Cố vấn viên hé lộ lý do vì sao ta nên thử làm việc cho startup ít nhất 1 lần trong đời
Theo vị cố vấn này, làm việc trong các công ty startup sẽ giúp ta rèn luyện kỹ năng cũng như sẵn sàng đối mặt với biến cố.
Pushpendra Mehta là một cố vấn, nhà văn kiêm nhà tiếp thị nổi tiếng. Ông là tác giả cuốn sách bán chạy "Observe to Unmask: 100 Small Things to Know People Better" (Tạm dịch: Quan sát để bật mí: 100 điều nhỏ để hiểu về mọi người rõ hơn).
Trên Entrepreneur, vị cố vấn này từng chia sẻ: "Trong giai đoạn suy thoái kinh tế năm 2008, tôi đã bỏ một công việc rất tốt để bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực xuất bản điện tử và truyền thông trực tuyến. Dù từng làm việc với các doanh nghiệp lớn trước đó, nhưng chỉ khi tôi bắt đầu tiếp xúc với thế giới của các công ty khởi nghiệp, tôi mới nhận ra đây là nơi ươm mầm tuyệt vời cho các kỹ năng cần thiết - giúp tôi có thể vượt qua các cuộc khủng khoảng kinh tế". Mehta đã chỉ ra 4 lý do ta nên thử sức làm việc ở startup ít nhất 1 lần trên đời:
Luôn có tình huống bất ngờ
Không giống như các tập đoàn lớn thường làm việc trong môi trường ổn định nhiều năm, các startup sẽ thường xuyên phải đối mặt với các biến cố bất ngờ. Đồng nghĩa với việc nhân viên của công ty khởi nghiệp sẽ thường xuyên phải đối mặt với sự hỗn loạn, mơ hồ, nghi ngờ và tình huống bất thường.
Điều đó đã giúp họ rèn luyện sự linh hoạt, nhanh nhạy trong việc ra quyết định. Nhờ đó, ta sẽ có khả năng phán đoán tốt hơn, có thể kiểm soát các kết quả có thể xảy ra hiệu quả hơn để ứng phó với những biến đổi trong tương lai.
Sống chung với áp lực
Các công ty khởi nghiệp thường có môi trường căng thẳng, áp lực, đòi hỏi ta phải kiểm soát bản thân và đưa ra giải pháp sáng tạo nhất. Môi trường chứa đựng nhiều sự thay đổi bất ngờ đó rèn luyện ta trở nên mạnh dạn, tăng cường khả năng chấp nhận rủi ro và thất bại, và từ đó phát triển được hướng đi cho riêng mình và tiến bộ nhanh hơn.
Ngoài ra, môi trường startup cũng giúp ta tự chủ hơn, bền bỉ hơn, có chí hướng thực hiện hơn. Nói cách khác, làm việc trong môi trường startup khiến ta làm quen với việc là người nắm dây cương của cuộc đời.
Có cơ hội gặp mặt trực tiếp với lãnh đạo
Mehta cho biết: "Tôi đã làm việc tại một công ty tư vấn tài chính tiêu dùng và thẻ tín dụng được thành lập bởi một nhân viên ngân hàng kỳ cựu. Cơ hội làm việc trực tiếp với chủ sở hữu công ty tại đây đã giúp tôi hiểu sâu hơn về những gì cần thiết để mở rộng quy mô doanh nghiệp, nâng cao giá trị thương hiệu và học cách quản lý hiệu quả các tài khoản khách hàng trọng yếu của công ty".
Ngoài ra, công việc đó cũng cho phép ông tìm tòi và phát hiện cách thức giải quyết vấn đề mà ông chưa từng thử trước đó. Mehta đã có cơ hội học cách quản lý trang web, viết thông cáo báo chí, bài báo cũng như hiểu vì sao việc quan tâm tới khách hàng lại mang lại lợi thế. Ông nhận định: "Điều này đã giúp tôi có cơ hội tốt khi tôi bắt đầu hành trình lập nghiệp trong thời kỳ suy thoái kinh tế 2007-2009".
Liên tục đổi mới
Các công ty khởi nghiệp thường có cơ cấu tổ chức tinh gọn, và ta phải tham gia với nhiều vai trò và vị trí trong công ty. Điều này cũng khến các đóng góp trong công việc của ta trở nên rõ ràng hơn, dễ làm ta cảm thấy yêu thích và tự hào với công việc.
Pushpendra Mehta cho hay, cha ông đã làm việc cho một ngân hàng quốc tế hàng đầu suốt 30 năm, giúp ông có sự ổn định về sự nghiệp, dễ thăng tiến và có cơ hội làm việc với nhiều chuyên gia đa lĩnh vực đến từ những quốc gia khác nhau. Dù vậy, vị cố vấn này cho rằng: "Ngày nay sẽ thật là sai lầm khi nghĩ rằng những người trẻ hơn thế hệ Boomers là Millennials và Gen Z sẽ có được được đảm bảo việc làm ổn định trong một thế giới đang trải qua những thay đổi quan trọng về kinh tế - xã hội, văn hóa, chính trị, luật pháp và môi trường".
Theo Entrepreneur
Xem thêm: Lời khuyên của tỷ phú Mark Cuban cho các công ty startup: Đừng bán hàng từ sự tuyệt vọng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận