Đào Đặng Công Trung: Vị Giám đốc ham "chuyện bao đồng", miệt mài 10 năm đi săn... rác ở bán đảo Sơn Trà

Suốt 10 năm qua, anh Đào Đặng Công Trung (Đà Nẵng) vẫn miệt mài với hành trình làm "thợ săn rác", hi vọng có thể giúp bán đảo Sơn Trà luôn xanh - sạch - đẹp.

Chi Nguyễn
14:21 15/11/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nhiều năm qua, người dân ở bán đảo Sơn Trà đã dần nhẵn mặt với người đàn ông miệt mài nhặt rác vào lúc sáng sớm và chiều muộn. Đó là anh Đào Đặng Công Trung (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng). Được biết, anh Trung vốn là Giám đốc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ du lịch Trung Hà Thanh - Danang Ocean Tour, nhưng vì tình yêu thiên nhiên, môi trường mà lại gắn bó với công việc "săn rác" suốt 10 năm trời. 

Vị Giám đốc mê nhặt rác

Cứ đầu giờ sáng hay cuối mỗi ngày, anh Đào Đặng Công Trung lại lái chiếc xe máy đi dọc ven đường, bờ biển, mang theo chiếc túi lớn, một kẹp sắt dài để nhặt rác. Anh Trung kể, anh vốn quê gốc tại Hội An nhưng lại "phải lòng" Sơn Trà rồi gắn bó với bán đảo này từ lâu. Với hệ sinh thái biển phong phú lại nguyên sơ, du khách tới đây du lịch ngày càng nhiều. Thế nhưng, nhiều người hơn cũng đồng nghĩa với việc lượng rác thải nhiều thêm. Thấy vậy, vị Giám đốc này quyết định xắn tay áo ngày ngày đi nhặt rác.

dao-dang-cong-trung-vi-giam-doc-miet-mai-lam-tho-san-rac-suot-10-nam
Anh Đào Đặng Công Trung đã gắn bó với công việc "săn rác" suốt 10 năm trời. 

Những ngày đầu làm công việc này, không ít người nhầm anh là công nhân môi trường, còn bạn bè thì chê anh gàn dở, bao đồng. Dù vậy, anh Trung chẳng hề nhụt chí, vẫn cứ miệt mài đi nhặt rác, làm sạch môi trường. Anh tâm sự: "Mục đích của tôi là lan tỏa từ trong nhà ra người ngoài, ra xã hội. Và quan trọng nhất là làm cho cộng đồng nhận thức được rác thải là tệ nạn, vấn nạn ô nhiễm trực tiếp đến môi trường. Nó làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta, sức khỏe của chúng ta; của những loài động thực vật và thủy hải sản khác sinh sống".

Mỗi tuần anh lại lên Sơn Trà, có khi đi cùng bạn, nhưng hầu hết thời gian là đi một mình. Chẳng có lần nào là anh về tay không, khi ít thì nhặt 10 kg rác, nhiều thì tận 30 kg, nào là vỏ chai, túi ni lông đến áo quần, nón mũ,... Vì lịch trình khá bận rộn, anh lên lịch gom rác định kỳ, thường là áng tầm 6h30 đến 8h, chiều tầm 17h30 đến 18h30, cứ thế 3 lần/tuần. Cứ thế đã 10 năm nay, anh Trung quen với việc làm "thợ săn rác" bên cạnh công việc kinh doanh du lịch.

dao-dang-cong-trung-vi-giam-doc-miet-mai-lam-tho-san-rac-suot-10-nam
Chẳng có lần nào là anh về tay không, khi ít thì nhặt 10 kg rác, nhiều thì tận 30 kg
dao-dang-cong-trung-vi-giam-doc-miet-mai-lam-tho-san-rac-suot-10-nam
Không chỉ chăm chỉ nhặt rác trên bờ, anh còn không ngại việc lặn biển mò rác

Không chỉ chăm chỉ nhặt rác trên bờ, anh còn không ngại việc lặn biển mò rác. Khác với ở trên bờ, rác dưới đáy biển không chịu đứng yên. Vì thế, người lặn buộc phải có sức khỏe tốt, chưa kể còn phải có kỹ năng thuần thục, hơi lặn dài. Đó là chưa kể dưới đáy biển còn vô số loài có độc, không cẩn thận chạm phải có thể bị trúng độc, nặng thì bất tỉnh. Thế nhưng, anh Trung vẫn không ngại nguy hiểm, bởi anh cho rằng đại dương không có rác,  chỉ vì ý thức của nhiều người quá kém nên đã làm mất đi vẻ đẹp thanh sạch vốn dĩ.

Cứ làm việc tử tế, ắt sẽ lan tỏa nhiều người

Có lẽ với nhiều người, những chuyến đi "săn rác" của anh Đào Đặng Công Trung chỉ là muối bỏ bể, bởi lượng rác thải vẫn đang xả bừa bãi mỗi ngày. Thế nhưng, anh vẫn cứ miệt mài làm, đơn giản vì nghĩ rằng đáy biển đang cần anh. Và rồi, mưa dầm thấm lâu, việc làm của anh được nhiều người trẻ biết đến, noi theo. Cứ mỗi cuối tuần, nhiều bạn lại rảo quanh rặng san hô ở bán đảo Sơn Trà, cùng nhau thu gom rác thải. 

dao-dang-cong-trung-vi-giam-doc-miet-mai-lam-tho-san-rac-suot-10-nam
Nhiều bạn trẻ tham gia nhóm phượt lặn biển vớt rác cùng anh Trung để giữ sạch môi trường biển

Nguyễn Hải Đăng là một học sinh lớp 8, khi biết chuyện đã bị thuyết phục bởi sự kiên trì và tâm huyết giữ gìn màu xanh cho Sơn Trà của anh Trung. Vì thế, em đã thuyết phục bố mẹ cho tham gia nhặt rác cùng anh Trung, tham gia nhóm "phượt" đáy biển vớt rác. Đăng tâm sự: "Dưới đáy biển có rất nhiều rác thải từ ngư lưới cụ đến vỏ lon, chai nhựa. Nhiều sinh vật biển vì rác thải nhựa mà bị tiêu diệt. Em muốn cùng anh Trung nhặt rác làm sạch Sơn Trà, giải cứu sinh vật biển".

Với vị Giám đốc này, biển sạch và không rác thải là ước mơ của anh. Vốn dĩ, Sơn Trà có quần thể động thực vật phong phú, nhưng lại vô cùng mong manh. Vì thế, anh hi vọng có thể dọn dẹp rác thải, đem lại sự xanh sạch cho môi trường biển. Anh cho biết: "Tôi sẽ cố gắng duy trì công việc nhặt rác hàng tuần, thậm chí hàng ngày, đến khi nào không còn sức lực nữa mới nghỉ. Biển phải sạch thì san hô và sinh vật biển mới sống được, mới gầy dựng được quần thể sinh vật biển đa dạng và phong phú quanh bán đảo Sơn Trà - hòn ngọc quý của miền Trung".

dao-dang-cong-trung-vi-giam-doc-miet-mai-lam-tho-san-rac-suot-10-nam
Tôi sẽ cố gắng duy trì công việc nhặt rác hàng tuần, thậm chí hàng ngày, đến khi nào không còn sức lực nữa mới nghỉ

Giờ đây, anh Trung đã đưa thói quen "săn rác" thành một hoạt động trong các tour của công ty mình. Cứ thế, trong mỗi tour, anh lại trang bị dụng cụ lặn, vợt vớt rác, giỏ đựng cho du khách và dành ra 15 phút để họ thu gom rác bị vứt bừa bãi tại điểm đến. Chưa kể, công ty còn tiến hành đổi những chiếc túi ni lông khách mang theo sang túi cói để bảo vệ môi trường.

Trưởng Phòng Quản lý và Khai thác du lịch Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, bà Dương Thị Xuân Liễu bày tỏ: "Anh Trung là một tấm gương tiêu biểu để nhân rộng thêm những hình ảnh đẹp về việc cộng đồng cùng chung tay với các cơ quan quản lý Nhà nước trong bảo vệ môi trường sinh thái".

Xem thêm: Ấm lòng với "nghề tay trái" của thầy hiệu trưởng xứ Quảng: Xung phong lái xe, vượt 2.000 km chở hơn 80 F0 đi điều trị

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận