4 lời khuyên quản lý tài chính sai lầm mà nhiều người đang tin "sái cổ": Tằn tiện chưa chắc đã hay
Đây là những mẹo quản lý tài chính được chia sẻ rất rộng rãi, nhưng theo chuyên gia Natalie Taylor thì đó là những lời khuyên sai lầm.
Các mẹo tiết kiệm không phải lúc nào cũng đúng, bởi chúng ta có mức thu nhập và chi tiêu khác nhau. Điều đáng buồn là không phải ai cũng đủ tỉnh táo để phân tích đúng - sai, liệu điều đó có phù hợp với mình không rồi lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười.
Natalie Taylor là nhà hoạch định tài chính có tiếng, Trưởng bộ phận Tư vấn Tài chính của Monarch Money. Ngoài ra, bà cũng là một diễn giả nổi tiếng về tài chính cá nhân với 10 năm kinh nghiệm, 9 năm trong lĩnh vực fintech. Theo Taylor, đây là 4 mẹo quản lý tài chính sai lầm mà nhiều người hay làm theo:
Dựa vào năm cũ để tính toán chi tiêu năm mới
Có một lời khuyên tài chính khá phổ biến vào dịp năm mới là: "Khi bắt đầu lên kế hoạch chi tiêu cho năm mới, hãy nhìn vào chi tiêu năm vừa rồi để ước lượng". Tuy nhiên, theo Natalie Taylor, đây là một lời khuyên không tưởng.
Việc phân tích chi tiêu của 1 năm là điều không hề dễ dàng, với nhiều người đây còn là điều quá sức. Thậm chí, một số người không muốn hoặc không dám nhìn lại các khoản chi tiêu của họ trong 1 năm qua vì cảm thấy tội lỗi hay sợ bị đánh giá.
Thay vào đó, vị chuyên gia này tin rằng ta chỉ nên nhìn lại chi tiêu tháng trước đó. Đồng thời, hãy liệt kê những khoản tiền lớn dự kiến phải chi trong năm mới và lên kế hoạch cho nó. Như vậy, ta có thể dự toán ngân sách và tiết kiệm nhiều thời gian hơn.
Chi tiết đến từng đồng xu lẻ
Việc liệt kê ngân sách đến từng đồng xu lẻ không phải lúc nào cũng hiệu quả. Một kế hoạch chi tiêu đầy những khoản như tiền gửi xe 5.000 đồng, mua chai nước 7.000 đồng,... quá chằng chịt và nhiều chi tiết thừa. Nếu như ngân sách của ta quá chi tiết, ta dễ cảm thấy thiếu linh hoạt và nghĩ rằng việc duy trì theo dõi chi tiêu quá mệt mỏi.
Vì thế, theo vị chuyên gia này, tốt hơn hết ta nên để tối đa từ 10-15 đại danh mục mà thôi. Như thế ta sẽ dễ theo dõi, phân loại chi phí hơn cũng như tự do hơn trong việc chi tiêu.
Tiết kiệm tối đa để dự phòng cho tương lai
Việc tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp là điều quan trọng, nhưng hãy nhớ rằng hiện tại còn quan trọng hơn. Tằn tiện từng đồng chưa chắc đã hay, mà ta hãy tìm cách cân bằng giữa tiết kiệm và tận hưởng cuộc sống.
Thay vào đó, hãy tiết kiệm một cách từ từ và tăng dần theo thời gian. Chẳng hạn, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách tiết kiệm 1% khoản tiền mang về nhà mỗi ngày, sau đó đặt mục tiêu tăng khoản tiết kiệm lên 1% sau mỗi sáu tháng và mỗi khi chúng ta được tăng lương.
Sắp xếp chi tiêu theo nhu cầu để loại bỏ mong muốn
Việc xem xét các khoản chi tiêu theo nhu cầu đòi hỏi ta phải đánh giá từng quyết định chi tiêu xem đó là thiết yếu hay tùy hứng. Điều này khiến ta dễ có cảm giác tội lỗi và né tránh không muốn làm. Thay vì phân loại mọi khoản chi tiêu theo "nhu cầu" hay "mong muốn", hãy lọc chi tiêu qua một lăng kính khác được gọi là "chi phí hạnh phúc".
Chi phí hạnh phúc là thang đo mức độ hạnh phúc hay hài lòng hoặc giá trị ta thu được sau khi chi tiêu. Nếu ta muốn cắt giảm chi tiêu, hãy cân nhắc giữ lại các khoản mang lại hạnh phúc cao và loại bỏ các khoản mang lại hạnh phúc thấp.
Taylor chia sẻ: "Ngân sách lớn giúp chúng ta tự do tận hưởng và cân bằng cuộc sống hôm nay với tiết kiệm cho tương lai. Không cần mặc cảm tội lỗi, không xấu hổ, không phán xét - chỉ cần chi tiêu khôn ngoan hơn mỗi ngày".
Theo Business Insider
Xem thêm: Lời khuyên tài chính hữu ích cho năm mới: Tiết kiệm tiền không phải cách nhanh nhất để ta giàu có
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận