Chàng trai bị gấu cắn mất chân Phạm Tuấn Hưng và hành phi thường với trái bóng tròn

Bị gấu cắn mất chân từ khi còn nhỏ, nhưng Phạm Tuấn Hưng không để điều đó ngăn cản tình yêu cháy bỏng của cậu với trái bóng tròn.

Chi Nguyễn
14:21 18/08/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Khi còn nhỏ, hẳn chúng ta đều được người lớn nói rằng, hãy cứ mơ mộng thật lớn, bởi biết đâu một ngày nào đó, ta sẽ thực hiện được. Thế nhưng, có những đứa trẻ ngay từ lúc bắt đầu, đã chẳng có quyền được mơ mộng lớn lao đến thế. Những chuyện bình thường như đi lại, chạy nhảy,... với những đứa trẻ ấy cũng là những điều quá xa xỉ. Số phận đôi khi thật nghiệt ngã, bắt ta phải lựa chọn một con đường rất khác. Nhưng dù phải trải qua đau đớn và nhọc nhằn, sau cùng, ta lại trở nên phi thường và đáng quý biết bao.

chang-trai-bi-gau-can-mat-chan-pham-tuan-hung-va-tinh-yeu-voi-bong-da
Phạm Tuấn Hưng - "chàng trai không chân" đầy nghị lực và đam mê bóng đá

Phạm Tuấn Hưng (19 tuổi, thôn 6, xã Hải Tiến, TP Móng Cái, Quảng Ninh) có lẽ chính là một người được số phận lựa chọn như thế. Em được mọi người gọi là "chàng trai không chân" đầy nghị lực, người từng được HLV Park Hang Seo gửi tặng áo đấu.

Ký ức kinh hoàng thời thơ ấu

Chị Mai Thị Thư, mẹ nuôi của Tuấn Hưng gặp gỡ em lần đầu trong bệnh viện vào 19 năm trước. Chị nhận nuôi Hưng, một trong hai đứa trẻ sinh đôi, bởi cậu bé nằm phía ngoài, gần với chị. Với chị, đó là khoảnh khắc mà cuộc đời chị gắn bó với Hưng, dù sau này có khó khăn đến đâu cũng không thể nghĩ tới việc rời bỏ cuộc bé.

Hưng là một bé trai bụ bẫm và kháu khỉnh, rất tươi vui. Năm 2 tuổi, em đã có thể chạy khắp xóm chơi, rất ngoan ngoãn và chẳng lạ ai bao giờ. Thế nhưng, chỉ trách số phận thật nghiệt ngã, khiến Hưng phải mất đi đôi chân của mình.

chang-trai-bi-gau-can-mat-chan-pham-tuan-hung-va-tinh-yeu-voi-bong-da
Chị Mai Thị Thư, mẹ nuôi của Tuấn Hưng

Chị Thư vẫn nhớ như in cái ngày xảy ra ký ức kinh hoàng ấy, là một ngày chủ nhật mùa đông. Chị kể: "Hôm ấy bố Tuấn Hưng đi vắng, chỉ có tôi dẫn con lên trông nhà giúp bác. Tôi ở trong nhà, Hưng ở ngoài vườn. Con loay hoay chơi với chú chó phốc, rồi ngã vào chuồng gấu. Hưng chỉ ngã ở ngoài rìa, nhưng con gấu lấy tay cào vào song cửa, kéo chân thằng bé từ dưới gầm lên, dùng hai chân sau giữ chân thằng bé, lấy mồm ngoạm vào. 

Tôi chạy ra giằng lấy Hưng, van xin nó đừng hại con mình. Lúc đấy xung quanh không có ai vì nhà gần biển, lại đang vào mùa lạnh. Sau cả tiếng đồng hồ, tôi lôi được cháu ra."

Lúc ấy, ai cũng nghĩ rằng Hưng không qua khỏi, ai cũng bảo chị bỏ con đi. Nhưng chị Thư chỉ nói: "Chỉ cần con còn thở, tôi phải cứu con". May mắn đã mỉm cười với Hưng, có người đã hiến máu cho em, và các y bác sĩ đã cố gắng chữa trị hết sức có thể. Sau cùng, em hồi phục, phát triển tốt, nhưng đôi chân ấy thì vĩnh viễn không thể lấy lại được.

chang-trai-bi-gau-can-mat-chan-pham-tuan-hung-va-tinh-yeu-voi-bong-da
Chị Thư nghẹn ngào: "Tôi không muốn mở ra xem lại, đau đớn lắm, chỉ vì mình chăm con không tốt"

Người phụ nữ trung niên run run cầm quyển album ảnh, nơi chứa những bức hình của Hưng khi còn hai chân lành lặn. Chị nghẹn ngào: "Tôi không muốn mở ra xem lại, đau đớn lắm, chỉ vì mình chăm con không tốt".

Nghị lực phi thường của cậu bé không chân

Ít năm sau khi Hưng bị tai nạn, bố nuôi bỏ nhà đi, chỉ còn lại mình em với mẹ nuôi. Chị Thư không ngại, vẫn một mình nuôi con, mặc người đời chê bai "ngu ngốc" vì chăm sóc đứa con khiếm khuyết còn chẳng phải ruột thịt. Chị chỉ nói: "Nhiều người bảo tôi ngu dốt, nhưng tôi dồn hết tình thương cho con. Chồng có bỏ đi thì hai mẹ con nuôi nhau. Hưng không phải con tôi đẻ ra, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ Hưng là con nuôi".

chang-trai-bi-gau-can-mat-chan-pham-tuan-hung-va-tinh-yeu-voi-bong-da
Mỗi khi mẹ đi làm, ở nhà Hưng có thể giúp mẹ mọi việc từ nấu cơm, giặt giũ,...

Có lẽ vì thế mà Phạm Tuấn Hưng càng nỗ lực sống, tựa như một mầm cây bé nhỏ nhưng kiên cường. Không chịu nằm yên một chỗ, em học cách di chuyển trên đôi tay của mình. Những năm tháng đầu đời, em còn cần mẹ ở bên giúp đỡ, nhưng đến giờ đã có thể sinh hoạt và làm mọi thứ độc lập như mọi người. Mỗi khi mẹ đi làm, ở nhà Hưng có thể giúp mẹ mọi việc từ nấu cơm, giặt giũ, dọn dẹp, quét nhà,...

Nhiều khi, nhìn bạn bè đồng trang lứa của Hưng, chị Thư lại nghẹn lòng, xót thương cho số phận của con mình. Thế nhưng, Tuấn Hưng lại không hề buồn bã, trái lại còn động viên mẹ. Em nói: "Ai cũng có 1 số phận, ông trời đã cướp đi của em đôi chân nhưng lại cho em những người bạn tuyệt vời và đặc biệt là 1 người mẹ ở bên yêu thương chăm sóc".

Đam mê cháy bỏng với trái bóng tròn

Hưng kể, mùa hè năm lớp 5, em tới bệnh viện ở Hải Phòng làm phẫu thuật cắt xương, với hi vọng được lắp chân giả. Em cắt bỏ hai xương, tập luyện trong 3 tháng để lắp chân, đau đớn vô cùng. Thế nhưng, thể lực của Hưng lại không đủ để di chuyển trên chân giả, nó nặng quá. Thấy thương, các bác sĩ ở bệnh viện Hải Phòng đã tặng em một chiếc xe lăn. 

chang-trai-bi-gau-can-mat-chan-pham-tuan-hung-va-tinh-yeu-voi-bong-da
Em không trách số phận, không ganh tị với người khác, cũng không buồn bã và ngồi suy nghĩ 'giá như thế này, giá như thế kia'

Em nói: "Ông Trời không cho ai tất cả và cũng chẳng lấy đi của ai tất cả. Em không trách số phận, không ganh tị với người khác, cũng không buồn bã và ngồi suy nghĩ 'giá như thế này, giá như thế kia'. Em chỉ nỗ lực hết sức trong khả năng mình có mà thôi".

Không được lắp chân giả, Hưng hụt hẫng nhưng không nghĩ quá nhiều. Em vẫn tập chơi bóng để thỏa mãn đam mê, dù lúc mới tập chơi đã gặp không ít khó khăn. Không có chân, em không thể đá bóng như các bạn, nhưng điều đó chẳng thể ngăn cản tình yêu cháy bỏng của em với trái bóng tròn. Thấy các bạn chơi bóng đá trên sân, Hưng cứ mon men ra rồi xem các bạn chơi bóng. 

chang-trai-bi-gau-can-mat-chan-pham-tuan-hung-va-tinh-yeu-voi-bong-da
Không có chân, em không thể đá bóng như các bạn, nhưng điều đó chẳng thể ngăn cản tình yêu của em với bóng đá

Xem mãi mà vẫn không thỏa cơn thèm, Hưng bắt đầu tập chơi bóng bằng tay. Chúng bạn thấy vậy, liền cho Hưng một "suất" bắt gôn, dù chưa được đá nhưng cũng đủ làm cậu bé không chân vui vẻ. Em kể: "Một thời gian sau, em nghĩ các bạn chơi bóng được, mình có chút gì đấy của đôi chân thì tại sao không thử cố gắng tập luyện xem sao. Vậy là hàng ngày ngoài giờ ra sân, em ở nhà tập luyện một mình, em lấy bóng sút vào tường, bóng nẩy ra em lại loay hoay tập đỡ. Một thời gian sau, khi tự tin rồi, em mới ra sân và xin đá cho các bạn xem. Xem xong, các bạn bảo: 'Ok, từ giờ cho mày lên đá đấy!'".

Những ngày đấy, sân bóng chỉ là sân bê tông, gần như ngày nào Hưng về nhà cũng xây xát. Bị mẹ mắng, bản thân cũng đau đớn, nhưng em tập làm quen với cảm giác ấy. Quên đi những nỗi đau, em thấy mọi thứ dễ dàng hơn, và cảm thấy rất vui vẻ khi chinh phục được đam mê.

chang-trai-bi-gau-can-mat-chan-pham-tuan-hung-va-tinh-yeu-voi-bong-da
Hiện giờ em đá tiền đạo và có thể chơi được cả trận, các bạn thường chuyền cho em rất nhiều bóng để em ghi bàn

Hưng hào hứng kể: "Các bạn không ngại việc em vào sân đâu, bạn nào cũng thoải mái và quý em lắm. Hiện giờ em đá tiền đạo và có thể chơi được cả trận, các bạn thường chuyền cho em rất nhiều bóng để em ghi bàn. Khi đá bóng, các bạn cũng thường tránh không làm em đau, có lẽ vì thế nên tới giờ em vẫn chưa bao giờ gặp chấn thuơng nặng, dù có tuần em đá cả tuần, dạo này ít hơn thì khoảng 2,3 buổi".

Thần tượng của Tuấn Hưng là thủ môn Bùi Tiến Dũng và Ronaldo, bởi với em cả hai người họ đều rất giàu nghị lực, vượt lên khó khăn để chơi bóng. Nhìn thần tượng của mình trên sân cỏ, em như được tiếp thêm sức mạnh và tình yêu với trái bóng tròn.

Món quà bất ngờ từ tuyển Việt Nam

Trước đó, clip Tuấn Hưng chơi bóng và sút volley một cách thuần thục đã được ghi lại, chia sẻ trên mạng xã hội. Cư dân mạng chia sẻ đoạn clip với tốc độ chóng mặt, vừa khen ngợi vừa thán phục nghị lực của em. Đoạn clip ấy từng giúp em được gặp gỡ danh thủ Đặng Phương Nam, mở ra trang mới cho cuộc đời chàng trai không chân. Em đã trở thành niềm cảm hứng mới cho hàng trăm ngàn người hâm mộ bộ môn thể thao vua.

chang-trai-bi-gau-can-mat-chan-pham-tuan-hung-va-tinh-yeu-voi-bong-da-2
Quang Hải và Tuấn Anh tặng áo cho Tuấn Hưng

Phòng của Tuấn Hưng nằm ở tầng 2 của căn nhà nhỏ, và đó cũng là nơi mà em cất giữ những báu vật vô cùng quý giá. Đó là 3 chiếc áo đấu từ những người hùng bóng đá Việt Nam đã dành tặng em, món quà của Quang Hải, Tuấn Anh và đặc biệt là HLV Park Hang Seo. Đầu tháng 6 năm ngoái, em may mắn được đi xem trận bóng giữa CLB Hoàng Anh Gia Lai và CLB Hà Nội, cũng là cơ duyên giúp em gặp được thần tượng.

Được biết, sau khi xem video Hưng chơi bóng đá với bạn bè, HLV Park đã gửi tặng em chiếc áo đấu. Ông thậm chí còn nhắn nhủ rằng: "Hưng ơi, chào Hưng nhé, tôi đã thấy hình ảnh Hưng chơi bóng rồi. Đừng để mất giấc mơ hãy cố gắng giữ hình ảnh tươi sáng như hiện nay. Luôn vui vẻ với quả bóng thì sẽ nhiều người cảm ơn em lắm đấy, có cơ hội chúng ta gặp nhau nhé, cố lên nhé Hưng!".

chang-trai-bi-gau-can-mat-chan-pham-tuan-hung-va-tinh-yeu-voi-bong-da
Sau khi xem video Hưng chơi bóng đá với bạn bè, HLV Park đã gửi tặng em chiếc áo đấu

Những báu vật ấy như tiếp thêm sức mạnh cho Phạm Tuấn Hưng, khiến em trở nên quyết tâm hơn và sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn, thử thách.

Ước mơ còn bỏ ngỏ

Vừa qua, Phạm Tuấn Hưng giành Huy chương Đồng trong Giải bơi lội quốc gia giành cho VĐV  khuyết tật. Sau khi học bóng đá xong, em bắt đầu học bơi, cũng là lò dò xuống nước rồi tập tành bơi lội. Nhờ có cựu danh thủ Đặng Phương Nam, em được giới thiệu vào đội tuyển bơi lội dành cho VĐV khuyết tật. Đó cũng là lần đầu tiên chàng trai không chân tự bắt xe giường nằm, đi từ Móng Cái vào Đà Nẵng để tham dự đội tuyển bơi lội quốc gia. Bơi chuyên nghiệp tất nhiên rất khác bơi ngoài sông, nhưng rất may em được các thầy cô chỉ bảo tận tình. 

Hưng kể: "Thầy dạy em cách thở, cách bơi chuẩn, tư thế bơi nhanh. Sau 3 tuần tập luyện, em đã bơi được cự ly 600m, rồi sau đó em đạt HCĐ thể thức bơi tự do cự ly 100m – cũng là thể thức cuối cùng em tham dự. Em đã nhắn tin cho chú Nam và mẹ để khoe ngay. Em vui vì đã không làm phụ lòng của mọi người".

chang-trai-bi-gau-can-mat-chan-pham-tuan-hung-va-tinh-yeu-voi-bong-da
Tuấn Hưng tham gia chương trình của danh thủ Đặng Phương Nam

Nói về tương lai, em cho biết ban đầu em mơ được trở thành một vận động viên thể thao khuyết tật. Ở tuổi 18 - 19, Phạm Tuấn Hưng đang đứng giữa những sự lựa chọn quan trọng của cuộc đời. 

Hiện tại, em đang chờ khóa học mới ở Trung tâm đào tạo Công nghệ thông tin cho những người khuyết tật tại Hà Nội do anh Đặng Phương Nam giới thiệu. Trong lúc chờ đợi, Hưng đang thử sức với lĩnh vực mới, đó là streamer game.

chang-trai-bi-gau-can-mat-chan-pham-tuan-hung-va-tinh-yeu-voi-bong-da-3

Chàng trai 10x hào hứng kể, em vốn đã muốn stream game từ lâu, một phần vì hứng thú, một phần là thấy công việc này phù hợp với mình. Hưng kể: "Ban đầu em cứ làm thôi đã, trước mắt là vì đam mê, sau nữa là em có thể được trò chuyện và giao lưu với mọi người. Em muốn thử sức với tất cả những cơ hội mà em có thể chạm tới".

Ban đầu, việc lên sóng có nhiều trở ngại, bởi Hưng rất ít nói và ngại chia sẻ về bản thân. Thế nhưng, dần dà em nhận ra, mình không thể mãi tự gò bó và giới hạn bản thân được. Em cố gắng thay đổi, bày tỏ cảm xúc nhiều hơn, bắt chuyện với người xem để họ cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Hưng nói: "Trong tương lai, nếu em có một công việc gì đó để làm vào ban ngày, ban đêm ngồi streaming game cho mọi người xem thì thật tuyệt!".

Chàng lực sĩ bại não khiến triệu người rơi lệ, là minh chứng "tàn nhưng không phế"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận