Ý tưởng "Ngôi nhà 100 đồng" của anh bí thư "ve chai" dốc sức trẻ giúp người nghèo
Mô hình “Ngôi nhà 100 đồng” tại xã Tân Thành (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) được bà con địa phương ủng hộ hết mực.

"Ngôi nhà 100 đồng" là công trình thanh niên của xã Tân Thành (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) được khởi xướng bởi Đặng Phúc Xuân. Chàng trai 9X được người dân nơi đây gọi bằng cái tên thân mật: Bí thư ve chai.
Với vai trò là Bí thư Đoàn Thanh niên xã, Xuân luôn trăn trở làm gì để giúp đỡ cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn. Hơn 100 đoàn viên thanh niên trong xã hầu hết đều là những người có tuổi đời rất trẻ, kinh tế chưa vững. Họ chỉ có sức trẻ và sự nhiệt tình để giúp đỡ cộng đồng. Vì thế, Xuân đã nghĩ ra cách thu gom vỏ lon, vỏ chai nhựa vừa để gây quỹ vừa giữ gìn cảnh quan môi trường địa phương.

Xuân cho biết: “100 đồng tương ứng với trị giá của một vỏ lon bia, lon nước ngọt khi bán "đồng nát". Với phương châm tích tiểu thành đại, các vật liệu phế thải có thể tái chế này tuy giá trị nhỏ nhưng vẫn mang lại một khoản tiền cho quỹ Đoàn. Từ đó có thể giúp được những hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã”.
Tân Thành là một xã vùng khó của Tây Nguyên, diện tích rộng và dân cư thưa. Nhưng các thanh niên vẫn rất nhiệt tình lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh công cộng. Qua việc tuyên truyền từ người thân tới hàng xóm, bạn bè... Dần dần, hoạt động ý nghĩa của "Ngôi nhà 100 đồng" thu hút sự ủng hộ của nhiều người.
Nhiều người dân có thói quen tích cóp vỏ lon, chai lọ nhựa đã qua sử dụng để bán. Khi nhóm của Xuân tới thuyết phục quyên góp để gây quỹ, họ sẵn sàng ủng hộ.

Để không mang tiếng “cướp cơm”, Xuân gặp và trao đổi thẳng thắn với những người đi thu mua phế liệu. Tất cả đồ được người dân ủng hộ sẽ bán lại cho chính những người thu gom phế liệu đó. Lần lượt, mỗi lần "phá kho thóc" sẽ bán cho một người bằng với giá họ đi thu mua từng nhà.
Xuân tâm sự: “Lúc mới triển khai “Ngôi nhà 100 đồng” tôi rất lo lắng. Tôi không ngờ hoạt động này nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đoàn viên thanh niên và bà con trên địa bàn đến thế. Nhất là các chủ tiệm tạp hóa và những gia đình có tiệc cưới hỏi, cỗ bàn… Có cả những người dân rất nhiệt tình giúp đỡ hoạt động của nhóm như bác thương binh Nguyễn Văn Bé”.

Theo lời Xuân kể lại, ông Bé là chủ một tiệm tạp hóa nhỏ trong xã. Mỗi khi có khách mua nước ngọt hay uống nước tại quán, ông đều tuyên truyền cho khách hàng của mình về việc giữ môi trường xanh sạch đẹp và ủng hộ vỏ lon cho “Ngôi nhà 100 đồng”. Thậm chí, đi tập thể dục buổi sáng hay đi đâu thấy vỏ lon, vỏ chai, ông Bé đều nhặt mang về ủng hộ.
Cứ sau 2-3 tháng, khi số lượng vỏ chai lọ... tích lũy trong "Ngôi nhà 100 đồng" đầy lên sẽ bán cho người mua phế liệu. Sau 10 tháng đi vào hoạt động, “Ngôi nhà 100 đồng” đã thu gom được hàng chục nghìn vỏ lon, vỏ chai… góp vào quỹ Đoàn thanh niên số tiền gần 10 triệu đồng.

Trước tết Nguyên đán, với số tiền thu được, Xuân cùng các thành viên trích quỹ mua 12 suất quà, mỗi xuất trị giá 300.000đ tặng cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã. Đồng thời, hỗ trợ cho Hà Văn Hải (SN 1993) vay 5 triệu đồng (không tính lãi) để phát triển kinh tế.
Văn Hải nói: "Số tiền 5 triệu đồng không phải là lớn với nhiều người, nhưng đối với “Ngôi nhà 100 đồng” thì đây là một số tiền rất lớn. Mong rằng thời gian tới hoạt động ý nghĩa này sẽ được lan tỏa và nhân rộng. Qua đó sẽ giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn giống như tôi”.

Hoạt động nhỏ nhưng ý nghĩa vì cộng đồng rất lớn từ "Ngôi nhà 100 đồng" do Xuân khởi xướng được nhiều người ủng hộ. "Tuy số tiền thu được không nhiều nhưng là niềm vui của tất cả mọi người. Giúp được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Được sẻ chia, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình ai cũng vui. Hi vọng thời gian tới công trình sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa", Xuân nói.
Theo Lam Giang/Vietnamnet
Xem thêm: Thương trò nghèo vùng cao, cô giáo chẳng ngại vất vả lặn lội hàng trăm km đi "gieo chữ"
Đọc thêm
Suốt 4 năm qua, chàng trai Ninh Việt Trí đi khắp nơi vận động, kết nối chỉ với một mục đích cao đẹp: Mang con chữ về cho các em có hoàn cảnh khó khăn thông qua các lớp học tình thương.
“Tôi làm thiện nguyện từ tâm, miễn sao ăn ngủ ngon không bị quấy rầy kiểu sao kê, minh bạch…” - người đàn ông mê làm thiện nguyện Trương Văn Tâm chia sẻ.
Hơn 10 năm qua, ông giáo Lê Trọng Kính tìm mua rất nhiều xe đạp cũ ở khắp mọi nơi về sửa chữa lại rồi tặng cho học sinh nghèo, người có hoàn cảnh kém khó khăn.
Tin liên quan
"Hầu hết, chúng ta đều muốn phát triển nhưng lại không dám thoát ra khỏi vùng an toàn. Còn tôi, thời điểm đó, sẵn sàng giải thoát bản thân mà không cần sự đồng ý của bất cứ ai. Tôi yêu bản thân, trân trọng bản thân mình hơn hết thảy.", Lisa nói.
Tác phẩm văn học tồn tại cụ thể qua văn bản ngôn từ - một cấu trúc vô cùng chặt chẽ, sinh động gồm nhiều yếu tố với nhiều cấp độ và nhiều quan hệ khác nhau.
Đêm ấy, chàng thi sĩ đến bên vợ và ôm chặt nàng trong vòng tay, âu yếm hôn nàng, nồng nàn, cuống quýt... Nhưng lại đột ngột dừng lại, bỏ ra ngoài phòng.