Quán cafe võng ấm áp tình người ở TP.HCM: Sẵn lòng cưu mang người cơ nhỡ miễn phí

Để thuê võng ở quán cafe của bà Quy (Tp.HCM), người ta chỉ phải tốn khoảng 20.000 đồng. Thế nhưng, nếu đó là người cơ nhỡ, bà không thu tiền mà lại cưu mang miễn phí

Chi Nguyễn
15:11 16/11/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Sẵn lòng cưu mang người cơ nhỡ

Bà Nguyễn Thị Quy (50 tuổi) là chủ quán cafe võng đêm 439 nằm dọc theo quốc lộ 1A đoạn qua quận Bình Tân, TP.HCM. thoạt nhìn, quán cafe ấy chẳng có gì đặc biệt, thế nhưng nó lại được nhiều người biết đến bởi sự ấm áp tình người. Quán chỉ có khoảng 40 chiếc võng xanh giăng dọc hai bên lối đi, có chỗ tắm giặt cho khách và phía sau có sân cất xe. Đơn sơ là vậy, thu nhập cũng không cao, nhưng bà Quy chẳng ngần ngại làm việc tử tế.

Ông Lê Thanh Tùng (75 tuổi, quê Tiền Giang) là một trong những vị khách lâu năm ở quán võng bà Quy. Ông cho biết: "Mấy nay ve chai sụt giá lắm, giảm gần một nửa. Bữa nào người ta uống bia người ta cho thì tôi lượm được nhiều, hôm nay đi cả ngày nhưng ít quá nên tôi về sớm". Trước khi có dịch, mỗi tối ông thường ra đường Ba Tháng Hai để xin cơm từ thiện, được cho nhiều thì chia cho người khó khăn ăn cùng.

am-long-quan-cafe-vong-cuu-mang-nguoi-co-nho-vo-gia-cu-o-tp-hcm
Ông Hùng bị tai biến đã 2 năm nay, được bà Quy thương tình cho ở lại không thu tiền

Vài tháng trở lại đây, dịch bệnh nguy hiểm nên ông không thể ra đường kiếm sống, không đi xin cơm từ thiện được nữa mà có gì ăn đó. Thấy vậy, bà Quy không ngần ngại giúp đỡ, cho ông một nơi trú thân tử tế. Ông Tùng kể: "Ở đây chủ quán cho tắm rửa, giặt giũ thoải mái, đợt dịch bùng phát mạnh chủ quán giúp đỡ cơm nước, giờ dịch bớt rồi mình phải tự lo, đâu thể để chủ quán lo hoài được".

Ở đây còn có ông Hùng (55 tuổi, quê Tây Ninh), thuê võng ở đây suốt nhiều năm qua. Trước kia ông vốn khỏe mạnh, nhưng không may bị tai biến, mất khả năng lao động. Suốt 2 năm qua, dù ông không kiếm ra đồng nào, bà Quy vẫn thương tình cho ông ở lại.

Ông tâm sự: "Tôi và vợ ly hôn được 10 năm, đứa con gái theo mẹ nó rồi không nhớ tôi nữa. Tôi xuống Sài Gòn chạy xe ôm, thời gian đầu chạy xe đến đâu thì tôi ngủ ở đó, hôm thì ngủ trên xe, ngày ngủ ở vỉa hè. Rồi người ta thấy vậy chỉ xuống đây thuê võng ngủ cho rẻ, có 20.000 đồng, chứ hồi đó giờ làm gì có tiền mà mướn nhà trọ ở. Từ ngày đổ bệnh tai biến đứt mạch máu não, tôi bán xe, bán điện thoại để vô bệnh viện rồi mua thuốc uống. Chủ quán thấy vậy không lấy tiền nữa, còn nấu cơm cho ăn, người ta ăn gì thì chị cho tôi ăn đó. Mấy tháng nay dịch bệnh không có tiền, hết thuốc gân tay chân nó rút lại, duỗi thẳng ra nó đau lắm".

Bản thân gặp khó vẫn giúp đỡ người nghèo vì không đành lòng

Bà Nguyễn Thị Quy tâm sự, bà mở quán võng này tới nay đã được 7 năm, khách thuê chủ yếu là dân tứ xứ, người có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập bấp bênh. Bà tâm sự: "Ai khó khăn quá thì tôi chấp nhận cho họ ngủ lại rồi mỗi ngày nấu cơm cho người ta ăn. Già rồi ở vậy nó vui. Tôi mở quán này hoài, cho họ ở hoài, chừng nào chủ đất lấy đất lại thì tôi mới thôi".  

am-long-quan-cafe-vong-cuu-mang-nguoi-co-nho-vo-gia-cu-o-tp-hcm
Tôi mở quán này hoài, cho họ ở hoài, chừng nào chủ đất lấy đất lại thì tôi mới thôi

Bà cho biết, ban đầu mở quán cafe võng cũng chỉ vì thấy nhiều người khổ quá, không có chỗ ngủ. Ít ra ở đây họ còn có giấc ngủ ngon, chứ ngủ gầm cầu, ngoài đường bà không đành lòng. Có khi vợ chồng, con cái dẫn nhau tới đây ở, người phụ nữ ấy cũng bao tắm giặt, nhà vệ sinh sạch sẽ, nước đá uống thoải mái và chỉ lấy 20.000 đồng mỗi ngày.

Bà Quy cho hay: "Thời điểm dịch bệnh, chính quyền đến kiểm tra nhưng vẫn cho khách ở kẹt lại chừng 20 người mà mình đóng cửa cho họ ở trong nhà luôn. Chứ bắt họ đi ra ngoài, họ mang bệnh họ chết rồi sao, mà đi ra rồi họ ngủ dưới gầm cầu bị đuổi, bị bắt".

Xem thêm: Đào Đặng Công Trung: Vị Giám đốc ham "chuyện bao đồng", miệt mài 10 năm đi săn... rác ở bán đảo Sơn Trà

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận