Ra tù với hai bàn tay trắng, 8x mở công ty xây dựng, dạy nghề miễn phí cho người lầm lỗi

Từng là phạm nhân, ra tù với hai bàn tay trắng, anh Trần Tuấn Sùng (Thanh Hóa) đã quyết tâm vượt qua quá khứ, chuyên tâm khởi nghiệp, dạy nghề miễn phí cho người lầm lỗi.

Chi Nguyễn
11:27 25/03/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vào tù ra tội vì buôn tiền giả

Ở thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, cái tên Trần Sùng không phải là điều gì xa lạ. Người dân nơi đây biết anh là người có một quá khứ "đen tối", từng vào tù ra tội, nhưng nay đã thay đổi hoàn toàn, trở thành giám đốc một công ty.

Anh Trần Sùng tên thật là Trần Văn Sùng (SN 1982), hiện đang là Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng hạ tầng Tuấn Thành. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo có 4 anh em ở thôn quê có nghề làm chiếu cói, ngay từ nhỏ đã ý thức được mình phải chăm chỉ học hành để sau này phụ giúp gia đình.

8x-ra-tu-voi-hai-ban-tay-trang-khoi-nghiep-voi-nghe-lam-da-my-nghe
Anh Trần Sùng tên thật là Trần Văn Sùng (SN 1982), hiện đang là Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng hạ tầng Tuấn Thành.

Hồi còn đi học, anh không chỉ chuyên tâm học hành trên lớp, hăng hái tham gia các công tác đoàn thể ở địa phương mà còn rất chăm chỉ phụ giúp gia đình việc đồng áng. Vì thế, năm học lớp 11, anh đã được kết nạp Đảng, trở thành Đảng viên trẻ nhất xã.

Năm 2003, anh Sùng thi đỗ ĐH Nông nghiệp I Hà Nội và là một sinh viên ưu tú suốt cả 4 năm học. Ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp của anh sắp thành hiện thực thì Sùng bất ngờ chọn một hướng đi khác. Anh đã phạm phải một sai lầm "chết người", khi nghe theo bạn bè xấu rủ rê đi buôn tiền giả. Sau đó, mọi sự vỡ lở, anh bị tuyên án 7 năm tù, thi hành án tại trại giam Ninh Khánh, Ninh Bình.

Anh nhớ lại: "Lúc bị kết án tôi như sụp đổ, những ngày tháng đầu ngồi tù bị sụt hẳn 10kg, nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ chấm dứt từ đây. Nghĩ về các em nhỏ, bố mẹ ở quê khiến tôi càng chán nản, nhiều lúc chỉ muốn tìm đến cái chết...". Thế nhưng, đây cũng chính là cơ hội để anh nhìn lại bản thân. Mỗi lần bố mẹ lặn lỗi ra Ninh Bình thăm con, anh Sùng lại càng có thêm động lực để sống, để làm lại cuộc đời.

Sau đó, cơ may đã đến với anh khi trại giam liên kết với một cơ sở làm đá mỹ nghệ tại xã Ninh Khánh để phạm nhân làm. Anh lập tức bị cuốn vào công việc này, rồi tự nhủ mình phải học bằng được nghề đá mỹ nghệ, sau này ra tù còn làm "cần câu cơm".

Khởi nghiệp công ty xây dựng, dạy nghề miễn phí

Tết Nguyên đán năm 2009, Chủ tịch nước đưa ra quyết định đặc xá cho những người cải tạo tốt, khi ấy anh Sùng mới thi hành án được 29 tháng 3 ngày. Anh nhớ lại: "Ra tù, tôi còn nhớ như in lời đại tá Phạm Hữu Học (Giám thị trại) căn dặn, ai cũng có lầm lỗi. Điều quan trọng là phải biết đứng dậy, sửa chữa lỗi lầm và sống lương thiện. Vấp ngã ở đâu thì đứng dậy ở đấy. Hãy dùng nghề đá mỹ nghệ học trong trại để ra kiếm sống, làm lại cuộc đời".

8x-ra-tu-voi-hai-ban-tay-trang-khoi-nghiep-voi-nghe-lam-da-my-nghe
Anh Sùng đang hướng dẫn công nhân sử dụng máy cắt CNC.

Thế nhưng, ra tù với hai bàn tay trắng, lại mang tiếng là phạm nhân nên dù đi từ Bắc vào Nam tìm việc làm thuê, anh vẫn bị người ta kỳ thị. Chán nản, không biết phải làm gì thì anh chợt nhớ đến lời đại tá Học từng dặn: "Nếu về quê làm nghề mà chưa tự tin, cháu quay lại đây chú sẽ xin cho cháu học thêm nghề này, nếu cháu quyết tâm", rồi quay lại trại giam học nghề. Sau vài tháng, anh rời trại, về quê khởi nghiệp.

Khi ấy, vốn liếng của anh Sùng chẳng có gì, mà nghề này rất cần phải có vốn. Sau cùng, anh quyết định cầm cố xe máy em gái nhường cho để đi lại, cầm cố 10 triệu đồng và mua đá về để làm. Anh tâm sự: "Ban đầu tôi phải đi khắp các xóm, làng xem nhà ai làm nhà, làm mộ thì tiếp thị. Với giá nhân công rẻ hơn, tay nghề tốt, sản phẩm đẹp nên hàng đá mỹ nghệ của tôi nhanh chóng chiếm được lòng tin của mọi người".

8x-ra-tu-voi-hai-ban-tay-trang-khoi-nghiep-voi-nghe-lam-da-my-nghe
Khu xưởng của anh hiện có khoảng 50 công nhân, thu nhập mỗi người từ 6-7 triệu đồng/tháng.

Cứ thế, xưởng đá mỹ nghệ của anh phát triển dần, đến nay đã có thể duy trì gần chục thợ chính. Thu nhập cũng mỗi thợ cũng khấm khá, được hơn 10 triệu đồng/tháng. Sau đó, anh mở rộng và lập công ty xây dựng, tạo công ăn việc làm cho khoảng 50 công nhân, thu nhập mỗi người từ 6-7 triệu đồng/tháng. Anh cũng tìm tòi, mở thêm sàn giao dịch bất động sản để kiếm thêm đồng vào.

Không chỉ vậy, anh còn nhận thêm việc dạy nghề miễn phí cho những người có hoàn cảnh lầm lỗi như anh, vừa ra tù, chỉ có hai bàn tay trắng. Anh dạy họ nghề đá mỹ nghệ, giúp đỡ họ bước đầu lập nghiệp, hiện tại nhiều người đã ổn định và thành đạt.

8x-ra-tu-voi-hai-ban-tay-trang-khoi-nghiep-voi-nghe-lam-da-my-nghe
Anh nhận được nhiều bằng khen, giấy khen nhờ nỡ lực vượt khó của mình.

Anh Sùng tâm sự: "Từng là phạm nhân, tôi rất hiểu và chia sẻ với những người lầm lỗi. Tôi sẵn sàng đón nhận bất cứ ai mới ra tù có trí hoàn lương muốn học nghề. Tôi sẽ dạy miễn phí cho họ, mong họ sẽ hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế, xã hội". Mới đây, anh Sùng đã được nhận bằng khen của Bộ Công an, Trung ương Hội Thanh niên Việt Nam và Bằng khen của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Chuyện ông Tám Bi ở Cần Thơ khởi nghiệp với rau muống, xây 6 cây cầu tặng dân

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận