President’s list” của đại học Berkeley College, New York, Mỹ. Anh còn có bằng chuyên ngành Đầu tư bất động sản ở ĐH New York, sau đó đã trở về nước và đảm nhiệm Giám đốc ban Marketing – Truyền thông của Tập đoàn gia đình.
Nguyễn Anh Sa là ái nữ duy nhất của Tân Hoàng Minh, con gái của ông Đỗ Anh Dũng và Hoa hậu Đền Hùng Giáng My. Anh Sa từng du học ở Đại học Lehigh, Philadelphia (Mỹ) với chuyên ngành Marketing, hiện cũng đã về nước và đầu quân cho công ty gia đình.
Sự nghiệp lẫy lừng của ông Đỗ Anh Dũng
Trước khi thành lập Tập đoàn Tân Hoàng Minh ông Đỗ Anh Dũng từng công tác ở Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước ở Hà Nội và TP.HCM từ năm 1984 - 1989. Sau đó, ông đảm nhiệm vị trí Phó TGĐ kiêm Giám đốc Liên hiệp xuất khẩu điện tử quang học ELOPI (Viện Khoa học Việt Nam, phân viện TP.HCM).
16/6/1993, ông Dũng thành lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh - là tiền thân của Tập đoàn Tân Hoàng Minh sau này. Ban đầu, công ty này kinh doanh đa lĩnh vực như vận tải hành khchs công cộng, sản xuất và xuất khẩu mây tre đan, kinh doanh khách sạn, nhà ở, xây dựng,...
Năm 1995, ông Dũng kinh doanh thêm lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe taxi, lập ra thương hiệu Taxi V20. Đến tháng 9/2001, số lượng sẽ của thương hiệu lên tới 1.000 xe, chiếm 25% thị phần ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Nha Trang. Năm 1998, ông đầu tư mạnh các sản phẩm mây, tre đan với thương hiệu "Ratex", xuất khẩu sang thị trường quốc tế như Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ,...
Đến năm 2006, vị Chủ tịch này quyết định hướng Tập đoàn Tân Hoàng Minh vào thị trường bất động sản cao cấp, tạo sự khác biệt trong các sản phẩm và dịch vụ. Kể từ đó, Tập đoàn này tập trung hoạt động trong các lĩnh vực Bất động sản, Quản lý vận hành tòa nhà, Trung tâm thương mại – Giải trí, Sản xuất nội thất, Sản xuất bê tông – Vật liệu xây dựng.
Các công ty thành viên của Tân Hoàng Minh Group gồm có:
- Công Ty Cổ Phần Đầu Tư & Dịch Vụ Khách Sạn Soleil.
- Công Ty Cổ Phần Cung Điện Mùa Đông.
- Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Xây Dựng Phú Thanh.
- Công Ty Tnhh Đầu Tư Bất Động Sản Ngôi Sao Việt.
- Công Ty Cổ Phần Quản Lý Bất Động Sản ALG.
- Công Ty Cổ Phần THM Green.
- Công Ty Cổ Phần Sản Xuất Và Thương Mại THM – Concrete.
- Công Ty Cổ Phần Nhà D’ Land.
Ông Đỗ Anh Dũng và Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã gặt hái nhiều danh hiệu, giải thưởng danh giá. Chẳng hạn, vào năm 2003, ông Dũng đạt Giải thưởng Sao Đỏ, được Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam TP Hà Nội trao tặng danh hiệu “Doanh nhân trẻ Thăng Long” và “Doanh nghiệp trẻ tiêu biểu 2003” TP Hà Nội. Năm 2019, Tân Hoàng Minh Group và ông Đỗ Anh Dũng giành được Giải thưởng Kinh doanh xuất sắc châu Á (APEA) với 2 hạng mục Doanh nghiệp xuất sắc và doanh nhân xuất sắc khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong lĩnh vực bất động sản do Enterprise Asia – Tổ chức phi chính phủ hàng đầu về Kinh doanh tại Châu Á trao tặng.
Tạo "địa chấn" khi trúng đấu giá 2,4 tỷ đồng/m2 ở Thủ Thiêm
Cuối năm 2021, ông Đỗ Anh Dũng khiến giới đầu tư cũng như chuyên gia bất động sản ngỡ ngàng với phi vụ đấu giá đất Thủ Thiêm cao ngất ngưởng. Cụ thể, ông đã đặt ra mức giá "không tưởng", 2,4 tỷ đồng/m2 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. HCM.
Lô đất 3-12 tại Thủ Thiêm được Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên Tân Hoàng Minh) trúng thầu ngày 10/12/2021. Mức giá là 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần giá chào, đưa đơn giá mỗi m2 lô đất này lên ngưỡng 2,43 tỷ đồng một m2. Đây là mức giá đất cao nhất ở TP.HCM, lập đỉnh tại thị trường Việt Nam và gây chú ý tới thị trường quốc tế.
Thời điểm đó, ông Dũng cho biết bản thân cũng bất ngờ với mức giá mà mình bỏ ra để trúng thầu. Vị đại gia này tâm sự, vì lo ngại mảnh đất đẹp nhất Thủ Thiêm về tay người nước ngoài, vì "trào lên lòng tự hào dân tộc", nên quyết định trả giá cao hơn 3%, tương đương 700 tỷ đồng, để giành quyền trúng thầu.
Ông cho biết: "Tôi tin là trong tương lai, Thủ Thiêm sẽ trở thành một trung tâm tài chính tầm cỡ, một đô thị đẳng cấp. Và trong bức tranh chung đó, D'Billionaire của Tân Hoàng Minh sẽ trở thành một điểm nhấn đầy giá trị. Đó sẽ là một công trình nổi tiếng thế giới - một biểu tượng của TP.HCM và Việt Nam đang trên đà tiến bước sánh vai với các cường quốc năm châu!".
Đặt cọc 588,4 tỷ đồng, Tân Hoàng Minh ký hợp đồng mua bán 7 ngày sau phiên đấu giá. Doanh nghiệp sau đó đã có những điều chỉnh, cân đối tài chính để đảm bảo đóng tiền theo đúng tiến độ, quy định cũng như lên phương án thiết kế, đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, sau đó đến ngày 10/1, Chủ tịch Tân Hoàng Minh đã có tâm thư xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất trên.
Trong tâm thư, ông Dũng thừa nhận việc đấu giá hơn 2,4 tỷ đồng/m2 có thể dẫn tới hệ lụy khó lường cho thị trường. Ông viết trong tâm thư: "Chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm và nhận thấy rằng việc đấu giá đất với kết quả nêu trên sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh tế nói chung, bất động sản nói riêng".
Vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, Công ty Ngôi Sao Việt có thể phải mất khoản tiền đặt trước là gần 588,5 tỷ đồng - bằng 20% mức giá khởi điểm của lô đất 3-12 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo khoản 5 Điều 27 Nghị định 62/2015, khoản tiền đặt trước này sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản, sẽ thuộc về ngân sách nhà nước.
Theo VnExpress, báo Lao động & Xã hội, báo Dân sinh
Xem thêm: Vì sao chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận