Chuyện về "8 kẻ phản bội" và cái nôi khởi đầu của Thung lũng Silicon

"8 kẻ phản bội" khi đó thực chất là 8 nhân viên cũ của phòng thí nghiệm bán dẫn Shockley, đã bắt tay thành lập Fairchild Semiconductor, cái nôi của Thung lũng Silicon.

Chi Nguyễn
15:33 21/02/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thung lũng Silicon (Silicon Valley) hiện nay là "bến đỗ" của hàng trăm công ty công nghệ nổi tiếng thế giới, nằm ở phía Nam vịnh San Francisco. Cụm từ "Silicon Valley" lần đầu tiên xuất hiện trong loạt 3 bài viết của cây bút Don Hoefler, đăng tải trên tờ báo Electronics News ngày 11/1/1971. Kể từ đó, "Silicon Valley" gắn liền với công nghệ, đặc biệt là Big Tech như Apple, Google, Facebook, Intel, Oraclem,...

Bối cảnh ra đời

Để hiểu về sự xuất hiện của Thung lũng Silicon, ta nên tìm hiểu về bối cảnh lịch sử khi đó. Năm 1904, người ta phát minh ra ống chân không (vacuum tube), là linh kiện mạch điện tử cần thiết để điện thoại, vô tuyến, truyền hình hoạt động được thời bấy giờ. Có thể hiểu rằng, trước khi Al Gore tạo ra Internet, ta cần máy tính; để làm ra máy tính, ta cần bo mạch; và trước khi có bo mạch, ta có ống chân không. 

8-ke-phan-boi-da-lap-ra-cai-noi-cua-thung-lung-silicon-the-nao
ENIAC Computer – Máy tính kỹ thuật số điện tử đầu tiên

Danh hiệu máy tính kỹ thuật số điện tử hoàn toàn đầu tiên được trao cho ENIAC Computer. ENIAC được phát triển tại Đại học Pennsylvania từ giữa năm 1943 và 1945 bởi hai Giáo sư, John Mauchly và J. Presper Eckert. Những sự kiện lịch sử sau đó như Thế chiến II, Chiến tranh lạnh hay cuộc đua không gian sau vụ phóng vệ tinh Sputnik đã đẩy ông nghệ ống chân không đạt tới giới hạn.

Ống chân không bắt đầu trở nên đắt đỏ, kém hiệu quả, nhất là khi ta so với vi chip hiện nay. Lúc ấy, máy tính ENIAC lấp đầy căn phòng 6x12m, nặng 30 tấn, sử dụng hơn 18.000 ống chân không, và ta chỉ được vận hành 50% bởi ống chân không rất dễ cạn kiệt, sản sinh nhiệt nhiều vô kể. Đã đến lúc ống chân không phải thay đổi, và rất may điều đó đã xảy ra.

"Bố già bóng bán dẫn" 

Người góp phần quan trọng trong việc phát minh ra bóng bán dẫn là nhà vật lý học William Shockley. Ông có bằng Cử nhân Khoa học của ĐH Caltech, bằng Tiến sỹ của MIT. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc ở Trung tâm nghiên cứu Bell Labs nổi tiếng của nhà mạng AT&T. Cuối những năm 1940, ông cùng với Walter Brattain và John Bardeen đã phát minh ra bóng bán dẫn thay thế ống chân không. Phát minh này có nhiều ưu điểm, chúng nhỏ hơn, hiệu quả hơn, bền và rẻ hơn, khiến cho máy chủ hiện nay có thể thu nhỏ lại. 

8-ke-phan-boi-da-lap-ra-cai-noi-cua-thung-lung-silicon-the-nao
William Shockley - "bố già bóng bán dẫn". Ảnh: Physics Today

Sau khi phát minh ra bóng bán dẫn, Shockley rời Bell Labs và thành lập công ty riêng. Ông liên hệ với thầy giáo cũ của mình là Arnold Beckman, người cũng là CEO Beckman Coulter và đề nghị thầy đầu tư 1 triệu USD để mở phòng thí nghiệm. Năm 1956, ông thành công thuyết phục người thầy của mình mở Phòng thí nghiệm bán dẫn Shockley tại Mountain View, California.

Không lâu sau khi mở phòng thí nghiệm, chiêu mô hàng loạt kỹ sư tài năng nhất nước, ông Shockley cùng hai đồng nghiệp cũ nói trên đã thắng giải Nobel Vật lý danh giá. Từ đó, William Shockley được dân tình gọi là "bố già bóng bán dẫn".

8-ke-phan-boi-da-lap-ra-cai-noi-cua-thung-lung-silicon-the-nao
Sở hữu bộ óc lỗi lạc, nhưng nhà vật lý học này lại là một người quản lý đáng sợ. Ảnh: Investing Caffein

Sở hữu bộ óc lỗi lạc, nhưng nhà vật lý học này lại là một người quản lý đáng sợ, khiến nhân viên e dè. Ông bắt nhân viên tham gia mọi bài kiểm tra, từ tâm lý học, trí tuệ đến phát hiện nói dối, hoang tưởng rằng họ sẽ đánh cắp bí mật thương mại và phá hoại dự án. Ông công khai lương của nhân viên, ghi âm các cuộc điện thoại, không bao giờ chia sẻ các phát hiện của mình. Chưa kể, "bố già bán dẫn" còn là một kẻ phân biệt chủng tộc, tin rằng người da màu thua kém về mặt di truyền, IQ thấp, không nên sinh con.

"8 kẻ phản bội" đặt nền móng cho Thung lũng Silicon

1 năm sau khi Phòng Thí nghiệm Bán dẫn Shockley thành lập, số lượng nhân viên đã đạt tới 30 người. 8 người trong số đó gồm Sheldon Roberts, Eugene Kleiner, Victor Grinich, Jay Last, Julius Blank, Jean Hoerni, Robert Noyce và Gordon Moore đã không chịu nổi cách quản lý của William Shockley, quyết tâm rời đi.

8-ke-phan-boi-da-lap-ra-cai-noi-cua-thung-lung-silicon-the-nao
8 kỹ sư gồm Sheldon Roberts, Eugene Kleiner, Victor Grinich, Jay Last, Julius Blank, Jean Hoerni, Robert Noyce và Gordon Moore đã quyết định bỏ đi

Họ liên lạc với Arthur Rock, cử nhân MBA Harvard khi đó để nhờ sự giúp đỡ. Rock là người khai sinh ra cụm từ "nhà đầu tư mạo hiểm", tin rằng 8 kỹ sư ấy xứng đáng được chú ý nhờ kinh nghiệm làm việc cùng người đã thắng giải Nobel. Thời điểm đó, "8 kẻ phản bội" (Traitorous 8) kì vọng có thể tìm một ông chủ có thể thuê cả nhóm, nhưng Rock đã khuyên họ khởi nghiệp.

Sau khi lên danh sách và gọi cho 40 công ty bluechip để gọi vốn, Rock rơi vào tình cảnh tuyệt vọng. Phải nói rằng, ý tưởng khởi nghiệp khi đó rất xa lạ, chỉ có trong tiểu thuyết vào thập niên 50. Thế nhưng, ông đã thành công thuyết phục Sherman Fairchild, CEO của hãng sản xuất máy ảnh và trang thiết bị Fairchild Camera & Instrument. Cuối cùng, Fairchild đã đầu tư 1,5 triệu USD lúc bấy giờ vào startup của Traitorous 8. 

8-ke-phan-boi-da-lap-ra-cai-noi-cua-thung-lung-silicon-the-nao
Traitorous 8 bắt tay thành lập Fairchild Semiconductors (FCS) tại Moutain View, là cái nôi của Silicon Valley

Mọi chuyện sau đó thuộc về lịch sử, Traitorous 8 bắt tay thành lập Fairchild Semiconductors (FCS) tại Moutain View. Công ty của họ nhanh chóng dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn, phát triển vượt bậc. Đến năm 1960, FCS trở thành "vườn ươm" của Silicon Valley, và cái nôi của vô số doanh nghiệp Big Tech như Intel, AMD.

Năm 1968, bức xúc với cách quản trị bộ phận bán dẫn ở FSC, thêm cả việc không được làm CEO, Robert "Bob" Noyce đã rủ rê bạn mình là Gordon Moore rời đi. Cả hai lại liên hệ với ông Rock để nhờ trợ giúp, được huy động 2,5 triệu USD để khởi nghiệp với Intel. 3 năm sau, Intel phát hành IPO và tiếp tục phát triển vượt bậc, trở thành một trong các tập đoàn công nghệ lớn nhất hành tinh. 

Thời bấy giờ, người ta ví Robert "Bob" Noyce như "Thomas Edison của Silicon Valley". Ông học Tiến sỹ tại MIT và nổi tiếng nhất với phát minh vi mạch (IC), từng nhận bằng sáng chế đầu tiên vào năm 1961. So với Noyce, Gordon Moore là một người khá kín tiếng, có phong cách lãnh đạo lặng lẽ. Đóng góp lớn nhất của ông là "Định luật Moore", rằng "số lượng bóng bán dẫn sẽ tăng gấp đôi mỗi 1-2 năm". 

8-ke-phan-boi-da-lap-ra-cai-noi-cua-thung-lung-silicon-the-nao
Nếu không có họ, Thung lũng Silicon không được khai sinh và thế giới hẳn sẽ rất khác so với những gì chúng ta đang sống ngày nay

Đến nay, tuy tốc độ tăng trưởng bóng bán dẫn đã chậm lại, nhưng những gì mà "8 kẻ phản bội" để lại vẫn còn nguyên giá trị. Nếu không có họ, Thung lũng Silicon không được khai sinh và thế giới hẳn sẽ rất khác so với những gì chúng ta đang sống ngày nay.

Theo ITCNews

Xem thêm: Học thuyết Thiên nga đen với Omicron: George Soros, Warren Buffett kiếm tiền từ khủng hoảng ra sao?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận